Phỏng vấn xin việc – Tony Buổi Sáng Blog. Rất đông sinh viên bây giờ có 2 cái nghiệp là tốt nghiệp và thất nghiệp. Nghịch lý là doanh nghiệp nào cũng than thở là tìm không ra nhân viên giỏi. Cung và cầu đều rất lớn, nhưng sao không gặp nhau? Các bạn sinh viên nên coi lại mình. Sức lao động là 1 loại hàng hóa đặc biệt, và lương chính là giá cả của hàng hóa đó. Nên hàng tốt giá cao và ngược lại. Có hàng bán chạy cũng có hàng tồn kho. Nên mỗi bạn phải tự thay đổi, để chất lượng tốt, mẫu mã đẹp mới dễ bán. Vì sức hàng hóa là sản phẩm có thể thay đổi theo quyết tâm của mỗi cá nhân. Tập thể dục thể thao cho cơ thể tráng kiện. Hớt tóc gọn gàng, ăn mặc sạch sẽ thơm tho để ngoại quan dễ coi 1 chút. Rồi chăm chỉ đọc sách, học ngoại ngữ, đọc báo tin tức kinh tế xã hội, tăng cường kỹ năng giao tiếp. Cần gì phải lên trung tâm, không có tiền thì học kiểu không có tiền. Mở internet ra, gì không có. Vô youtube.com, tha hồ giọng Anh giọng Mỹ. Lên các nhà văn hóa thanh niên tham gia câu lạc bộ tiếng Anh, các nhóm này nhóm kia, chạy bộ ở công viên, chạy trước nhà trọ, chạy trong phòng cũng được. Làm thêm chẳng từ việc gì để cọ xát thực tế. Ngày xưa, từ năm 2 năm 3 là Tony và các bạn cùng trang lứa đã làm thêm đủ nghề, từ phục vụ bàn, mở cửa ở khách sạn, tiếp thị, điều tra thị trường, bán hàng…vừa có tiền vừa có kinh nghiệm. Và bữa phỏng vấn chính là bữa GIỚI THIỆU và ĐÀM PHÁN BÁN HÀNG HÓA SỨC LAO ĐỘNG, nên phải chuẩn bị chu đáo. Có hàng hóa tốt rồi tổ chức rao bán khắp nơi, ở Hà Nội hết việc thì đi Đắc Lắc. Tụi Tây tụi Nhật, nhà giàu gấp mấy lần mình mà vẫn đi châu Phi làm việc có sao đâu. Đời người như cái đồng hồ cát, maxium 100 năm, 1 ngày sống là 1 ngày mình càng gần đến cái chết, mắc mớ gì mình lành lặn chân tay, biết đọc biết viết mà sáng ngủ dậy, rồi ăn, rồi ngủ, rồi hết ngày, uổng vậy. Đừng đổ lỗi cho ai. Đâu có thể thay đổi chương trình giáo dục, cũng đâu có thể thay đổi thầy cô, chỉ có 1 giải pháp duy nhất là TỰ THAY ĐỔI MÌNH. Giờ các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty tư nhân…không quan tâm tốt nghiệp trường nào cả, qua được bài test IQ, EQ, kiến thức xã hội và tiếng Anh là vô làm. Còn giỏi nữa thì xuất khẩu qua nước ngoài làm việc. Không thì mở cái gì đó tự làm. Bỏ mấy trăm ngàn làm vốn, xuống ngoại thành mua rau về đầu hẻm ngồi bán cũng được vậy. Hỏi lý do thất nghiệp, đụng cái đám vớ vẩn này là tụi nó đổ thừa xoen xoét. Tại nền giáo dục, tại thầy cô, tại cái trường, khởi nghiệp làm gì có vốn, thất nghiệp vì không có quen biết lớn, không ai xin cho mình đi làm….toàn lý do của người khác chứ không bao giờ nói TẠI MÌNH. Nên các bạn gặp đám này, nói thẳng luôn: thất nghiệp là tại mày LƯỜI chân tay và LƯỜI động não. Tony phỏng vấn nhiều sinh viên mới tốt nghiệp và thấy buồn. Điều kiện học tập tốt hơn, sao chất lượng của hàng hóa sức lao động lại xuống? Kỹ năng tư duy giải quyết vấn đề, giao tiếp, tâm lý….phần lớn đều không bằng xưa. Hệ thống giáo dục ư, Tony và các bạn thế hệ Tony cũng đào