Dưới đây là 3 phương thức trồng rau tại nhà đơn giản, cho năng suất cao. Áp dụng cách thức trồng rau này, chị em không những có được thực phẩm xanh an toàn cho sức khỏe gia đình mình, mà còn tạo ra không khí trong lành cho ngôi nhà của mình nữa. Để khắc phục tình trạng ngộ độc do dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá quy định cho phép, mô hình trồng rau sạch tại nhà ngày càng được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là đối với những hộ gia đình sinh sống ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội.Dưới đây là 3 phương thức trồng rau tại nhà đơn giản, cho hiệu quả năng suất cao và phổ biến nhất hiện nay. Mời các bạn yêu thích làm vườn cùng chúng tôi tham khảo nhé! 1. Trồng rau trong hộp, chậu Đầu tiên là phương thức trồng rau trong các loại hộp, thùng bằng vật liệu đa dạng như thùng xốp, nhựa, gỗ,… Chúng ta có thể tận dụng đồ cũ tái chế để trồng rau. Cách này khá đơn giản, thích hợp cho nhiều không gian như sân thượng, trước hiên, ban công hay một vài khu vực quanh nhà. Bạn chỉ cần trải lớp lót bằng vải mỏng hoặc sỏi nhỏ, mùn cưa bên dưới đáy thùng rồi gắn thêm tay cầm hai bên thành để thuận lợi cho việc di chuyển. Trồng rau trong thùng, hộp thích hợp cho nhiều không gian. Đất trồng, hạt giống, phân hữu cơ có thể dễ dàng tìm mua tại các cửa hàng kinh doanh hạt giống rau sạch. Mỗi thùng không nên gieo quá nhiều hạt vì cây mọc dày sẽ không đủ dinh dưỡng. Những cây lớn như ớt, cà chua, dưa chuột thì nên trồng riêng mỗi loại một thùng. Đối với rau thơm như rau húng, rau mùi, ngò,… có thể kết hợp gieo nhiều loại. Cách trồng và chăm sóc theo phương pháp này khá đơn giản, cho năng suất cao. Cần kiểm tra, tưới nước định kỳ cho cây, tùy loại từng loại mà không để cây thiếu nước hay ngập úng. Có thể giữ ẩm cho cây bằng cách tưới nước vo gạo, bã chè. Khi cây còn non bạn nên đặt ở nơi có nhiều ánh sáng nhưng tránh nắng gắt chiếu trực tiếp. 2. Trồng rau thủy canh Mô hình trồng rau công nghệ thuỷ canh được nhiều người ưa chuộng bởi rau thu được hoàn toàn sạch và an toàn. Ứng dụng này là một hệ thống trồng cây trong dung dịch không tuần hoàn. So với phương thức trồng rau trong hộp, thùng xốp thì trồng rau thủy canh khá mới mẻ với chị em. Trồng rau bằng phương pháp này rất thuận tiện, bạn không phải điều chỉnh độ PH, không phải sục khí và cho nước chảy liên tục. Thủy canh rất tiết kiệm đất mà lại hiệu quả, kỹ thuật này giúp rau được cung cấp đủ dinh dưỡng, cách ly với nguồn sâu bệnh, nước ô nhiễm, tránh độc tố. Trồng rau thủy canh vừa tiết kiệm đất mà lại hiệu quả, an toàn. Các loại rau ăn lá đều thích hợp với môi trường thuỷ canh như xà lách, rau muống, rau dền, rau cải, rau húng,… Hạt giống được gieo trên thùng xốp, ống nhựa hoặc máng cỡ lớn. Có rất nhiều công thức để pha dung dịch thuỷ canh, để có công thức đáng tin cậy được pha trộn sẵn, bạn nên tìm những đơn vị uy tín để được tư vấn kỹ lưỡng. Rễ cây sẽ sinh trưởng phát triển nhờ hút chất dinh dưỡng từ phía dưới. Bạn có thể trồng rau thủy canh trên thùng xốp, ống nhựa hoặc máng cỡ lớn. Trong quá trình chăm sóc phải thường xuyên kiểm tra hộp để tránh rò rỉ, bổ sung nước sạch, theo dõi chuyển vị trí cho rau đủ ánh sáng, cắt bỏ lá vàng, tỉa nhánh rễ, vệ sinh hộp sau mỗi lần thu hoạch. 3. Trồng rau trên tường Mô hình trồng rau trên tường không chỉ đem lại rau sạch cho bữa ăn mà còn góp phần tạo nên khoảng xanh độc đáo trên các góc tường nhà bạn. Phương thức này cực kỳ phù hợp cho những gia đình có diện tích nhỏ, giúp bạn tận dụng được những không gian trống một cách hợp lý. “Vườn đứng” có thể được tạo thành bởi những chiếc túi vải nhiều ngăn, ống nước, chai lọ nhựa, thủy tinh, xô chậu, hộp nhỏ,… hoặc các module có sẵn trên thị trường. “Vườn đứng” có thể được tạo thành bởi túi vải nhiều ngăn, chai lọ, xô chậu,… Nếu gieo hạt giống, bạn rắc trực tiếp hạt giống cây vào các ngăn nhỏ, mật độ hạt giống vừa phải giúp cây có đủ diện tích và chất dinh dưỡng để phát triển. Với cách này, chúng ta cùng lúc trồng nhiều loại rau, củ quả khác nhau, mỗi túi vải, xô chậu nhỏ là một loại. Nếu trồng cây con, luôn trồng sâu bộ rễ xuống đất để chúng hút được nhiều chất dinh dưỡng và sinh trưởng nhanh chóng. Khu vườn đứng còn góp phần tạo nên khoảng xanh độc đáo trên bức tường. Bạn có thể tự sáng tạo hoặc liên hệ các đơn vị chuyên thiết kế và thi công vườn tường để có được mô hình phù hợp với không gian sống của mình nhất. Trong quá trình chăm sóc nên thường xuyên tưới nước nhẹ nhàng bằng bình xịt phun sương, ngày 2-3 lần vào sáng sớm và chiều tối mát, chú ý hệ thống thoát nước cho cây nhé! Nếu không có nguồn ánh sáng tự nhiên, bạn cũng có thể tạo nguồn sáng nhân tạo bằng hệ thống bóng đèn điện phù hợp. Nguồn: afamily