Phong Việt - "hiện tượng" của làng thơ những năm gần đây - đánh giá, thay vì tận hiến, học hỏi, giới trẻ ngày càng đố kỵ trong xã hội hiện nay. Nhà thơ Nguyễn Phong Việt - Ảnh: HOÀI ĐỨC Những áng thơ luôn phảng phất nỗi buồn, thậm chí có thời thấm đẫm niềm u uất…, nhưng Nguyễn Phong Việt ngoài đời lại là người quảng giao, lạc quan. Anh trải lòng cùng Tuổi Trẻ Online những trăn trở về thơ ca, về cuộc đời. * Học công nghệ thông tin, nhưng ra đời anh lại viết thơ, làm báo. Con đường anh đi khá kì lạ… Tôi từng học ban A và chẳng màng môn văn. Sự thật là lúc nhỏ tôi từng viết thơ cho một tờ báo chỉ vì tiền. Nhuận bút thơ văn thời đó khá cao, tôi muốn giảm gánh nặng cho cha mẹ đang vất vả nuôi 7 đứa con. Phần vì khi bài đăng báo, tôi ít nhiều trở nên nổi tiếng trong trường (cười). Khi vào đại học, tôi đơn giản chọn ngành "hot" với mong muốn dễ kiếm việc. Nhưng từ năm hai, tôi đã biết bản thân không phù hợp với ngành CNTT, chỉ có thể trở thành kĩ sư làng nhàng. Ngược lại, tiếng gọi thơ văn như réo rắt trong tôi. Khoảng thời gian tốt nghiệp đại học năm 2002, tôi mất gần cả tháng trằn trọc. May mắn là khi tôi điện thoại về báo gia đình rằng mình sẽ đi theo nghề báo, mẹ tôi không phản đối mà chỉ nói quyết định là ở tôi, nên sau này sai đường thì tự chịu trách nhiệm. * Quyết định lúc đó ắt hẳn không dễ dàng? Không như các bạn trẻ bây giờ, thế hệ của chúng tôi loay hoay tự chọn ngành học vì chẳng được hướng nghiệp cụ thể, cha mẹ bận mưu sinh và cũng chỉ học đến tiểu học. Nhưng tôi thấy một điều rất rõ: chính vì lớn lên trong khó khăn, thiếu thốn, chúng tôi mạnh mẽ, tự lập hơn. Khi thấy bản thân chọn sai nghề, tôi quyết tâm chọn con đường khác ngay. Việc không dám bứt ra khỏi hướng đi sai, phải sống đến cuối đời với công việc bản thân không yêu thích… không phải sống, mà là tồn tại tạm bợ. Trạng thái này dẫn đến nhiều hệ lụy như sự nhàm chán, bi quan và đố kị. Đến hôm nay, tôi vẫn nghĩ báo chí, thơ văn chính là nghiệp của mình. Và đây cũng là lĩnh vực tôi thấy tự tin nhất. * Sách về nỗi buồn nhưng lại bán rất đắt. Với anh, đó là niềm vui hay nỗi buồn? Nói thật lòng thì đó là nỗi buồn. Cuộc sống hiện đại mang đến nhiều tiện nghi, nhưng dường như chúng ta có nhiều thời gian trống hơn. Nỗi buồn vì thế "thấm" và quẩn quanh chúng ta nhiều hơn. Tôi từng đọc một phân tích rằng sự lung linh của hình ảnh thế giới mạng khiến người ta buồn nhiều hơn. Bởi ở trên mạng xã hội, ai cũng trưng trổ hình ảnh lộng lẫy nhất của mình, ngay cả câu chú thích hay nỗi buồn cũng đẹp, đầy trau chuốt… khiến những người khác - không may mắn như vậy - ganh tị, tự ti về hoàn cảnh sống của mình. Thực chất, cuộc sống của bất kì ai cũng có duyên số, không ai may mắn mãi… Nhưng có bao nhiêu người nhận ra điều này? Điều đáng sợ là thay vì tận hiến, học hỏi thì giới trẻ có tỉ lệ đố kị ngày càng tăng cao trong xã hội hiện nay. * Điệp khúc "chán đời", "buồn quá" ở giới trẻ mỗi lúc một nhiều… Trong thời công nghệ. Có chăng một "liều thuốc" cho họ? Cảm giác buồn là điều bình thường, một phần trong cuộc sống con người, miễn là chúng ta đừng quá lậm vào nó. Tiếc là một bộ phận giới trẻ hiện dành quá nhiều thời gian chìm đắm trong nỗi buồn, thậm chí bi kịch hóa nhiều thứ, khiến cuộc sống trở nên khổ sở. Tôi mong những bạn trẻ trên một lần đặt chân đến vệnh viện Ung bướu để biết rằng cuộc đời còn