TTO - Một nghiên cứu gần đây của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho thấy, thế hệ trẻ từ 16-24 tuổi là đối tượng thường xuyên cảm thấy cô đơn nhất. Khoảng 200.000 người cao tuổi nước Anh không trò chuyện với bạn bè và người thân trong hơn một tháng - Ảnh: Alessia Pederzoli/Getty Kỷ nguyên của những người cô đơn Từ khi bước vào thời kỳ hiện đại, các biểu hiện tinh thần và cảm xúc gây ra từ nỗi cô đơn thường được các nhà thần học, triết gia, nhà xã hội học, nhà thơ coi là đề tài nghiên cứu, hay nguồn cảm hứng để các nghệ sĩ cho ra đời các tác phẩm nghệ thuật. Thật không may, trong thời gian gần đây, nỗi cô đơn của con người đã trở thành một vấn đề khiến các chuyên gia y tế phải vào cuộc. Từ một trạng thái của tinh thần, nỗi cô đơn bắt đầu được đóng khung trong những thuật ngữ y học. Và từ trạng thái ẩn sâu bên trong mỗi cá nhân, sự cô đơn đã lan ra thành "đại dịch". Đầu năm nay, chính phủ Anh đã lập ra thêm một chức vụ mới là "Bộ trưởng Nỗi Cô đơn" và bổ nhiệm Tracey Crouch vào vị trí mới này. Quyết định này được thông qua sau một loạt các báo cáo đáng báo động về cảm giác cô đơn mà những người cao tuổi nước này phải chịu đựng. Nếu trước đây xã hội thường quan tâm đến sự cô đơn xảy ra ở người cao tuổi, nay vấn đề này đã mở rộng sang giới trẻ. Một nghiên cứu gần đây của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho thấy những người trẻ từ 16-24 tuổi là đối tượng thường xuyên cảm thấy cô đơn hơn bất kỳ nhóm tuổi trưởng thành nào. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người cô đơn có nguy cơ rút ngắn quãng đời của họ còn một nửa. Thậm chí, có nghiên cứu còn cho rằng cảm giác cô đơn nguy hại đến sức khỏe tương đương mối nguy hại khi hút 15 điếu thuốc lá mỗi ngày. "Hậu quả gây ra bởi sự cô đơn có thể so sánh với nguy cơ chết sớm khi hút 15 điếu thuốc lá mỗi ngày, và nó còn tệ hơn bệnh béo phì và hậu quả của việc không hoạt động thể chất". Trên thưc tế, cô đơn chính là cảm giác khiến con người dễ rơi vào trầm cảm hơn, và thường trở thành lý do dẫn đến những vụ tự sát. Một nghiên cứu gần đây của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho thấy những người trẻ từ 16-24 tuổi là đối tượng thường xuyên cảm thấy cô đơn hơn bất kỳ nhóm tuổi trưởng thành nào - Ảnh: Papersrocks Nếu ta hiểu rằng ‘cô đơn không thể chữa khỏi’ Y học nghiên cứu về sự cô đơn vẫn chưa có cách chữa trị dứt điểm trạng thái tinh thần này. Sự cô đơn thường xuất hiện trong quá trình con người cố gắng định vị mình trong thế giới. Khi quá trình đó trở nên khó khăn và họ không tìm được nơi mình thuộc về hoặc ai đó bên cạnh, cảm giác khủng hoảng về sự tồn tại hay cảm giác "tự xa lánh" hoặc "bị xa lánh" sẽ gia tăng. Tuy nhiên, nhà triết học Hannah Arendt mô tả sự cô đơn như một "cơn ác mộng" tự thân, tức là một triệu chứng bao gồm những khó khăn bên trong chính mình. Do đó, Arendt tin rằng thói quen trò chuyện với chính mình có thể giúp chúng ta chống lại sự cô đơn. Arendt gọi đây là "cuộc đối thoại thầm lặng của bản thân". Đối với Arendt, cô đơn không phải trạng thái đen tối hoàn toàn, cô đơn vẫn mang một ý nghĩa tích cực trong một góc độ nào đó, giúp con người thâm nhập sâu hơn vào tâm thức của chính mình. Nhà văn nữ quyền Simone de Beauvoir cũng chấp nhận đắm mình trong nỗi cô đơn để khai thác sức mạnh sáng tạo bên trong nó. Thay vì theo đuổi phương pháp chữa lành, chúng ta hoàn toàn có thể sống chung với nỗi cô đơn bằng cách kiếm tìm những giá trị ẩn giấu bên trong sự cô đơn của chúng ta.