Tổng hợp các bài viết hay về Cu gáy

Ðề: Tổng hợp các bài viết hay về Cu gáy

ĐÔI ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI BẮT BỔI .

Các nghệ nhân nuôi cu cườm lâu năm ai ai cũng mong muốn mình sở hữu được vài con mồi hay và thật sát bổi ... điều đó không phải ai cũng làm được ... cho nên mới có kẻ mua và người bán . Nguyên nghĩ rằng chuyện mua hay bán , trao đổi vật chất cũng là chuyện thường tình ở đời ... cũng vì lẽ đó mà có những nghệ nhân rất đam mê chim cu mà không có thời gian để đào tạo từ một con bổi lên thành con mồi ... nên chọn giải pháp mua mồi là thích hợp nhất . Nhưng mua ở đâu để khỏi bị lầm ... vì những người nuôi chim mồi bao giờ họ cũng cho rằng con mồi của họ nó rất hay và rất dữ ... còn giá thì ở trên trời ... Trong cuộc hành trình đi tìm mồi may bổi Nguyên đã đi nát các ngã đường từ Long An đến Tây Ninh ... đã gặp không biết bao nhiêu người , coi không biết bao nhiêu con mồi ... nhưng có chọn được đâu ... Rồi một ngày nọ cũng tình cờ mà Nguyên đã mua được con chim mồi chéo cánh ... nhưng từ khi mua đến giờ ... có đi bẫy được đâu ...

Vẫn biết rằng khi ta nuôi nấng và huấn luyện từ con bổi lên thành con mồi , luyện tập chúng qua từng ngày mới thú vị ... rồi cái cảm giác lo lo , mừng mừng khi nó bắt được con bổi đầu tiên , rồi con thứ hai , thứ ba ... cũng từ đó tài nghệ của nó ngày càng thăng tiến sau những chuyến ngao du sơn thủy ... cũng từ đó ta và nó đã có một sợi dây vô hình gắng kết ... ta cảm thấy yêu quý nó hơn , xem chúng như những đứa con cưng của mình vậy .... nhưng cũng có những người nuôi chim cu y như nuôi một đạo quân vậy 50 đến 60 con , chổ nào cũng là cu với cu ... số lượng thì khỏi chê nhưng chất lượng thì quá kém ... trong đạo quân ô hợp ấy chỉ vài ba con sau này là có triển vọng ... Ta chỉ cần nuôi một con dũng tướng là đủ ... không nên nuôi cả đội quân làm gì , tốn công , tốn lúa .... Cũng vì lẽ đó mà Nguyên quyết định viết bài này như một món quà mà Nguyên muốn trao tặng cho những ai có cùng đam mê và cùng sở thích như Nguyên .

+ Nguyên luôn luôn tâm niệm rằng : " Thà không nuôi chứ nuôi thì phải nên ... " cũng vì lẽ đó mà Nguyên rất khắc khe trong việc chọn lựa chim bổi , chỉ cần một điểm không vừa ý là ta loại ngay , mặc dù nó rất hay ở ngoài rừng ,nó " phải có dáng dấp của con mồi " mới được ... vì nó là mầm non , chồi xanh của tương lai .... khi thành tài phải là tướng mà thôi ... điều đó đâu phải ai ai cũng làm được . Cho nên Nguyên viết bài viết này để hướng dẫn cho những người mới vào nghề làm quen dần với " tác phong của một nghệ nhân thật thụ " ...

Dù là mồi cây hay mồi đất khi dính bổi ta hãy bình tĩnh và từ từ nhé đừng sợ nó sẩy ... nếu đính rồi mà sẩy mất thì đó là ý trời ... có nối tiếc nhưng xin đừng buồn ... hãy từ từ đi đến chổ con mồi và làm các thao tác như sau :

- Sang con mồi từ lụp qua lồng để, treo cẩn thận ( vì có những người khi bắt được con bổi hay quá cứ lo dí bắt cho kỳ được con bổi ... nhưng khi quay lại thì con chó đang tha con mồi , cái vụ này thì mấy anh đánh mồi đất đụng hoài ... ta hãy quan niệm rằng con bổi hay cở đó mà còn bị con mồi dụ cho sa vào lụp thì con bổi ấy có xá gì so với con mồi ) .

- Đừng lật đật cho vào túi rút mà ta hãy từ từ cầm hai chân con bổi bằng tay phải , để cho con bổi nằm trên lòng bàn tay trái ... ta bắt đầu quan sát vì lúc này con bổi vẫn con giữ nguyên bộ lông rừng , chưa bị rụng ... ta dễ quan sát hơn .

1. Coi đầu của nó tròn hay vuông , lông đầu xám trắng hay bình thường .

2.Mắt của nó to hay nhỏ , sâu hay lộ , tròng vàng lớn hay nhỏ , màu mắt : đỏ tươi hay đỏ thẩm , vàng nhạt hay vàng nghệ , trắng dã hay đen thui ...

3.Mỏ của nó dài hay ngắn , thẳng hay cong , to hay nhỏ , đen bóng hay đen ***** ...

4. Lổ mủi to hay nhỏ , dài hay tròn , cục gồ cao hay thấp ..

5.Chỉ dàm to hay nhuyễn , quá khóe hay chưa tới , thẳng hay cong ...

6.Cổ ngắn hay dài ( ta nên lưu ý điều này mấy anh có cổ ngắn , tròn đa phần gáy giọng trơn hay chiếc . Còn mấy anh cổ dài hay cổ lãi thường thì gáy giọng đôi hoặc ba ) ...

7.Cườm : khổ cườm to hay nhỏ , trắng nhiều hay đen nhiều , cườm lửa đóng cao hay thấp , sau đó ta xem nó thuộc loại cườm nào ... một dây , hai dây , ba dây hay bể nát ...

8.Có đuôi rùa hay không , có dị tật hay ẩn tướng nào hay không ...

9.Ức tròn hay dẹp , ức chiếc hai ức đôi , nở hay lép ( ức =ngực ) ...

10.Mình dài hay ngắn , nhìn dọc nó tròn hay vuông , to con hay nhỏ con ....

11.Quy me hay bìa tên , sổ hay ngang , 3 tần hay 4 tần , hai cánh có đều nhau không ( thường thì cánh bên trái lông quy sẽ mọc nhiều hơn cánh bên phải ) .

12.Phau trắng hay hồng , phèn hay xám ....

13.Chân cao hay thấp ( dài hay ngắn ) , mập hay ốm ...

14.Ngón chân dài hay ngắn ...

15.Móng chân dài hay ngắn , thẳng hay cong ...

16.Sau cùng là đuôi vót hay đuôi xòe lông đuôi nhiều hay ít

Nếu các bạn quan sát như Nguyên vừa trình bày ở trên và có nhận xét đúng ngay từ đầu thì Nguyên tin rằng các bạn sẽ không bao giờ bị lầm khi chọn bổi đem về nuôi ... Coi như Nguyên đã truyền đạt hết tâm huyết của mình vào diễn đàn này rồi ... còn lĩnh hội được hay không là nhờ vào căn cơ của mỗi người ....

Hiện giờ Nguyên cũng đang nghiên cứu về ngủ hành tương sinh và tương khắc ... quy luật của đất trời ngày và đêm , thời tiết , cõi vô hình ....

Các bạn hãy thử nghĩ mà xem có những ngày trời âm u mà bổi vẫn gáy gù inh ỏi ... nhưng cũng có những ngày trời quang , nắng đẹp , gió hiu hiu ... thì chim bổi cứ im ru không chịu gáy , đứng cả bầy rỉa lông .... Tại sao vậy ? ... nếu ta dự đoán được ngày nào " bổi nổi " và ngày nào " bổi chìm " ... thì ta sẽ đở tốn công đi vào rừng ... cái tâm trạng của một người gác cu " sáng ra đi lòng vui như mở hội nhưng khi về thì buồn thỉu buồn thiu " .....

Qua đây Nguyên xin nói thêm về cách chọn con bổi : một con bổi được đánh giá là xuất sắc thì nó phải có rất nhiều điểm tốt kết hợp lại ... nhưng cũng có những con có điểm tốt và điểm xấu thì ta hãy sử dụng quy luật bù trừ ... nhưng điểm chính là nó có khả năng bắt bổi được hay không đó mới là điều quan trọng . Cũng có rất nhiều con mồi gáy gù khỏi chê nhưng chả có con bổi nào dám đương cự với nó được 30 phút ... chỉ đấu với nó 15 đến 20 phút là bay mất tiêu ( con này hiện giờ Nguyên đang nuôi nó gáy giọng son đã đôi lần nói về nó trên diễn đàn này , cứ mấy Bác gần nhà hỏi mượn Nguyên cho mượn đi chơi cả tuần ... đi sao về vậy ... nó hay quá , dữ quá ... mà không có gian bắt bổi .... ) .

1. Coi đầu tròn hay vuông : ta nên chọn loại nào đây ?

- Con đầu tròn , nhỏ :

Ưu điểm : rất nhẹm sào , treo đâu cũng gáy , gáy nhanh hay dồn " thúc dồn và gù dồn " và gáy đủ bài bản y như câu thiệu " đầu tròn cổ ngẩn " nếu con bổi nào chịu đấu với nó là nó bắt tốc hành , không rề rà mất thời gian ... loại này đa phần gáy giọng son và giọng đồng .... nên dân chơi hay chọn loại đầu tròn nhỏ là vậy .
Khuyết điểm : rất hay nhưng không bền , có con trưa không gáy ...

- Con đầu vuông :

Ưu điểm : Gáy tiếng chậm chậm nhưng bền bĩ , không nhịn bất kỳ con bổi dữ nào , nó có thể đấu với bổi từ sáng đến chiều , thậm chí ngày mai đấu tiếp .
Khuyết điểm : bắt bổi lâu ... những ai nóng tính thì không chơi loại này được .
Loại đầu vuông thường gáy giọng thổ , sấm thổ và sấm đồng .
Tóm lại con đầu tròn hay đầu vuông cũng có cái hay cái dở của nó cả . Những người nhỏ tuổi thì chọn con đầu tròn vì nó bắt bổi nhanh , còn những người lớn tuổi thường chọn con đầu vuông đầu gồ , nghe đấu cho đã , từ sáng đến chiều cũng được ...

Đây chỉ là quan niệm của Nguyên mà thôi còn hay cở nào thì phải kết hợp nữa Nguyên ví dụ :

- Con đầu tròn mà có mỏ thon nhỏ , đen bóng ( có người gọi là mỏ đinh hay mỏ sẻ ) nếu mỏ ngắn thì khi nó gáy dồn ta đếm không kịp , khi nó kèm ta nghe y như nó gù không vậy ... nếu cộng thêm con mắt nhỏ và sâu , tròng vàng nghệ lớn , cộng lỗ mũi dài và to ... thì cái đầu ấy là 10 điểm ....
 
Ðề: Tổng hợp các bài viết hay về Cu gáy

CÂU CHUYỆN CỦA ĐÔI MẮT

Con chim cũng kỳ lạ thật , chẳng có con nào có tiếng gáy giống con nào , cũng thổ , cũng sấm , cũng đồng , cũng son .... nhưng Nguyên chưa bao giờ nghe hai con bổi nào gáy y như nhau , mặc dù cha với con cũng khác ... chúng chỉ hơi na ná với nhau mà thôi ... từ giọng gáy đến dáng hình , điệu bộ , ngay cả con mắt là phần ta dễ quan sát nhất nhưng cũng chẳng có con nào giống con nào . Cũng từ sự khác biệt đó mà ta đã phân định được sự hay , dở ở trong đó ... Người đời vẫn nói vui rằng " đôi mắt là cửa sổ tâm hồn " đúng vậy , khi ta vui , khi ta buồn , khi ta nóng giận ... tất cả đều thể hiện qua cái cửa sổ đó ...

