Một đêm trực định mệnh

kid.1412

Thành Viên
Tham gia
13 Tháng chín 2010
Bài viết
280
Điểm tương tác
19
Điểm
18
Một đêm trực định mệnh – Tony Buổi Sáng Blog

(viết tặng riêng cho phái đẹp và phái không đẹp nhưng tò mò)

“Chào dượng Tony

Tôi tên L, năm nay 46 tuổi, nhưng vẫn gọi Tonydượng theo cách gọi của 2 đứa con tôi. Dù tôi biết dượng trang lứa, nhưng nhận thức và trải nghiệm của dượng nhiều hơn tôi gấp trăm lần. Tôi nhận ra sự già dặn trong từng câu chữ, dù tưng tửng vui vui. Tôi hiểu câu của dượng trong tựa để cuốn Trên Đường Băng, đại ý “age’s just a number“, thước đo của sự trưởng thành là nhận thức.

Tôi thú thật với dượng là tôi mới bắt đầu trả lời câu hỏi “Tôi là ai” cách đây hơn 1 năm. 45 năm, tạm gọi nửa đời người (tôi hy vọng mình thọ 90 tuổi), tôi toàn sống cho người khác. Tôi học chuyên Hoá Sinh ở một trường cấp 3, rồi học bác sĩ đa khoa, rồi chuyên khoa, rồi lấy chồng và sinh con. Chồng tôi cũng là bác sĩ, ngoài công việc ở bệnh viện lớn, tôi và chồng có phòng mạch riêng ở nhà và có nhà cho thuê. Trong mắt người khác, tôi là sự hoàn hảo về mọi thứ.

Nhưng sâu thẳm, tôi không thấy nghề Y phù hợp với mình. 18 tuổi tôi nào có biết hướng nghiệp là cái chi chi. Dòng họ tôi lúc đó, tôi là đứa học giỏi nhất nên mọi người hướng tôi thi Y, vô làm bệnh viện để có gì giúp đỡ. Tôi đậu một cách nhẹ nhàng. Cách tuyển bác sĩ chỉ dựa vào việc giải bài tập của 3 môn học khối B (Toán, Hóa, Sinh) tôi thấy thế nào. Như tôi, lúc đó tay chân lóng ngóng, vụng về chưa bao giờ nấu ăn (khi còn ở với mẹ), rồi thấy máu là sợ (dù giờ rất quen), và bản lĩnh về thần kinh không vững lắm. Khi trực, nửa đêm đang ngủ có ai đánh thức dậy để cấp cứu là tôi khó chịu. Mọi việc chuyên môn tôi cũng làm cho xong, có kết quả tốt nhưng không thăng hoa, không vươn tới đỉnh cao được. Tôi nghĩ ngành đặc thù như ngành Y ở nước mình cần tham khảo cách tuyển bác sĩ của Âu Mỹ ấy. Lớp tôi có nhiều bạn mắt rất kém, hoặc nói lắp, bị đãng trí bác học (tình trạng quên cái này cái kia vô thức) hoặc tính tình bảo thủ cực đoan, hay tự ái khi bị góp ý chẳng hạn…thì làm sao mà thành công xuất sắc trong nghề Y được? Nhiều người cứ khăng khăng hiểu biết cũ của mình, dù thế giới đã xuất hiện các quan niệm rất mới, có khi ngược lại 180 độ, thì tội cho bệnh nhân. Thôi tôi lại lan man sang nghề nhiều quá, mục đích thư này lại là một câu chuyện khác.

Một buổi tối nọ, tôi trực đêm, tôi chợt nghe 2 người nhà bệnh nhân đứng ngoài hành lang nói chuyện. Đại ý là nhiều bác sĩ trẻ làm ở bệnh viện tôi mấy năm rồi mà vẫn chưa được ký hợp đồng chính thức, do mấy “cây đa cây đề” ở đây không chịu nhường chỗ. Tụi nhỏ bây giờ tiếng Anh rào rào, đọc tài liệu chuyên môn nước ngoài mới nhất, chỉ có kinh nghiệm là thua thôi. Nhưng thời đại này, việc tạo ra các thành tựu y khoa mới, hoặc cập nhật nó, mới có giá trị lớn nhất-một ông kết luận.

