Nở rộ phong trào chơi chim cảnh ở Krông Pak

Nở rộ phong trào chơi chim cảnh ở Krông Pak

Thời gian gần đây phong trào chơi chim cảnh trên địa bàn huyện Krông Pak diễn ra sôi động. Chỉ tính riêng thị trấn Phước An đã có 5 hội chơi chim. Bình quân mỗi hội có từ 7-10 người tham gia. Không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo, hễ ai có chim cảnh hay, đẹp là có thể tham gia, với tiêu chí vui chơi để nâng cao đời sống tinh thần.

Các hội chơi chim ngày càng thu hút được nhiều người tham gia. Loại chim hay chơi ở đây gồm có chích chòe, khướu, họa mi, chào mào. Phổ biến nhất vẫn là chim chào mào vì đây là giống chim bình dị, dân dã, dễ tìm, có thể mua ở nhiều nơi mà không mất nhiều tiền, dễ chăm mà lại toát lên vẻ đẹp quý phái, vương giả, hùng dũng, kiêu sa. Hơn nữa chúng lại có giọng hót lúc vang dội, uy dũng, lúc ngân nga mượt mà; những thế đấu khác nhau làm ngây ngất người xem. Nào là thế xệ cánh, cúp cầu uy nghiêm hùng dũng, nào là mềm mại lả lơi khi múa dụ. Giá chim dạo này dao động từ 50.000 đồng cho tới cả triệu đồng/con, gồm các loại: gián cánh, bạch đề, bạch tạ. Một điểm đến quen thuộc của người yêu chào mào là mấy quán cà phê có vườn cây. Nhưng cũng có thể là các quán cà phê ven đường, đoạn ngã tư. Cứ sáng chủ nhật những chú chim chào mào được dân chơi cẩn thận vận chuyển đến, thật nhẹ nhàng gỡ bỏ vải trùm, sắp lại cóng nước, cóng cám… Để rồi những chiếc lồng được treo lên trên giàn cao, cũng có khi là để luôn dưới đất và những chú chim thỏa sức vươn cao giọng hót.

Dân chơi chim quây quần bên những chiếc lồng chào mào.
Dân chơi chim quây quần bên những chiếc lồng chào mào.

Những con chào mào được dân chơi tìm chọn phải là những con chim lanh lợi, lí lắc. Cặp ức tức là hai viền lông đen bên ngực nó phải to, khá dài và gần đụng nhau thì mới là quý hiếm. Nói về mũ, tuy mũ chim rất phong phú, thấp, cao, to, nhỏ nhưng chỉ có hai loại thường được nuôi nhiều nhất là mũ lân và mũ rơm. Mũ rơm tức là to đều từ gốc tới đỉnh mũ cao thẳng đứng khá cong, và mũ lân là cong y như sừng đầu lân vậy. Cặp chân phải to dài, tướng chim đòn dài (thân hình dài). Nếu miệng chim mỏng ngắn thì siêng hót. Riêng loại ngũ đoản là phải ngắn hết mới quý, như: thân hình ngắn, chân ngắn, miệng ngắn, mũ cong ngắn, đuôi ngắn, riêng ức phải dài thì mới quý. Trong quá trình nuôi phải có biện pháp huấn luyện tiếng hót, tiếng ché thì sau này thi đấu mới hay được. Mỗi người có mỗi phương pháp khác nhau, tuy nhiên dân sành chơi chim thường treo lồng chim non cạnh lồng một con chim đã trưởng thành, hót hay, ché mạnh để chim non học tiếng hót, tiếng ché. Thức ăn của chim cũng góp phần quan trọng trong việc ảnh hưởng đến “phong độ” thi đấu của chim. Thường dân chơi chim hạn chế cho chim ăn thức ăn chế biến sẵn bán ở các cửa hàng mà tự đi kiếm mồi trong tự nhiên cho chim ăn như côn trùng, trứng kiến.

Mặc dù khá bận rộn với việc nương rẫy nhưng anh Nguyễn Văn Tuấn (nhà ở xã Hòa Tiến cách thị trấn 7 km) chủ nhật nào cũng mang lồng chim ra thị trấn để giao lưu, học hỏi những người chơi chim khác. Thời gian thường là vào khoảng 7 giờ sáng, lúc đó ánh mặt trời mới ló chim chào rất thích tắm nắng. Anh tâm sự: “Mình mang chim ra đây để được cùng anh em nhìn ngắm, bàn luận con chim nào hay, con chim nào đẹp, chứ không có cầu lợi gì…”. Còn anh Vũ, chủ một quán phở ở thị trấn, mặc dù thời gian khá bận rộn nhưng anh cũng nhiệt tình đưa chim chào mào đến tham gia. Hiện tại anh Vũ đang sở hữu nhiều chú chim chào mào hót hay, múa đẹp có giá hàng triệu đồng. Anh còn sắm cho chú chim chào mào yêu thích một chiếc lồng khảm trai, có giá vài triệu đồng.

Ngoài việc chọn chơi chim đẹp, hót hay, lồng “đỉnh”, giới chơi chim ở đây còn đầu tư tiền triệu cho những phụ kiện đi kèm như cống đựng thức ăn, nước uống cho chim. Có những bộ cống có giá gần chục triệu đồng như những bộ cống được làm bằng gỗ quý. Đối với các loại cống bình dân được làm từ sứ, thủy tinh, nhựa thì có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Ngọc Hân