2. Câu chuyện của đôi mắt nhé !

- Nguyên xin diễn giải về các loại mắt nhé :

+ Con mắt to và lộ : Loại này có tính nhác người , lì rừng khó thuần dưỡng , nuôi lâu lắm mới nổi ... nhưng không ai chọn loại mắt to và lộ để nuôi thành con mồi cả . Cho nên khi ta gặp con " mắt to - lộ " là loại ngay đở tốn lúa .

+ Con mắt nhỏ và sâu hay thụt vào trong : Loại này tốt nhất nên chọn nuôi . Cực kỳ gang dạ và bền bĩ , nó không sợ bất cứ con gì ... ( khi bẫy dính con bìm bịp rồi mà nó vẫn gù ) ... khi ta treo nó ở cây rậm hay cây thưa , rừng sâu hay rừng chồi nó vẫn gáy , té xe rớt lồng treo lên nó vẫn gáy ... nếu thấy nó là ta cho nhập hộ khẩu nhà mình ngay nhớ nghen ....

+ Con mắt không lộ và không sâu Nguyên gọi nó là trung bình thì tài năng của nó cũng từ chử trung bình đến khá mà thôi .... cái này tùy ai thích thì nuôi ...

+ Con mắt lé : Loại này nếu ta để ý sẽ gặp , nhưng có nhiều người chê vì cho rằng nó không đẹp ... loại mồi có mắt lé này tinh khôn vô cùng Nguyên dám bảo đảm rằng nếu ai sở hữu được con mắt lé thì khi mang nó vô rừng nó sẽ làm cho ta hài lòng về nó ( loại này lúc trước Nguyên cũng từng có một con . Nó chỉ bắt có 4 con bổi sau đó nó qua đời ....nó đã để lại cho Nguyên một niềm đau khôn tả và mãi mãi không thể quên được " con mắt lé " ... các bạn có biết không 4 con bổi đó sau này trở thành 4 con mồi , con nào cũng hay cả ... ).

+ Con mắt có khoen hay có quần : Loại này nuôi uổng công ta nên loại ngay .
- Còn màu mắt thì sao ? Màu mắt rất quan trọng vì nội lực của con mồi đều thể hiện qua màu mắt ấy ... một con mồi bị suy dinh dưỡng thì màu mắt thường là tái tái , khi ta nhìn sâu vào trong đôi mắt ấy không tìm thấy sự tiềm ẩn của sức mạnh bên trong ...

+ Con mắt trắng dã : loại mắt này không nên nuôi vì nó không biết bắt bổi ( mắt trắng + phau trắng ... thì hay cở nào cũng không bắt được bổi ) các bạn nên nhớ kỹ cho điều này .

+ Con mắt vàng nhạt : tạm , loại này nhác rừng . Ở nhà thì gáy gù không ai chịu nổi nhưng khi đem nó vào rừng thì nó cứ run run ... sợ như sợ ma vậy ... cái đồ khôn nhà dại chợ ... chỉ nuôi làm chim kiểng , chim khách mà thôi .

+ Con mắt vàng nghệ hay vàng đậm : loại mắt này nên chọn nuôi , nó không bao giờ sợ rừng , thậm chí vừa tới bìa rừng là nó đã nghe hơi rừng ... nếu lúc này ta dở áo lồng ra nhìn kỹ vào mắt nó sẽ thấy màu vàng ấy đậm hơn và có sát khí hơn ... ( mà hình như loài chim cũng biết nghe hơi thì phải , nó biết chổ nào có bổi và chổ nào không có bổi ... ) . Nói nhỏ nghen cái điều này là Nguyên quan sát thực tế từ con mồi của mình đó nghen ( đây là con bổi bị con mắt lé bắt được đó ... ) . không ai chỉ đâu nhé ....

+ Con mắt đỏ tươi : khi ta nhìn nó như hai giọt máu long lanh , loại mắt này có tính sát bổi cao nhất trong tất cả các màu mắt . Nhớ kỹ nghen nếu gặp là nuôi ngay chứ đừng ăn thịt nhé ... , từ khi nó bị mèo chụp đến giờ Nguyên chưa nhìn thấy được con thứ hai .

+ Con mắt đỏ thẩm y như con mồi của Quang DT : loại này bền bĩ và gan dạ vô cùng nên chọn nuôi .

3. Những điều cần chú ý :

-Ta nên chọn những con có tròng vàng lớn , càng lớn càng tốt , loại này không bao giờ bỏ bổi cả , có tính sát bổi rất cao . Nếu bạn không tin hãy cho hai con mồi kè lại gù đấu bạn sẽ thấy ngay khi nó gù tròng vàng cứ to dần , to dần , tròng đen thâu nhỏ , nhỏ dần ... nhỏ lại như cây kim vậy . Nếu gặp nên chọn mà nuôi .

- Con mắt hai bên không giống nhau , nhìn kỹ thấy kỳ kỳ ... chẳng hạn một bên tròng đen tròn còn một bên tròng đen bị méo . Ta gọi đó là " Lưỡng nhãn " . Lưỡng nhãn ắt kỳ tài . Nên chọn mà nuôi .

-Con mắt lé : lanh khôn , tinh quái nên chọn mà nuôi .

-Con mắt đen : chỉ có tròng đen không có tròng vàng cái này Nguyên chỉ nghe nói chứ chưa bao giờ thấy ...

CÂU CHUYỆN CỦA CÁI MỎ VÀ CÁI LỔ MŨI

Anh lổ mũi cho rằng : gáy lớn hay gáy nhỏ là nhờ vào cái lổ mũi của tôi ...

- Anh mỏ thì lại cho rằng : gáy to hay gáy nhỏ là nhờ vào cái họng của tôi ...

- Anh lổ mũi nói không đúng ... muốn gáy to tiếng thì phải nhờ đến hơi thổi qua lổ mũi của tôi phải mạnh và dài ....

- Anh mỏ lại nói rằng : nếu tôi không phát ra âm thanh thì liệu cái lổ mũi của anh có kêu được tiếng cù cú cu không ?

Cả hai anh mỏ và lổ mũi thi nhau tranh luận ... bất phân thắng bại .... bất chợt có một người đi ngang qua thấy bất bình đứng ra can thiệp .... sau khi nghe anh lổ mũi và anh mỏ trình bày đầu đuôi câu chuyện .... thì người khách lạ phán như sau :

- Cả hai anh mỏ và lổ mũi anh nào cũng nói đúng cả nhưng chỉ đúng có một phần thôi , muốn tiếng gáy to hay nhỏ đều nhờ vào hai anh cả nhưng hai anh phải phối hợp lại với nhau , hổ trợ cho nhau có biết chưa ? ... nghe sao không hiểu lắm anh mỏ nói ... người khách lạ nói tiếp :

Tỷ dụ như : anh mỏ khi phát ra âm , ra tiếng kêu ... nếu tiếng kêu ấy không nhờ anh lổ mũi phát ra ngoài hay đẩy ra ngoài ... liệu tiếng của anh có lớn được hay không ? hay là anh chỉ kêu rí rí trong cổ họng của anh mà thôi .... thử hỏi như vậy ai sẽ nghe được tiếng của anh kêu . ... còn anh lổ mũi thì sao ? nếu không nhờ anh mỏ phát âm liệu anh có kêu được không hay anh chỉ thở ra nghe xì xì ...... cho nên hai anh phải hổ trợ và giúp đở lẫn nhau .... để những người mê tiếng gáy của các anh như tôi đây có để mà thưởng thức chứ ..... hai anh mỏ và lổ mũi cúm núm dạ dạ ... thế là từ đó tiếng chim lại cất lên như ngày hôm nay ..... À ! rãnh rỗi Nguyên đặt chuyện nói cho vui .... anh em đừng cười Nguyên nghen !

Tiếp theo câu chuyện của cái mỏ nhé !

Mỏ chim cu có rất nhiều loại ta nên chọn loại mỏ nào đây ? để xem xem nhé ...

1. Mỏ nhỏ và mỏng : tức là cái cuốn mỏ thì vừa phải nhưng sau đó nhỏ dần , nhỏ dần hay thon dần ra đến chóp mỏ , càng vót càng tốt ... loại này có người gọi là mỏ sẻ hay mỏ đinh .

- Loại chim có mỏ nhỏ như trên thường rất được nghệ nhân chọn nuôi vì :
+ Gáy trận rất nhặt hay có vùng gọi là gáy gọi rất nhặt ..... điều này làm cho bổi mau bay về ...

+ Thúc dồn và gù dồn .... làm cho con bổi nôn ... mau đá , mau bắt bổi ....

+ Rất nhẹm xào , treo lên là gáy liền và gáy đủ bài bản ....

Cũng chính vì những ưu điểm đó mà được các nghệ nhân chọn làm...." ưu tiên số một " ....

2. Mỏ trung bình không to cũng không nhỏ thì tùy vào từng con .... ai thích thì nuôi ...

3. Mỏ rất to : đa phần gáy gù đều chậm nên ít người chọn nuôi .

4 . Mỏ ngắn : rất mau mồm mau miệng .... nhưng về chiều khi bổi gù siết thì mồi thường bị hụt hơi .... đa phần những anh có mỏ ngắn là kèm rất át ... nhưng gù thì có hạn .... đặng này thất kia ...

5. Mỏ dài : dài hơn bình thường những anh này rất bền bĩ .... gáy hoài không biết chán , gáy từ sáng đến tối ....

6. Mỏ quéo : chẳng những dài mà còn cong xuống , nếu ta không cắt thì không ăn được ... những con mồi có mỏ quéo đa phần rất hay ... nên chọn mà nuôi ...

7. Mỏ cong : Nếu mỏ cong mà nhỏ thì hay vô địch nhưng nếu mỏ cong mà to là đồ vô dụng ... nhớ nghen !

Các bạn nên nhớ cho một điều : một con chim cu được đánh giá là hay thì phải kết hợp rất nhiều điểm lại chứ có cái mỏ tốt mà cườm lưa thưa vài ba hạt .... liệu nó có hay được không ?

Nhưng theo kinh nghiệm của Nguyên thì loại mỏ nào cũng có hay có dở cả ... tùy vào người chơi mà thôi ... nhưng các bạn nên để ý rằng khi chọn mỏ nên chọn những con có cái mỏ màu đen bóng , óng ánh như ánh than vậy .... mấy anh có loại mỏ đen bóng ấy thường rất siêng gáy và ta treo đâu nó cũng gáy ... còn những anh có mỏ màu ***** trắng thì hãy né ra ... nhớ nghen !
 
Ðề: Tổng hợp các bài viết hay về Cu gáy

CHỮ DUYÊN

Có lẽ trên cõi đời này người với người gặp nhau cũng từ một chữ duyên .... có duyên chúng ta mới gặp nhau và trò chuyện cùng nhau được ... cũng vì lẽ đó mà người xưa mới nói :

" Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng " là vậy ...

