Vợ Chồng Chim Sâu

Thảo luận trong 'Vấn đề chung về chim Sâu' bắt đầu bởi ngoctuan, 6/10/10.

  1. ngoctuan

    ngoctuan Đại Bàng Bố Ban quản trị

    Tham gia ngày:
    11/9/10
    Bài viết:
    9,242
    Được thích:
    1,956
    Điểm thành tích:
    65
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    Thẩm Định Giá
    Nơi ở:
    Ho Chi Minh
    Trong vườn, có một loài chim rất cần thiết không thể thiếu được: đó là chim Sâu.
    Ồ, loài chim mới bé nhỏ làm sao! Cả thân hình mập tròn chỉ bằng một trái chanh, phủ lớp lông dày màu xanh đọt chuối óng ả. Con chim Sâu nhảy nhót trên cành, nghiêng bên nọ, ngó bên kia, mổ một cái rồi nuốt chửng con sâu ăn lá non. Cái đuôi dài, hết ngoắc sang phải lại ngoắc sang trái, bộc lộ tính chăm chỉ, cần mẫn, kiếm ăn suốt ngày không nghỉ của chim Sâu. Thật là một con chim có ích cho vườn cây: bất kỳ con sâu nào trốn thật kỹ, hóa trang rất tài tình, cũng bị chim phát hiện và mổ gọn. Tính ra, cuộc đời ngắn ngủi của một con chim Sâu tiêu diệt khoảng một vạn sâu lá… Tài tình làm sao!
    Sự tích về chim Sâu cũng rất quen thuộc: Ngày xưa, khi Ngọc Hoàng tạo ra muôn loài, ngài đã phân công cụ thể như sau: trâu cày bừa ngoài đồng; lúa trổ bông cho gạo; gà cho thịt và trứng; cọp cai quản rừng rậm… Mỗi loài đều hân hoan làm tròn nhiệm vụ của mình. Nhưng một hôm, lá non bị sâu ăn trụi cả cây, bèn lên kiện Ngọc Hoàng. Ngài bối rối bảo bò giúp đỡ, bò than không biết trèo cây. Ngài bảo khỉ giúp đỡ, khỉ than nó rất sợ sâu. Không một loài nào nhận lời giúp Ngọc Hoàng, vì giống sâu có bề ngoài vô cùng gớm ghiếc. Rồi, một con chim nhỏ xíu từ đâu bay ra, tình nguyện làm công việc diệt sâu giùm lá non. Ngọc Hoàng mừng lắm, ban cho nó cái tên là chim Sâu. Từ đó, con chim bé tí kết bạn thân thiết với lá non, tiêu diệt hết loài sâu ăn hại, vô ích.
    Mùa hè năm nay, tôi về vườn chơi để thay đổi không khí thành thị đang làm tôi chán ngấy. Vợ chồng người chủ nhà vốn là bạn học cũ ngày xưa đón tiếp tôi rất niềm nỡ, dành riêng cho tôi một căn buồng nhỏ đơn sơ. Căn buồng có cửa sổ nhìn ra phía sau vườn. Cửa sổ luôn đón gió nên tôi kê vào đó một chiếc bàn để ngồi đọc sách (hoặc đôi khi viết thư). Ngồi bên cửa sổ, tôi tha hồ ngắm cảnh, thích nhất là ngắm cây nhãn đang ra bông trắng xóa. Hầu như trưa nào cũng chỉ có con ong ấy đến xin mật, đem về để dành cho mùa mưa. Mỗi lần được các chùm hoa cho mật ngọt, Ong kiểu cách bay vòng vòng cúi đầu cảm ơn. Tôi mỉm cười thầm nghĩ: loài vật mà đối với nhau thật là lịch sự…
    Chán mắt rồi, tôi quay sang ngắm bầy gà tha thẩn kiếm ăn quanh gốc xoái xum xuê bóng mát. Bầy gà mái hơn chục con túm tụm lại với nhau khoe những cái cẳng màu vàng nghệ – giống gà này đẻ trứng sai lắm. Mãi đến lúc này, tôi mới để ý đến con chim Sâu nhảy nhót trên cành cây thấp ngang tầm mắt tôi. Con chim nhỏ xíu bằng trái chanh, cái đầu nghiêng ngó, thoăn thoắt nhảy bên nọ, bên kia. Nó dừng chân ngơ ngác, hót lên một điệu lảnh lót rồi vỗ cánh bay đi. Tôi tiếc nuối nhìn theo, thầm khen màu lông của nó đẹp quá: vừa xanh đọt chuối, vừa vàng cam, vừa lam khói… Màu sắc xen lẫn vào nhau hài hòa đến là tuyệt diệu.
    Cách vài bữa sau, tôi đang nằm nghỉ trưa trên giường thì trông thấy con chim Sâu bỡ ngỡ đậu trên đầu kèo. Nó nhìn tôi. Tôi cũng nhìn nó. Chợt nó lễ phép lên tiếng:
    -Chào thầy, cho em vào bắt nhện. Phòng thầy có nhiều nhện quá.
    Tôi sững người đến mấy giây. Có phải con chim Sâu nói với tôi không? Bất giác tôi gật đầu. Nó vội vã quay lưng, vỗ cánh chao qua chao lại, phá tan tác mạng nhện và chẳng có con nhện nào thoát khỏi cái mỏ sắc bén của nó. Ăn một bụng no nê, nó lững thững đi đến đầu kèo, lễ phép:
    -Cảm ơn thầy, bữa nào rảnh em sẽ đến thăm thầy.
