NUÔI YẾN PHỤNG TẬP THỂ
Trong việc nuôi và kinh doanh chim cảnh nhỏ, khi người nuôi với số lượng lớn có khi lên đến hàng ngàn cặp, thì nếu nuôi theo cách thông thường nghĩa là nuôi từng cặp trong một lồng thì chi phí cho việc chăm sóc và vệ sinh rất cao. Do đó người ta đã nghĩ ra một cách nuôi khác đó là nuôi tập thể để giảm bớt chi phí đầu ra, cách làm này giống như chúng ta chơi aviary vậy nhưng quy mô thì lớn hơn nhiều vì đó là công việc kinh doanh mà. Sau đây Lý Vũ xin trình bày phương pháp nuôi chim Yến Phụng theo cách ấy để các bạn tham khảo.
XÂY DỰNG CHUỒNG TRẠI
Chuồng thường được làm theo hình hộp chữ nhật, tuỳ theo số lượng chim nuôi mà ta làm chuồng lớn hay nhỏ sao cho mật độ phân bố thích hợp là được. Chuồng được chia làm 2 phần : phần nhà và sân
1. Phần nhà :
Phần này chiếm khoảng 1/3 diện tích chuồng là vừa, được xây bằng gạch, lợp mái sao cho thật kín không để kẻ hở để chim thoát ra ngoài, phần nhà có 2 cửa : 1 cửa rộng ăn thông với phần sân (cửa này không cần làm cánh mà chỉ cần có ô cửa là đủ để chim dễ bay ra bay vào) và cửa để người bên ngoài đi vào (cánh cửa phải được đóng kín và nên làm 2 lớp,để tránh khi mở cửa làm sảy mất chim). Phần nhà là nơi chim trú mưa, trú nắng và sinh sản do đó các tổ đẻ phải đặt trong này, các tổ chỉ cần máng vào vách tường và chia đều khoảng cách các tổ với nhau .
2. Phần sân :
Phần sân được nối liền với phần nhà , phần này chiếm 2/3 diện tích chuồng, được bao bọc phía trên và xung quanh bằng lưới 1 phân. chiều cao của khung lưới phải trên 2 m. Trong sân ta thiết kế những rãnh nước hay hồ nhân tạo để chim tắm và uống nước, ngoài ra phài bố trí nhiều sào dài , cây cối để làm chỗ đậu cho chim . Chọn một chỗ thích hợp nào đó trong sân đặt máng ăn , cóng khoáng . Tóm lại phần sân là nơi sinh hoạt của bầy chim, giúp chim được gần gũi với thiên nhiên, sống khỏe mạnh, đồng thời giúp người nuôi khi ngắm nhìn đàn chim sinh hoạt như ngoài tự nhiên sẽ hiểu thêm về tập tính của chúng cũng như được thư giãn, giải trí sau những ngày lao động mệt nhọc.
Mô hình chuồng nuôi tập thể
3. Tổ đẻ theo cách nuôi tập thể :
Tổ Yến Phụng trong cách nuôi riêng từng cặp là tổ rộng chiều ngang nhưng chiều cao thấp, nếu dùng tổ này trong chuồng tập thể thì chim con dễ lọt ra ngoài rớt xuống đất do nó tự mò ra cửa tổ hoặc bám vào chân mẹ, mà chim non đã rớt ra ngoài nếu không phát hiện kịp thì sẽ chết vì đói và lạnh. Vì vậy các nhà điểu học đã thiết kế ra 1 dạng tổ khác dùng cho chuồng tập thể mà tôi sẽ trình bày cho các bạn ngay sau đây :
Đó là 1 hình hộp dựng đứng, bề ngang 12 cm, chiều cao 20 cm. Mặt đáy khoét lòng chảo đường kính độ 9 cm để trứng tụ vào cho chim mẹ dễ ấp. Phần trên là nắp đậy có bản lề đóng mở để dễ kiểm soát chim và vệ sinh tổ. Mặt trước khoét 1 lổ tròn đường kính 4 cm để chim ra vào, dưới cái lỗ tròn đó gắn thẳng góc với tổ 1 khúc cây tròn cỡ ngón tay trỏ dài độ 10 cm, để chim đậu trước khi vào tổ. Ưu điểm của kiểu tổ này là chim non khó lọt được ra bên ngoài .
Tổ đẻ dùng cho nuôi chuồng tập thể
ĐIỀU HÀNH CHUỒNG TRẠI
1. Cung cấp lương thực :
Ai đã từng nuôi Yến Phụng đều biết, mỗi ngày 1 cặp chim ăn khoảng 20 gr kê+lúa. Nếu cặp đó đang nuôi con thì tốn khoảng 40 gr kê+lúa. Lấy con số đó nhân với số lượng cặp chim đang nuôi ta sẽ biết số lương thực sẽ được cung cấp hằng ngày, khi nuôi nhiều chim ta phải bố trí máng ăn sao cho đủ dài để chim được đứng ăn thỏa mái tránh giành giật. Ngoài ra nước uống, rau xanh, khoáng chất cũng phải cung cấp đầy đủ .