Cũng chính chữ duyên mà Nguyên đã đến với cái thú vui dân dã , tao nhã và cũng vô cùng thanh cao ... khi ta tìm hiểu sâu hơn mới hiểu được cái hay cái đẹp mà ông cha ta đã dầy công suy ngẫm .... nghệ thuật pha lẫn cảm xúc ... hồi hộp , lo sợ , nín thở , vui mừng ... cũng có khi thất vọng .... và cũng từ chữ duyên ấy đã gắng kết Nguyên cùng với tất cả anh em trên diễn đàn , trên khắp mọi miền tổ quốc ... chỉ có bốn chữ cù cú cu cu ... đã đưa chúng ta xích lại gần nhau hơn ....

Nguyên vẫn biết rằng trên diễn đàn này sẽ có rất nhiều anh em không tin vào những gì Nguyên viết ... nhưng Nguyên chỉ khuyên các bạn một câu : hãy chơi hết mình và hãy chiêm nghiệm đi ... rồi một ngày nọ các bạn sẽ nhận ra được điều ấy .

Chẳng hạn : Có một con bổi bay , đáp vào một cành cây " cong , đong đưa " Nguyên có thể đoán đó là con bổi trống hay con bổi mái .... " Sạo ớn luôn " .... nhưng các bạn hãy kiểm nghiệm thực tế nhé !

- Khi con bổi đáp , đậu vào một cành cây " cong , đong đưa " có đọ nhúng thì con chim trống bao giờ cũng nhịp cái đuôi lên xuống từ một đến hai lần ... sau đó mới lấy thăng bằng được . Còn con mái khi đậu vào cành cây thì cái đuôi cũng nhịp lên xuống như con chim trống nhưng số lần nhịp của nó nhiều hơn từ bốn năm lần trở lên sau đó mới lấy thăng bằng được ... nhớ mang theo ống nhòm mà quan sát nhé .

- Tại sao khi nhìn vào con bổi ... có người nói con bổi này 6 tháng đến một năm là nổi ... còn có con vài ba năm mới nổi .... làm sao biết được điều đó ... có người sẽ không tin .... hãy nghe Nguyên nói nhé :

Khi nhìn con bổi mau nỏi hay lâu nổi ta nhìn vào đặc điểm nào ?

1 . Nhìn vào bộ cườm ... ta hãy để ý con nào có bộ cườm trắng sát , hạt cườm đều và khít thì con đó nuôi mau nổi ....

2. Nhìn vào cục cức của nó ... cái này anh em đừng cười nghen ... cục cức cũng nói lên được chuyện đó ... ta quan sát kỹ cục cức đó to hay nhỏ , độ xoắn của nó nhiều hay ít ... sau đó mới đánh giá :

- Cục cức to cộng với độ xoắn ít .... thì con này nuôi mau nổi

- Cục cức nhỏ cộng với độ xoắn nhiều thì anh này nuôi lâu nổi ...

Tại sao vậy ? Cái cục cức và độ xoắn của nó có liên quan đến khoan ruột của con bổi . Con nào có khoan ruột ít nuôi sẽ mau nổi .... thể hiện qua cục ấy .... còn con nào khoan ruột kín hay khoan ruột nhiều ... sẽ thể hiện qua cục ấy .... theo các bạn có nên tin vào điều đó hay không !

CÂU CHUYỆN CỦA CÁI CỔ CU CƯỜM

Khi chúng ta quan sát hay đánh giá một con mồi hay một con bổi ... chúng ta thường quên mất một điểm đó là cái cổ cu cườm ..... phần lớn chúng ta bị bộ hoa cườm làm cho hoa cả mắt ... chỉ có hai màu đen và trắng mà nó đã nói lên được biết bao nhiêu là chuyện . Nào là cườm một dây , cườm hai dây , cườm ba dây , cườm nát hay cườm bể .... cũng cái vòng hoa cườm ấy mà nó đã làm cho biết bao nghệ nhân điêu đứng , mê mẫn ....

Nay thì Nguyên sẽ kể cho anh em nghe câu chuyện của cái cổ nhé !

- Vị trí : nằm dưới đầu , kéo dài xuống ... phía trước tiếp giáp ngực có màu lông hơi đỏ hồng hoặc nâu đỏ .... phía sau tiếp giáp với lưng mang theo bộ hoa cườm có màu đen , trắng và hơi vàng hoặc hơi đỏ ...

- Chim cu thì có loại to con và loại nhỏ con người ta hay gọi là chim sẻ .... nhưng cổ chim thì được chia làm ba loại đó là : cổ ngắn hay cổ lùn , cổ trung bình và cổ dài hay còn gọi là cổ lãi ... thế thì những cái cổ đó nói lên điều gì ?

1. Chim có cổ ngắn hay cổ lùn : đa phần loại này gáy giọng trơn tức là " cù cú cu ." thỉnh thoảng cũng có anh dặm thêm một tiếng cu đằng sau nữa gọi là trơn lỡ tức là " cù cú cu , cù cú cu , cù cú cu , cù cú cu ..cu sau đó lại trơn tiếp nên gọi là trơn lỡ " .

2. Chim có chiều dài cổ trung bình : đa phần loại này giọng chiếc tức là " cù cú cu , cu " .

3. Chim có cổ dài hay cổ lãi : đa phần gáy giọng đôi " cù cú cu , cu cu " hoặc giọng ba " cù cú cu , cu cu cu " chim cu gáy giọng ba , giọng tư rất hiếm ....
Nhìn chung cả ba loại cổ trên thì chỉ có chim cổ lùn là gáy nghe đã nhất .... chiêu thì nhanh , thúc dồn nếu ta ở xa thì nghe y như nó đang gù ... còn khi nó gù thì nghe dây dây , nhợ nhợ ... gù dồn ....

Ưu điểm của những anh trơn là bắt bổi cực nhanh nhưng về khuya thì hụt hơi ... phân của nó là một bài thuốc ...

Nhược điểm : nó là con chim không mang lại may mắn cho những ai còn trẻ mà nuôi ( dưới 50 tuổi ) . Điều này Nguyên đã kiểm chứng , mới đầu cũng không tin nhưng về sau thì tin . Gia đình ly tán vợ chồng xào xáo đánh nhau ....

Có một số người lại chọn con " đầu tròn cổ ngẩn "vì loại này gáy đủ bài bản . Gáy đủ bài bản là sao ?

" Xa chiêu - gần thúc - sáp gù " loại này tráo trở liên tục ... nghe đã tai và ghiền lúc nào cũng không hay .

Nguyên ví dụ : khi con bổi đậu ở xa thì con mồi chiêu " cù cú cu , cu " còn khi về gần thì có con sẽ gù phóng từ một đến ba đạc .... sau đó thúc " cúc cu , cúc cu ... " hoặc kèm mắt me " cúc cu , cù cụ ... cúc cu , cù cụ " ... khi sáp đến gần tí nữa hay sắp đến kèo thế thì nó gù lia gù lịa ... đang gù đấu tự dưng con bổi chuyển sang tư thế rĩa lông ... thế mới tức đang phút gây cấn .... nếu là mồi bài bản thì nó sẽ chiêu tiếp " cù cú cu , cu " gọi con bổi khác đến coi như không có con bổi đang đứng trước mặt .... làm cho bổi ta nổi nóng mà xông vào .... cũng có khi con mồi đang nằm thúc " cúc cu , cúc cu " ... con bổi định bay đi hay vừa nhúc nhích là con mồi lại gù ngay .... cứ như vậy " chiêu - thúc - gù " thay đổi liên tục ... làm cho ta cứ đứng ngồi không yên là vậy .... lâu ngày thành ghiền luôn .

Cũng có rất nhiều nghệ nhân chọn chim theo tiêu chí : " Đầu tròn - mắt nhỏ - mỏ ngay ... Cườm to -lông dầy - thấp gối ... Ức phình - đuôi lao ... " . rồi lại có người nói : " Đầu tròn - cổ ngẩn - cẳng cao đem vô náu cháo xé phai cho rồi "... ôi thôi !

CON CHIM MÌNH NGẮN NHÉ !

Người xưa thường nói : " Trường - đoản song hành " ... cho nên cái đạo dài ngắn , vuông tròn được các nghệ nhân thảo luận rất nhiều ... có người thích con chim có bộ mình dài , to , ức tròn trịa , đuôi lao ... lại có người chọn con chim sẻ mình nhỏ , ức tròn , đuôi lao ... Nói chung thì mình dài hay mình ngắn đều có cái hay cái ưu việt của nó Nguyên ví dụ :

1- Con mình dài , ức tròn trịa , đuôi lao :

+ Điểm mạnh rất bền bĩ , có thể đấu với bổi ngày này sang ngày khác , bắt bổi ngày hôm sau nhiều hơn hôm trước ... đi đánh liên tục không xuống sức ...
+ Yếu điểm : tiếng gáy không nhanh .

2 Con mình ngắn , ức tròn , đuôi lao :

+ Điểm mạnh tiếng gáy rất nhanh , bắt bổi nhanh ...

+ Yếu điểm : không đủ lực đánh dài ngày .

Cũng từ đó mà ta có sự so sánh cái hay , cái dở của từng loại .... ai thích hay sở hữu được loại nào thì chơi loại đó ... tùy duyên mà thôi ...

Cũng từ cái đạo , dài ngắn vuông tròn ... mà ông cha ta đã phân tích cái đạo xem tướng gà ... cũng rất xem trọng sự dài và ngắn ... nên mới có ngủ trường và ngủ đoản ... trong một bầy gà con người ta chỉ chọn hai con đem nuôi riêng , chăm sóc đặc biệt hai con này về sau sẽ có tiếng tăm hơn những con khác ... đó là con gà đầu đàn ( con lớn nhất bầy ) và con gà đẹt ( con nhỏ nhất bầy ) cho nên mới nói " Nhất đầu - Nhị đuôi " còn các con trung trung thì tạm ...

Trở lại con mình ngắn nhé !

1. Con chim có mình nhỏ , ngắn - ức tròn - đuôi lao ... đa phần là hay cả ... Nhưng khi ta nhìn thì nó không được đẹp , nó không bệ vệ , không uy nghi như con mình dài .

Những con chim có cấp mình ngắn đa phần thiếu lực khi đấu đường dài ... hay thì rất hay ... nên những người chơi chuyên nghiệp họ mang con chim sẻ đi rừng đánh ngày đầu , ngày thứ hai cho nghĩ mệt , ngày thứ ba tiếp tục ... cứ luân phiên như vậy ...

2. Con mình ngắn - ức tròn - đuôi xòe :
Loại này rất hay ở dàn ngoài nhưng khi rước bổi nhập tàn ... thì đa phần lội hoặc tung ra đá hoặc cắn ... nên rất khó bắt bổi ... cũng vì lẻ đó mà ít chọn nuôi .

3. Con mình ngắn - lép : Loại này đa phần rất chứng , chơi không liền kèo hay có người gọi là chim chứng . ... loại không nên nuôi .

4. Con mình ngắn - ngực lép -lưng gù : loại này bù qua cấn lại ... không hay tạm được .

Nhìn chung khi ta chọn bổi đem về nuôi hay ta mua mồi thì nên chọn hai loại như sau :

- Con mình dài -to con -ức tròn trịa - đuôi lao ...
- Con mình ngắn - nhỏ con - ức tròn - đuôi lao ...
Còn các con khác ... thì tùy vào mỗi người ... thích gì nuôi nấy ....
 