Tôi nghe mà bàng hoàng, hóa ra mình đang làm kỳ đà cản mũi tụi nhỏ sao. Công tâm tự mình nhận xét, tôi thấy mình không có đam mê, tuổi tác sức khỏe nhiệt huyết mọi thứ cũng đã giảm, càng ngày càng mệt mỏi, stress kinh khủng. Và đêm trực định mệnh đó, tôi ra một quyết định quan trọng. 45 năm ngắn ngủi còn lại mà tôi tồn tại trên trái đất với hình hài này, tôi sẽ sống đúng với bản thân mình. 27 năm gắn bó với nghề Y từ lúc là cô sinh viên Y khoa, tôi nhận được sự đào tạo tốt và đã trả ơn cho đời. Như vậy là đủ. Nếu tiếp tục làm thêm với thái độ này, có khi tôi còn phá hoại, vì cả chục năm rồi, tôi không còn hào hứng đọc tài liệu chuyên môn mới. Nếu tiếp tục, tôi sẽ mắc sai sót, cái không cho phép ở nghề này. Tôi nhận ra là “buông là một sức mạnh lớn hơn cả sức mạnh lấy vào“. Tôi xin ra khỏi ngành trong sự ngỡ ngàng của bao người, tôi tiến cử một em bác sĩ trẻ thay thế vị trí của tôi, ngày chia tay, em nhìn tôi với ánh mắt biết ơn vô hạn.

mot-dem-truc-dinh-menh.jpg


Tôi quyết định đi theo nghề mà tôi ưa thích, nghề cắm hoa. Nghe buồn cười không dượng? Tôi năm nào cũng đoạt giải cắm hoa trong các cuộc thi 8/3 do cơ quan tổ chức, và yêu thích việc cắm hoa đến lạ kỳ, có thể ngồi làm từ sáng đến chiều mà không mệt. Nhìn thành quả là một bình hoa cắm của mình, tôi cứ lâng lâng thế nào ấy. Chồng con tôi tôn trọng quyết định của tôi, vì biết tính tôi xưa nay đã “gồng mình” làm bác sĩ. Tôi đến nhà văn hóa phụ nữ học lớp cắm hoa căn bản, rồi nâng cao, sách báo tài liệu Tây Tàu gì tôi cũng tha về, ngồi đọc ngấu nghiến, làm xong lẵng hoa, nửa đêm tôi còn đi đến nhà bạn bè tặng cho họ. Bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên, rồi đến các công ty, các sự kiện, nhà hàng, khách sạn…cũng đặt hàng. Nghề này cần năng khiếu và óc thẩm mỹ đặc biệt, dù nguyên tắc cơ bản ai cũng có thể nắm được. Tôi mở cửa hàng hoa sau 6 tháng vì đơn hàng nhiều quá, chồng tôi đuổi nói em ra mở tiệm đi, đừng biến cái nhà này thành “hoa viên”. Tôi một mình lang thang đến các chỗ hẻo lánh xa xôi, vừa làm từ thiện vừa lựa cỏ cây hoa lá hoang dã trong tự nhiên. Dù chỉ là một bụi lau sậy nhưng tôi nhìn ra “chất thơ” của nó, thế là nhờ người ta cắt, phơi khô, phun vẹc ni hoặc keo để giữ dáng, rồi mang về. Tôi lên mạng coi, nhờ bạn bè ở nước ngoài mua hạt giống “kỳ hoa dị thảo” gửi về, rồi nhờ bà chị trên Đà Lạt trồng giùm. Tiết kiệm từ tiền bán hoa, tôi mua được 2 công đất nông nghiệp trên đó để trồng mấy loại hoa hạt cườm, thuỷ ngân, kim ngân, đuôi rồng, đuôi phụng, yến oanh…và trăm loại hoa khác mà chỉ riêng tôi có.

