Những ai đã từng sống qua cái thời bao cấp gian khó trước đây đều biết đến cái vật này, cái thời nhà nhà đều chưa có cái tủ lạnh như bây giờ. Ở thành phố, cái chạn được đóng bằng gỗ, nông thôn người ta làm bằng tre. Hình thức thì giống nhau, công dụng như nhau đều là nơi để gia đình cất giữ thức ăn, nó có ngăn riêng chống được Ruồi, muỗi, chuột, bọ. Cái chạn hay còn gọi là gạc- măng -giê (garde manger) Ngày ấy nghèo khó nên cũng chả có thức ăn gì lưu cữu quá 2 ngày nên chả cần lạnh, chủ yếu là để tránh gián, chuột chui vào và con Mèo ko ăn vụng được. Nhiều nhà để tránh lũ Kiến leo lên người ta còn kê 4 cái chân chạn lên 4 cái bát mẻ, đổ ngập dầu luyn tránh Kiến. Tầng trên cùng thoáng mát bởi 3 phía được gắn lưới sắt mắt nhỏ, có cánh cửa với cái khóa gỗ xoay ngang đóng bằng đinh guốc hoặc cái khuy móc cửa được dùng để cất đồ ăn, liễn mỡ, hũ đường… tầng giữa úp bát đũa và có thể là những cái nồi nhỏ. Tầng dưới cùng là vài ba cái hũ dưa Cà hay chai nước mắm dở, túm hành tỏi khô, sấp lá bánh đa nem còn lại, lọ lạc sống và úp xoong nồi, chảo…gầm chạn cao là nơi con Chó thích chui vào nằm nhất cho nên sau này các Cụ hay ví các chàng trai đi ở rể nhà vợ như “Chó chui gầm chạn” là vậy ! Cái Chạn đã gắn bó với người Việt Nam qua rất nhiều năm khốn khó, lũ trẻ con đi học, đi chơi về đến nhà là lục Chạn xem có gì ăn không, có khi chỉ là củ khoai, củ sắn hấp cơm còn để lại trong cái bát chiết yêu miệng loe cũng đủ ấm lòng. Cái Chạn có lọ muối vừng, có bát mắm dở, có tý Tép rang, vài quả Cà thâm đen khô khốc đủ để ăn nốt bát cơm nguội vét nồi. Có lần để cửa Chạn hé mở, có con chuột nhắt mò vào thế là mấy đứa trẻ sập cửa Chạn hò nhau bắt… Cái Chạn chứa đựng cả một thời khốn khó, hiếm có nhà nào có sơn hào hải vị chứa trong cái vật đơn sơ ấy. Nó bình dị nhưng là vật ko thể thiếu trong nhà cùng cái Bếp kiềng đun rơm củi, xoong nồi đen nhẻm, nấu cơm khói bay mù mịt thơm mùi rơm mới. Cái Chạn đi vào tiềm thức tuổi thơ, thân thuộc. Nhớ lắm ! Theo phunuhiendai