[h=2]Nhiều tài liệu và website Thái Lan vẫn tuyên truyền rằng chó lông xoáy Thái Lan là tổ tiên của chó Phú Quốc. Thực hư ra sao? [/h] Mọi giống chó xoáy đều có gốc... Thái Lan? Ngày 28-7-1993, chó lông xoáy Thái Lan được Liên đoàn Các hiệp hội nuôi chó giống quốc tế (FCI) công nhận trong danh sách các loài chó giống trên thế giới, xếp vào nhóm 5 - phân nhóm 7 (chó săn có hình dáng chó nguyên thủy). Ngày 10-12-1996, chó lông xoáy Nam Phi (Rhodesian Ridgeback) được FCI công nhận, xếp vào Nhóm 6 - chó săn bằng khứu giác và các giống liên quan, cùng nhóm với chó đốm (dalmatian) vì cùng là giống chó do con người lai tạo ra từ đầu thế kỷ 20, để lần theo vết máu mà săn những người nô lệ trốn chạy. [TABLE="width: 312, align: center"] [TR] [TD] Thần thái của chó Phú Quốc Bốn dòng chó Thái lông xoáy với bốn màu lông đỏ, vàng, xanh xám và đen - Ảnh: H.Thiện và tư liệu [/TD] [/TR] [/TABLE] Trong khi đó, chó Phú Quốc lông xoáy của VN đang được xúc tiến đăng ký lại với FCI, vào nhóm 5 (những giống chó nguyên thủy và chó spitz), thuộc phân nhóm 8 (các giống chó săn nguyên thủy có dải lông mọc ngược trên lưng). Hiện nay, theo FCI, phân nhóm 8 thuộc nhóm 5 này chưa có giống chó nào. Nhiều nhà sử học Thái Lan thống nhất rằng chó Thái lông xoáy bắt nguồn từ miền đông Thái Lan hơn 300 năm trước. Mặc dù vậy, theo website www.ianimals.com, hiện vẫn chưa có thư tịch cổ nào xác thực nguồn gốc ấy. Mặt khác, một kết quả phân tích gen từ 300 mẫu ADN thu từ các chó Thái lông xoáy trên khắp Thái Lan, do Trường đại học Thú y Fresno thuộc Đại học California (Mỹ) thực hiện trong hai năm 2001-2002 đã cho biết: chó Thái lông xoáy là dòng duy nhất, không liên quan với cả chó lông xoáy Rhodesian lẫn chó Phú Quốc lông xoáy. Nhưng nhiều website Thái Lan vẫn tuyên truyền rằng chó lông xoáy Thái Lan là... tổ tiên của chó Phú Quốc. Họ kể về những bức tranh trên vách đá, được cho là có niên đại hơn 3.000 năm (hang Tum-Pra-Toon, ở tỉnh Uthai-Thani), trong đó có một tranh vẽ con chó “rất rõ ràng, trông giống con chó Thái lông xoáy ngày nay” (?). Họ cũng kể rằng thuở xưa, có một vị vua của VN từng bôn tẩu sang Xiêm (Thái Lan), khi trở lại quê hương có mang theo một con chó Thái lông xoáy nên có thể từ đó mà nảy sinh chó Phú Quốc ở VN? Từ giả thuyết đó, thậm chí người Thái còn phát triển thành câu chuyện về một số nhà lữ hành đến từ châu Phi đã mang về những con chó Phú Quốc, cho lai tạo với giống chó hottentot bản địa để tạo nên dòng chó ari lông xoáy ở Nam Phi, về sau được gọi là chó Rhodesian lông xoáy. Phản bác lập luận trên, giáo sư Dư Thanh Khiêm, hiệu trưởng Viện Giáo dục Woluwe-Saint-Pierre, ở Brussels (Bỉ), phân tích: “Tất cả các cuộc du hành, và cả lịch sử đất nước Xiêm La, đều nằm trong bộ sách Abrégé de l‘histoire générale des voyages (Tóm tắt lịch sử tổng quát các cuộc du hành), ấn bản năm 1780, của tác giả Jean-François de la Harpe, thành viên Viện Hàn lâm Pháp. Tôi khẳng định giả thuyết mà người Thái tự nêu ra không có trong sách ấy“. Vậy mà hai nhà khoa học Mỹ Merle Wood và Merle Hidinger lại nói theo người Thái Lan, rằng xoáy lưng chỉ từng có ở chó xoáy miền đông Thái Lan và chó xoáy châu Phi, nên xoáy lưng ở chó Phú Quốc “chắc chắn bắt nguồn từ giống chó Thái”. Họ cũng nói hệt như người