Cá cảnh nước mặn. Ảnh: diendancacanh.com - Thú chơi cá cảnh biển đã du nhập vào Việt Nam khá lâu. Nhưng khoảng từ ba đến bốn năm trở lại đây, thú chơi này đang bắt đầu nở rộ tại Huế với số lượng người chơi ngày một tăng. Lạ và độc “Trong những năm gần đây, nhờ kỹ thuật nuôi đã được hoàn thiện, phương tiện vận chuyển cá thuận lợi hơn trước nên nghề chơi cá cảnh biển phát triển nhanh ở Việt Nam. Việc đầu tư tạo một bể cá cảnh biển trong nhà đã trở thành một thú vui, một cách trang trí nội thất làm nên sự sang trọng, sáng sủa của ngôi nhà” anh Nhân chủ cơ sở bán cá cảnh biển Phong Thủy (08 đường Lê Quý Đôn, Tp Huế) cho biết. Nuôi cá biển có cái thú mà cá nước ngọt không thể mang lại được. Màu sắc lộng lẫy của các loài cá biển như cá hoàng đế, đô-mi-nô, nàng đào, cầu gai, sao biển, hải quỳ… làm cho bể cá cảnh nước ngọt khó sánh được. Vì màu sắc tuyệt đẹp này mà nhiều người chơi đã “dính” với cá biển là khó rời ra được, dù biết là nhiều tốn kém và nhiều rủi ro. Số lượng người chơi chưa nhiều nên chơi cá biển vẫn là thú chơi độc so với số đông. Người chơi thường chia cá cảnh biển thành hai dòng. Một dòng gồm những loại cá sống chung với san hô, hải quỳ. Dòng còn lại sống độc lập. Cá cảnh biển đa dạng, màu sắc rất phong phú. Với một bể cá cảnh biển trong nhà, tạo cho người chơi có được một cảm giác thư thái, khám phá thế giới kỳ diệu dưới đáy biển, mà nhiều người trong chúng ta không có cơ hội đặt chân tới. Anh Thái một người chơi cá cảnh biển chia sẽ “Thú chơi cá cảnh biển rất độc đáo, cá biển khỏe mạnh, dễ phát hiện bệnh, nước ít thay hơn so với cá cảnh nước ngọt. Chơi cá cảnh biển là một thú chơi kỳ công, trước hết là khâu thiết kế bể cá. Vật liệu dùng để làm bể cá cảnh biển phổ biến là thủy tinh và có dung tích tối thiểu là 160 lít nước. Người chơi cần phải bỏ ra khá nhiều công sức để lắp đặt các hệ thống lọc, máy sưởi… tạo môi trường sống phù hợp vì cá cảnh biển khó thích nghi môi trường nhân tạo so với cá nước ngọt. Khi mua cá cảnh biển, chọn những con to khỏe, phải lựa chọn riêng các loại cá vì cá nhỏ không thể nuôi chung với loại cá to, các loại cá có tính hung hăng không thể nuôi chung với loại cá có tính ôn hòa. Nước nuôi cá cảnh biển có thể dùng nước biển thiên nhiên hay nước biển nhân tạo. Nước thiên nhiên gồm các loại vi khoáng, vi lượng bổ ích nhưng có nguy cơ ô nhiễm trừ khi được lấy xa bờ và được vận chuyển bằng các phương tiện vận chuyển chuyên dụng. Nước biển nhân tạo được pha từ muối nhân tạo và nước tinh khiết, muối nhân tạo được pha chế chuyên nghiệp gồm muối và đầy đủ các loại khoáng chất cần thiết. Thức ăn cho cá cảnh biển cũng rất dễ kiếm. Chỉ cần mua tôm tép sống bán ngoài chợ hoặc mua bột cá chế biến sẳn tại nơi bán cá cảnh biển là có thể cho cá ăn. Cầu kỳ, không ít tốn kém Nuôi cá cảnh biển là một thú vui khá tốn kém vì muốn tái tạo lại môi trường sống của cá biển, chúng ta phải bỏ nhiều công sức từ việc làm hồ, chọn cá, lắp đặt các hệ thống lọc nước… Chi phí đầu tư cho một bể cá nước mặn tốn không ít tiền. Một bể cỡ 1,2 m3 giá khoảng 10 triệu đồng, nếu bể dài và rộng hơn thì nhiều tiền hơn, gấp hai, ba lần một bể cá nước ngọt. Chủ cơ sở bán cá cảnh biển Phong Thủy cho biết “Những loại cá nhỏ như cá hề, cá đô-mi-nô… có giá từ 70.000 đến 100.000 đồng một con, còn các loại cá to như hoàng đế, hoàng hậu đuôi vàng, hoàng yến, cá bò bông bi… giá từ 600.000 đến 900.000 một con. Cá cảnh ở đây được nhập từ Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc… nên giá cá cũng thay đổi theo mùa, vào những mùa biển động thì giá cá khá cao”. Chi phí cho mỗi lần thay nước ở bể cá cảnh nước mặn có thể lên đến vài trăm ngàn đồng tùy theo kích thước của hồ cá. Phần bảo dưỡng các thiết bị như hệ thống lọc nước, máy sưởi, máy tạo khí... rất khó khăn, do các thiết bị này ngâm lâu trong môi trường nước mặn nên dễ hư hỏng. - Chơi cá biển đòi hỏi bể cá nước mặn phải to hơn bể cá nước ngọt, tối thiểu phải dài một mét và không được thay nước liên tục để cá khỏi bị sốc. Vì thế quan trong nhất là bộ lọc phải tốt để giữ cho nước trong bể luôn sạch sẽ, tránh cho cá khỏi bị bệnh. Nhiệt độ trong bể luôn ổn định từ 27-28 độ C, độ pH và hàm lượng các chất phải đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, phải đảm bảo chế độ ăn cho cá đầy đủ, phát hiện và chữa bệnh cho cá kịp thời, chiếu sáng cho bể cá… (Nguồn: Internet)