Ðề: Họa my hót và vấn đề nuôi thêm mái
Thấy một đoạn rất hay về my mái trong ký sự "Một đời chơi chim" của chú Bính Lào Cai mình post đây cho những ai chưa được đọc thì đọc nhé! Câu chuyện khá hay về việc dụng mái trong my chiến.
Nhưng đó chỉ là nét chơi đẹp và độc đáo của người H'mông vùng cao, nó mang tính trò chơi dân gian, không ăn thua, không cay cú.
Khi bạn sang đến Trung Quốc, nhất là vào đến Côn Minh, Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Tây... thì trò chơi đá Hoạ Mi đã mang đầy tính đẳng cấp. Có những công thức bí truyền của dân chọi chim khá tốn kém, chỉ dành riêng cho chim thi đấu mà nếu bạn tinh ý 1 chút thôi, nhìn con Mi bóng nhẫy , mỏ vàng ươm, khi hót chim há miệng bạn nhìn vào miệng chim thấy trong miệng có màu vàng như ruột củ nghệ đỏ thì đó đã là những con Hoạ mi đã được chăm sóc theo 1 công thức thức ăn đặc biệt của Mi chiến nhà nghề.
Thức ăn đó ở Việt Nam ta cũng vô cùng nhiều, chỉ cần những con Mi tương đối dữ 1 chút ăn vào cũng choảng nhau chí tử. Dân đá chim cá độ hay sử dụng loại này. Tuy nhiên thú chơi Hoạ mi đá nếu cái tâm không tĩnh, không biết kiềm chế thì dễ đi đến cay cú và cá độ to chuyện nên tôi xin phép không phổ biến công thức này, mong anh em tha thứ ( Vì tôi đã nguyện dốc gan ruột không dấu diếm bất cứ điều gì để cống hiến anh em trong diễn đàn vì tuổi đã cao, nên gửi lại cho anh em những kinh nghiệm của nghề chơi).
Ngày xưa khi còn trẻ, cứ mỗi lần mưa xuân bay lất phất, từ 23 tháng chạp sau khi tiễn ông công, ông táo lên trời là tôi lại lọc cọc cái xe đạp Phượng Hoàng, tay xách lồng chim lên bản Mông dượt chim để chuẩn bị chọi chim ngày tết. Sở dĩ như vậy là để cho chim quen với nơi sẽ chọi, chim đỡ dáo dác nhìn quanh do lạ nước lạ cái.
Có lần tôi có con Mi cái non nuôi lên hay lắm. Tôi thả nó chạy lông rông trong vườn nhà. Treo con Mi đực lên cành đào trước sân, bạn là người lạ đến chỉ cần bạn thò tay trêu con đực là nó xông vào mổ tay bạn ngay. Trẻ con hàng xóm sang mà lại gần lồng Mi đực thể nào cũng ăn 1 phát mổ đau điếng vào chân, tay hoặc vào đầu..Vợ tôi ghét nó lắm. Mà lúc đó tôi cũng đâu có biết nó là 1 con Mi mái hay..Thầy chơi Mi của tôi về chơi ống bảo tôi: - Nó là cái chim gái hay, mày muốn chim mày tết này chọi giỏi nhất thì nhốt nó vào lồng rồi tao bảo.
Nghe lời thầy, tôi bắt nó cho vào lồng. Rượu xong chẳng nói chẳng rằng thầy xách cả con chọi và con mái đi, buông lại một câu: -Tao về à.
Không dám hỏi câu nào, vì tính người vùng cao là vậy. Đã là anh em với nhau thì không được buông nửa câu nghi ngờ nhau. Mấy hôm sau lên thăm thấy ông ngồi thu lu nơi sườn đồi chỗ chọi chim hàng năm, chỉ có con Mi đực trong lồng để dưới gốc đào, con mái nhảy tưng tưng bên cạnh cặp đất, cặp rác. Tôi không hiểu ông đang làm gì.
Thấy tôi lên ông chỉ liếc qua 1 cái, tôi cũng lặng lẽ ngồi xuống bên ông chú ý quan sát. Ngồi một lúc ông bảo: - Về nhà uống rượu thôi.
Rồi ông lấy trong túi áo ra 1 hạt lạc sống, 1 con cào cào, vứt vào trong lồng mái đang mở cửa, con mái chui tọt nagy vào, ông cài then, tôi xách lồng teo ông về nhà, ông sai bà môr gà mà canh cho 2 ông con uống rượu.
Chỉ đến khi rượu đã ngà ngà tôi mới dám hỏi:
- Sao bố thả mi mái ra ?
