Không chỉ gia súc và thú hoang lây bệnh sang người mà nhiều bệnh truyền nhiễm của chim cũng có hại đối với chúng ta. Có 2 bệnh được nói đến nhiều là bệnh Ornithose (tạm gọi là bệnh “sốt chim”) và bệnh Psittacose (bệnh “sốt vẹt ”). 1. Bệnh Ornithose (sốt do chim)
Nhiều loại chim mắc bệnh này: chim bồ câu, chim sẻ, một số loại chim rừng được bắt nuôi làm chim cảnh… Thủ phạm gây bệnh ở chim là một loại rickettsia. Chim truyền bệnh cho người thông qua phân hoặc lông nhiễm rickettsia. Nó xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp, đôi khi theo thức ăn vào đường tiêu hoá. Triệu chứng bệnh giống như viêm phổi cấp: sốt cao, nhức đầu, khó thở, ho có đờm mủ nhày, đau các cơ ở chi và vùng thắt lưng…
Tại các nước phương Tây, người ta đã phát hiện được nhiều chim bồ câu và những người nuôi chim bị bệnh này. Y văn đã mô tả một trường hợp bệnh xảy ra ở một gia đình nuôi chim bồ câu và chim cảnh để kinh doanh. Mới đầu, người bệnh được chẩn đoán là cúm, có biến chứng viêm phổi. Nhưng sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, người ta đã xác định đây là bệnh Ornithose. Khám nghiệm các con chim trong gia đình cũng thấy nhiều con mắc bệnh này.
2. Bệnh Psittacose hay bệnh “sốt vẹt”
Đây là một bệnh nặng của loài vẹt, yểng và do virus gây ra. Người nhiễm bệnh do hít phải bụi bị nhiễm virus, nuốt phải thức ăn dính bụi, lông chim, phân vẹt ốm. Thời gian ủ bệnh trung bình 8-10 ngày.
Biểu hiện lâm sàng:
- Trường hợp nhẹ: Lúc đầu, bệnh nhân thấy mệt mỏi, mất ngủ, váng đầu, nôn. Nhiệt độ có thể lên 39-40 độ C, đổ mồ hôi, đau khớp và cột sống, nhức nhiều ở vùng trán và thái dương. Ngoài ra còn có biểu hiện viêm mũi họng, ho.
Bệnh thường khởi phát như viêm phế quản, sau một tuần lễ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu viêm phổi. Tình trạng toàn thân tốt, các triệu chứng về phổi chỉ nhất thời, không để lại di chứng. Bệnh nhân khỏi sau 7-10 ngày.
- Trường hợp nặng: sốt cao (40 độ C) liên tục, mệt lả, mất ngủ, thể trạng suy sụp. Có triệu chứng thần kinh rõ (run rẩy, mắt nhìn thẳng lơ mơ, buồn ngủ hoặc trằn trọc vật vã), nước tiểu ít, sẫm màu và có chứa nhiều albumin.
Sang tuần thứ hai, xuất hiện những triệu chứng nặng về phổi. Bệnh nhân bị viêm phế quản - phổi nặng, với các ổ viêm rất lớn, ở cả 2 bên phổi, có thể có phản ứng màng phổi. Người bệnh dễ tử vong vào thời gian này hay sang tuần thứ ba, do trụy tim mạch hoặc phù phổi.
Bệnh có thể thành dịch trong các loài vẹt, yểng. Những trường hợp bệnh lây sang người đã được báo cáo tại nhiều nước, chủ yếu là ở người nuôi chim do không giữ gìn vệ sinh, hít phải bụi có nhiễm virus từ lông và phân vẹt, yểng ốm.
ST:BS Hương Liên, SK&ĐS