Thái, rằng cách đây ít nhất 400 năm, những ngư dân Thái Lan đã vô tình trở thành các nhà tạo giống khi đem theo chó Thái lông xoáy đi đánh bắt cá hoặc buôn bán ở vùng biển Phú Quốc (?). Qua tìm hiểu khá nhiều website và tài liệu của Thái Lan và nói theo Thái Lan, chúng tôi đã phát hiện hai điều thú vị. Thứ nhất, hầu như nguồn tài liệu mà họ trích dẫn đều được xuất bản từ năm 1978 trở về sau. Thứ hai, nhiều tài liệu loại ấy thường rơi vào tình trạng “giấu đầu hở đuôi”. Lời thừa nhận từ “Khun Sterling” Ông Jack Sterling được xem là người Mỹ tiên phong trong việc nhập khẩu chó Thái lông xoáy vào Hoa Kỳ từ năm 1994. Cũng vì vậy, ông từng được các báo, tạp chí nổi tiếng như The New York Times, Los Angeles Times, Esquire, Newsweek phỏng vấn. Tại Thái Lan, ông được gọi là “Khun Jack Sterling” với sự kính trọng. Người Thái không chỉ xếp ông vào danh sách những nhà nhân giống chó Thái lông xoáy rất nổi tiếng, mà còn khẳng định “Khun Sterling” đã dạy họ rất nhiều vấn đề mà người nhân giống gặp phải, như cách đối phó với bệnh u nang biểu bì (“hạt” trên cổ chó xoáy), kể cả về tính cách của chó xoáy, về một số phương pháp lai tạo, chăm sóc chó, với mục tiêu phát triển bộ lông và màu lông, vóc dáng, thể trọng tốt hơn cho chó Thái lông xoáy ở các thế hệ tiếp nối... Tuy vậy, vào năm 2006, qua Internet, những người yêu chó Phú Quốc lại bất ngờ phát hiện một cuộc tranh cãi giữa “Khun Sterling” với Hiệp hội Chó Thái Lan (DAT) về nguồn gốc thật sự của chó Thái lông xoáy. Mọi chuyện bắt đầu từ việc anh kimquiufc vào website Xoáy Thái của Jack Sterling để đăng hình bầy... chó Phú Quốc dễ thương của anh! Ngay sau đó, ông Sterling đã gửi một email từ địa chỉ [email protected] để vặn hỏi vì sao đăng hình chó lạ lên website của ông chỉ dành cho xoáy Thái, rồi lại hỏi tiếp đó là... giống chó gì mà đẹp vậy. Lúc 13g24 ngày thứ hai 25-9-2006, ông Sterling lại gửi thư cho anh kimquiufc, viết rằng giờ đã biết về anh và cho phép tham gia website Xoáy Thái của ông để kể vài câu chuyện hay ho, trung thực về chó Phú Quốc và về họ chó Thái. Đoạn cuối trong email ấy của ông Sterling là những câu sau: “Chúng tôi có một con chó Thái lông xoáy màu vện, song theo ý tôi thì đó là từ những con chó mà người Thái đã đánh cắp từ VN trong những thập niên trước... và tuyên bố rằng chúng là chó Thái. Tôi phải hoàn toàn thành thật. Tôi hoàn toàn không tin người Thái. Ý bạn thì sao?” - ký tên ATB, Papa Jack. Từ đó, cộng đồng người nuôi chó Phú Quốc đã tìm thấy trên website www.thairidgebackdog.com đoạn tranh luận sau của “Khun Sterling” với DAT: “Jack Sterling TRD:... TRD (Thai Ridgebacks - chó Thái lông xoáy) không phải là giống chó đã có hàng ngàn năm. Chúng là một giống chó lai giữa những con chó Phú Quốc của VN. Đây mới là giống chó thuần chủng (có thể) mà những người nuôi chó Thái trước đây đã quyết định lai tạo các giống chó lai tạp hiện có ở Thái Lan với những con chó Phú Quốc được mang đến đây từ nhiều năm trước. Bà nội của Somkits và bác/chú đã mang những con chó này từ vùng đảo ấy về và không nói với ai về việc này... Chó Thái lông xoáy màu đỏ (red TRD) như chúng ta biết hiện nay có nguồn gốc từ những con chó này. Còn chó màu xám và vàng là những con chó lai. Một số bản năng săn bắt đã bị hạn chế và chúng trở thành những con chó canh gác. Một số người cũng tin rằng giống chó boran cổ xưa không lông cũng đã được dùng để lai tạo ra giống chó Thái lông xoáy ngày nay... và chúng ta có giống chó có lông cực ngắn với da bị biến đổi sắc tố...”. Theo Tuổi Trẻ
