(VTC News) – Vụ tai nạn tại Gia Lâm (Hà Nội) ngày hôm qua 29/2/2016 chắc vẫn ám ảnh lâu dài với nhiều người, bởi sự xót xa đau đớn tận cùng về cái chết oan uổng của 3 sinh linh vô tội. Nhưng, một nỗi xót xa khác cũng đang khiến nhiều người trăn trở, đó là sự vô cảm đến tàn nhẫn của con người. Một độc giả VTC News đã gửi đến báo chia sẻ quan điểm này, chúng tôi xin đăng nguyên văn, tiêu đề do tòa soạn đặt. Vô cảm Nỗi đau sau vụ tai nạn thảm khốc, kinh hoàng ngoài sức tưởng tượng xảy ra ở Gia Lâm ngày hôm qua vẫn cứa vào tâm can gia đình nạn nhân và những người ở lại. Người ta thấy sự bàng hoàng, thất thần hoảng loạn chưa dứt trong đôi mắt, trên gương mặt của người mẹ mất con, người con mất cha, người chồng mất vợ. Cái chết của những người thân yêu đến trong một tích tắc, đầy oan uổng và đau đớn. Nhưng còn một nỗi đau, dai dẳng và ám ảnh không kém sự ám ảnh về những cái chết vô tội kia, đó là sự vô cảm tàn nhẫn của con người. Cháu bé không còn nguyên vẹn hình hài, thoi thóp thở những giây cuối cùng của cuộc sống trên đôi tay cô giáo. Và cô giáo ấy, trong nỗ lực bằng mọi giá cứu học trò nhỏ bé bỏng, đã phải bất lực nhìn những chiếc xe cố chen khỏi đám đông, thậm chí cả khi cửa xe mở rồi, cô bé được bế lên, tài xế vẫn nhấn ga, cuống cuồng bỏ đi, bỏ lại cô bé bơ vơ giữa lòng đường. Cô giáo kể lại: “Mọi việc diễn ra quá nhanh ngay trước mắt mình. Xe camry đâm liên hoàn mấy xe máy bắn vào góc sân vỉa hè một ngôi nhà bên trái đường, mấy người bắn ra. Trong giây phút kinh hoàng ấy mình nhận ra cháu bé mặc áo đồng phục Ngọc Lâm. Mình vội chạy xe vào hè phố gửi và quay ngay lại hiện trường. Lúc đó ông nội cháu đã tử vong ngay. Người phụ nữ đi bộ vẫn còn thoi thóp. Mình lấy vở của con và xác định tên, lớp của con. Mình điện thoại báo, hiệu trưởng cùng Ban giám hiệu lập tức có mặt ở hiện trường và chỉ đạo báo cho mẹ cháu và cô chủ nhiệm. 15 phút sau khi tai nạn, mình bỗng thấy cháu gồng bụng lên đầu lắc lắc. Mình gọi những người xung quanh thông báo cháu còn sống. Lúc này công an đã xuất hiện. Mình bấm máy gọi 115 và đề nghị công an chặn nhờ xe đưa cháu đi ngay. Công an nói: Cần giữ nguyên hiện trường đợi cảnh sát giao thông đến. Mình yêu cầu công an cứu người là trên hết. Mọi người chặn được một chiếc xe taxi, khi mấy người bế cháu lên đưa ra xe thì taxi bỏ chạy mặc cho mình và mọi người kêu gọi. Tiếp tục mình đứng ra giữa đường chặn một cái xe con. Người đàn ông lái xe cố tình chen đám đông để thoát. Xe tải nhỏ của công an phường xuất hiện. Mình nói các chú đưa cháu đi. Mọi người bế cháu đặt xuống lòng xe tải….” Những dòng đau đớn trong tuyệt vọng của cô giáo chứng kiến sự việc khủng khiếp kia, đã trở thành nỗi ám ảnh không biết bao người. Từ bao giờ, con người lại đối xử với chính đồng loại của mình, nhẫn tâm như những kẻ không có trái tim, không có tâm hồn. Sự vô cảm ấy, có phải cách giết người gián tiếp, mà không tòa án lương tâm nào tha thứ. Những nỗi đau này, một phần đến từ sự vô cảm dửng dưng của con người. (Ảnh: Zing) Đừng sợ hãi Không phải đến khi vụ tai nạn thảm khốc cướp 3 mạng người trong giây lát diễn ra, người ta mới nói về sự vô cảm. Đã có bao nhiêu đám đông vòng trong vòng ngoài “xem” một con người nằm giữa vũng máu, cận kề cái chết mà không làm gì cả, có chăng, chỉ là rút điện thoại ra quay phim, chụp ảnh rồi bình phẩm. Bao nhiêu chiếc xe tìm mọi cách “tránh xa” những nơi xảy ra tai nạn chứ không phải hỏi xem có thương tích nào cần sự trợ giúp của bệnh viện? Những người vô cảm ấy, họ nói họ sợ, vì đã có bao nhiêu trường hợp liên lụy rắc rối vì làm việc tốt. Người ta giúp đấy, đưa đến bệnh viện cấp cứu, làm thủ tục nhập viện đấy, nhưng rồi người nhà lại lu loa lên ăn vạ như thể chính họ gây ra vụ tai nạn đó. Có người, giúp người bị nạn xong còn bị quây đánh, đòi bồi thường, giải trình lên giải trình xuống với công an, rằng mình không phải người gây ra vụ tai nạn kia. Nhiều người, bằng chuyên môn y học đã nói, cứu người không đúng cách quá bằng hại họ. Nhiệt tình cộng với thiếu kiến thức khi sơ cứu, có khi còn khiến nạn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng hơn.Đến cả bệnh viện, cũng cẩn trọng đòi xác minh, người đưa đến bệnh viện kia là người nhà, mới dám khám chữa vì sợ “bùng” tiền viện phí. Nhiều lý do quá, để bao biện cho sự thờ ơ của lòng người, mà lý do nào, nghe chừng cũng hợp lý cả. Nhưng có ai nghĩ, nếu cái người nằm giữa lòng đường, mơ hồ về cái chết cận kề kia là bố, là mẹ, là anh em họ hàng ruột thịt của mình, hay có thể là chính mình trong một lần không may oan uổng, chứng kiến sự dửng dưng của người đời, câu chuyện sẽ ra sao? Thậm chí, ngay cả khi nằm đó là người xa lạ, và trong suy nghĩ tỉnh táo của chúng ta, thấy có xác suất phần trăm liên lụy rắc rối, thì trong mỗi con người, vẫn luôn tồn tại sự thương cảm, lòng trắc ẩn với đồng loại cơ mà? Sao lại dùng lý lẽ của lý trí để khuất lấp đi phần người nhân văn? Đừng sợ hãi, khi đứng trước những quyết định mà chúng ta biết chắc chắn rằng, nó không đi ngược lại với lương tâm, với đạo đức và tình người.