Ðề: Tổng hợp các bài viết hay về Cu gáy

CÂU CHUYỆN CÁI PHAO CHIM

Như các bạn cũng đã biết chim ở mỗi vùng đều có sự khác biệt nhau ... từ hình dáng kích thước đến màu lông ... cũng chính vì lẽ đó mà có những nhận định " khác nhau " của từng vùng ... nhưng về phao thì chung quy cũng chỉ có các màu sắc như sau : phao xám ( gần giống màu lông mình hơi xanh một tí ) , phao hồng , phao phèn ( phao vàng đất , loại phao này thường chim chỉ có ở vùng nước phèn ) và phao trắng ... Qua đây Nguyên xin sơ lược đánh giá như sau :

1. Phao xám hay hơi xanh một tí : loại này được Nguyên chọn làm ưu tiên số 1 .

- Những con chim có phao như trên thường rất hùng dũng , dữ dằn trông như một vị tướng ...

- Đa phần đều may bổi hay nói đúng hơn là rất sát bổi ( cái này thì các bạn nên để ý một chúc nhé ... không phải con nào có phao xám đều may bổi cả đâu ... nó còn tùy thuộc vào các yếu tố khác nữa ... Nguyên sẽ trình bày sau )...

2. Phao hồng :

- Những chú chim mồi có phao hồng thường tướng mạo rất nho nhã , thư sinh ... đẹp mã ... nên được rất nhiều nghệ nhân ưa chuộng ...
- Khi ta nhìn chúng thì nó không toát lên một vẻ hùng dũng ... nhưng càng ngắm càng say đắm ... một vẻ đẹp vô cùng quý phái ...
- Loại này không sát bổi bằng loại 1 .

3. Phao phèn :

- Cứ mỗi lần nhìn vào ... trông nó dơ dơ như thế nào ấy ... nhưng đừng thấy vậy mà bỏ là lầm nghen ... những anh phao phèn thường rất bền bĩ , dà mồm ... nuôi nó mà treo bổi gần thì chả có con bổi nào nổi được ...
- Loại này chim càng già càng khó bắt bổi ( khi nó gáy đa phần bổi tạc hết ) ..

4. Phao trắng : loại này Nguyên không nuôi ... dù nó hay cỡ nào Nguyên cũng không nuôi ... nếu nuôi để nghe nó gáy thì được chứ làm mồi thì ... đa phần các con có phao trắng đều không may bổi ... có nhiều nghệ nhân thấy nó quá hay đem về nuôi mà cả " cuộc đời làm mồi "của nó bắt nhiều lắm chỉ 4 đến 5 con bổi là cùng ...

Ngoài việc ta xác định màu sắc của phao chim thì phần nối ... khoảng nối giữa thân và phao câu cũng rất quan trọng ... như các bạn cũng đã nhìn thấy cái ngấn chổ này cũng khác nhau , không con nào giống con nào ... có con thì lông hai bên úp vào trông rất gọn , xếp chặc chẽ , có con thì lông hai bên úp sơ sơ , lại có con lông hai bên không úp lại mà có chiều hướng nở ra ... như vậy ta biết xác định làm sao ?
Nguyên sẽ trình bày sơ lượt như sau :

- Con có điểm ngấn rõ ràng , lông xếp vô cùng gọn ... đa phần những anh này rất khôn ta nên chọn nuôi làm mồi ( may bổi vừa phải ) .

- Con có điểm ngấn không rõ ràng hay nói đúng hơn là trơn hu ... điểm này khó bắt bổi ... nên nếu lúc trước ta không biết thì vẫn nuôi nhưng nếu ta suy ngẫm từ lúc nó lên mồi có lắm khi rất hay ... nhưng cũng có lúc thèm dật cho nên khoảng bắt bổi không được vừa ý cho lắm .

- Con có điểm ngấn này không phân định lông xòe ra không chúm lại còn được gọi là " Đích hoa mai " loại này vô cùng may bổi ... nhưng hơi khó tìm ...

CHỈ ĐÀM

Chuyện cái chỉ mỏ (hay chỉ dàm) nghen.

- Một số nghệ nhân cho rằng chỉ dàm không quan trọng, to cũng được, nhỏ cũng được, dài quá khóe cũng được, chưa tới khóe cũng được, chỉ dàm phía cuối hơi ngã, cong xuống dưới ... có con chỉ dàm nhỏ ở đầu mà to, nở ở đuôi ...v.v.

Nhưng theo tôi thì chỉ dàm vô cùng quan trọng, cái chỉ đó nói lên rất nhiều điều ...
Tại sao có người cầm con mồi trên tay và nói con này kèm ngoài khỏi chê, con kia kèm trong, kèm ngoài đều có cả là sao vậy?

1. Chỉ dàm nhỏ và thẳng, dài quá khóe. Tức là vệt đen đi qua cái khóe của con mắt thì anh này bền bĩ, bài bản, kèm ngoài cũng như kèm trong đều như nhau .... điểm đặc biệt của anh này mà mọi người thường không để ý đó là khi nó cất tiếng chiêu bổi sẽ bay đáp ngay vào tàn cây, chứ không bay vòng vòng rồi mới đáp vào tàn, nên nó đã được rất nhiều nghệ nhân chọn nuôi.

2. Chỉ dàm to và thẳng, dài quá khóe. Anh này cũng bền không kém anh ở trên nhưng giọng gáy không nhanh bằng vì loại chim có chỉ dàm to thường là sấm thổ hoặc thổ và rất già mồm, để bổi treo gần nó thì lâu mới nổi vì khi bổi vừa mở miệng là nó đè ngay.

3. Chỉ dàm chỉ có một chóp ở ngoài, cách một khoảng trống nữa mới đến con mắt. Anh này kèm ngoài khỏi chê nhưng khi bổi nhập tàn thì thèm dật cho nên loại này nuôi thành mồi người chơi dễ mang bệnh tức ...

4 . Chỉ dàm chỉ có một vệt sát con mắt còn phía ngoài trống trơn. Con này nước ngoài không phóng không rước nhưng hậu tạm chấp nhận được... nhìn chung là không hay .

5 . Chỉ dàm hơi cong xuống dưới. Anh này thích hợp làm mồi đánh đất. Ta để ý khi bắt được những anh bổi này thường thì khi đấu với mồi một lúc thế nào ảnh cũng xuống đất sau đó mới lên cây, hoặc ở dưới đất ăn bay lên cây ...

6. Chỉ dàm hơi nở về đuôi. Chơi rất bền bĩ, không bao giờ bỏ bổi ....

Giờ thì các bạn hiểu vì sao lúc trước tôi nói chỉ mỏ rất quan trọng rồi chứ ạ!? "

ĐÁNH GIÁ CON MỒI QUA BỘ CƯỜM

Có rất nhiều nghệ nhân sống cả một đời người , chỉ nuôi đúng một loài chim mà thôi đó là con chim cu đất ... và cũng đã có biết bao nhiêu người phải đau đầu vì hai sắc màu đen và trắng ... nghiên cứu đến bạc cả đầu... mà vẫn không sao hiểu hết ý nghĩa của nó , không tài nào lý giải được ....tại sao con này gù nhiều mà cườm chỉ có vài chục hạt ... con kia cườm khỏi chê mà lại gù chỉ có mấy hơi ....tại sao vậy , tại sao vậy ??? .... cũng vì cái câu tại sao vậy mà hôm nay Nguyên mạo muội ghi đôi dòng chữ nho nhỏ này gởi đến các anh em trên diễn đàn , những người có cùng đam mê , cùng sở thích giống như Nguyên...cái cảm giác hồi hộp khi con bổi dữ bay về ...núp vào cho kỹ nghen ! ...rồi cái cảnh tay run run , mừng mừng khi ta bắt được .... vừa hảnh diện vừa kiêu hảnh ( chỉ kiêu hảnh với mình thôi nghen ...) ... Ôi ! đã quá .... chiều nay cúng ông địa nảy chuối nghen !!!

Xét về cườm của chim cu đất thì có hai màu chính đó là : Đen và Trắng , ngoài ra còn có màu vàng đất hay đỏ đất mà nhiều nghệ nhân cho đây là màu cườm rựng ... Đen là gốc , Trắng là ngọn ....cho nên con nào có gốc cườm đen nhiều thì con đó gù nhiều nhưng nuôi thì lâu lắm mới nổi ...ngược lại con nào có cườm trắng nhiều thì ta nuôi mau nổi nhưng gù không nhiều ... khi ta nhìn vào bộ cườm con chim cu thì màu sắc đập vào mắt chúng ta là màu trắng , sắc trắng chói lòa .... to có , nhỏ có làm sao phân biệt được đây ? Nguyên tôi xin thưa :

- Cườm trắng cũng chia ra làm ba loại :

+ Cườm to như hạt đậu xanh ...

+ Cườm nhỏ như hạt mè , có khi còn nhỏ hơn nữa ...

+ Cườm nát bấy , không phân biệt được hình dáng gì cả ...

Dù to hay nhỏ thì hạt cườm cũng có hình dáng của nó ... cườm chữ u hay còn gọi là cườm vuông loại hạt cườm này chỉ có ở những con mồi gù vô địch , cườm chữ o hay cườm tròn loại này thường , cườm chữ v hay còn gọi cườm mưa rơi ...loại này ít thấy nhưng gù không thua gì loại cườm vuông .... cườm nát bấy không phân biệt được hình dáng loại này tùy thuộc vào khổ cườm ( nếu khổ cườm vuông thì gù vô địch còn khổ cườm bầu bầu thì thua không nuôi ....nhớ nghen ! ) .

- Cườm đen cũng chia làm hai loại :

+ Đen mốc ...khi ta nhìn vào đã không có cảm tình rồi thì làm sao mà chọn nuôi được ...

+ Đen bóng loại này nhiều nghệ nhân chọn nuôi vì nó đẹp , óng ánh ...
nhìn chung con nào có vòng cườm đen bóng thì con đó nuôi lâu nổi nhưng khi nổi thì 10 con hay đủ 10 ...

Ở trên Nguyên chỉ phân tích hai sắc màu đen và trắng thôi ....còn đây mới là vấn đề quan trọng .... tại sao quan trọng nghe nè :

Đã gọi là cu cườm thì không con nào giống với con nào từ giọng gáy đến quy , cườm , hình dáng ...mà chúng chỉ na ná nhau mà thôi cũng vì lẽ đó mà ta khó mà phân biệt được ...con nào trống , con nào mái , con nào hay , con nào dở ... chẳng lẻ bó tay sao ! không đâu đối với những nghệ nhân thâm niên thì thường thôi còn đối với anh em mới vào nghề thì là cả một vấn đề nan giải ...nhưng không sao ... thời gian sẽ trả lời cứ chịu khó đọc các bài viết của Nguyên thì anh em sẽ rõ cả mà thôi ...

Cũng vì sự khác biệt giữa con này với con kia mà các nghệ nhân đã phân ra làm nhiều loại cườm : cườm một dây , cườm hai dây , cườm ba dây , cườm nát ... thế cườm một dây nó ra làm sao ? Nguyên xin thưa :

- Cườm một dây là loại cườm mà khi ta nhìn vào thì chỉ thấy có một đường cườm từ trên ót chạy dài xuống vai , rõ ràng , mạch lạc ...hết đường này đến đường kia ...không chen lẫn , xen lẫn với các đường khác ...

Loại cườm này mà kết hợp với hạt cườm trắng to , cườm chữ u , cườm vàng đất cao quá nữa khổ cườm thì gù như điện ( gù vô địch )... nên chọn nuôi làm con mồi ...
Cũng loại cườm trên mà kết hợp với cườm tròn , nhỏ hạt thì thường ...đa số bị loại , không nuôi ...

