Hướng dẫn cách nuôi cá rồng cho người mới chơi Ngoài việc chọn mua một chú cá Rồng đẹp và khỏe mạnh từ các trại cá và cửa hàng cá cảnh danh tiếng, thì việc chuẩn bị một hồ nuôi cá mới toanh để đảm bảo điều kiện cho chú cá Rồng của mình cũng là một điều rất quan trọng. Thực sự thì cá Rồng là một loài cá rất “lì lợm” tuy nhiên nếu sự thay đổi về đột ngột và quá khắc nghiệt về môi trường nước cũng có thể khiến chúng tử vong. Do vậy, trước tiên bạn cần phải chuẩn bị hồ nuôi thật kỹ. Đầu tiên là mua một hồ mới hoàn toàn, dùng vải mềm thấm nước để vệ sinh sạch sẽ hồ. Tiếp theo cần mua sắm các thiết bị căn bản cho hồ như: bơm lọc và bơm sủi khí với công suất phù hợp với dung tích hồ. Dưới đây là một số việc cần làm: Bước 1: Cho nước đã để qua đêm vào đầy hồ. Nước phải để qua đêm để khử hết các loại hóa chất như: chlorine/chloramines có trong nước máy, đây là những chất có thể gây hại cho cá nếu có nồng độ quá cao. Cẩn thận: Không được dùng xà bông hay bột giặt để vệ sinh hồ. Chỉ cần một ít cũng có thể làm chết cá. Bước 2: Giữ mực nước thấp đủ để chú cá Rồng của bạn có thể thoải mái bơi lội. Mực nước thấp giúp chú Rồng của bạn không phải dụng quá nhiều sức lực và có điều kiện nghỉ ngơi đôi chút khi mới về “nhà mới”. Ngoài ra, việc di chuyển chú cá một quãng đường xa cũng khiến chúng bị stress và rất dễ bị bệnh tật tấn công (do hệ miễn nhiễm bị suy giảm). Bước 3: Để yên cho chú cá nằm nghỉ ngơi dưới đáy hồ. Luôn nhớ rằng, không nên dùng máy bơm lọc quá mạnh vì có thể tạo dòng nước chảy xiết quá khiến cho cá bị stress thêm. Bước 4: Cho cây sưởi vào hồ, đặt nhiệt độ từ 28-30*C. Cây sưởi giúp duy trì nhiệt độ ổn định trong nước và tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại. Thay đổi nhiệt độ quá đột ngột cũng có thể khiến cho cá bị stress nặng hơn hay thậm chí tệ hơn: tình trạng bị quăn mang thông thường cũng là hậu quả của việc này. Bước 5: Quan trọng nhất là đừng thả cá Rồng trực tiếp vào hồ nước. Đặt túi đựng cá vào trong hồ để cho nhiệt độ trong hồ và trong túi cân bằng nhau. Để khoảng chừng 20-30 phút rồi mới mở miệng túi và thả cá vào hồ. Bước 6: Sau khi thả cá vào hồ mới, đừng vội cho ăn. Chờ 2-3 ngày sau khi chú cá đã quen với môi trường sống mới thì mới bắt đầu cho ăn. Lý do là vì việc vận chuyển và thả vào một môi trường mới khiến chú cá rồng bị stress nên có thể không tiêu hóa được thức ăn và rất sợ hãi. Do vậy, nếu cho ăn ngay càng làm cho cá bị stress nặng thêm và làm suy yếu hệ miễn nhiễm. Ngoài ra, thức ăn thừa còn gây ô nhiễm nguồn nước và phát sinh nhiều vi khuẩn có hại. Lưu ý: Nếu được, bạn cũng nên cho thêm một ít vi sinh vật có ích vào hồ để tăng chất lượng nước. Bước 7: Không cho cá ăn quá nhiều, chỉ cần cho cá ăn mỗi ngày 1 lần là đủ. Khi cá đã khỏe và ổn định sau một vài tuần, nên tăng số lần cho ăn lên 2 lần/ngày. Thức ăn thừa phải được lấy ra ngay để tránh làm ô nhiễm nước. Bước 8: Mỗi tuần thay nước 10%-20% hồ. Thay nước hàng tuần sẽ giúp cá ăn khỏe hơn và ngăn ngừa bệnh tật. Lưu ý rằng việc thay nước với lượng nhiều hơn có thể sẽ khiến cá bị sốc, dẫn đến stress và nguy hại đến tính mạng. Lưu ý: Luôn giữ bộ kiểm tra độ PH và nồng độ ammonia để kiểm soát chất lượng nước thường xuyên. Bước 9: Luôn nhớ đậy nắp hồ cá thật chặt vì cá Rồng là một “nhà vô địch nhảy cao”, đồng thời việc giảm bớt độ cao mực nước cũng giúp đảm bảo chú Rồng yêu dấu của bạn không bị chấn thương. Cách lựa chọn một chú cá