Món hủ tiếu khô chan nước sốt ăn kèm với bánh Pate chaud giòn rụm vừa quen vừa lạ khiến không ít người Sài Gòn mê mẩn. Dù đã hơn 70 năm trôi qua, quán Thanh Xuân vẫn luôn giữ được nét riêng không lẫn với bất cứ quán ăn nào ở thành phố này. Thanh xuân của một đời người trôi qua như chớp mắt, nhưng "thanh xuân" của một thương hiệu thì cứ tồn tại mãi trong lòng người dù bao tháng năm, bao đổi thay của thời cuộc. Hơn 70 năm trôi qua, nhưng cái hương vị đặc trưng của hủ tiếu Thanh Xuân vẫn cứ mê hoặc người ta mãi. Để rồi dù có đi đâu đó lâu lắm mới về Sài Gòn, người ta cũng phải tìm bằng được cái quán hủ tiếu nhỏ kế bên chùa Chà năm xưa. Tiệm hủ tiếu Thanh Xuân hơn 70 năm ở Sài Gòn. Món hủ tiếu khô ăn kèm bánh Pate chaud trứ danh Sài Gòn một thời Sài Gòn ngày trước nhỏ xíu chỉ gói gọn trong mấy quận nội thành, thế nên hầu như ai cũng biết đến danh tiếng của tiệm hủ tiếu Thanh Xuân. Người thân thuộc thì gọi quán với cái tên dân dã hơn là hủ tiếu Chùa Chà, vì quán nằm kế bên ngôi chùa Ấn Giáo do cộng đồng người Chà Và lập nên. Ngôi chùa Ấn Giáo trên đường Tôn Thất Thiệp. Ông Thanh (58 tuổi, chủ quán) cho biết quán do ông ngoại của ông là Đỗ Văn Khuê lập ra vào năm 1946 sau khi chạy giặc từ Mỹ Tho lên Sài Gòn. "Vì là cháu út, được cưng nhất nhà nên ông ngoại lấy tên cháu đặt thành tên tiệm luôn. Tui tên là Xuân Thanh, tiệm thì tên là Thanh Xuân" - ông Thanh tâm sự. Ông Khuê trước vốn là nhà giáo, hồi mới lên Sài Gòn ông được những người Chà cho ở tạm trong một căn nhà ở con hẻm kế bên chùa Ấn Giáo trên đường Tôn Thất Thiệp. Quán hủ tiếu được mở ra, đặt ngay trước cổng vào con hẻm để tiện trông coi nhà cửa giùm những gia đình người Chà Và đang sinh sống trong hẻm. Quán bán ở ngày đầu hẻm. Tiếng lành đồn xa, món hủ tiếu tôm cua của ông Khuê nổi danh khắp Sài Gòn, Thời đó quán bày biện bàn ăn dài hết con hẻm ra tới ngoài đường mà không đủ chỗ cho khách đến ăn. Nổi tiếng nhất là món hủ tiếu khô. Bàn ghế được xếp dọc theo con hẻm. Hủ tiếu khô của tiệm Thanh Xuân không giống với hủ tiếu khô của người Hoa ở Chợ Lớn. Chủ quán chan lên sợi hủ tiếu một loại nước sốt đặc biệt được làm từ cà chua khiến sợi mỳ đậm đà hơn. Khi tôi hỏi về bí quyết của loại nước sốt này thì cô chủ quán chỉ cười cười bảo làm cũng dễ à. Một loại nước sốt đặc trưng của quán được chan lên hủ tiếu. Một điểm thú vị nữa là món hủ tiếu khô ở đây được ăn kèm với bánh Pate chaud. Sợi hủ tiếu dai dai đậm đà hoà với bánh Pate chaud bùi bùi giòn rụm khiến thực khách thật sự thích thú với cách chế biến rất Sài Gòn này. Bánh Pate chaud được xé nhỏ trộn với hủ tiếu, đây là món ăn khá phổ biến của giới công chức Sài Gòn xưa. Một điều mà ít người biết đó là bánh Pate chaud có tên