- Cườm hai dây là loại cườm khi mới nhìn vào trông giống cườm một dây nhưng khi chim nhướng cổ lên ta thấy hai đường song song nhau chạy dài từ ót xuống vai ... loại này thường thấy vì đa số con mồi được các nghệ nhân chọn nuôi đều có cườm hai dây ( chim rất bền ...) .

Loại cườm hai dây cộng với hạt cườm chữ u và cườm rựng cao quá nữa khổ cườm ... loại này gù không nhiều nhưng cứ gù 4-5 tiếng mà gù hoài ...xoay xoay lại gù , nghe hoài không chán ... nên được chuộng nuôi làm mồi ...

- Cườm ba dây cũng giống như trên nhưng khi chim nhướng cao cổ ta nhìn thấy ba hàng cườm đi song song với nhau loại này hiếm thấy , triệu con có một ...khi nó gù thì khỏi chê ...ai có duyên lắm mới gặp ...

Loại cườm ba dây này kết hợp với cườm chữ u hay chữ o gì cũng được ... chữ nào cũng gù vô địch ....theo các bạn có nên chọn nuôi nó làm con mồi không ?

- Cườm nát , bể , đóng lộn xộn không theo một trật tự nào cả ...nếu vòng cườm đen bóng thì gù nhiều còn đen mốc thì loại ....

Nói tóm lại : Dù là cườm một dây , hai dây , ba dây hay bể nát đi chăng nữa ...ta phải chọn khổ cườm to , vuông vắn ...trên thì cao quá ót , dưới thì xuống tận vai ...nếu thòng hay sa về phía trước ngực thì càng quý ...nhưng cườm vàng đất hay đỏ đất phải đóng cao hơn nữa khổ cườm , nếu tới ót thì càng tốt .... loại này dai như đĩa không bao giờ bỏ bổi nhớ nghen !!!
 
Ðề: Tổng hợp các bài viết hay về Cu gáy

MỒI ĐẤT VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN

có 8 vấn đề cơ bản , rất đầy đủ và trọn vẹn .... Qua đây cho Nguyên sắp xếp chúng theo một trật tự của riêng Nguyên ... nếu có thiếu sót thì anh bổ sung nhé !

1. Mồi đất :

Nguyên cho là quan trọng vào bậc nhất ...vì chỉ có những con mồi đất hay , tinh khôn mới bắt được chinh phục được những con bổi dữ , bổi trận mà thôi ... Nếu trong tay bạn cầm con mồi đất dở ,con mồi không hay thì nhất định bạn không bao giờ bắt được những con bổi hay ... trừ khi bạn giăng thật nhiều bộ dò... con bổi dữ trên cao sà xuống ăn , vừa đáp xuống đất thì bị dính dò nhưng điều này chỉ năm khi mười họa mà thôi ... " Chỉ có những con mồi hay mới bắt được những con bổi hay mà thôi " . Chính vì điều này mà Nguyên đặt ra các chuẩn mực cần có của một con mồi đất như sau :

- Phải có nước gù rước , đón mời bổi từ 1 đến 3 đạc gù ... khi bổi vừa chạm vào tàn cây thế .

-Nước thúc bổi phải xiết ... thúc trơn cũng được nếu có kèm đôi , kèm ba thì hay nghe đã tai hơn ... nhưng tốc độ gáy phải ngày càng tăng tốc tức là thúc dồn và gù cũng dồn ... nó làm cho con bổi đứng không yên mà chuyền cành liên tục ... đường nào cũng sà xuống đất mà thôi .

- Ánh mắt của con mồi bao giờ cũng ngó lên xem động tịnh của con bổi , nó thay đổi điệu thúc , điệu gù khi con bổi di chuyển ... điều này rất ít con mồi đất có được .

- Phải có nước gù dai dẳng , gù dẫn bổi thì càng tốt . Khi bổi đi ra xa thì con mồi phải có nước gù kéo lại ... nó lúc nào cũng kiềm chế không cho con bổi đi tự do , đi ung dung ... có người gọi là gù kéo , gù dụ .

- Phải thật gan dạ và lì lợm : nếu con mồi đất mà không có hai đức tính trên thì khi đụng những con bổi rừng bổi dữ nó sẽ nhảy lên lụp đá cho một trận bể luôn thì ... uổng công huấn luyện .

- Khi gặp con bổi già , bổi trận nó phải làm sao ... rồi khi gặp bổi tơ , bổi mái nó gáy gù ra sao ... để con nào cũng sa bẫy dò ... đó mới hay .

2. Dò và cách cắm dò : Yếu tố này Nguyên cho nó nằm ở vị trí số 2 vì :

- Dù cho con mồi của bạn nó hay nhất tài giỏi nhất ... chục con bổi về tàn cây đều sà xuống đất ... nhưng bạn không biết cách giăng dò thì cũng vô dụng , bổi cứ sà xuống rồi lại bay lên ... mặc dù bạn đã giăng dò thật nhiều ... cái này thuộc về phần kỹ thuật giăng dò của bạn chưa cao , chưa tinh luyện ...nên con bổi cứ đi ngang qua ngang lại khu vực tử địa mà vẫn ung dung .... cho nên bạn phải học cách giăng dò .
Có rất nhiều cách giăng dò mà Nguyên đã trình bày trong bài " Kỹ thuật giăng dò " ... sơ lược như sau :

-Giăng kiểu hàng rào kín ... nó như một bờ tường vững chắc ... tức là cọng này nối tiếp cọng kia không một khe hở ... con bổi khi băng ngang qua cái rào ấy là té ngay ... yếu điểm dể bị bổi phát hiện .

- Giăng kiểu hàng rào thưa hay còn gọi là hình chữ chi : ta giăng bên phải một cọng , bên trái một cọng ... cứ phải , trái liên tục đến hết bộ dò thì thôi .... giăng kiểu này thì bổi khó phát hiện nhưng khi con bổi đi xéo thì thường không dính ...

-Giăng hình chữ : C...L...U... O ... giăng một chùm hay một lùm cũng được .

3. Địa hình bẫy :

Nếu bạn có mồi hay , kỹ thuật giăng dò đúng mà bạn không biết chọn " địa hình có lợi " ... thì hiệu quả bắt bổi vẫn không cao . Theo Nguyên thì :

- Bạn nên thả mồi vào một khoảng đất hơi trống trãi ... sao cho con mồi có thể quan sát được xung quanh mà con bổi khi về tàn cũng dễ nhìn thấy con mồi ... ta nên chọn những khu đất hơi cao một chút .

- Bạn phải định vị được cây nào là cây cội ... nhất định con bổi sẽ đáp vào cây đó khi đấu với mồi ... bạn nên ước lượng độ cao thấp của cây ( tính đường hạ xuống của bổi ) mà có sự chọn lựa hợp lý nhất khi giăng dò ... nên nhớ tùy vào từng địa hình mà bạn có giải pháp tối ưu nhất .

-Nếu bạn lão luyện thì nên chọn một địa thế có sức ép bổi ... tức là khi con bổi sà xuống nhất định nó phải đáp vào khu đất đó .

*Lưu ý :

Địa hình bất lợi không nên thả mồi :

- Dưới những tàn cây quá rậm rạp , con bổi cứ đảo , bói liên tục mà vẫn không nhìn thấy con mồi .

- Thả mồi gần các gốc cây bị cưa : bảo đảm con bổi sẽ đậu trên gốc cây đó mà ra sức đấu với con mồi .

4. MỒI BẸO :

Thông thường khi chim mồi thả xuống đất bao giờ nó chậm gáy hơn ở trên cây . Nó thường quan sát sung quanh , mổ đất ăn , mổ cỏ nghịch .... nhưng cũng có những con mồi lão luyện , mồi thuộc thì khi ta thả chúng ra sẽ gáy ngay ...

Dù cho mồi của bạn lão luyện hay chưa lão luyện thì vai trò của con mồi bẹo cũng vô cùng quan trọng . Cho nên khi bạn chọn một con mồi bẹo cần có các yếu tố sau đây :

- Phải thật siêng gáy , treo chổ nào cũng gáy , giờ giấc nào cũng gáy ... nếu biểu cho nó gù cũng được .

- Giọng gáy của nó phải to và vang xa ... ta nên chọn con mồi bẹo có giọng gáy khác con mồi đất ... nhằm để tránh sự đồng âm nghe không đã ... ( con mồi bẹo gáy giọng sấm đồng ... thì con mồi đất sấm thổ ..v.v..) .

- Ta nên chọn con mồi bẹo có giọng gáy thu hút bổi ... nó chỉ đem bổi về tàn là hoàn thành nhiệm vụ ... nếu sau đó nó nín luôn cũng được ..mặc sức cho con mồi đất trổ tài thì hay nhất .

5. BỔI :

Tất cả các yếu tố trên ta làm rất tốt nhưng ta đi bẫy ở vùng không có bổi thì cũng thua " Mồi hay mà không đụng bổi thì cũng như không ... Mồi dở mà đụng bổi trận thì cũng bó tay " ... hôm nay ta đi vùng này không đụng bổi thì ngày mai ta đi vùng khác ... giữ được rừng xanh thì sợ gì không có củi đốt .

Nhưng để đở tốn công ta giăng dò , chọn bãi thả mồi thì bạn nên :

-Thả mồi gần khu vực có bổi bói .

- Gần những con bổi gáy căng tiếng .

6.LỒNG CHỤP :

Dù cho bạn khéo léo cỡ nào đi chăng nửa , ngụy trang cỡ nào cũng không qua được cặp mắt của chim bổi , cỡ nào nó vẫn nhìn thấy ... nhưng nếu cái lồng chụp càng nhuyễn chừng nào thì con bổi dễ đến gần con mồi của bạn hơn .

Theo Nguyên thì lồng chụp chỉ có tác dụng bảo vệ và che chắn cho con mồi hạn chế bớt sự tấn công của bổi trận , chó mèo , bồ cắt ..vv..

Nguyên đã nhìn thấy rất nhiều kiểu lồng chụp , làm bằng nhiều chất liệu khác nhau :

- Có nơi dùng dây thép , ta long xe hon da ... ưu điểm chắc chắn , cứng , hạn chế được sự tấn công của chó mèo , bồ cắt ..vv.. nhược điểm : thô , lộ .

- Dây cáp nhuyễn hay dây thắng xe đạp ... loại này nhuyễn nhưng yếu , đè xuống là xẹp ... nên độ bảo vệ không cao .

- Loại lồng chụp xếp nhỏ lại được như một cuốn sổ nhỏ ... nó được kết nối với nhau bằng lò so ... loại này tiện cho mang đi xa nhưng cũng lộ .

Nguyên thấy bác Air-gun ... làm lồng chụp có độ cao , độ rộng , độ cứng cao ... và rất thẩm mỹ , nói chung rất đẹp ... bác này quả khéo tay ...

7. CON NGƯỜI :

Đây là yếu tố khách quan ta có thể tránh được , ngăn chặn được ... ta không nên đi bẫy gáy gần các khu dân cư , gần các con đường mòn , nơi có nhiều chó mèo rất nguy hiểm ... điều này ta có thể tránh được phải không các bạn .

8. THỜI TIẾT :

Ảnh hưởng rất nhiều đến sự thắng hay bại của chuyến đi ... nhưng yếu tố này Nguyên nghĩ ta vẫn có thể lựa chọn được :

-Trước khi lên lịch tác chiến ta nên xem kỹ dự báo thời tiết trên tivi ... nếu thấy có bão hay áp thấp nhiệt đới , gió mùa đông bắc , hay đợt không khí lạnh tăng cường , có mưa to trên diện rộng .... ở nhà cho vợ con nhờ ...