Kỳ 2: Chó Phú Quốc và chó xoáy Thái, con nào đẻ ra con nào? Người Thái muốn “dìm hàng” Trên thế giới hiện chỉ có 3 giống chó có xoáy lưng, là chó Phú Quốc của Việt Nam, chó xoáy Thái Lan và chó xoáy Nam Phi (Rhodesian Ridgebacks). Ba giống chó này có “bà con họ hàng” gì với nhau hay không chưa ai biết chắc. Nhiều nhà khuyển học quan tâm đến chó xoáy đang cố gắng tìm ra mối liên hệ giữa chúng. Tuy nhiên, đã có một số kết luận chủ quan từ những người Thái và một vài nhà nghiên cứu Mỹ. Họ cho rằng, chó Phú Quốc Việt Nam có nguồn gốc từ chó xoáy Thái, người thì bảo có một vị vua Việt Nam từng sang Thái, khi về đã mang theo giống chó này và chó Phú Quốc từ đó mà sinh ra, người thì nói có thể ba bốn trăm năm trước những người đánh cá Thái ngẫu nhiên đến đảo Phú Quốc và đã để lại giống chó xoáy tại đảo này. [TABLE="width: 513, align: center"] [TR] [TD] Chó Phú Quốc đào đất chui qua vật cản... - Ảnh: Giang Sơn [/TD] [/TR] [/TABLE] Sự tranh chấp về nguồn gốc chó xoáy đặc biệt rộ lên sau khi giáo sư Dư Thanh Khiêm, Viện trưởng Viện Giáo dục Woluwe SaintPierre ở Brussels (Bỉ), công bố những tài liệu quý giá của thế giới về chó Phú Quốc từ hơn 100 năm trước và sự kiện 2 con chó Phú Quốc Đốm và Vện được những người nuôi chó trên thế giới ngưỡng mộ tại cuộc thi chó đẹp quốc tế diễn ra ở Paris vào năm 2011. Những người yêu chó Phú Quốc Việt Nam, nhất là giáo sư Dư Thanh Khiêm đã kiên quyết phản bác những lập luận thiếu sức thuyết phục này. Cần biết, người Thái tiếp thị và lobby giỏi hơn người Việt chúng ta rất nhiều. Chó xoáy của họ đã được Liên đoàn các Hiệp hội nuôi chó giống quốc tế (FCI) công nhận, còn chó Phú Quốc Việt Nam thì chưa. Tại cuộc thi chó đẹp quốc tế nói trên, do chưa được FCI công nhận, nên hai em Đốm và Vện chỉ được đặc cách làm “khách mời”, giải thưởng chỉ là giải thưởng ở “vòng ngoài”, chứ chưa đủ tư cách tham dự cuộc thi chính thức ở “vòng trong”. Người Thái nuôi chó xoáy có đủ trình độ để nhận ra sự nổi trội của chó Phú Quốc Việt Nam và hình như họ đang muốn “dìm hàng”, cố tình làm cho thế giới thấy rằng chó Phú Quốc chẳng qua là một “nhánh” của chó xoáy Thái. Họ có đủ tiềm lực tiếp thị để đạt được mục đích đó. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có quá ít nỗ lực và có quá nhiều cản trở. Những người mê chó Phú Quốc như giáo sư Khiêm hầu như phải đơn thương độc mã để tìm cách đưa con chó Phú Quốc trở lại vị trí mà nó từng được quốc tế vinh danh hơn 100 năm trước. Rất có thể các chú quân khuyển ra ngoài “tìm gái”… Với tư cách là người yêu chó Phú Quốc và có tìm hiểu về giống chó này, chúng tôi xin cung cấp thêm vài thông tin. Người Thái nói rằng từng có một vị vua nào đó của Việt Nam sang Thái và mang chó xoáy Thái về gầy giống thành chó Phú Quốc Việt Nam, có lẽ họ muốn ám chỉ vua Gia Long. [TABLE="width: 356, align: center"] [TR] [TD] ... và tập bơi trong một khóa huấn luyện - Ảnh: Giang Sơn [/TD] [/TR] [/TABLE] Đúng là vua Gia Long lúc sa cơ có sang Xiêm (Thái Lan ngày nay) trú