tạo từ các nhà máy ấy. Phương pháp đào tạo ư, thậm chí các bạn bây giờ có phương pháp đào tạo tiên tiến hơn. Internet phổ cập, giáo trình kinh doanh trường Harvard hay ĐH Cà Mau đều giống nhau cả. Vậy tại sao lại dở hơn xưa? Bèn tự mình giải thích. Có thể do kinh tế gia đình bây giờ cũng đủ đầy nên chu cấp cho con cái khá nhiều, làm triệt tiêu khả năng phải làm việc để tồn tại của 1 số bạn. Có nhiều bạn kể với Tony, tốt nghiệp xong, em đi làm cũng được mà không đi cũng được, tháng nào cũng có mấy triệu gia đình gửi lên xài. Nên thái độ với công việc không tốt vì không có áp lực và đam mê. Tony có lần hẹn phỏng vấn bạn kia, đọc lý lịch thấy bằng cấp rồi ngoại ngữ tin học, tham gia hoạt động xã hội đều tuyệt vời, thế là hẹn 2h chiều hôm sau lên phỏng vấn. Ngồi đợi đến 3h không thấy đâu, sợ cậu ấy bị sự cố gì đó nghiêm trọng nên không gọi lại hủy cuộc hẹn được, mới điện hỏi ai dè nó nói anh ơi em quên mất. Giờ em đang ngủ trưa, có gì mai em lên được không? Dạ được, anh Hai. Có cô bé kia tốt nghiệp loại giỏi, phỏng vấn đã đời vào làm được 2 ngày thì lấp ló vào phòng Tony. Mình hỏi có việc gì hem, nó nói em xin nghỉ vì công việc ở đây không phù hợp. ‘Em tốt nghiệp về quản trị mà đi làm lính như thế này, má em biết má em mắng chết. Em phải làm công việc đúng chuyên môn đào tạo là 1 nhà quản trị chiến lược“. Dạ, thôi em về kêu má em mở công ty rồi em ngồi quản trị chiến lược cho cái công ty ấy đi, chứ ở đây chỉ có mình anh làm việc đó thôi, em đòi làm thì anh thất nghiệp sao. Rồi hồ sơ xin việc sơ sài bắt ớn. Đâu cái đơn mua ngoài cửa hàng tạp hóa, viết vài chữ ở chỗ chấm chấm chấm. Rồi giấy khám sức khỏe cái chi cũng 10/10, cứ như bác sĩ tặng không. Rồi thấy ghi “kính gửi công ty phân bón Phượng Hồng” mang đến nộp, mình nói đây là công ty Phượng Tímem à, nó cãi Phượng Hồng. Mình nói ủa công ty của anh thì anh phải biết chớ, tên là Phượng Tím. Nó cãi 1 hồi thấy không xong nên nói thôi để em sửa lại, miệng lầm bầm nói Phượng Hồng không đặt, đặt Phương Tím nghe lúa thấy mẹ (mình đoán được, Tony vốn bậc thầy trong nghệ thuật nhép miệng đoán chữ). Có đứa đi phỏng vấn còn dắt theo 1 đám bạn ngồi lao nhao ngoài cửa, mình hỏi xin vui lòng cho biết ai đang xôn xao ngoài đó, nó nói dạ đám bạn thân của em. Mình hỏi, ơ mang theo chi vậy, nó nói tại tụi em đi chung cho vui. Lỡ anh không chịu nhận em thì em giới thiệu đứa khác vô liền cho anh coi. Ôi dễ thương quá. Thời gian toàn là facebook với chat chit, vậy mà đơn xin việc nào cũng ghi sở thích là “đọc sách và thể thao”. Cái mình hỏi, thấy bạn ghi sở thích là đọc sách, thế chẳng hay cuốn sách bạn đang đọc có tựa đề gì. Nó bị bất ngờ, và vì nói xạo nên ấp úng một hồi rất lâu rồi trả lởi “Dạ, cô giáo Thảo“. Đó là tất cả nó biết về văn hóa đọc. Còn thể thao, em đang chơi môn thể thao nào vậy. Nó nói dạ em hay quánh bida độ vào buổi tối. Thỉnh thoảng cũng có đánh bài như tiến lên xập xám phỏm bài cào. Cũng vận động tay mắt rất kinh anh à. Ừa, thấy em hay quá, anh sẽ nhận em.