    Nói xong, nó bay đi mất. Tôi không thể không bâng khuâng nhìn theo màu xanh đẹp đẽ của con chim sâu… Rồi trưa nào nó cũng đến, đậu một lát trên đầu kèo, hót líu lo mấy tiếng trong trẻo êm tai. Sau đó, nó lại bay vù ra cây xoài tìm sâu.
    Có lần tôi hỏi nó:
    -Nhà chim Sâu ở đâu? Có xa lắm không?
    Nó quay đầu chỉ:
    -Xa lắm ạ, nhà em tận trong núi, nhưng em hay bay đi bay đó, ít khi về.
    Tôi nài nỉ:
    -Hay là chim Sâu đến ở đây cho vui, đừng đi xa nữa.
    Nó mỉm cười bối rối:
    -Cảm ơn thầy, có lẽ… vài bữa nữa chúng em sẽ tới đây, và em sẽ bảo… vợ em lại chào thầy. Chúng em định ra riêng, thầy ạ.
    Mấy hôm sau, vợ chồng chim Sâu bắt đầu làm tổ trên cây xoài trước mặt cửa sổ phòng tôi. Chim Sâu mái có vẻ lớn hơn và ít màu xanh chuối hơn. Nó có vẻ rụt rè, ít dám bay nhiều, chỉ đứng một chỗ ngó mông với đôi mắt buồn buồn. Chim Sâu trống tha rác về làm tổ: từng cọng rơm, từng cọng dây chuối khô… dần dần kết lại thành một cái tổ xinh xinh bé xíu, ẩn sâu trong một chòm lá xanh tốt. Chim mái vui mừng, hót véo von thật lâu như muốn báo tin cho toàn khu vườn biết vợ chồng nhà chim đã có một tổ ấm.
    Tôi tò mò muốn xem tổ nên cũng thả bộ ra chơi. Chim Sâu trống lăng xăng nhảy nhót khoe với tôi căn nhà mới, nó một mực mời tôi vào nhà:
    -Mời thầy vô uống nước.
    Tôi từ chối:
    -Cảm ơn, thầy làm sập tổ của hai em mất.
    Chim mái cảm động khi tôi chúc mừng vợ chồng nó được hạnh phúc. Nó lộ vẻ sung sướng vì tôi là người duy nhất không hề có ý định phá vỡ tổ nó.
    Sau đó, tôi quên bẵng vợ chồng chim Sâu một thời gian, tôi vùi đầu say mê đọc tác phẩm trọn bộ ba tập “20 Năm Sau” của Alexandre Duma – viết tiếp truyện Ba Người Lính Ngự Lâm. Truyện lôi cuốn tôi suốt một tuần lễ. Đọc xong, tôi mới chợt nhớ đến vợ chồng chim Sâu và ngạc nhiên là mấy bữa rày chẳng thấy chúng đâu cả…
    Tôi bắt gặp con chim trống tìm sâu một mình trong một chòm lá ổi. Nó có vẻ ốm, bộ lông xơ xác hẳn, màu xanh chuối bớt vẻ óng ả. Tôi hỏi:
    -Em bệnh à? Vợ em đâu rồi?
    Trái với tôi nghĩ, nó hớn hở trả lời, giọng run lên:
    -Thưa thầy, em không bệnh. Vợ em đang ấp trứng. Chúng em có bốn quả trứng rất xinh, thầy ạ. Em đi tìm mồi cho vợ em ăn.
    Nó thoăn thoắt nhảy nhót, bắt được sâu là bay vù ngay về tổ đút vào tận mỏ chim mái, rồi lại tất tả bay đi. Tôi như chiêm ngưỡng cảnh lo lắng chăm sóc của vợ chồng chim Sâu. Tuy là loài vật nhưng tình cảm của chúng có khác gì của con người đâu. Khi thấy chim trống chỉ tìm mồi cho vợ mà quên đi bản thân mình, tôi nảy ra ý tốt, rải mớ thóc gạo ra sau hè để chim đỡ phải kiếm tìm. Nhưng, tôi vừa rải thóc xuống là bầy gà đổ xô đến mổ sạch trơn, tôi chỉ biết cười trừ…
    Bầy chim non đã nở. Lũ chim líp nhíp đòi ăn suốt ngày nên hai vợ chồng chim Sâu cùng tỏa ra hai phía để tìm mồi. Chim mái lông xù ra, vẻ chững chạc hơn, chăm chỉ bay hết cây này sang cây khác ra dáng một bà mẹ tảo tần. Nó thường kiếm mồi nhanh hơn chim trống, đi đi về về như để canh chừng kẻ gian bắt mất chim con.
    Tôi cứ ngắm mãi cảnh vợ chồng chim Sâu quấn quýt bên tổ ấm, có bốn cái đầu xinh xinh ló ra. Vâng, tôi cứ ngắm mãi cảnh yêu thương hạnh phúc ấy với lòng biết ơn thầm kín mà không hiểu vì sao…
    Nguyễn Thị Bích Nga
     

    Bài viết mới
  2. duycuong

    duycuong Thành viên Mới

    Tham gia ngày:
    3/12/10
    Bài viết:
    33
    Được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Vợ Chồng Chim Sâu

    cam on bai rat hay.
     
  3. Ut_pro

    Ut_pro Thành viên Mới

    Tham gia ngày:
    11/12/10
    Bài viết:
    577
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Vợ Chồng Chim Sâu

    bài viết rất hay
    cám ơn bạn nhiều
     

Nếu chưa có nick trên chimcanhviet.vn thì dùng nick facebook bình luận nhé