tiếng Pháp nhưng là một sáng tạo của ẩm thực Việt Nam. Bánh được biến tấu từ bánh Pâte feuilletée của Pháp, vỏ bánh làm từ bột nghìn lớp (puff pastry dough) và nhân là một món pate gồm có thịt băm, gan heo, hành tây, gia vị và một ít hạt tiêu. Người Việt thường đọc tên bánh là Pateso. Pate ở đây chỉ đơn thuần là nhân bánh sẽ có mùi thơm của pate và chữ "sô" là cách đọc từ chữ "chaud" từ tiếng Pháp. "Chaud" có nghĩa là nóng. Có lẽ vì vậy mà bánh ăn ngon nhất khi vừa mới nướng. Toàn bộ bánh bán trong ngày đều do tiệm Thanh Xuân tự tay làm. Làm loại bánh này khá kỳ công nên mỗi ngày tiệm chỉ bán tầm 100 cái, thực khách nào đi ăn trễ thì đành "mất phần". Tôm và cua là nguyên liệu chính làm nên tô hủ tiếu. Trân trọng tấm áo bà ba dung dị giữa lòng Sài Gòn Ngày nay hàng quán sang trọng mọc lên như nấm, thực khách có nhiều lựa chọn hơn, thế nên quy mô tiệm Thanh Xuân thu hẹp dần. Thế nhưng những ai yêu hồn Việt trong ẩm thực vẫn luôn tìm đến tiệm nhỏ kế bên chùa Chà mỗi khi có dịp. Thực khách quen vẫn tìm đến quán. Ngày thường quán mở bán từ 6h30 sáng sớm đến 1 - 2h chiều, ngày cuối tuần thì bán đến tận tối. Cô Tươi kể: "Mình bán vậy chớ hổng có dám nghỉ, nhiều bữa có khách quen từ nước ngoài về tìm, người ta ở Việt Nam được có mấy hôm mà đến không được ăn hủ tiếu nên buồn thiu". Cô Tươi là vợ của chú Thanh, từ hồi lấy chú cô về chăm lo cho tiệm hủ tiếu đến bây giờ. Cô chỉ lên cái biển hiệu đã úa màu thời gian và bảo nhiều người nước ngoài thích cái bảng hiệu này lắm, hỏi mua mấy lần nhưng cô chú không bán, vì giờ tìm đâu ra người vẽ được cái kiểu chữ như ngày xưa. Cũng nhờ vậy mà 70 năm qua tiệm Thanh Xuân vẫn cứ vẹn nguyên như ngày đầu, dù bao biến cố lịch sử xảy ra. Bảng hiệu hơn 70 năm vẫn còn xài tốt. Tiệm Thanh Xuân giữ được cái chất cũng là nhờ người bán vẫn giữ được bản sắc. Cũng như cái cách mà cô Tươi (vợ của chú Thanh) vẫn bận bộ bà ba chân phương, vấn mái tóc đơn giản như các bà các cô thời trước mỗi khi đứng bán hàng. Cô bảo bận bà ba quen rồi bận quần áo tây phương không quen, dẫu cho thời buổi này tìm được một tiệm may bà ba đúng kiểu ở đất Sài Gòn đâu có dễ gì. Cô Tươi vẫn luôn giữ được nét thanh tao giản dị của người Sài Gòn. Dù đã qua cái thời vàng son huy hoàng, nhưng tiệm Thanh Xuân vẫn cứ lặng lẽ tồn tại trong lòng những người con đất Sài thành. Nhiều người yêu thích món Âu, món Nhật, thích ngồi ăn trong những quán sang trọng có máy lạnh phả phà phà mát rượi, còn riêng tôi vẫn cứ thích cái thanh nhàn của những buổi sáng không vội, ngồi thưởng thức tô hủ tiếu mang phong vị của xứ mình, nhìn cô chủ quán cười thiệt hiền trong bộ bà ba dung dị. Ở đây Sài Gòn lắm! Có những buổi sáng rất Sài Gòn bên quán Thanh Xuân