ngụ. Nhưng trước khi sang Xiêm ông đã nuôi 4 con chó Phú Quốc rồi. Nói ông Gia Long mang chó xoáy Thái về, sao ông không mang về nơi khác mà phải mang về Phú Quốc trong khi Phú Quốc không phải là trọng trấn của ông? Trong thời gian trú ngụ tại Xiêm, ông có quân đội riêng của ông, ông đã từng đem quân giúp vua Xiêm đánh quân Miến Điện xâm chiếm nước Xiêm. Quân đội của ông hẳn phải có chó Phú Quốc làm quân khuyển, chưa nói đến việc ông có thể mang theo 4 con chó của ông sang Xiêm, vì 4 con chó đó “đã theo ông suốt những năm bôn tẩu”. Đó là sự thật. Và điều gì đã xảy ra từ sự thật đó? Rất có thể, một số chú quân khuyển đêm hôm ra ngoài “tìm gái”, đã để lại những hậu duệ là những con chó xoáy Thái ngày nay. Hoặc giả khi ông Gia Long và đội quân của ông về nước, một số chú quân khuyển đã ở lại và sinh con đẻ cái với chó bản địa. Chúng tôi chỉ suy luận như vậy chứ chưa đủ tài liệu thực tế để khẳng định điều đó, nhưng sự suy luận này có sức thuyết phục gấp trăm ngàn lần lập luận cho rằng “có một vị vua Việt Nam sang Thái và mang chó xoáy Thái về nước”, cũng như lập luận “những ngư dân Thái đến Phú Quốc và để lại chó xoáy”. [TABLE="width: 482, align: center"] [TR] [TD] Chó Phú Quốc tham gia một cuộc thi tại TP.HCM - Ảnh: Tấn Cư [/TD] [/TR] [/TABLE] Tóm lại, chó Phú Quốc có đẻ ra chó xoáy Thái hay không thì chưa chắc lắm (mặc dù rất có thể), nhưng điều chắc chắn là chó xoáy Thái chưa bao giờ đẻ ra chó Phú Quốc. Hơn nữa, trước ông Gia Long, quân đội Tây Sơn đã từng dùng chó Phú Quốc làm quân khuyển rồi, mà nhà Tây Sơn thì không có vị vua nào đặt chân đến Thái Lan cả. Về lập luận “những ngư dân Thái đến Phú Quốc để lại chó xoáy” thì giáo sư Khiêm đã bác bỏ rồi, chúng tôi không cần nhắc lại nữa. Câu chuyện đưa chó Phú Quốc trở lại vị trí mà nó từng được vinh danh trên đấu trường quốc tế là câu chuyện còn dài, nhằm mục đích “xây dựng thương hiệu”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chúng ta không nên quá bận tâm về “thương hiệu chó Phú Quốc”, bởi nó không giống như những thương hiệu hàng hóa khác. Nó từng là bí mật quân sự của cha ông ta, ngày nay phải được coi là “quốc bảo”, là “của riêng” của dân tộc, là thứ cần được bảo tồn một cách cẩn trọng. Và cần lưu ý điều này: Nhiều người đem chó Phú Quốc từ đảo về hoặc đem từ nơi này đến nơi khác phần lớn đều bị bệnh hoặc chết. Hoàn toàn không phải giống chó này khó nuôi, ngược lại chó Phú Quốc rất dễ nuôi. Khó nuôi là do không biết cách. Nuôi chó Phú Quốc như nuôi chó tây là chết chắc…(còn tiếp). Hoàng Hải Vân
Truy tìm “căn cước” chó Phú Quốc - Kỳ 3: Những trang sách cổ và giải vô địch thế giới [TABLE="class: image"] [TR] [TD="class: img-news"] [/TD] [/TR] [TR] [TD="class: caption"] GS Dư Thanh Khiêm (phải) giới thiệu bản sách cổ Les races de chiens của bá tước Henri de Bylandt với những người yêu chó Phú Quốc - Ảnh tư liệu [/TD] [/TR] [/TABLE] Từ đầu thế kỷ 19 đã có sáu cá thể chó Phú Quốc được đưa về châu Âu. Trong đó, có bốn con thuộc sở hữu của ông Fernand Doceul, một quan chức người Pháp nắm quyền ở các tỉnh Nam bộ và Campuchia. Qua tới Pháp chỉ ba con còn sống và được tặng cho vườn thực vật Paris. Trong nhiều tạp chí chuyên ngành, những con chó Phú Quốc ấy đã được nhiều nhà động vật học thời đó xem xét và đề