Một “lão làng” trong giới chơi chim ở TP thổ lộ với tôi, vào những ngày giữa thu, chim chích choè bắt đầu sung sức, chúng hót rất hay và cũng dễ đá nhau nhất. Từ khoảng thời gian này đến sau Tết Nguyên đán 2 – 3 tháng, tiếng của chim chích choè hay nhất trong năm, vậy nên người chơi chim trong thời gian này hầu như ngày nào cũng bỏ một khoảng thời gian ngắn trong ngày để thưởng thức.
Chích choè là tên gọi dân gian của chim chìa vôi. Có hai loại chìa vôi: than và lửa. Chim chìa vôi than có lông đầu và thân, lưng đen tuyền, lông bụng màu trắng, đuôi đen nhiều hơn trắng, cánh thì xen lẫn trắng – đen. Chìa vôi lửa có lông cổ đen tuyền, lông thân có màu vàng đỏ rất đặc trưng (đỏ hơn màu vàng cam nhưng chưa đạt tới màu đỏ), lông đuôi chìa vôi lửa có màu đen bên trên và màu trắng tinh phía dưới; bên trên phần nối giữa thân mình và đuôi có một chòm lông trắng lớn rất đẹp.
Tùy vào từng người chơi mà sở thích nghiêng về chích choè than hay chích choè lửa. Hai loại này có những đặc trưng rất riêng. Chích choè lửa có màu sặc sỡ và thân hình mảnh dẻ, đầu thon, mắt tròn to, mỏ dài, đuôi dài bằng thân. Chích choè than có thân hình cục mịch hơn, nhìn bề ngoài xấu hơn nhiều. Nhưng khi nghe chúng hót, có lẽ người ta dựa vào đó để cho biết chúng là anh em gần với nhau vì giọng hót không khác nhau nhiều.
Chìa vôi lửa không khoẻ mạnh bằng chìa vôi than nên khi đá, thì than với than mà lửa thì với lửa. Sau mỗi trận đấu, chim được đưa ra một khay đựng nước có chụp lồng, vào đó mặc sức vùng vẫy, tắm táp. Nhìn chim tắm cũng là cái thú của người chơi chim. Để nuôi được một con chim chích choè chọi được cũng là kỳ công.
Người chơi chim sành điệu cũng không nhận biết chim hay, dở từ đầu mà phải qua thử thách thực tế mới chọn ra được. Có khi chim nhìn rất đẹp, lông mượt, dài, móng vuốt đều đẹp nhưng không hay; ngược lại, có chú trông xuềnh xoàng nhưng lại cực kỳ “ác chiến”. Chích choè cũng hơi… chảnh, hay bị cảm, khẹt khẹt và ho. Để chữa cho chúng cũng phải dùng tới Tây y.
Để luyện chim đá, người nuôi dùng một cái gối nhỏ bỏ vào lồng. Chích choè theo đó mặc sức mà đâm, gù, mổ. “Công phu” này cũng cần thời gian khá dài. Chim chọi hay thường sau 1 năm tuổi. Trong suốt thời gian đó, chim được ăn sâu sống do người nuôi hoặc đi bắt về, chăm sóc chu đáo và được “luyện công”.