Rồng đẹp Cá Rồng là một loại cá đắt tiền do vậy trước khi mua, bạn cần phải nắm vững mình sắp mua loại cá nào. CẨN THẬN VỚI CÁC LOẠI CÁ RỒNG KÉM CHẤT LƯỢNG TRÊN THỊ TRƯỜNG! Một trong những cách tốt nhất để không bị nhầm là hãy chọn cá từ các trại cá có tiếng và đã được CITES phê duyệt hoặc các Cửa hàng cá cảnh có giấy phép hẳn hòi, đồng thời phải có uy tín trong kinh doanh từ trước tới giờ. Dưới đây là một số hướng dẫn căn bản và tiêu chuẩn để chọn lựa một chú Rồng đẹp. Trước khi mua, điều đầu tiên cần quan tâm chính là sức khỏe của chú cá. Luôn nhớ đừng bao giờ chọn mua những con cá cứ trốn hoài trong một góc hồ, bơi loạn xạ bất thường hay bị thương tổn trên bề mặt da. Các dấu hiệu bệnh tật khác còn có: Vây bơi bị cụp sát mang, bong vảy, lồi hậu môn, thở gấp, mắt to không cân xứng hay đầu quá to (cá bị còi). Một chú cá khỏe mạnh sẽ có dáng bơi khỏe và thướt tha, toàn bộ dàn vây, đuôi, kỳ cờ đều mở căng. Thân cá phải to bản và dáng cân đối, các hàng vảy xếp thẳng hàng và đối xứng, đặc biệt hai vây bơi phải lớn và mở căng khi bơi. Cá phải dạn người và chịu ăn. Mắt phải trong và cân xứng về tổng thể. Miệng và hai hàm phải khép kín, đều. Hai râu phải dài, thẳng và uy nghi. Màu vảy phải rõ, sắc nét bất kể đó là giống cá Rồng nào. Và cuối cùng về tổng thể con cá phải mang lại cho bạn một cảm giác thanh lịch mà hùng vĩ. Các chi tiết cần lưu ý khi quan sát và đánh giá sức khỏe một chú cá Rồng 1. Thân hình / Dáng Thân hình to bản và dáng cân đối, bộ đuôi vây kỳ cờ hoàn thiện và phát triển đúng mức. Thân hình đẹp khi nhìn vào sẽ thấy dáng cân đối, không quá mỏng manh hay quá mập. Có 2 điểm cần quan tâm khi chăm sóc dáng cá: môi trường nước và chế độ thức ăn cho cá. A. Dung tích hồ nuôi (kích cỡ hồ) sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc phát triển và tăng trưởng về hình dáng của chú Rồng yêu quý. Về căn bản, một hồ lý tưởng để nguôi cá rồng phải có kích thước tối thiểu là: 1,2m (Dài) x 0,6m (Rộng) x 0,6m (cao) hoặc lớn hơn càng tốt. Dung tích hồ nuôi quá nhỏ sẽ khiến chú cá bị còi cọc, còng lưng, hay dáng bị tròn lại (bonsai). B. Thức ăn dạng cá mồi hay tép mồi rất giàu chất dinh dưỡng. Ngoài ra, còn có nhiều loại thức ăn phù hợp khác. Đừng để cá Rồng chỉ quen ăn một loại thức ăn hoặc cho ăn quá nhiều. Khẩu phần ăn phải được kiểm soát và theo dõi chặt chẽ. 2. Màu sắc Tùy thuộc vào từng giống cá Rồng, màu sắc đặc trưng của mỗi loại cá sẽ khác nhau. Tiêu chuẩn quan trọng nhất về màu sắc của mỗi loại cá hoàn toàn phụ thuộc vào giống loại và gien di truyền của từng loài. Mỗi loài đều được thừa hưởng gien di truyền từ bố mẹ. Cá đẹp là cá thừa hưởng hết các phẩm chất màu sắc của bố mẹ được thể hiện rõ ở tuổi trưởng thành và đặc biệt rực rỡ khi đã thành thục (4-5 năm). Cũng như con người, hầu hết cá rồng con nhìn bề ngoài đều khá giống nhau tùy nhiên khi lớn dần thì các yếu tố di truyền giống cha mẹ sẽ ngày càng rõ nét hơn. 3. Vảy Vảy phải sáng, vảy lớn và đều, các lớp đều nhau. Một trong những điểm thu hút nhất của cá Rồng chính là những hàng vảy sáng óng ánh, các hàng vảy sắp đều đẹp trên thân, vảy lớn và có độ phản xạ ánh sáng cao. 4. Râu Hai râu phải dài đều nhau, râu thẳng và hùng dũng Hai râu cá phải có độ dài bằng nhau, râu phải dài, thẳng và màu râu phải gần giống với màu của thân cá. Nét đẹp huyền ảo và hùng dũng của cá Rồng một phần cũng nhờ vào bộ râu. Do vậy khi lựa cá, cần tránh những cá có râu bị gãy, râu