cập tới như giống chó duy nhất trên thế giới có dải lông mọc ngược. Đáng kể nhất là tác giả Henri de Bylandt, một bá tước người Hà Lan, đã soạn bản Tiêu chuẩn cho chó săn thỏ Phú Quốc để đưa vào cuốn sách Les races de chiens, ấn bản năm 1897, giới thiệu cùng với tiêu chuẩn của trên 300 giống chó khác. Bí mật trăm năm trong sổ phả hệ của Hiệp hội hoàng gia... Hai chó Phú Quốc còn lại thuộc sở hữu của ông Gaston Helouin, sống tại Helfaut, Pas-de-Calais, miền bắc nước Pháp. Đó là Xoài (chó đực, tên Pháp là Mango) và Chuối (chó cái, tên Pháp là Banane), từng đoạt giải thưởng tại cuộc thi chó đẹp đầu tiên ở thành phố Lille (Pháp) vào năm 1894, sau đó đoạt mềđay A và B của cuộc triển lãm chó đẹp hoàn vũ, diễn ra tại Anvers (Antwerpen), nước Bỉ từ ngày 14 tới 16-7-1894. Từ những năm 1980, có một nhà sư phạm gốc Việt đã dành phần lớn thời gian, công sức và tiền bạc để sưu tầm các thư tịch cổ của phương Tây, qua đó chứng minh rõ về quá khứ lẫy lừng của chó Phú Quốc qua các tài liệu khoa học hồi thế kỷ 19. Đó là giáo sư Dư Thanh Khiêm - hiệu trưởng Viện Giáo dục Woluwe-Saint-Pierre, ở Bruxelles (Bỉ). “Với cuốn Les races de chiens, điều tuyệt vời nằm ở chỗ những chứng cứ khoa học hiển nhiên về chó Phú Quốc đã sớm được ghi nhận từ 117 năm trước. Bên cạnh đó lại có một điều bí mật nằm trong cuốn catalogue của cuộc thi hoàn vũ tại Anvers: những con chó thắng giải, được ghi vào catalogue này thì cũng được ghi tên vào sổ phả hệ của Hiệp hội SRSH (Hiệp hội Hoàng gia Thánh Hubert - vị thánh bổn mạng của tất cả thú vật) của Vương quốc Bỉ - giáo sư Khiêm bật mí - Trong bối cảnh FCI chưa ra đời, điều này có nghĩa chó Phú Quốc đã được một trong năm thành viên sáng lập FCI nhìn nhận. Tuy cuốn catalogue này đã biến mất khỏi “Tàng kinh các” của Hiệp hội SRSH Bỉ, nhưng tôi vẫn sưu tầm được bản phóng ảnh tài liệu hiếm hoi ấy, khiến một số anh em ở Việt Nam khi được xem đã không khỏi xúc động!“. Bốn năm tâm huyết cho nước cờ đầu “Cũng trong thập niên 1980, có một anh bạn đã ra Phú Quốc tìm mua chó với mục đích đưa sang Bỉ, trao cho tôi để tìm cách đăng ký bản tiêu chuẩn với FCI. Cuối cùng, anh bị “kẹt“ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Lần thứ nhì, có một anh bạn khác cũng làm như vậy, song lại bị hải quan Thái Lan tịch thu chó! Những nhiệt tình đóng góp của chúng tôi đã kết thúc qua tiếng thở dài của anh bạn: “Trễ rồi, bạn ơi! Chó Thái đã được nhìn nhận, mình đành bó tay thôi! - giáo sư Khiêm kể - Tôi không muốn khoanh tay ngồi nhìn vì giải pháp vẫn còn đó. Ngạn ngữ Pháp có câu “Hãy nhanh lên một cách chậm chạp”. Tôi nhận thức được rằng cần có sự chung sức của những người tâm huyết với chó Phú Quốc, để từng bước một sẽ cùng nhau cố gắng đạt ước mơ đưa con chó Phú Quốc trở lại với vị trí vinh quang từng có”. Giải pháp mà ông vạch ra chính là: cần lập ra một hiệp hội quốc gia của Việt Nam về chó giống để đăng ký là thành viên dự bị của FCI; xây dựng bản tiêu chuẩn chó Phú Quốc dựa trên bản tiêu chuẩn mẫu mực về chó Phú Quốc mà bá tước Henri de Bylandt đã mô tả; tổ chức các dogshow để thu hút nhiều chó đẹp dự thi, nhất là chó Phú Quốc, từ đó xác nhận giống và chớp thời cơ đưa chó Phú Quốc ra thế giới vào năm 2011. “Khi FCI long trọng tổ chức dogshow thế giới kỷ niệm 100 