Bình minh thức giấc đã có thể thấy con chích choè than đậu chót vót trên cành cao cất giọng trong vắt dìu dặt khoan thai. Bên kia hồ nước là giọng con chim gọi vịt nhịp nhàng chậm rãi. Chúng sẽ hót như thế hàng giờ đồng hồ không chán. Người nuôi chim lâu năm sẽ biết rằng con chích choè yêu tiếng hót của mình đến thế nào. Nó phải trải qua quá trình tập luyện hàng năm trời “hót chuyện”. Rồi mới tập tành “hót sổng”. Con chim càng già giọng hót càng phức tạp đa âm sắc và luyến láy điệu đàng. Vài con còn múa trong lồng.
Chim hoạ mi hoặc chim khướu có âm thanh trong trẻo núi rừng. Người ở phố hoá ra được nghe giọng hót những loài chim này nhiều hơn cả. Đơn giản vì quanh thành phố có đến hàng chục cái chợ buôn bán chim cảnh. Nhiều gia đình trong phố cũng nuôi chim mi chim khướu như một thú vui thanh bạch của mình. Giọng con hoạ mi cất lên làm ta có thể hình dung ra rất rõ những cánh rừng Tây Bắc, Việt Bắc chập chùng lau xám mà mình từng đi qua. Người chơi lão luyện còn có thể phân biệt được hoạ mi Cao Bằng hay Lạng Sơn và những nơi khác. Con chim khướu cất giọng nỉ non như mở rộng một không gian vắng vẻ buồn. Nghe như có âm hưởng vang vọng của khe núi bổng trầm hoang vắng sương mù.
Nhiều hơn cả là những loài chim đồng bằng. Con chào mào sống tự nhiên ở phố chành choẹ trong các lùm cây cổ thụ từ sáng sớm. Mùa quả đa chín chúng kéo đi thành đàn tìm thức ăn. Dưới đường đầy quả chín vàng rụng rơi cũng là lúc trên tàng cây náo nhiệt từ sáng đến chiều. Tiếng hót con chào mào vụng về ngô nghê như đám trẻ vừa vỡ tiếng dậy thì. Ngày xưa rất ít người chơi loài chim này bởi chính cái sự đông đàn dài lũ của nó. Chẳng có gì là quý hiếm cả. Ra ngoại thành có thể gặp hàng đàn lớn luồn lách trong những thửa ruộng trồng cà chua đến mùa quả chín. Mùa đông có giống chào mào xanh trên rừng tránh rét bay về. Tiếng hót của chúng hoà vào nhau huyên náo chẳng ra thể thức nào cả. Dĩ nhiên bây giờ cũng vẫn không có ai chơi giống chim này.
Con chim vành khuyên gần như nhỏ nhất trong họ nhà chim nhưng lại có nhu cầu thức ăn vượt trội. Nuôi nó trong lồng ngày nào cũng phải cho ăn uống đầy đủ không chỉ một lần. Nó là loài chim đông đảo dân số có lẽ vào bậc nhất. Ở thành phố có thể nghe thấy tiếng hót từ sáng tinh mơ trên các lùm cây quanh năm. Trong những công viên, vườn hoa có thể gặp từng đàn lớn. Vùng nông thôn trồng nhiều cây ăn quả và lấy gỗ lại càng nhiều hơn nữa. Người bẫy chim chuyên nghiệp có thể bắt được hàng trăm con một ngày. Thế nhưng may mắn cho loài chim này chính là tiếng hót của nó. Tìm được con chim già dặn có giọng hót hay vô cùng khó. Hàng trăm con chưa chắc đã chọn được một con. Cho nên phần lớn chim bẫy được đều đem bán làm chim phóng sinh. Chim khuyên hót sổng lúc sáng sớm trên ngọn cây cao rất hiếm khi nhìn thấy được. Chỉ nghe dìu dặt líu lô những tiếng hót mảnh mai sắc lẹm. Chim khuyên đàn líu ríu bay luồn trong tàng cây đã trở thành kí ức bền chặt của dân phố. Nghe tiếng đàn chim bay qua rất dễ hình dung ra những mặt hồ công viên hay mướt xanh tán lá phượng đầu hè.
Chim cu gáy có lẽ là loài chim hót lớn nhất được nuôi làm cảnh. Nó có sức sống kỳ diệu không giống chim nào so được. Nhiều người chơi chim nuôi cu gáy trong lồng vài chục năm khoẻ mạnh là chuyện thường. Chiếc lồng cu thường chật hẹp chỉ nhỉnh hơn kích thước con chim tí tẹo. Nó sẽ lười biếng cất tiếng gáy khi ở lồng rộng hơn. Giống chim được nuôi dưỡng rất lâu đời này hoá ra lại chưa bao giờ được thuần dưỡng. Kể cả chim nuôi thương phẩm ấp nở trong lồng hễ cứ sểnh ra là bay mất. Người thì bảo nó là loài yêu tự do. Nhưng cũng có người gán cho nó cái danh hiệu bất nghĩa. Hà Nội những năm mới tiếp quản 1954 vẫn còn là một thành phố vắng vẻ với hơn ba chục vạn dân. Chim cu gáy hoang dã còn khá nhiều trong phố. Phía Vườn Bách Thảo, Bệnh viện Hữu Nghị hoặc những con đường Hoàng Diệu, Lò Đúc và ngoài bờ sông Hồng sẩm chiều vẫn âm vang tiếng gáy. Trên những nóc nhà ngói cao thỉnh thoảng vẫn thấy chim cu gáy gù đậu thanh bình.
Chim cu gáy gắn liền với hình ảnh một làng quê trù phú Bắc Bộ. Nơi có những luỹ tre dày vây kín quanh làng. Tiếng chim gù tạo thành một không gian rất rõ ràng ranh giới. Về nông thôn chơi hỏi đường có khi được người dân chỉ ngón tay về hướng có con chim đang gáy phía bờ tre rậm rạp. Giờ thì chuyện ấy đã trở thành kỷ niệm. Rất ít ngôi làng Bắc Bộ còn giữ được lũy tre dày dặn ngày nào. Quanh thành phố ruộng đất biến thành nhà cao tầng gần hết. Không còn trồng trọt nữa cũng đồng nghĩa với việc chim gáy hết thức ăn. Muốn nghe con chim gáy hoang dã cất giọng mỗi chiều có thể phải đi xa hàng ba bốn chục cây số.
Người già ở phố vẫn thiết tha với từng tiếng chim hót để hình dung ra những không gian sống mà mình đã từng ở đấy. 1.2018