Yến phụng sinh hoạt ngoài trời
2. Kiểm soát ổ đẻ :
Chim thả vào chuồng tập thể lần đầu, nên chọn chim tơ có cùng lứa tuổi, số lượng trống mái bằng nhau, sau này cỡ năm bảy năm ta loại bỏ 1 lần và thay lứa mới vì lúc này chim đã già nên sinh sản kém. Số lượng tổ phải nhiều hơn số cặp chim khoảng 10% nhằm tránh tình trạng chim giành tổ cắn mổ nhau. Tổ phải đánh số thứ tự để tiện việc theo dõi, điều này cũng dễ vì Yến Phụng có đặt tính khi đã sử dụng tổ nào thì sử dụng cả đời luôn chứ không thay đổi tổ như những loài chim khác. Điều cần nhất là tuyệt đối không di dời vị trí tổ đẻ vì sẽ làm cho chim bị sốc, và có thể sẽ làm sốc lây những cặp chim khác.
Nhiệm vụ chính của người kiểm soát ổ đẻ là kiểm tra loại bỏ trứng không cồ, rồi tùy theo đó dồn trứng, dồn con sao cho thích hợp, lập sổ theo dõi chất lượng sinh sản, sức khỏe của từng cặp chim. Khi chim con ra ràng thì bắt nhốt riêng để đem bán sau đó vệ sinh tổ đẻ để chim cha mẹ chuẩn bị đẻ lứa sau .
3. Vệ sinh - Chăm sóc :
Nuôi Yến Phụng tuy không dơ bẩn như gà, vịt nhưng chỗ nào có đồ ăn rơi vãi là có ruồi bọ, vì vậy ta phải quét dọn chuồng trại hằng ngày .
- Tổ nào có lứa chim ra ràng sau khi bắt con ra phải cạo rửa sạch sẽ, đem phơi nắng xong đem treo vào chỗ cũ.
- Rau cho chim ăn phải rửa sạch sẽ, ngâm thuốc tím pha loãng hoặc khử bằng khí ozon để diệt ký sinh trùng tránh cho chim bị bệnh đường ruột.
-Máng ăn, máng uống luôn được cọ rửa sạch sẽ, luôn thay nước mới.
Ngoài ra người nuôi phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của bầy chim, khi có chim nào bệnh thì cho ngưng sinh sản bắt nhốt riêng để tiện chăm sóc. Còn khi thấy có chim chết trong chuồng thì xem là trống hay mái xong bắt 1 con cùng giống nuôi dự trữ bên ngoài thả vào nó sẽ tự tìm con chim lẻ bạn mà bắt cặp. Dĩ nhiên sau đó phải tìm hiểu xem con chim đó vì sao chết để tìm cách lo liệu cho cà bầy chim. Yến Phụng nuôi trong chuồng tập thể tuy khỏe mạnh hơn nuôi nhốt từng cặp nhưng chết vì nguyên nhân này, khác vẫn thường xảy ra, nếu chỉ là số ít thì cũng không cần quan tâm nhiều .
Một điều nữa cần quan tâm là thường xuyên kiểm tra lưới bao quanh sân có chổ hở nào không khiến chim theo đó bay ra ngoài, Yến Phụng mà thoát ra khỏi chuồng là vô phương bắt lại.
Vào mùa mưa bão, chim đều trú trong nhà, vì vậy ta cũng nên nghĩ đến việc lo chỗ đậu và ăn uống cho chim ngay trong nhà.
Yến phụng sinh hoạt trong nhà
ƯU & KHUYẾT ĐIỂM TRONG CÁCH NUÔI TẬP THỂ SO VỚI NUÔI LỒNG
1. Ưu điểm :
- Nuôi nhiều mà đỡ tốn lồng. Tiền làm lồng cho cùng số lượng chim nuôi nhiều gấp mấy lần tiền lưới bao quanh sân.
- Ít tốn công vệ sinh, chăm sóc hơn.
-Tiết kiệm được lương thực hơn, như các bạn đã biết chim nuôi lồng nhỏ thì thức ăn bị rơi vãi rất nhiều.
- Đỡ chiếm diện tích chuồng trại hơn .
- Chim khỏe mạnh hơn so với nuôi lồng .
2. Khuyết điểm :
- Khó kiểm soát sự sinh sản của từng cặp chim.
-Chim đẻ không được sai. Ước tính nuôi cách này sẽ thiệt hại về số lượng chim non được sinh ra từ 20 đến 30% so với việc nuôi lồng .
Relate Threads
Yến phụng EU
bởi stargemini,