Tôi học tiếng Anh lại từ năm 2013, từ lúc đọc bài gì của dượng tôi quên, thấy dượng ép học quá, dù không rõ là để làm gì. Nhưng ai dè nó giúp tôi trong nghề này lắm. Tháng 10 năm ngoái, tôi sang Osaka Nhật Bản học một lớp ngắn hạn 2 tuần về nghệ thuật cắm hoa, người Nhật là đỉnh của đỉnh về nghệ thuật này mà. Tôi mang theo các nguyên liệu quê nhà, mấy cô bên đó ngạc nhiên vô cùng, vì lạ mắt quá. Các nước ôn đới chỉ quanh quẩn các loại hoa hồng tulip oải hương…; cây thì chỉ có thông, tùng, bach quả, lá phong, nho, cam, táo, lê….không trăm nghìn cây cỏ hoa lá như xứ nhiệt đới mình. Sau khi đi về, bạn tôi bên đó đòi mua rơm rạ, cỏ lau, lục bình, mía dại, quả dứa non, dừa, cau, hạt cà phê….Tôi tiến hành phơi khô, sấy sạch vi khuẩn và bảo quản túi hút chân không, họ qua Việt Nam xách tay về, lần mấy chục ký, để cắm hoa, trang trí nội thất. Tôi không đọ được với dượng về những container hàng xuất khẩu, nhưng tiết lộ với dượng là tiền lãi của tôi cũng kinh khủng lắm. Một buồng cau bên này có mấy chục ngàn, tôi phơi khô sấy xong họ mua mấy trăm đô còn nói rẻ. Phu nhân mấy ông giám đốc trưởng phòng tập đoàn này nọ, tiền chồng mang về họ chi tiêu mấy cái hoa hòe này kinh khủng lắm dượng.

Các bà các cô giới thiệu nhau, tôi bắt đầu bán được vô các cửa hàng bán đồ cắm hoa ở Tokyo và cả Seoul Hàn Quốc. Phụ nữ bên đó khi kết hôn xong ít đi làm, chỉ ở nhà nội trợ, nên tôi xuất khẩu ngày càng nhiều. Tôi ra làng gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận để đặt riêng các loại chậu hoa, bình cắm riêng cho mình xuất khẩu, dù số lượng chưa nhiều. Hiện cửa hàng tôi có 5 em phụ việc, ở Đà Lạt có 3 người trồng và thu mua hoa, ở Đồng Nai, Trà Vinh, Đồng Tháp mỗi tỉnh có 2 người chuyên thu mua cỏ, lục bình, lác, rơm rạ, cành que cây khô, đá, sỏi, đất sét, bùn non, gáo dừa, vỏ quả ca cao, vỏ quả mít, quả sầu riêng, dừa nước, thốt nốt, tre trúc….Bình hoa của tôi thường có chủ đề về miền nhiệt đới, rắc mấy hạt ca cao hay cà phê phía dưới, trông đẹp lắm dượng.

Như vậy tôi đã trở thành người cho việc, giải quyết được 14 lao động rồi nhé, chưa kể shipper, mỗi em mỗi tháng cũng được hơn chục triệu, và sẽ nhận tiếp cả chục em nữa cũng có đam mê “hoa hòe” như tôi. Quan trọng hơn, hai năm qua, tôi thấy mình đi đúng hướng, ngày nào cũng hạnh phúc, vui vẻ, yêu đời, trẻ và đẹp, thanh tú như dượng.

Tôi sẽ mở công ty vào cuối năm nay và cũng không cần dượng quảng cáo PR làm gì. Tôi chỉ muốn viết thư này cảm ơn dượng, một người dù hư cấu không thật (như dượng nói) nhưng tạo ra những thành tựu kinh tế khởi nghiệp có thật. Tôi tin là dân tộc Việt Nam sẽ giàu có lên, văn minh lên và nắm tay nhau bước ra năm châu một cách đầy kiêu hãnh. Như tôi.

P/S: Khi nhận được email báo dượng đã đọc, biên tập và sẽ đăng bài này, chồng tôi nói sao chuyện làm ăn em đi kể hết vậy, người ta bắt chước làm thì sao. Tôi nói anh phải “văn minh hào sảng”, thị trường thế giới mênh mông, tài năng em chút xíu còn kiếm được vài chục ngàn đô mỗi tháng, giải quyết được chục lao động thất nghiệp ở các làng quê xa xôi. Biết đâu có bạn trẻ nào đó giỏi hơn, làm cả nhà máy xuất khẩu nguyên liệu cắm hoa trang trí nội thất từ mấy cái bỏ đi của nông sản nước mình thì sao. Giới trẻ bây giờ, ai ai cũng có thành tựu.

Lưu ý: Bài viết được sưu tầm từ nhiều nguồn
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Bên trên