- Nếu như bạn không rảnh chỉ rảnh rỗi vào chủ nhật , đi theo kiểu ghiền .. thì ta vẫn cứ đi lên rừng ... hên xui mà thôi . Nguyên cũng hay đi theo kiểu này lắm ... vẫn biết là trời sẽ mưa ... nhưng ta vẫn đi ... đôi khi nghĩ lại thấy mình cũng quá ngu ... ai bảo lại thích tìm cái ngu mà chơi .. hì hì ...
 
Ðề: Tổng hợp các bài viết hay về Cu gáy

Cụ Long"Chim To" này chỉ được cái truyền "Đạo Chim" là giỏi, có con bổi nào hay ở ngoài bãi thì xúc hết của anh em, đã thế lại chỉ dạy tận tình cách bẫy, cụ định dạy anh em cách bẫy Cu, xong rồi áp dụng cho ...Chim Sẻ à!

Cụ cứ liệu hồn, tụi này xách lụp ra bãi mà không được em nào thì cụ cứ...chìa Chim của Cụ ra cho anh em xúc nhé!

Cụ đăng tiếp bài của Cụ Hà SDS bên ABV cho anh em mở mang tầm mắt nhé!
Tiên sư mấy anh Cu, làm ta vật quá rồi!
 
Ðề: Tổng hợp các bài viết hay về Cu gáy

LỒNG BẪY VÀ DÒ BẪY CHIM CU

Lồng mồi cây thì cũng có muôn màu muôn vẻ ai thích kiểu nào dùng kiểu ấy ... nhưng chung quy thì chỉ có 3 loại cơ bản ...rồi nghệ nhân chơi cu biến tấu thêm , đại loại như sau :

1. Lồng mồi treo có móc trên lồng , mặt trước chụp xuống bằng lưới ...hình như đây là loại lồng được sản xuất ở miền Trung :

- Ưu điểm : khi bổi nhảy xuống cầu nhảy ...thì tấm lưới chụp lại ...10 con bắt đủ
Đánh cây cũng được , đem xuống đất cũng được ...cơ động nhanh do gọn , nhẹ ...thích hợp cho đi xa đánh vài ngày mà con mồi cũng không bị đói , vì trong lụp lúc nào cũng để sẳn thức ăn và nước uống ...

-Nhược điểm : khó bắt được bổi trận , nhất là những con bổi sợ lụp ... dùng loại bẫy này thì con mồi phải thật hay ... chiêu dụ dữ dằn , gù không mệt ...
Tóm lại : loại lụp này thích hợp cho đi đánh xa , những vùng cu bổi còn y , chưa bị bể ...

2. Bẫy cò ke : đây là loại bẫy cực kỳ lợi hại ...được sản xuất đại trà ở Trãng Bàng -Tây Ninh ...chia làm 2 loại :

- Lụp đóng : là loại lụp đóng lưng chừng thân cây , cao vừa tầm với ...

- Lụp sào : giống y như lụp đóng nhưng chế tác thêm để đưa lên cao ... bằng một cây sào nhôm hoặc tre ...

* Hình dáng như sau : dùng thép inox hoặc ta long xe Hon Da làm thành một cái gáo ( như cái gáo dừa múc nước ) , được nối dài bằng 1 thân cây nhỏ , dẻo ,dai thường làm bằng cây nổ ...trên thân cây này là kèo nhảy , bắt bổi bằng 1 sợi nhợ rất nhuyễn ...đầu còn lại dùng để đóng vào cây hoặc chế tác móc lên cao ....

- Ưu điểm : chỉ cần bổi bay ngang đậu lên là bắt , vì nó được ngụy trang bằng cây thật , gáo thì rất đơn sơ , khi cho mồi vào lụp ...thì con mồi rất lộ , bổi dễ phát hiện ... không phân biệt bổi trống ,mái ... bổi hiền hay dữ cứ đáp vào là bị trói chân ngay ...

- Nhược điểm : thường hay xảy bổi 10 con bắt 7-8 ... cồng kềnh , sức cơ động không cao ... mồi dễ bị bồ cắt chụp ... nếu đụng bổi trận đấu lâu , mồi sẽ bị đói và khác nước ... không thích hợp cho việc đánh lâu ngày .

3. Bẫy gáo chì phối hợp : Lồng cu mồi để dưới , kèo nhảy trên nóc lồng cách lồng mồi 20- 30 cm ... loại lụp này còn lợi hại hơn hai loại trên . Vì trong khi đi bẫy cu ... ta quan sát con bổi lúc nào cũng đá con mồi từ trên xuống , từ trên rớt xuống không bao giờ đá vào đích lồng ...

* Hình dáng như sau : cầu nhảy chỉ có 1 cây nằm ngang , phía dưới là nhợ ... đầu còn lại được gắng với cục chì . Khi bổi nhảy lên kèo , cục chì rơi xuống kéo theo sợi nhợ ,trói chân chim lại . Phía dưới kèo nhảy là lồng mồi ( như cái gáo tròn để ở dưới ) ...

- Ưu điểm : bổi nào ta cũng bắt được , không phân biệt chim trống hay chim mái , bổi càng trận ta kéo lồng mồi xuống thấp ( bình thường ta treo lồng cách kèo nhảy từ 20-30 cm ...ta cũng có thể kéo xuống 60-70 cm ) , bổi đá từ trên xuống nên rất dễ bắt bổi . Loại lụp này bồ cắt không bao giờ chụp được con mồi , vì khi sà xuống là đụng ngay kèo nhảy rồi ....

- Nhược điểm : thao tác chậm , cục chì dễ bị rớt khi ta đưa lồng lên cao 5-6m ...
Loại bẫy này được sử dụng nhiều ở Suối Dây - Tân Châu -Tây Ninh

4. Bẫy dò chia làm 2 loại :

* Loại dò dài 110 cm ( một tấc mốt ) ...

- Ưu điểm : bổi chỉ cần đi ngang qua 1,5 bước là té ...

- Nhược điểm : độ rộng của dò hẹp , đôi khi dính móng chim bổi dẫn đến hay xẩy ...
* Loại dò dài 120 cm ( một tấc hai )
- Ưu điểm : độ rộng lớn , bổi đi ngang qua thường dính cùm chân , giăng ít dò hơn ...
- Nhược điểm : bổi té sau hai bước đi ...

Tóm lại : bẫy dò chỉ thích hợp đánh ở những vùng ít cây cối , có khoảng trống nhiều , giăng dò đòi hỏi người chơi phải biết đôi chút về nghệ thuật đánh đất ...có người giăng cả chục bộ dò mà bổi cứ rớt xuống rồi lại bay lên.. nhưng có người chỉ giăng đúng 1 bộ dò mà bổi rớt xuống con nào bắt ngay con ấy ...

* Mồi đất cũng có 2 loại , mồi đánh bằng chụp , loại này phổ biến ... mồi đánh trần loại này hiếm có ...Lúc trước Nguyên có 2 con cực kỳ hay chuyên đi bắt bổi trận ...nhưng có 1 con Giao Long bị bồ cắt tha , còn 1 con bán về TP HCM
Hiện giờ Nguyên đang huấn luyện 2 em ... 1 em tháng sau ra trường , em còn lại 4 tháng nữa ...

-Ưu điểm của loại mồi đánh trần : rất dễ bắt bổi , bắt rất nhanh đối với những con bổi chịu đá , 15 phút 4 con bổi ...

- Nhược điểm : dễ bị bể do đá không lại con bổi ... dễ bị bồ cắt , chó , mèo ...xơi ...

ĐỊA HÌNH BẪY CHIM CU

Xưa nay các nghệ nhân lão thành thường cho rằng biết được địa hình , cây cội của chim hay đậu là ta đã nắm chắc 60 % phần thắng ... còn 40% còn lại là nhờ vào tài năng của con mồi .... cho nên việc xác định cây cội là vô cùng quan trọng ... cũng một con bổi đó mà ta có thể đánh bẫy 3 đến 4 lần vẫn không bắt được ... nhưng nếu ta biết được cội của nó thì có khả năng bắt được nó chỉ trong một lần bẫy ....

- Thế cây cội nó ra làm sao ? nó có gì khác biệt với những cây khác ... đây là những kinh nghiệm sương máu mà ít có nghệ nhân nào dám nói ra " sống giữ , chết mang theo " ... phải trãi qua quá trình lâu dài , chiêm nghiệm thực tế ta có thể biết được sự khác biệt ấy ... cho nên khi nhìn vào thế rừng , thế cây , thế đất , thế nước .... Nguyên có thể đoán được đâu là cây cội ... các bạn có tin không ?

Hôm nay lãnh lương thấy vui vui trong lòng nên viết ra để anh em đọc cho vui ... bắt đầu nhé !

1. Cội độc lập :

- Cội độc lập là cội được Nguyên cho vào dạng ưu tiên số một .... giữa một bãi đất trống trãi , bằng phẳng ... có một cây đứng giữa đồng trống ... đây là cây thế mà tất cả các con bổi dữ đều muốn chiếm giữ làm cội riêng .... cho nên tại cội độc lập này vẫn thường xảy ra các cuộc hỗn chiến một mất một còn , để dành cho kỳ được cội này ... Cho nên khi bạn bẫy ở cội độc lập này có thể bắt từ hai đến ba con bổi một chổ .... mà ta không cần dời kèo ...
Cho nên địa hình này Nguyên luôn luôn chọn làm ưu tiên số một .

2. Cây khô giữa một rừng cây tươi ... ở bên dưới có một khoảng đất trống , bằng phẳng ít cỏ ... đây là bãi ăn của chim ... khi ăn no bảo đảm bay đậu ngay cây khô mà đứng rĩa lông ... được Nguyên chọn làm ưu tiên số hai .

3. Cội ngủ , nghĩ ... một rừng cây có một bãi đất trống ở bìa rừng ... ta đi quan sát dưới gốc cây nào có phân chim ... bảo đảm đây là cội chim nghĩ trưa hay ngủ ... cứ treo mồi vào đây ... thế nào cũng có chiến lợi phẩm ... được Nguyên chọn làm ưu tiên số ba .

4. Cội nước ( cái này là Nguyên gọi như vậy thôi ... chứ không biết các anh em khác gọi là gì ) ...gần triền suối có một cây khô hay một cây tươi có ít nhánh , cao hơn các cây khác ... bảo đảm chim sẽ bay về đậu ngay cây này trước khi sà xuống uống nước ... được Nguyên chọn làm ưu tiên số bốn .

5. Chỉ có một cây cao nhất đứng giữa một hàng cây ... ta nên chọn cây này ... nhưng hơi nguy hiểm vì bồ cắt hay chọn loại cây cao này đậu để chúng dễ quan sát tìm mồi ....
 
Ðề: Tổng hợp các bài viết hay về Cu gáy

PHƯƠNG PHÁP HUẤN LUYỆN BỔI CON THÀNH MỒI

Nhiều nghệ nhân nói nuôi chim cu mà nuôi chim con thì ...chỉ để gáy gù cho vui tai mà thôi .. có những nghệ nhân bỏ ra rất nhiều thời gian lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm ...chỉ mong sao có được vài con bổi rất hay , rất dữ mang về nuôi ...chứ không ai đi bắt chim con về nuôi cả ... nay tuổi đã xế chiều không còn đủ sức đi rừng nữa thì ngồi ở nhà nghe cu gáy , mà phải là cu khách gáy nghe mới đã .. thúc , gù lia lịa ... khách vào thì chào liên tục ...cù cụ , cù cụ ...

