Để bước chân cứ muốn thong dong khắp nẻo, mơ màng ôm trọn niềm tin yêu ấy vào khoảng không gian chứa chan cảm xúc. Hãy một lần nhắm mắt thật lâu, cho tâm hồn trôi cùng chuyến tàu của chúng tôi, nhẹ nhàng dừng chân ở các trạm ga mà chắc chắn khi bước xuống, lòng không thể không bâng khuâng, xốn xang xúc cảm lạ kỳ. 1. Dừng chân ở Fansipan - nóc nhà của Đông Dương Fansipan – ngọn núi cao nhất của dãy Hoàng Liên Sơn, được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, niềm tự hào của dân tộc Việt. Fansipan có độ cao 3,143m so với mực nước biển, ẩn chứa trong mình vẻ đẹp ma mị mà đã là người ưa xê dịch, ai cũng ước ao được đặt chân đến một lần trong đời. Con đường chinh phục Fansipan không dành cho người yếu đuối mà đòi hỏi sức bền và lòng gan dạ, kiên trì vượt qua rừng sâu, vách cheo leo để đến được cột mốc của đỉnh. Trên đường đi, rừng hoa đỗ quyên thắm đỏ, rừng trúc, rừng tùng quyện cùng sương khói mờ ảo lảng vảng giữa đại ngàn mang lại khung cảnh hư hư thực thực tựa khu vườn cổ tích khiến cho mọi mệt nhọc dường như tan biến hết. Để khi đứng trên đỉnh núi, mọi cảm xúc như vỡ òa bởi khung cảnh hùng vĩ và tuyệt đẹp trước mắt. Màu mây trắng dày đặc bồng bềnh trôi che lấp tất cả, y như đang đứng ở thiên đường. Và rồi cơn gió đẩy từng đám mây ra xa, lấp lửng vô vàn đỉnh núi nhỏ phía dưới, mộng mị. Tự hào quá đỗi gấm vóc Việt Nam. 2. Dấu ấn ở 4 cột mốc của Tổ Quốc Đã gắng sức mình để chinh phục đỉnh núi vĩ đại nhất Việt Nam thì sao bỏ qua cơ hội tự tay chạm vào 4 cực Đông – Tây – Nam – Bắc. Với cộng đồng phượt thủ, chuyến du hành đến 4 cực là không thể thiếu trong cuộc đời gắn với chữ “đi” của mình. Lũng Cú – điểm cực Bắc chênh vênh ở cao nguyên đá có lá cờ 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em đang cùng sinh sống trên mảnh đất Việt hiên ngang giữa đất trời. Đẹp 4 mùa với rừng xanh, mây trắng hững hờ phủ nhẹ vướng vít bước chân người. Cực Tây ở A Pa Chải, Điện Biên gian nan trắc trở không làm chùng quyết tâm của người yêu phượt bởi khi tận mắt nhìn thấy cột mốc, lòng bỗng nhiên tự hào và hạnh phúc vô cùng. Cực Đông ở Mũi Đôi sóng nước dập dềnh xô vào bờ đá và cát mịn, êm ả luồng gió mát lành từ lòng đại dương hay cực Nam nơi Đất Mũi thanh bình cùng khu rừng xanh luôn mang đến nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Hãy thử thách đôi chân và lòng kiên trì của mình để tận hưởng vẻ đẹp khác biệt mà các điểm cực mang lại. 3. Khoảng lấp niềm tâm linh ở Côn Đảo “Gió ngàn gió, mây ngàn mây Trùng dương sóng nước ngất ngây mắt nhìn Về đây, khúc hát niềm tin Ngân trong tim nhỏ thắm tình quê hương”. Côn Đảo cách Thành phố Hồ Chí Minh 230km, Vũng Tàu và Cần Thơ chưa đến 200km như chốn dừng chân tâm linh thiêng liêng cho những trái tim hướng về nguồn cội. Côn Đảo hiện lên vẻ đẹp trong lành với bãi cát trắng mịn và làn nước trong xanh ngan ngát tựa trời thu, bao quanh là dãy núi hiền hòa mang đến khung cảnh bình yên, thơ mộng, giúp mọi mệt mỏi bộn bề dường như đều biến mất. Thế nhưng người tìm về Côn Đảo không chỉ có khát khao muốn chạy trốn chốn thị thành