Trên thế giới người ta thường chia Canary thành 3 nhóm lớn: Canary hót (Song type Canary), Canary màu (Canary colors type) và Canary hình dáng (tạm dịch-Canary figura type). Mỗi nhóm, đến lượt mình, lại được chia ra thành nhiều phân nhóm nhỏ, có những điểm đặc trưng riêng biệt của mình, không lẫn lộn với những phân nhóm còn lại. Dĩ nhiên Yến hót thì vẫn có những màu sắc khác nhau và Yến màu thì vẫn có thể hót hay. Nhưng ở mỗi nhóm, người nuôi tập trung duy trì và phát triển những đặc tính khác nhau.
Lấy ví dụ nhóm Canary hót: hiện nay có những phân nhóm được thế giới công nhận mà mình biết như sau:
Russian Canary (Nga), Timbador (Tây Ban Nha), German Roller (Đức) , American singger (Mĩ)...
Có thể so sánh với âm nhạc của con người: cũng là nhạc nhưng có rock, có pop, có jazz... thì những nhóm yến hót cũng có những âm tiết, nhịp điệu và cách thể hiện giọng hót đặc trưng của riêng mình. Chỉ cần nghe chúng hót, các chuyên gia về Canary có thể phân biệt được xuất xứ quốc gia của chúng! Tuyệt chưa?!
Tương tự với 2 nhóm còn lại, dựa vào những điểm đặc trưng riêng biệt, ngưới ta đánh giá mức độ thuần chủng của mỗi loài lai tạo, từ đó phân tích và xếp hạng những chú chim tham gia trong các cuộc thi.
Qua hình có thể phân biệt tương đối rõ tông màu intensive và non-intensive trên mỗi màu sắc của chim.
THỨC ĂN CHO CHIM YẾN
Từ kinh nghiệm nuôi chim cảnh của bản thân kết hợp với tham khảo sách vở, trại chim của các nhà nghiên cứu nuôi chim cảnh nổi tiếng trên thế giới, tôi nhận thấy một trong những sai lầm của đa số người nuôi chim cảnh ở nước ta là cho chim một chế độ ăn quá đơn điệu, không đủ chất, trong khi ngoài thiên nhiên chúng ăn một hỗn hợp thức ăn đa dạng hơn rất nhiều. Nhiều người vì cưng chim nên chỉ cho chim ăn hạt kê đắt tiền không thôi, hoặc chỉ dùng lòng đỏ trứng mà không dùng lòng trắng, trong khi thực ra lòng trắng trứng mới chính là nguồn cung cấp đạm chủ yếu. Chính vì vậy mà trong khi tại các bird farm kinh doanh chim cảnh trên thế giới rất thường gặp những chú chim Canary hoặc Gouldian Finch đã 7-8 năm tuổi vẫn còn sung sức, hót hay, sinh đẻ tốt... thì ở VN thật hiếm gặp những chú chàng lớn tuổi như vậy mà vẫn còn phong độ. Thường nếu để chim sinh sản nữa thì chỉ trụ được 2-3 năm!
Dĩ nhiên những vấn đề khác trong chăm sóc cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng chim cảnh sống không đủ tuổi thọ của chúng, nhưng không thể không nhìn nhận tầm quan trọng của chế độ ăn hợp lí. Sau dây là vài kinh nghiệm của tôi trong việc cho Canary ăn:
1-Thức ăn hạt: đa dạng, sử dụng tất cả các loại hạt nhỏ vừa miệng chim mà VN có thể tìm được.
Công thức thông thường của tôi: 50% kê (bao gồm tất cả các loại kê vỏ vàng, kê vỏ đỏ, kê vỏ trắng với số lượng bằng nhau hoặc nhiều kê vàng, nhiều kê đỏ hơn tuỳ mùa), 20% hạt yến mạch, 20% hạt cải xanh, 10% hạt mè (hạt vừng) gồm 5% mè đen+5%mè vàng. Có thể cho thêm hoặc thay vào kê một chút thóc (lúa) loại hạt nhỏ, vỏ mềm, hoặc hạt hướng dương nhỏ.Trong trường hợp khó tìm hạt yến mạch, có thể thay thế bằng hạt xà-lách. Mỗi chú chim kích thước bình thường ăn khoảng 1-1.5 muỗng canh hạt hỗn hợp/ngày.
Lưu ý chung: cần cân đối các loại hạt chứa dầu béo với hoàn cảnh sống của chim. Nếu chuồng nhỏ, chật chội, nên hạn chế số lượng hạt mè, hướng dương, vì ăn nhiều mà ít hoạt động chim sẽ béo phì. Nếu chuồng rộng rãi, chim bay nhẩy thoải mái, thì có thể tăng lượng hạt béo lên.