quá ngắn hay bị cong. Nếu râu bị cong, gãy hay bị tổn thương, việc hồi phục lại bộ râu tùy thuộc vào độ tuổi của cá. Cá Rồng càng trẻ thì tốc độ hồi phục càng cao. Râu cá Rồng có thể bị hư hại trong 2 trường hợp sau: A. Gãy tận gốc: Trường hợp này thì cơ hội hồi phục gần như rất hiếm, bất kể tuổi cá còn nhỏ tới đâu. B. Gãy phần giữa/ngọn: Nếu râu cá rồng bị cong mà chưa gãy, cách tốt nhất là nên cắt tỉa bỏ bớt phần cong sau đó chờ đợi râu mọc ra lại và đều hơn. 5. Vây Tia vây phải cứng cáp, vây lớn và luôn xòe rộng Dáng bơi uy nghi và quý phái của và vẻ đẹp sang trọng của cá Rồng phần lớn tùy thuộc vào các vây. Các vây bơi đối với cá Rồng cũng như tay chân đối với con người vậy. Một dàn vây hoàn chỉnh phải không bị rách, trầy xước, lúc nào cũng mềm mại nhưng căng đều, các tia vây cứng và thẳng. Một khiếm khuyết nhỏ hay thương tật ở vây cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dáng bơi độc đáo của cá Rồng. Nếu các tia vây bị gãy hay thương tổn, cần phải chữa trị ngay lập tức, đặc biệt là vây lưng. Vì vây lưng là vây chính để bơi của cá Rồng. 6. Mắt Mắt phải trong sáng, không có màng mờ, cả hai mắt phải cân đối cả về hình dạng và kích cỡ mắt, tránh mắt xệ hay mắt lồi. Mắt trong, sáng lấp lánh (không bị màng mờ), tròng đen mắt nằm chính giữa, cả hai mắt cân đối cả về hình dạng và kích thước, không bị xệ hoặc bị lồi. Mắt chính là điểm quan trọng nhất để đánh giá chất lượng của chú cá Rồng. Xệ mắt không phải do yếu tố di truyền từ bố mẹ mà thực chất là do các thói quen nuôi dưỡng không đúng cách. Một ví dụ thường thấy là nếu cho ăn thức ăn chìm dưới đáy hồ khiến cho cá Rồng cứ phải thường xuyên nhìn xuống đáy có thể khiến cá bị xệ mắt! Cách khắc phục tình trạng này rất đơn giản: nên cho ăn các loại thức ăn nổi trên mặt hồ ! Bí quyết nuôi dưỡng một chú cá Rồng đẹp Được ngắm nhìn một chú cá Rồng tuyệt đẹp, màu sắc phát triển đúng mức với dáng vẻ uy nghi và bí ẩn là một thú vui không gì có thể tả nổi. Lẽ dĩ nhiên, giống loại và xuất xứ của chú cá là một điều rất quan trọng, nhưng tay nghề và kỹ năng của người nuôi cũng góp một phần không kém trong việc phát triển hết mọi tiềm năng phẩm chất của con cá. Điều quan trọng đầu tiên nhất cần rõ chính là phẩm chất nước, thứ nhì là chế độ ăn uống sẽ là 2 vấn đề thiết yếu để đảm bảo cá phát triển hết tiềm năng khi vào tuổi trưởng thành. Chất lượng nước phần lớn sẽ được quyết định bởi một hệ thống lọc sinh học hiệu quả, cùng với chế độ thay nước theo định kỳ, hút bỏ các chất cặn bã hay chất thải của cá, thường xuyên theo dõi nồng độ pH, nitrate, amonia, v.v... Cá Rồng cũng cần chất carotene để lên màu và thể hiện hết độ lóng lánh của vảy. Do vậy, cho ăn tôm nguyên con cả vỏ là một cách thức giúp cá Rồng mau cải thiện màu sắc. Ngoài ra, dùng thêm ếch nhái, sâu (superworms), cá mồi sẽ cung cấp thêm các loại khóang chất và vitamin cần thiết. Sưu tầm tại: carongvietnam.com
Ðề: Hướng dẫn cách nuôi cá rồng cho người mới chơi Bài viết rất hữu ích; Nói chung nuôi cá rồng là tương đối kỳ công, người mới chơi nên nghiên cứu kỹ cách nuôi và nên bắt đầu với những chú cá re rẻ kiểu Ngân long, Kim long Úc hoặc Thanh long để ngộ nhỡ sảy ra sự cố thì đỡ tốn xèng. Sau khi có kinh nghiệm thì chơi dòng cao cấp hơn; tất nhiên cr mỗi con có vẻ đẹp riêng, nuôi loại nào là tùy theo sở thích và túi tiền. Riêng bể nuôi: cần nghiên cứu kỹ trước khi làm và cố gắng đầu tư cái bể phù hợp để chơi dài dài