Ông chỉ cười hà hà, vỗ tay vàop gối tôi và nói:
- Rồi khắc piết.
27 tết, đi xuống chợ, ông xách con Mi đực của tôi về, treo con Mi lên cành đào, đưa cho gói mèn mén trộn trứng ông bảo tôi:
- Mồng 3 mày mang nó lên chọi
Mồng 3 tết, tôi xách mi lên sớm, 2 ông con cùng cả nhà uống rượu xong thì đã khoảng 10 giờ trưa. Từ lúc lên tôi chả nhìn thấy con Mi mái đâu, nhưng không dám hỏi.
Uống nước xong ông bảo: - Đi chọi chim.
Ông với tay lên gác, lấy cái lồng Mi mái cất kỹ trên đó, không có con mái ở trong. Tôi nghĩ chắc con mái đã xổng mất rồi, tiếc xong cũng chẳng dám hé răng nửa lời.
Dúi cái lồng rỗng tuyếch vào tay tôi, ông tự xách lồng con trống của tôi và của ông, 2 tay 2 lồng trùm kín bưng.
Ra khỏi nhà ông cất tiếng gọi to bằng tiếng Mông, nhà bên có tiếng đáp lại rồi tiếng các ông già í ới gọi nhau. Tụ tập ở đầu bản là 14 ông tay xách lồng, mặt đỏ phừng hơi men nói cười rôm rả, bước thấp bước cao lên vườn đào ven đồi chọi chim.
Lũ chim trong lồng trùm kín không nhìn thấy nhau nhưng cảm nhận được nhau nên đua nhau hót inh ỏi trên tay chủ.
Gần đến nơi, tôi nghe có tiếng mái xuỳ trên vườn đào, tiếng xuỳ gắt gỏng, thôi thúc. Con trống của tôi và của ông như phát cuồng, hót, nhảy loạn xạ làm 2 cái lồng trên tay ông chao đảo.
Chưa lên đến nơi đã thấy con mái bay sát theo, chuyền trên các cành cây 2 cánh búng tít, miệng xuỳ toe toe..liên hồi. Lũ chim hót như phát rồ phát dại..
Mà giống chim khôn thật, lồng trùm kín nhưng con mái phát hiện ra ngay con trống của tôi, nó cuống cuồng nhảy xung quanh, tìm chỗ hở để dòm mặt con trống, nhưng cái áo chàm vẫn trùm kín bưng...
Chỉ đến khi con trống của tôi vào trận. Hai cái lồng áp cửa nhau, cái áo chàm được bỏ ra, con mái lao ngay vào cuốg cuồng xuỳ, vẫy cánh rít lên từng hồi. Chỉ kịp liếc qua con mái, 2 con trống lao vào ra đòn chí tử, 2 cái mỏ nhọn hoắt như 2 cái đinh 10 lia lịa như kim máy khâu xỉa sang nhau. Những miếng khoá, những cú nhảy, đá...cả bãi chọi sững sờ nhìn 2 con đấu đá. Đó là con Mi của tôi và của thầy tôi. Con mái không kém phần đanh đá lăn xả vào đánh con Mi của thầy tôi, tiếng trầm trồ khe khẽ của các ông già dành cho con mái, Tôi không ngờ chim Mi mái lại đánh trống lăn xả như vậy. Vừa mổ, cắn, cấu vừa liên mồm xuỳ... các cụ nói 2 đánh một cảh chột cũng què, phần thắng thuộc về con Mi của tôi. Tôi sung sướng và ngạc nhiên đến sững sờ. Thêm 1 bài học nhớ đời về chọi Mi.
Sau khi mi của thầy bỏ cuộc nhảy loạn lên trong lồng. Ông cười khà khà xách con Mi của tôi đặt vào 1 góc xa, con mái cà tưng cà tưng nhảy theo lóc cóc, ông mở cửa lồng mái bỏ mấy hạt lạc sống vào trong, như phép mầu con mái chui tọt ngay vào, miệng cắp hạt lạc, cánh rung tít mà vẫn toe toe gọi trống... Tết năm đó con mi trống của tôi vô địch...
Sau này tôi mới hiểu, con Mi của tôi không phải là địch thủ với con Mi của thầy tôi, nhưng qua cuộc chiến đó thầy đã dạy tôi cách dụng mái cảu người chơi Mi đầy kinh nghiệm thế nào. Tuy nhiên các cụ người H'mông vùng cao chọi với nhau không dụng mái như thế mà đây là cách dụng mái khi thầy tôi mang Mi sang Trung quốc chọi...