Tại sao một số con chó không bao giờ lớn?Từ những chú cún Chihuahua nhỏ xíu có thể để vừa trong chiếc túi xách tay, đến những con chó săn khổng lồ, hung dữ... các loài chó đã khiến các nhà khoa học đau đầu vì kích thước đa dạng của chúng. "Chó có sự đa dạng về kích cỡ lớn nhất trong bất cứ loài động vật có vú nào", nhà sinh vật học K. Gordon Lark tại Đại học Utah nói. "Một trong những câu hỏi lớn là sự đa dạng về kích cỡ này xuất phát từ đâu?". Lark và cộng sự cho biết họ đã tìm ra một phần câu trả lời của câu hỏi này: một đoạn gene ADN kiểm soát sự tăng trưởng khiến một số con chó nhỏ mãi. Để tìm hiểu đầu mối, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu ADN và đo kích cỡ cơ thể của hàng trăm con chó Bồ Đào Nha. Giống chó này có cân nặng lớn hơn nhau tới 3 lần, từ 11 tới 33 kg. Bằng cách phân tích ADN của chúng, các nhà nghiên cứu tìm thấy một mẩu gene có quan hệ chặt chẽ với kích cỡ của con vật. Đoạn gene này điều khiển một hoóc môn giúp con người và các loài động vật có vú khác trưởng thành từ lúc mới sinh cho đến khi dậy thì. Ở các con chó nhỏ, một vài biến thể của gene này đàn áp hoạt động của gene, khiến nó không tạo ra đủ hoóc môn để các con chó lớn lên. Những con chó trung bình và lớn thì không có kiểu gene này. Vì thế chúng có thể tăng trưởng tới kích cỡ đáng sợ. Một số chất liệu gene khác chưa được nhận biết có thể cũng mang tới sự khác biệt kích cỡ cơ thể của chó. Để kiểm chứng kết quả, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu hơn 3.000 con chó thuộc 143 loài khác nhau, trong đó có Chihuahua, chó púc, chó xù, Saint Bernard, chó săn Ireland... Ở các loài chó nhỏ, họ đều tìm thấy chuỗi gene đó. "Tất cả những con chó dưới 9 cân đều có chuỗi gene đặc biệt này", Lark nói. Chó sói được thuần chủng thành chó nhà vào khoảng 12.000 năm trước, và bởi các con chó nhỏ trên khắp thế giới đều có đoạn gene này nên các nhà nghiên cứu cho rằng cấu trúc gene đó có thể cũng lâu đời như thế. Chó nhỏ sẽ dễ sinh sôi nảy nở hơn bởi con người coi đó là bạn đồng hành tốt. "Chó nhỏ không săn đuổi bạn, không phá phách, chúng chỉ nhỏ nhắn và rất dễ thương", Lark nhận định.