năm tuổi ở Paris, chúng ta có quyền mang chó Phú Quốc dự thi, tạo bàn đạp để đề nghị FCI công nhận lại một giống chó đã được ghi nhận từ sổ phả hệ của Hiệp hội SRSH của Bỉ, chứ không phải là một giống chó mới“ - giáo sư Khiêm phân tích. Ngày 11-1-2007, ông Yves de Clercq, giám đốc điều hành FCI, đã có thư gửi giáo sư Khiêm, nêu rõ: “Cơ quan FCI có hai tập sách của bá tước Henri de Bylandt và quả thật chúng tôi đã có dịp ngưỡng mộ giống chó này, chó săn Phú Quốc mà hình như hồi xưa khá phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay giống chó này không còn nằm trong danh sách những giống chó được FCI nhìn nhận, duy chỉ có hiệp hội quốc gia chó giống của nước có giống chó được quyền đề nghị FCI nhìn nhận giống chó ấy...”. Lá thư của lãnh đạo FCI càng chứng tỏ tầm nhìn xa của giáo sư Khiêm cùng các bước đi được “lập trình chặt chẽ“. Vì vậy, nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra lần lượt tại Việt Nam kể từ năm 2007: tổ chức hội thảo đầu tiên về chó Phú Quốc, mở đại hội thành lập Hiệp hội Những người nuôi chó giống Việt Nam (VKA) năm 2008 và nộp đơn xin gia nhập FCI (2009), thông qua bản tiêu chuẩn chó Phú Quốc (2009) và bắt đầu tổ chức các cuộc thi chó giống. Tháng 10-2010, tại Dortmund (Đức), Đại hội đồng FCI đã thông qua quyết định chấp thuận cho VKA gia nhập FCI trước hết với hình thức đối tác theo hợp đồng, theo điều lệ của FCI... Ngày 28-1-2011, giáo sư Khiêm chia sẻ trên Diễn đàn chó thuần chủng Việt Nam (DIV): “Sự hỗ trợ nhiệt tình của tổng thư ký Hiệp hội Quốc gia chó giống Pháp (SCC) đã mang lại kết quả mong muốn. Lãnh đạo giải vô địch thế giới 2011 chính thức chấp nhận việc chó Phú Quốc dự thi dogshow mang ý nghĩa lịch sử này. Thế giới đang mở rộng vòng tay chào đón chúng ta”. Ngày 1-7-2011, giáo sư Khiêm viết tiếp trên diễn đàn này: “Như một lời nhắn gửi... Với sự giúp đỡ của anh em, ngày 20-7-2007 trong buổi họp báo tại TP.HCM, tôi đã nói đến ước mơ nhìn thấy con chó Phú Quốc được nhìn nhận trên đấu trường quốc tế trước khi vẫy tay chào cuộc đời. Cảm ơn lãnh đạo FCI đã hỗ trợ đất nước chúng ta. Cảm ơn lãnh đạo SCC Pháp Jean Jacques Dupas, một người bạn gần 40 năm qua - những người đã cho phép chó Phú Quốc tham dự sự kiện lịch sử 100 năm. Tôi đã làm những gì có thể và không hề hổ thẹn với lương tâm. Trong những giây phút tưởng mình lìa xa cuộc sống, những ý tưởng cuối cùng dành cho quê hương yêu dấu. Mong mỗi người trong chúng ta ý thức trách nhiệm của mình”. Những ngày qua dù còn trong bệnh viện, vị cố vấn này của VKA vẫn liên tục gửi email về, động viên VKA cố gắng tổ chức chu đáo dogshow quốc tế đầu tiên của Việt Nam vào cuối năm nay, nhằm đạt tới một điều kiện cần có “để bốn năm tới chúng ta sẽ là thành viên dự bị của FCI, có thể tái đăng ký chó Phú Quốc vào danh sách của FCI...”. Mới đây, một ủy viên ban chấp hành VKA vừa kể với chúng tôi: giáo sư Khiêm từng gợi ý anh em về việc dựng tượng chó Xoài trên đảo Phú Quốc... Theo Tuổi Trẻ