- Có những nghệ nhân đi mòn đường , chết cỏ mà bắt không được con bổi hay đem về nuôi , không bắt được con bổi cha mà lại dính con của nó ...mới tức chứ ...vẫn biết nuôi chỉ uổng công thôi nhưng định thả thì thả không đành ...rồi mình lại tự an ủi mình : " con nhà tông ,không giống lông cũng giống cánh " ....cứ đem về xem sao ...

- Có người lại đi bắt cả ổ đem về nuôi ...chỉ mong sao cha là con bổi sát thủ thì con cũng ....nhưng thời gian vẫn trôi đưa con chim non ngày nào nay đả trưởng thành ...giống y như một anh mồi sát thủ ...nhưng nó chỉ là con " sát thủ trong nhà thôi " thế mới tức ...

- Có người lại nói nó ở nhà gáy gù như điện , nhưng khi đem ra đồng thì im thin thít ...đúng là cái đồ khôn nhà dại chợ ...

- Có người lại nói đem nó ra rừng khoái chí nó gáy gù vang trời vang đất nhưng ...khi bổi đến nó lại xem như bạn ... nó gáy mặc nó , bổi gáy mặc bổi ... vì nó là con chim con mà ... nó đâu biết dụ bổi ....

- Nguyên tôi cũng nuôi được 5 cặp chim con bắt trong rẩy điều :

Cặp thứ nhất bị què dò ...do tôi bắt ra ngoài hoài ...sau đó chết ...
Cặp thứ hai không bị què dò nhưng khi tôi cho chúng ăn , đi ngay đến lồng mà mặc áo trắng ... chúng giật mình, sợ quá thi nhau bay loạn xạ ... con gãy cánh con bể đầu ...sau chúng cũng qua đời luôn .

Cặp thứ ba mèo xơi một con , còn một con sau thành chim mái ...

Ông nội tôi nói khi bắt được chim bổi con ta chỉ chọn nuôi một con thôi , bắt con trống mà nuôi ... hai con chim con chưa trổ cườm làm sao phân biệt được con nào trống con nào mái hả ông . Ông tôi từ tốn nói : cách phân biệt chim trống ,mái như sau :

- Đối với con bổi đã lớn ta phân biệt bằng cách kiểm tra ghim đích ...con nào ghim đích hẹp đa phần là con chim trống nhưng chỉ đúng với loại chim đã qua hai ba mùa sinh sản , còn đối với chim tơ mới lớn con mái chưa đẻ thì rờ ghim đích vô tác dụng ... không tài nào ta phân biệt được ...đâu là con trống, đâu là con mái ... ta phải thử thêm một cách nữa : nhổ cọng lông đuôi xem xét kỹ phần chân lông nếu có màu đen , đục là con trống ...còn màu trắng ,nhạt là con mái .( chắc ăn nhổ luôn cọng lông cánh ).

- Đối với chim con ta không phân biệt được bằng cách ấy nhưng con chim trống thường đứng với tư thế cao đầu hơn , hiên ngang hơn con mái và một điểm nữa con chim trống là con chim lớn . Ta chỉ cần biết bắt con lớn về nuôi là được ...
Con thứ tư và thứ năm Nguyên nuổi nổi nhưng chỉ là con chim khách thôi ...không bao giờ trở thành con mồi được ....

Sau này đi nhiều nơi , học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong đó có nghệ thuật huấn luyện cu bổi con thành mồi ...nay viết lại để anh em cùng tham khảo , cùng nhau chung tay góp sức để diễn đàn ngày càng hấp dẫn hơn ...t

1. Chim con được nuôi đầy đủ ...đầy đủ thức ăn và nước uống , không có sự đấu tranh để sinh tồn .

2. Sống cách xa bầy đàn nên không phân định được lãnh địa riêng ... không biết đấu đá tranh giành ...va chạm thực tế ít , chưa từng trãi ...

3. Không có chim bố mẹ chỉ bảo ,dậy giổ ...gáy như thế nào , gù ra làm sao , tư thế gù cao đầu hay thấp đầu ...nó đâu có biết đâu .

4. Nó sống trong môi trường gia đình nên nó đâu biết dụ dỗ ai ...chỉ biết gáy gù cho vui thôi chứ nó đâu hiểu ý nghĩa ...( y như người nước ngoài học tiếng Việt vậy, nói được nhưng họ đâu có hiểu hết ý nghĩa ngôn từ , câu cú là vậy ) ...

Trên đây là những điều ta cần biết và đây là cách huấn luyện :

- Con bổi con vừa bắt đầu nổi ta dời chổ nó liên tục ...nay ở cây này , mai cây khác .

- Khi nó căng lửa gặp người nó sẽ gù ngay , ta trị ngay cái tật ấy ...bằng cách ngụm một ngụm nước đi thẳng đến nó vừa chuẩn bị gù là ta phun thẳng nước vào mặt nó , làm vài lần thì sửa được ngay ...( à các bạn đừng đem con bổi gù người đã nhiều năm ra phun nước nghen ...không tác dụng đâu vì nó đã trở thành thói quen rồi ) .

- Cho gù với bổi ... chứ đừng cho nó gù với mồi già nghen , nó sẽ bị bể đó .

- Cho nó vào một cái chuồng thật rộng ở khoảng 3-4 ngày ta thả một con bổi cùng trang lứa với nó , cho đá lộn , ngày đầu đá ít thôi , sau đó tăng dần ....rồi đổi con bổi khác ....

- Đem nó ra rừng treo cạnh con mồi già , nghe con mồi già dụ bổi , coi con bổi phất ngang con mồi gáy gù ra sao ...đem nó về ...,mỗi ngày một ít , một ít ...mưa dầm thấm dai ...

- Sau đó ta mang nó đi một mình ...nếu bổi phất ngang mà nó gù phóng mấy đạc ...coi như ta đã thành công một phần rồi .... muốn thành công hơn là phải nhờ đến tài nghệ của nó ....

ĐÁNH GIÁ CON MỒI QUA BỘ LÔNG QUY

Ai trong chúng ta cũng đều có một nổi niềm riêng thầm kín , một khung trời của riêng ta ... Nguyên cũng vậy , sau những ngày lặn lội đi tìm con mồi may bổi , sau những cuộc trò chuyện thâu đêm cùng các bậc nghệ nhân lão thành ... Nguyên nhận ra rằng có những điều " then chốt " mà các bậc nghệ nhân thường lưu giữ lại , muốn lưu lại ... một chút gì đó cho riêng ta " gọi là bí quyết " .... nhưng cũng có những nghệ nhân khi đàm đạo đã thật lòng đem những kinh nghiệm quý báo truyền đạt lại ... cho thế hệ sau có cái gì đó để mà suy mà ngẫm ... thật là một tâm hồn cao thượng . Ai cũng muốn để lại một chút gì của riêng ta " gọi là bí quyết " ... để đôi khi ta kiểm chứng lại những bí mật ấy qua những đứa con tinh thần , ta cảm thấy mản nguyện và hài lòng ... rồi ta lại nhủ thầm : Ừ ! chọn một con mồi hay phải có những tiêu chuẩn như vậy và như vậy ... những đứa con tinh thần ấy đã làm rạng ngời niềm hân hoan và tự hào cho người chủ nhân của nó . Điều đó thật là diễm phúc phải không các bạn , đâu phải ai ai cũng có được niềm hân hoan ấy .

Nguyên cũng đã viết nhiều bài viết mà Nguyên cho rằng rất bổ ích cho những ai đam mê cù cú cu , cu .. ... một thú vui tao nhã , thanh cao . Không lọc lừa , không đua chen ... chỉ có nghệ thuật pha lẫn một chút hồi hộp , mà nó đã làm điêu đứng , mê mẫn bất kỳ ai khi đã sa chân vào con đường nghệ thuật thanh đạm , giản dị mà ta không sao bỏ đi được ... y như hồn sông núi vậy . Dù ta đi đâu hay làm gì mỗi khi nghe tiếng cù cú cu cu cất lên là ta lại lắng nghe ... xem xem chú này gáy giọng gì , hay , dở ra sao ... có nhiều nghệ nhân nuôi chim cu cả một thời gian dài nay lại giải nghệ nào là cho , là tặng , là bán ... hết sạch chim treo trong nhà .... nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thôi lại cất công đi tìm về nuôi để rồi sáng sáng khi tỉnh giấc ta lại nghe tiếng cù cú cu cu cất lên ... ôi nó thân thiện làm sao ... nghe chúng gáy gù nhà cửa cũng vui lên ... thiếu chúng ta lại thấy mất đi một cái gì đó ... Y như có nhà thơ nào đó đã viết : " Người đi một nữa hồn tôi mất , một nữa hồn kia bỗng dại khờ "

Nguyên cũng vậy cũng muốn lưu giữ lại một chút gì đó cho riêng ta ... nhưng hôm nay Nguyên vui quá vì những đứa con tinh thần mà Nguyên tặng hay bán chúng đã làm mát lòng những người chủ nhân mới .... rồi Nguyên lại tự nhũ thì ra những chiêm nghiệm mà lâu nay Nguyên ấp ủ nay đã thành hiện thực ... nên hôm nay Nguyên quyết định viết bài này gởi tặng cho những ai có cùng đam mê và sở thích giống như Nguyên .

Các bạn hiểu gì về những cọng lông quy !

Trên diễn đàn đã có rất nhiều bài viết diễn tả về lông quy ... rất hay nhưng Nguyên vẫn thấy còn thiếu thiếu một điều gì đó ... nên hôm nay Nguyên mạo muội ghi lên để anh em đọc cho vui ... vào đề nhé !

- Lông quy là gì ? ... lông quy là phần lông nhỏ có , to có ... lông mọc đầy trên hai cánh chim cu , coi vậy mà chúng cũng có rất nhiều hình dáng khác nhau , đã được các nghệ nhân đúc kết lại và đặt tên cho nó để dễ bề phân biệt nào là : Quy me , quy ốc , quy liễn , quy bìa tên , quy hổ ... vân vân .. đủ loại , tùy vào mỗi vùng mà có những tên gọi khác nhau ... nhưng nếu ta chỉ nhìn qua những cọng lông quy mà đánh giá đó là con mồi hay , hay con mồi dở là không đúng ... vì theo Nguyên nghĩ :

Lông quy chỉ tượng trưng cho bộ xương của con chim mà thôi , bộ xương ấy cấu tạo ra sao ,có liền lạc hay không , có vững chảy và đe đúc hay không .... cũng y như khi ta bồng con gà nòi trên tay vậy , xương lườn gồ lên lòng bàn tay dài và sâu ( lườn tàu ) thân mình đe đúc như cục sắt nguội ta biết ngay con gà này có nội lực rất tốt ... còn chim cu thì sao ! vì bộ lông của chúng quá bở nên ta không thể bồng chúng lên mà rờ mà nắn được ... nên chúng ta chỉ đánh giá chúng qua những cọng lông quy mà thôi ...

Ở đây Nguyên không nói về những tên gọi của lông quy mà Nguyên chỉ đề cập đến sự sắp xếp , trật tự của những cọng lông ấy mà thôi ...

Dù là quy me hay quy ốc , quy hổ hay quy bìa tên ... thì loại quy nào nó cũng có một giá trị của nó cả . Miễn sao những lớp lông ấy chồng lên nhau , cái sau đè lên cái trước 2/3 là tốt ... nhưng lông phải đóng thật dày , thật khít , liền lạc từ trên xuống dưới đuôi cánh mới tốt .