mà còn chiêm nghiệm về quá khứ thương đau cũng như hào hùng của cha ông để khắc nhớ những giá trị linh thiêng mãi trường tồn theo năm tháng. Côn Đảo – nơi từng là địa ngục giờ đây đã hóa thiên đường, là điểm đến chứa cỗ máy thời gian chạy mãi không bao giờ ngưng. Đến Côn Đảo ngoài các điểm Du lịch nghỉ dưỡng như Six Senses, bãi tắm, vườn quốc gia,… thì nhà tù Côn Đảo, bảo tàng Côn Đảo hay mộ Võ Thị Sáu,… là chốn dừng chân cho ta hiểu thêm về quãng đường lịch sử của thế hệ đi trước. Lòng miên man một cảm giác khó gọi thành tên trong không gian tĩnh lặng với làn khói mờ ảo đâu đây. 4. Về thăm "ngôi nhà của Bác" (Hình ảnh : Insta _maytrang) “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. (Hình ảnh : Insta bungbu.store) Mỗi lần đặt chân đến đây là mỗi lần trái tim cứ mãi thổn thức, những câu thơ của Viễn Phương cứ mãi vang vẳng trong không gian đầy thành kính. Lăng Bác – nơi hội tụ của những tấm lòng chan chứa niềm tự hào và nhớ thương của người con đất Việt. “Có tâm nguyện được làm đóa hoa nhỏ – Ở mãi cạnh Người thắp ngọn lửa niềm vui”. (Hình ảnh : leminhthu93) 5. Về Hội An ngày rằm - nằm thuyền ngắm đèn hoa và trăng Ánh trăng ngày rằm vằng vặc trời phố cổ, in bóng dưới dòng thu Hoài lững lờ như mặt gương soi, bên đường, những chiếc lồng đèn nhỏ xinh được thắp sáng rực rỡ, một Hội An đêm trăng đẹp huyền ảo như thế. Hội An ngày rằm mang một vẻ đẹp truyền thống mà người lữ hành cứ tưởng như đang quay ngược dòng thời gian, lạc mình vào cuộc sống xa xưa hàng ngàn năm trước, bình an vô cùng. Không ít người thích thú với cảm giác nằm ngay trên mạn thuyền, từ từ trôi cùng dòng nước lấp lánh ánh bạc, thưởng ngoạn phong vị không gian ngày rằm, nghe tiếng cười nói của người dạo phố hai bên bờ. Lâu lâu ngửa mặt lên trời, ngắm ánh trăng tròn vạnh và hít lấy mùi sương đêm âm ẩm, trong lành quá đỗi. 6. Khám phá Sơn Đòong - Hang động có cảnh quan tự nhiên đẹp nhất thế giới Sơn Đoòng vừa được vinh dự nhận danh hiệu là hang động có cảnh quan tự nhiên đẹp nhất thế giới do Placestosee – chuyên trang tư vấn Du lịch bụi của Mỹ bình chọn. Sau 13 năm thám hiểm, Hồ Khanh và vợ chồng nhà Limbert thuộc đội thám hiểm Hoàng gia Anh đã đưa Sơn Đoòng ra cả thế giới, để người toàn cầu khắc khoải ước mơ được một lần khám phá hang động có một không hai này. Ấy thế nên khi chính bước chân người Việt đặt chân lên một phần khúc ruột của quê hương, lòng không khỏi tự hào về thắng cảnh tựa chốn địa đàng ở nhân gian. Sơn Đoòng như mở ra một thế giới khác, có sông suối, thác nước, bãi biển và rừng già, hóa thạch cùng hệ sinh thái thực vật tuyệt đẹp. Bước vào rồi lòng chẳng muốn ra. Từ rừng núi hoang vu đến biển đảo xa xôi, từ cánh đồng lúa bạt ngàn theo cánh cò bay đến đầm lầy vắng vẻ, từ dấu son lịch sử thiêng liêng đến điểm tâm linh huyền bí, đâu đâu ở Việt Nam ta cũng cảm nhận được một vẻ đẹp riêng, tựa thứ men nồng chưa uống đã vội say. Chuyến tàu chu du và thưởng ngoạn Việt Nam đâu đã dừng chân, bởi những trạm ga cứ nối dài liên tiếp, nếu có cơ hôi, cứ đi rồi chiêm nghiệm thật nhiều. T - Theo Vntravel