Truy tìm "căn cước" chó Phú Quốc - Kỳ 4: Lời cảnh báo trăm năm trước [h=2] Nguy cơ tuyệt chủng của chó Phú Quốc từng được nêu ra ngay trong bài báo viết về loài chó có dải lông mọc ngược rất đặc biệt này. Tác giả là ông Fernand Doceul, người đã nhân giống chó Phú Quốc vào cuối thế kỷ 19 và tặng lại vườn thực vật Paris. [/h] Họa tuyệt chủng Bài được đăng trên tờ Le Chenil, số ra ngày 30-7-1891, có đoạn: “Những cư dân trên đảo (Phú Quốc) khẳng định với tôi rằng chúng đang có nguy cơ biến mất và hầu như chỉ còn lại vài con, do người An Nam đã mang những con chó thuộc các giống thông thường ra đảo và cho lai với những con chó ở đảo...“. [TABLE="width: 187, align: center"] [TR] [TD] Một chú chó Phú Quốc trèo qua cổng rào cao 2m tại trại Thanh Nga trên đảo Phú Quốc - Ảnh: Quốc Hưng [/TD] [/TR] [/TABLE] Tháng 7-2007 tại TP.HCM, hồi chuông cảnh báo về họa tuyệt chủng của chó Phú Quốc lại được gióng lên từ cuộc hội thảo chuyên đề về giống chó này: chỉ còn khoảng 1% chó Phú Quốc thuần chủng, số còn lại đã bị lai tạp các giống khác! Mới đây vào đầu năm 2011, một chuyên gia người Mỹ đến từ Viện Huấn luyện chó K9 nổi tiếng của Mỹ đã ra đảo Phú Quốc tìm mua bốn con chó Phú Quốc mang về huấn luyện nghiệp vụ cho một dự án khai thác kim loại quý ở Việt Nam. Anh này mất gần một tháng “quần” khắp đảo, cả ở thị xã Rạch Giá của Kiên Giang rồi thất vọng kết luận: “Không có chó Phú Quốc nào thuần chủng!”. Năm 2007, có một chàng trai 26 tuổi đã bỏ công khảo cứu sâu hơn về những tiêu chuẩn dân gian đối với chó săn Phú Quốc. Chàng trai đó là Lê Văn Quốc Hưng, hiện là ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Những người nuôi chó giống Việt Nam (VKA). “Tôi kỳ vọng có thể vận dụng những tiêu chuẩn dân gian để gìn giữ những đặc tính của chó Phú Quốc cổ trong quá trình lai tạo, bảo tồn” - anh Hưng nói về công trình của mình như một gửi gắm. Những khảo cứu của anh cho ra chân dung loài chó Phú Quốc khá rõ ràng. Chó Phú Quốc qua con mắt dân gian Tại Phú Quốc xưa kia, do cách biệt địa lý, từng có những dòng chó lông xoáy sống ở những khu vực khác nhau trên đảo mang những nét di truyền ổn định khác biệt. Chó khu vực Cửa Cạn, Ba Trại, Đồng Bà có trọng lượng 12-16kg, nhỏ con nhưng nhanh nhẹn, thiên về lùng sục, rượt đuổi và săn mồi nhỏ. Chó khu vực Bắc Đảo (Rạch Vẹm, Gành Dầu) thường có màu đen, lớn con, trọng lượng 16-20kg, có con đạt 25-30kg, thiên về săn thú lớn, đấu tay đôi với heo rừng và nai. Nhiều thợ săn như bác Sáu Khương thích chó Bắc Đảo vì họ thường săn bắt thú lớn trong rừng nguyên sinh ở Gành Dầu, Cửa Cạn. Nhỏ nhất là chó khu vực Suối Tranh - Suối Đá, chỉ “nhỉnh hơn chó phốc chút xíu, lông sát gần như trụi, đuôi khô nổi lên từng khấc như đốt trúc”. Bác thợ săn Chín Cua Đinh kể: “Có con chó nhỏ xíu, gặp thân cây đổ leo qua còn hổng nổi, vậy mà nó săn rất hay, lần nào cũng trúng”. Mỗi đàn chó đi săn thường có 3-6 con, với một con làm đầu đàn. Chó trong đàn săn không nhất thiết phải lớn con. Chó nhỏ vóc nhưng đánh hơi tốt vẫn được vô đàn săn. Thợ săn thường đặt tên chó là con Cắn, con Rượt, con Đuổi... để lúc gặp con mồi là thuận miệng hô: “Cắn nó”, “Đuổi nó”, “Rượt nó”... Kiểu săn chính của chó Phú Quốc là lùng sục kết hợp rượt đuổi quãng ngắn, thích hợp với cách săn mồi trong rừng nguyên sinh, rừng chồi với cây cối và gai, bụi um tùm. Màu lông chó săn phải tiệp với màu rừng nên những con trắng đốm thường không được chọn vì màu lông quá sáng, dễ bị con mồi phát hiện. Thợ săn Phú Quốc không ưu tiên chọn những chó có móng đeo vì dễ làm chó bị vướng dây choại, búi