Quan điểm riêng của GC thì kích thước chuồng lí tưởng cho 1 chú Canary là dài 50cm, cao 70cm, rộng 40cm. Cho một cặp chim trống mái là dài 120cm, cao 45-50cm, rộng 40cm.Nhưng thông thường các loại lồng chuồng bán trên thị trường không được như vậy, hơn nữa lồng nuôi to sẽ chiếm diện tích nhà vốn nhỏ hẹp, nên ai có điều kiện thế nào thì làm thế nấy!
2-Thức ăn mềm: gồm:
a. bánh mì khô (loại nhạt hoặc có chút bơ) bóp nhuyễn hay nghiền nát thành bột bánh mì.
b. Trứng gà luộc chín từ 15-20 phút, để từ từ cho trứng nguội. Không nên dùng nước lạnh để làm trứng nguội ngay, sẽ thay đổi một số thành phần trong trứng, chim ăn khó tiêu. Sử dụng cả lòng đỏ, lòng trắng, dùng cái dĩa nghiền trứng thật nhỏ.
c. Cà-rốt tươi rửa sạch, băm hoặc xay nhuyễn.
Trộn tất cả 3 thành phần trên vào nhau, tạo ra một hỗn hợp thức ăn mềm không quá dính tay. Chim ăn sẽ rất ngon miệng. Mỗi ngày hoặc cách ngày cho chim ăn một lần theo khẩu phần 1 muỗng cà-phê/1 con. Nếu chim ăn không hêt thì cuối ngày cần vứt bỏ thức ăn mềm đi, vì qua ngày chúng sẽ bị lên men. (nhưng thông thường là chúng sẽ ăn hêt! )
Để khỏi mất thời gian chuẩn bị, bột bánh mì có thể làm sẵn một vài kí cất nơi khô ráo, cà-rốt xay nhuyễn cất vào lọ thuỷ tinh sạch để trong tủ lạnh được 1 tuần-10 ngày, trứng luộc sẵn vài quả để tủ lạnh. Khi cần chỉ việc lấy ra trộn vào là xong.
3-Rau xanh:
Rau xà-lách là loại rau thường được sử dụng cho chim cảnh ăn, trên thực tế các bạn có thể sử dụng gần như tất cả các loại rau xanh thông thường khác: cải xanh, cải thảo, bắp cải, rau dền, rau muống... miễn là rau được rửa sạch sẽ, vẩy khô. Chỉ lưu ý tránh không cho chim ăn các loại rau có nhiều dầu, có mùi (rau gia vị như ngò, cần, hành...) hoặc nhiều nhớt như mùng tơi, rau đay...
Ngoài ra, một trong những món khoái khẩu của chim là mầm hạt, bạn có thể gieo hạt kê, lúa, yến mạnh, thậm chí cả đậu xanh, đậu đen... trên cát sạch, đất ẩm cho nẩy mầm khoảng 5-10 cm, lấy ra rửa rạch cho chim ăn, sẽ cung cấp lượng vitamin và khoáng chất tuyệt vời cho chim.
Đủ đủ chín cũng là nguồn cung cấp carotine rất tốt (như cà-rốt), giúp cho bộ lông chim rực rỡ hơn.
Tóm lại, thực đơn ăn phong phú, càng gần thiên nhiên càng tốt, là nguyên tắc quan trọng nhất trong việc chăm nuôi chim cảnh, để chúng có đầy đủ dưỡng chất cần thiết, đảm bảo một đời sống mạnh khoẻ, cân bằng.
HỎI - ĐÁP
Tại sao có một con yến mẹ đang nuôi con tốt bỗng không thèm tiếp tục nuôi ,săn sóc chim con nữa?
-Trong quá trình thuần hoá từ chim hoang dã thành chim cảnh nuôi nhà, Canary, cũng như nhiều loài chim cảnh khác, đánh mất dần bản năng tự nhiên ấp trứng và nuôi con. Stress là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng chim đẻ mà không ấp, ấp mà không mớm, hoặc chỉ ấp, mớm con qua loa...
Nguyên nhân Stress vô cùng nhiều: khí hậu không thích hợp (quá nóng-quá lạnh, bất ngờ nhiệt độ thay đổi, không ổn định...), thức ăn thiếu chất (thông thường khi chim đẻ trứng, nuôi con cần tăng cường đạm và canxi), vấn đề tâm lí: chim cha mẹ quá lo lắng vì người nuôi thường xuyên đến gần lồng để theo dõi, thậm chí sờ mó, bắt chim con ra chơi...
Cần phải hiểu rằng việc "bỏ tổ , để mặc chim con chết" cũng là một trong những bản năng trời phú của loài chim. Khi điều kiện chăm sóc con trong hoang dã không đảm bảo (thiếu thức ăn, cháy rừng, hạn hán, giông bão...), rất nhiều chim mẹ sẽ bỏ tổ, bỏ con, vì bản năng cho chúng biết cần phải duy trì sự sống của chính mình trước tiên, sau đó khi điều kiện tốt hơn thì sẽ sinh những lứa con khác, đảm bảo cho chúng có những thế hệ con cháu khoẻ mạnh duy trì nòi giống. Với chim nhà, trong trường hợp đó, sự can thiệp của con người dĩ nhiên là cần thiết!