vô số nỗi đau thật sự, nhiều phận người rất mong manh… để từ đó nhận ra rằng nỗi đau ở mình rất bé nhỏ. Chỉ cần họ tiếp xúc với các bệnh nhi, tôi tin họ sẽ thấy những vật vã vì tình là vô nghĩa, khắc biết bản thân đang hạnh phúc hơn bao người. Cá nhân tôi cho rằng một trong những bi kịch lớn nhất của cuộc đời là tuổi trẻ phung phí cho sự buồn chán, về già thì tiếc nuối khôn nguôi vì để thời thanh xuân vô nghĩa trôi qua. "Bi kịch lớn nhất của cuộc đời là tuổi trẻ phung phí cho sự buồn chán" - Ảnh: HOÀI ĐỨC * Còn về phần anh, một người làm thơ? Tôi thường ra sách vào dịp Giáng sinh, vì đây là thời gian mọi người thường có cảm xúc ấm áp, vui vẻ quây quần xen lẫn xúc cảm hoài niệm năm cũ. Đó cũng là lý do tôi không ra sách vào dịp đầu năm, dù sẽ bán đắt hơn nhiều do đa số hội sách tổ chức thời điểm này. Ngày xưa tôi viết thơ không bao giờ chỉnh sửa, mọi thứ cứ thế tuôn trào. Nhưng sau này, viết xong, tôi thường đọc lại và chỉnh sửa. Một số tác giả cho rằng đó là tôi đã tự thỏa hiệp, có độc giả nói thẳng thơ tôi gần đây đọc không thấy "đã" như giai đoạn đầu. Nhưng tôi nghĩ cuộc đời đâu chỉ có sóng gió, bão bùng, mà cũng có nắng vàng, biển tươi trong. Thơ tôi gần đây có thể lãng đãng, man mác buồn nhưng tuyệt vọng, u ám thì không. Còn sở dĩ tôi không làm thơ vui vì một phần tôi thật sự không làm được, tôi chỉ được trời phú để thấu cảm nỗi buồn. Nhưng phần khác vì những tâm hồn đơn độc, buồn bã sẽ chỉ ít nhiều vui lên khi đọc được những dòng thơ đồng cảm, "chạm" vào xúc cảm mình. * Sự "thỏa hiệp" đó có khiến cái tên Phong Việt mất độc giả? Có một điều thú vị là độc giả của tôi hầu hết đều đã trưởng thành, đã nếm đủ va vấp và biến cố, nên quan điểm sống của họ khá đơn giản, nhìn nỗi buồn với con mắt khác. Có thể nói họ đồng cảm với tôi, "trưởng thành" qua từng giai đoạn cuộc sống. Tôi may mắn có lượng độc giả trung thành, luôn dõi theo bước chân và trông chờ từng tập thơ ra. Với tôi, điều đó quan trọng hơn cả lượng sách bán ra. Nếu để ý kĩ, bạn sẽ thấy tôi luôn để tiêu đề sách lớn, còn tên tôi viết rất nhỏ và bằng chữ thường. Với tôi, trang sách mới quan trọng, còn tên tôi có nhớ hay quên cũng chẳng sao. * Anh từng lấy bút danh Me Quê, và giọng của anh hiện vẫn rặt chất Phú Yên dù đã sống bao năm ở thành thị. Vì sao vậy? - Tôi lấy bút danh Me Quê vì tôi bước ra từ đồng quê, cha mẹ đều làm nông, từng đi mót lúa. Tôi mê hơi thở ruộng đồng và cảm thấy bản thân may mắn khi lớn lên từ lũy tre làng, biết con dê, con trâu… là thế nào. Khi có tuổi thơ phong phú, trí tưởng tượng sẽ được chắp cánh. Tôi tự hào vì cha mẹ chân lấm, tay bùn vẫn nuôi anh em chúng tôi lớn khôn. Dẫu đã vào TP.HCM gần 20 năm, tôi vẫn đậm chất miền Trung vì tôi nghĩ nơi nào đã là quê hương, máu mủ, việc gì phải chối từ? Nguyễn Phong Việt (sinh 1980, quê Phú Yên) là nhà thơ, nhà báo hiện sinh sống cùng gia đình nhỏ tại TP.HCM. Phong Việt trở thành "hiện tượng" tại Việt Nam khi các tập thơ của anh đều được tái bản nhiều lần với hàng chục ngàn bản in, điều hiếm thấy với thơ Việt gần đây. Thời còn đi học, anh là hội viên của bút nhóm Vòm Me Xanh (báo Mực Tím) với bút danh Me Quê. Phong Việt từng 3 lần đoạt giải thưởng "Bút mới" của báo Tuổi Trẻ. Anh đã ra các tập thơ: Đi qua thương nhớ (2012), Từ yêu đến thương (2013), Sinh ra để cô đơn (2014), Về đâu những vết thương (2016)… CÔNG NHẬT