cỏ khô... trong rừng. Phần lớn chó Phú Quốc là con hơi đất (có rãnh nhân trung cạn, hay chúi mũi xuống đất hít, khịt, rất nhạy mùi con mồi để lại dưới đất), trong khi chó đầu đàn bắt buộc phải là con hơi gió (rãnh nhân trung sâu, trong mũi có một khoang rộng, rất giỏi theo mùi hơi vương trong gió dù con mồi có băng qua sông, suối). Trong đàn săn phải phối hợp cả chó hơi đất lẫn hơi gió để đảm bảo khả năng săn đuổi hiệu quả trên nhiều địa hình. Các tiêu chuẩn dân gian của bộ hơi còn tập trung vào mũi của chó: mũi khít thì rít hơi mạnh, mũi ướt thì thính mũi. Chó đầu đàn phải đạt các tiêu chuẩn của bộ cắn: bộ ria mép và râu cằm hướng về phía trước, mắt sâu, mõm to và bằng (gan dạ, dạn cắn). Những con chó loại này dám đấu tay đôi, đeo và cắn vào cổ thú lớn như nai hay heo rừng. Thợ săn Phú Quốc còn đúc kết các tiêu chuẩn của bộ chạy như chó mình lá (ngực sâu, mông cao hơn đầu, chạy lâu không mệt), chó vừa chạy vừa kêu hắc hắc (chạy bền, hơi giỏi). Họ cũng thích chó sườn khít, cẳng chân thẳng và nhỏ (chạy tốt, nhẹ chân), khoeo chân sau thẳng (búng, bật tốt), bàn chân chụm hình sò huyết (dạng chân mèo, chạy nhẹ nhàng, gọn gàng) và tránh chọn chó có bàn chân tượng (dạng chân thỏ hay bị đạp gai, què chân). Một thợ săn Phú Quốc, ông Minh Đìa, tin rằng chó săn có xoáy lưng đối xứng kéo dài từ bả vai đến cuối hông là chó thiện chiến, săn lần nào cũng trúng. Xoáy bên hông, tại phần eo, là chó săn được mồi lớn. Chó có xoáy “túi tiền”, xoáy “bị gạo” (bên hông sườn) là “chó may độ”, săn lần nào bắt được mồi lần đó. Chó “may độ” cũng phải có đuôi vót cần câu, gục gục theo nhịp đi. Họ cũng chọn chó bỏ đuôi đúng bên (đực trái, cái phải), nếu không bỏ đúng bên thì coi như... “bỏ luôn con chó”. Chó lông dày thì “nặng nước” và “nhát nước”, lông sát thì “nhẹ nước”, “dạn nước”. Chó trán bằng sống dai, chó trán vồ hay chết yểu. Các thợ săn kỳ cựu cũng phủ nhận một số truyền thuyết như lưỡi đốm đen rắn cắn không chết, vì từng có nhiều đàn săn bị tổn thất do chó săn bị rắn cắn trong khi đi săn hoặc bảo vệ chủ... Nguy cơ từ chó Phú - Thái Gần mười năm qua đã xuất hiện những chó Phú Quốc lai chó becgiê Đức, chó Phú Quốc lai pitbull, lai chihuahua, lai với chó Thái lông xoáy (được gọi là chó Phú - Thái... Mới đây, vài người có ý định cho chó Phú Quốc lai với chó rhodesia lông xoáy ở Nam Phi, hay lai với chó akita inu - quốc khuyển của nước Nhật! Ông Bùi Quốc Việt, ủy viên ban chấp hành VKA - phụ trách giống chó Phú Quốc, ước tính có hơn 800 chó Phú - Thái trên cả nước, nhiều hơn cả số chó Phú Quốc có thể đạt chuẩn xác nhận của VKA. Ông Lê Tuấn, chủ trại TrangLe Neapolitan Mastiff nổi tiếng ở Bắc Mỹ - người đã nhân giống ra nhiều chó đẹp, đoạt nhiều chức vô địch, nói dứt khoát: “Cần phải loại chó Phú - Thái ra khỏi chương trình bảo tồn và phát triển chó Phú Quốc. Mục tiêu quan trọng của chúng ta là sàng lọc nhằm bảo tồn và phát triển chó Phú Quốc với tư cách dòng chó săn nguyên thủy có dải lông mọc ngược trên lưng để Liên đoàn Các hiệp hội nuôi chó giống quốc tế (FCI) công nhận lại một giống chó, chứ không phải lai tạo một giống chó mới để đăng ký với FCI!”. Theo Tuổi Trẻ
Re: Truy tìm "căn cước" chó Phú Quốc - Kỳ 4: Lời cảnh báo trăm năm trước hic hic hic , có đăng ký đc không ta!???