Để tránh Stress cho chim, người nuôi cần cố gắng đảm bảo nguồn thức ăn, nước uống sạch, đa dạng, phong phú. Trong giai đoạn chim phát triển đặc biệt (thay lông, sinh đẻ, đau bệnh) càng cần theo dõi và cung cấp thức ăn bổ dưỡng hơn, nhiều đạm hơn.
BIỂU HIỆN THƯỜNG GẶP VỚI TỔ YẾN HÓT:
Vài biểu hiện trong quá trình sinh nở của chim cần lưu ý:
1- Chim mổ, phá vỡ, ăn trứng: khả năng lớn là thiếu canxi. Cần cung cấp thêm cho chim nguồn canxi dồi dào (vỏ trứng gà giã nhuyễn trộn thêm vào khoáng vi lượng, treo mai mực trong chuồng cho chim gặm suốt ngày, cho chim uống nước khoáng không có gaz...)
2-Chim mổ, cắn, đánh, hất chim con ra khỏi ổ: phần lớn là do thức ăn thiếu đạm, không đủ dưỡng chất. Cần xem lại chế độ
ăn cho chim.
Nếu khi ấy chim con đã lớn, thì rất có thể chim mẹ đánh đuổi con là do nó chuẩn bị cho lứa con tiếp theo sắp chào đời! Cần chuẩn bị treo vào lồng ngay cho nó một cái tổ mới giống tổ cũ, treo ở vị trí cũ, còn tổ chim cũ với chim con ở trong dời đến nơi xa nhất trong lồng, chim bố sẽ chịu trách nhiệm nuôi con tiếp.
3-Chim tự nhiên bỏ ấp trứng, hoặc bỏ mớm con (giống trường hợp bạn kể): có thể do nhiệt độ phòng nuôi không ổn định, hoặc khí hậu bên ngoài bất thường... gây cho chim cảm giác có sự thay đổi đột ngột về môi trường, khiến chúng nghĩ đến việc thực hiện bản năng "bỏ con chạy lấy mẹ" như đã nói ở trên. Mùi khí gaz, mùi thuốc lá, mùi bia rượu..., tiếng động mạnh, tiếng ồn đột ngột (sửa nhà, khoan tường...) xuât hiện trong phòng nuôi chim cũng có thể gây ra tình trạng này. Ngoài ra, những hành động can thiệp của người nuôi (bất ngờ xuất hiện bên tổ chim; tìm cách đẩy chim mẹ ra ngoài tổ để xem chim con, xem trứng, nói to, hắt hơi to... khi đứng gần chuồng chim...) cũng làm chim sợ hãi bỏ tổ.
Tóm lại, thời điểm chim sinh nở, cũng như con người, là thời điểm rất nhạy cảm, mọi tác động, mọi can thiệp bình thường trước đây đều trở nên khó chấp nhận, phải rất thận trọng khi đến gần ổ chim, và cho chim ăn uống đầy đủ, hợp lí.
Nếu những chú chim cảnh cuả bạn quá nhạy cảm và dễ bị stress, nên chuẩn bị:
-Nuôi chúng trong lồng rộng rãi hơn
-bệ để lồng chim nên cao quá đầu người, hoặc it nhất cũng ngang tầm mắt. Bản năng của các loai chim trời là càng lên cao càng yên tâm, hãy đáp ứng cho chúng điều đó!
-chuẩn bị sẵn cho chúng một tình trạng sức khỏe thật tốt trước khi vào mùa sinh sản.
-ổ chim để nơi thoáng mát, nhưng kín đáo, càng xa người, gần tường càng tốt, chim sẽ cảm thấy an toàn hơn.
-hạn chế tối đa việc theo dõi ổ chim khi không thực sự cần thiết.
Tuy vậy vẫn không thể đảm bảo hoàn toàn chim sẽ không bỏ ổ lần sau. Kinh nghiệm cho thấy nếu qua 3 lần làm tổ mà chim vẫn có thói quen xấu bỏ tổ như vậy, thì có thể khẳng định bản năng làm tổ nuôi con của chúng đã bị thoái hoá , hoặc bản thân chim đã bị stress trầm trọng, nên đổi chim mẹ (chim bố) khác hoặc sử dụng các biện pháp của con người để can thiệp giữ lại bầy chim con.
Theo hiểu biết của GoldenCanary, hiện nay tại Mĩ, Úc, Canada... đã có bán các loại thuốc chống Stress cho chim trong từng giai đọạn phát triển của chúng. Các bạn ở nước ngoài có thể tư vấn BS thú y thêm để chống Stress cho chim cảnh của mình.