Tuy vậy cách sắp xếp của chúng cũng có lớp có lang , có hàng ngủ rõ ràng nếu ta tinh mắt .... được phân chia làm ba loại :

1. Quy rũ hay còn gọi là quy sụ .
2. Quy ngang .
3. Quy sổ .

Tại sao ta lại gọi nó là quy rũ hay quy sụ ?

- Loại lông quy này đóng không theo một trình tự nhất định nào cả . Khi ta nhìn ngang cũng không được , nhìn dọc cũng không xong ( có người gọi là loạn quy cho dễ hiểu ) . Chim có loại quy này thường rất hay ở dàn ngoài , kèm , bo lia lịa ... nước đưa chim bổi về rất hay ... phóng kèm nghe mê chết ... nhưng nước hậu thì lại dở ... khi bổi nhập tàn thì chỉ gù đôi đạc cho vui ... ( hay còn gọi là tiền khoáng hậu bần hay trước hay sau dở ) ... loại này thích hợp cho những ai mới tập chơi ... và để làm chim bẹo thì khỏi chê vì treo đâu cũng gáy ....

Còn quy ngang thì sao ?

- Loại này khi ta nhìn ngang cũng được mà nhìn dọc cũng được , những cọng lông mọc gần như có hàng ngũ và song song với cánh . Những cọng lông bao cũng nằm ngang không ngã hay rũ xuống .... loại này hay từ đầu đến cuối ... phóng kèm bo nước tiền cũng như nước hậu như nhau , càng về khuya càng hay ... nhưng loại này khó kiếm ... theo các bạn có nên chọn nuôi hay không ?

Còn quy sổ là sao ?

- Loại này không hiếm lắm ... khi ta nhìn từ vai hay từ phần chóp cánh thấy những hàng lông quy chồng lên nhau chạy sổ xuống thành một đường dọc , một đường , hai đường rồi ba đường , càng nhiều càng tốt . Nếu toàn bộ cánh mà có những đường sổ như vậy ... thì đây là con chim vô địch ...

Nhưng nếu chỉ sổ vài ba đường ... còn các hàng khác thì đóng bình thường y như hình con mồi số 1 của Nghiavt thì nó chỉ nằm hạng khá mà thôi . Vẫn biết nó gáy đủ bài bản , không bao giờ bỏ bổi ... nhưng không thể vô địch một vùng được .
Nhiều nghệ nhân coi chim đến đây thì đã hết biết rồi , không còn đánh giá được điều gì khác nữa ... nhưng Nguyên xin thưa vẫn còn đó các bạn .

Một con mồi được đánh giá là hay hay dở , bền hay không bền ... câu này đã làm đau đầu các bậc nghệ nhân tại sao vậy ? tại sao có con mồi chơi mới một hai mùa đã xuống chim không còn hay như trước nữa , mới đó mà bỏ bổi rồi .... nhưng có con chơi được 5 đến 10 năm thì tuột dần phong độ , sa sút hẳn ... nhưng cũng có những con chơi vài chục năm , thậm chí cả đời người mà vẫn hay như thường ... tại sao vậy ? ... Nguyên xin thưa điểm then chốt của nó là đây : nhớ kỹ nghen !

Cũng từ những loại lông quy như Nguyên đã trình bày nhưng chúng được sắp xếp theo một trật tự rỏ ràng , có lang có lớp ... nên được chia làm hai loại : Quy tam tần ( 3 lớp ) ; Quy tứ tần ( 4 lớp ) .

- Quy tam tần : Tức là trên bộ lông quy của con mồi được phân chia ra làm ba lớp rõ ràng . Lớp thứ nhất nhỏ , dầy và khít ... Lớp thứ hai thưa hơn một tí ... Lớp thứ ba nằm ở đuôi cánh ....

Loại mồi có quy tam tần thường thấy , cũng rất hay nhưng chơi không được lâu , con nào bền lắm là 7-8 năm thì xuống phong độ ....

- Quy tứ tần hay còn gọi là quy phủ bì :

loại này có 4 lớp lông quy mọc dầy đặc phủ từ trong ra ngoài không gián đoạn ... loại này vừa hay , vừa bền ... nước gù thì khỏi chê ... nhưng hơi khó tìm ... Cho nên ai mà sở hữu được con mồi quy 4 tần thì được cho là có duyên với nghề này ...
 
Ðề: Tổng hợp các bài viết hay về Cu gáy

PHƯƠNG PHÁP HUẤN LUYỆN MỘT CON MỒI CÂY

Các nghệ nhân thường nói với nhau rằng : Bắt được một con bổi hay đã khó , mà nuôi nó nổi lên để làm con mồi càng khó hơn nữa ...có con nuôi hàng chục năm vẫn chưa nổi ( Nguyên xin giải thích thêm về từ nổi : nổi ở đây có nghĩa là dậy ...tức là con bổi đả phát gáy gù liên tục , thấy con gà đi ngang qua cũng gù ..) ..nhưng có con nuôi chỉ vài tháng là mang đi tập được ....thường thì nghệ nhân cho rằng con nào nuôi sớm nổi thì mau tàn ....theo Nguyên thì không đúng ...chỉ vì xem tướng chưa hết giá trị , đánh giá chưa hết tài năng của con mồi nên mới nói vậy thôi ...
Con nào mà " phụng vỹ đầy đủ " thì nuôi đến già vẫn là con mồi hay ... Nguyên sẽ giải thích câu này ở một chủ đề khác ...chờ nghen !.

Khi con bổi ta nuôi đã nổi ...đừng mang đi tập vội mà ta phải chờ cho nó nổi mùi , nằm xuống vỹ mà giật " sa cầu nhịp cánh " hay thấy con gà , con chó đi ngang qua là nó cắm đầu gù lia gù lịa ...đây là giai đoạn chính mùi còn chờ gì mà không mang đi tập ... nhưng nhớ phải theo từng giai đoạn ... đừng có vội vàng mà hư việc nghen ...
- Giai đoạn một : cho làm quen với rừng và cây cối xung quanh ...ở giai đoạn này ta chỉ đi bộ thôi ngày đầu khoảng 1-2km treo nó 2 đến 3 kèo ... nên nhớ treo nó ở cây thông thoáng trước ...xem nó có chịu gáy hay không ? canh giờ xem bao lâu nó gáy ... khi bổi bay ngang nó có gù phóng hay không ? bổi nhập cây nó có dám gù hay không ?

+ Ở trường hợp này mà nó không dám gù với con bổi ta phải quan sát xem nó có sừ lông lên tìm đường đi ra ngoài cắn mổ hay teo lại ...
Nếu xù lông lên , tung bạch bạch thì hai ngày sau đi bẫy tiếp ...còn teo lại thì đem về nuôi tiếp ...

+ Nó dám gù đấu với con bổi ta cho nó đấu tự do không can thiệp ...nếu may mắn bắt được con bổi ta đừng gở bổi vội mà để cho con bổi vùng vẫy khoảng 15 đến 20 phút ta xem con mồi có dám gáy gù hay không ?

Nếu nó dám gù thì anh nầy là loại lì lợm không sợ bất cứ con gì , kể cả bồ cắt ... ngày mai mang đi tiếp nhưng treo nó vào cây rậm , xem nó có dám gáy gù không ...
Nếu bổi dẫy bao nhiêu nó dẫy bấy nhiêu thì anh này nhất định tắt tiếng ít nhất cũng một tuần ....chờ khi nào nó gáy gù trở lại ta mới mang đi tập tiếp loại này tập vất vả đây .

Ở giai đoạn một này con bổi mà lì như trên thì ta chỉ cần đi khoảng 10 ngày mà ngày nào nó cũng gáy gù , dù cây thưa hay cây rậm , dù trong mát hay ở ngoài nắng mà nó vẫn gáy ....thì coi như ta đã thành công được một bước đầu ...

- Giai đoạn hai : cho quen dần với xe cộ ...

Ngày đầu cho nó lên xe nổ máy để đó thỉnh thoảng rịnh rịnh vài phát ...khoảng 30 phút tắt máy mang nó treo lên cây gần nhà xem có còn dám gáy gù không ? làm như vậy hai ba ngày gì đó ... Nếu nó vẫn gáy gù bình thường thì ngày hôm sau ta chở nó đi khoảng 5km đánh thử vài kèo ...sau đó mang nó về ( nhớ là chạy xe chậm chậm thôi nghen ...chứ chạy nhanh quá coi chừng nó bị bể xe ... cứ đi bộ thì gáy gù mà mang lên xe thì tắt tiếng ....nhớ nghen từ từ thôi .. dục tóc bất đạt ...).

Đi ba ngày liên tục sau đó nghĩ hai ngày cho nó lại sức ...ở thời gian này ta chỉ đi một buổi thôi nhưng hôm nay buổi sáng thì ngày mai đi buổi chiều , hôm nay treo cây rậm , ngày mai treo cây thưa , chổ mát chổ nắng ....

Sau đó ta đi xa hơn khoảng 30 đến 40 km mà tốc độ xe chạy 80 đến 90 km / giờ mà nó vẫn gáy gù thì coi như ta đã thành công bước nữa rồi ...

- Giai đoạn 3 : tập đi rừng ... ở giai đoạn này ta cho nó làm quen với việc đi xe trong đêm đến sáng ...thả ra là đánh liền ...vừa mệt vừa đói ....tập cho nó quen dần với việc đi xa , đói khác , lạnh , tốc độ xe ...nhưng nhớ đi trong ngày về thôi ...khoảng 100km là được ...cho nó nghĩ 3 đến 4 ngày sau đó ta đi tiếp ....

Cho nó va chạm với đủ loại bổi , dữ có , hiền có ....đủ giọng son, sấm , thổ, đồng ...coi nó phản ứng ra sao...nó có sợ giọng nào không ? ( lúc trước Nguyên cũng có một con sấm thổ mang đi tập nó bắt được 11 con bổi mà nó đụng con sấm đồng ở Suối dây là nó tắt đài ... khi con bổi về gù bao nhiêu nó cũng gù trả bấy nhiêu nhưng khi con bổi không gù nữa chuyển sang thúc thì nó im re ... mặc dù đã bắt được 11 con bổi ) ...cái này đến giờ Nguyên vẫn không lý giải nổi ...có lẽ ở ngoài đồng nó đã bị một con sấm đồng nào đó đá cho sắp chết nên bể luôn ...) .

Dù là rừng sâu hay rừng thưa mà nó vẫn gáy gù coi như ta đã hoàn tất quy trình huấn luyện một con mồi cây ....giờ thì ta chỉ còn chờ nó trổ tài mà thôi ....

Bài viết này được sưu tầm từ nguồn ABV
 
Ðề: Tổng hợp các bài viết hay về Cu gáy

Cụ Long"Chim To" này chỉ được cái truyền "Đạo Chim" là giỏi, có con bổi nào hay ở ngoài bãi thì xúc hết của anh em, đã thế lại chỉ dạy tận tình cách bẫy, cụ định dạy anh em cách bẫy Cu, xong rồi áp dụng cho ...Chim Sẻ à!

Cụ cứ liệu hồn, tụi này xách lụp ra bãi mà không được em nào thì cụ cứ...chìa Chim của Cụ ra cho anh em xúc nhé!

Cụ đăng tiếp bài của Cụ Hà SDS bên ABV cho anh em mở mang tầm mắt nhé!
Tiên sư mấy anh Cu, làm ta vật quá rồi!
 
Bên trên