PV: Chào anh ếch, hôm nay mưa to đẹp trời, xin anh vui lòng cho tôi hỏi vài điều về tiền mã hoá được không?
Ếch: Ộp ộp. Xin chị cứ hỏi, tôi biết gì sẽ trả lời, không biết thì sẽ nói không biết.
PV: Trong các từ tiền ảo, tiền số, tiền mã hoá thì cái người ta đang nói đến nhiều nhất thực ra là loại tiền nào?
Ếch: Người ta đang nói nhiều nhất đến cryptocurrency. Cryto tức là cryptography là mã hoá. Currency là tiền. Vậy từ đúng nhất là tiền mã hoá.
PV: Thế tiền mã hoá là gì? Nó khác gì với loại tiền thông thường?
Ếch: Tiền mã hoá là loại tiền tệ ứng dụng công nghệ mã hoá đưa thông tin giao dịch vào chuỗi khối hay gọi là blockchain. Nhờ công nghệ blockchain mà loại tiền này mặc dù lưu thông trên môi trường internet nhưng tất cả các giao dịch đều được xác thực bởi số lớn người dùng dựa trên dữ liệu giao dịch được chia sẻ và không ai có thể tiêu tiền mình không có hoặc tiêu cùng một số tiền 2 lần được.
PV: Dữ liệu mà chia sẻ rộng rãi như vậy có lộ bí mật tài sản cá nhân không?
Ếch: Không chị ạ. Dữ liệu được chia sẻ chỉ là dữ liệu mã hoá của các giao dịch. Đoạn mã này thường chỉ dài 256bit và nằm trong khối thông tin liên kết chặt chẽ với nhau trong chuỗi khối. Mục đích của việc này để đảm bảo thông tin được chia sẻ có dung lượng nhỏ, dù không dịch ngược lại được thành thông tin gốc nhưng đảm bảo phản ánh chính xác thông tin gốc khiến cho không ai có thể sửa thông tin gốc sau khi đã được mã hoá vào chuỗi khối.
PV: Vì sao người ta phải làm thế anh nhỉ?
Ếch: Vì chúng ta muốn có một thị trường mọi người giao dịch với nhau mà không cần lòng tin. Hãy bắt đầu từ khái niệm kế toán tam phân. Bình thường chị đưa tiền cho ai, họ sẽ ký vào giấy nợ để chị giữ và họ cũng ghi vào sổ của họ, nếu cẩn thận thì đưa chị ký. Chỉ hai người ghi chép như vậy là kế toán nhị phân. Còn kế toán tam phân là chị và họ giao dịch gì cũng có bên thứ 3 làm chứng, ghi chép chi tiết và xác thực. Với hệ thống kế toán tam phân như vậy, chị có thể giao dịch với bất cứ ai mà không cần biết họ. Trong đời thường thì việc này hơi bất tiện và tốn kém. Nhưng với công nghệ blockchain, chia sẻ dữ liệu mã hoá ngang hàng trên môi trường internet thì không chỉ có một người làm chứng mà có hàng chục nghìn người làm chứng và ghi chép với chi phí rất rẻ.
PV: Chi phí rẻ thế nào ạ?
Ếch: Hiện nay mỗi giao dịch trên hệ thống stellar có chi phí bằng 100 stroops tương đương 1/100.000 stellar. Thị giá của stellar hiện nay khoảng 0.21 USD. Như vậy phí cho mỗi giao dịch sẽ là 0.0000021usd.
PV: Ồ, thật tuyệt vời. Nếu tiền mã hoá hay thế thì sao nó lại chưa được phổ biến nhỉ?
Ếch: Thực ra hiện tại mức độ phổ biến tiền mã hoá đang tăng rất nhanh. Có nhiều quốc gia như Nga đã định đưa tiền mã hoá vào sử dụng và các đồng tiền mã hoá phổ thông cũng đã được sử dụng để thanh toán ở nhiều quốc gia như bitcoin có thể mua hàng ở nhiều siêu thị của Nhật chẳng hạn. Nhưng tiền mã hoá vẫn còn những nhược điểm cần được khắc phục.
PV: Nhược điểm gì vậy anh?
Ếch: Thứ nhất, các hệ thống giao dịch sử dụng tiền mã hoá hiện nay chưa có khả năng xử lý được một lượng lớn giao dịch như hệ thống giao dịch tiền tệ hiện hành. Chuẩn tài chính quốc tế phải là 1 triệu giao dịch một giây. Chưa có hệ thống nào đạt được mức đó. Thứ hai, các loại tiền mã hoá phi tập trung hiện nay không có tỷ giá ổn định so với các tiền tệ hiện hành (tiền fiat). Cái này thực sự là thách thức vì nếu muốn phân tán thì không thể neo được tỷ giá theo tiền fiat. Nếu muốn ổn định thì lại phải tập trung. Vì thế mới sinh ra loại tiền mã hoá tập trung như đồng USDT thực chất là một dạng tín phiếu kỹ thuật số của Tether giúp cho người ta giao dịch dễ dàng trên internet. USDT được phát hành dựa trên số lượng đô la ký quỹ trong tài khoản công ty này. Thứ ba, các loại tiền mã hoá khó kiểm soát được dòng tài chính đi ngược lại nguyên tắc chống rửa tiền của tài chính quốc tế. Thứ tư, tiền mã hoá quá minh bạch.
PV: Tiền mã hoá quá minh bạch phải là ưu điểm chứ nhỉ?
Ếch: Minh bạch tiền tệ là ưu điểm đối với những ai thích minh bạch, nhưng là nhược điểm đối với những ai thích thao túng. Đáng tiếc là chúng ta đang sống ở thế giới tiền tệ bị thao túng, điều tiết bởi các chính phủ và các định chế tài chính.
PV: Tôi có nghe nói đến việc ứng dụng tiền mã hoá trong các hợp đồng thông minh. Anh có thể nói thêm về điểm này được không?
Ếch: Hợp đồng thông minh là dạng hợp đồng được lập trình sẵn để tự thực thi khi các điều kiện đầu vào được đáp ứng. Ví dụ đơn giản: Tôi cung cấp dịch vụ dự báo độ ẩm cho chị. Chị và tôi ký hợp đồng thông minh với nhau theo cách sau: Chúng ta cùng cắm 1 cái ẩm kế điện tử, lấy dữ liệu của nó làm đầu vào để so với độ ẩm do tôi báo. Nếu ẩm kế ngày hôm đó nằm trong khoảng tôi đã báo, tiền mã hoá sẽ tự động chuyển từ tài khoản của chị sang tài khoản của tôi để trả phí. Nếu độ ẩm không đúng, việc chuyển tiển sẽ không xảy ra, thậm chí còn ngược lại, tôi sẽ phải bồi thường cho chị vì đã báo sai. Việc thu thập dữ liệu từ ẩm kế, so sánh và chuyển tiền được thực hiện hoàn toàn tự động bằng phần mềm.
PV: Hay nhỉ. Cái này đã áp dụng nhiều vào cuộc sống chưa anh?
Ếch: Hợp đồng thông minh là giai đoạn tiến hoá cao hơn của tiền mã hoá. Hiện tại các hợp đồng thông minh được áp dụng khá hạn chế. Tôi nghĩ lý do quan trọng là chưa có ai làm ra được cái hợp đồng thông minh đủ tốt để đưa vào cuộc sống. Ngay cả nền tảng lớn nhất là Ethereum, gần đây người ta đếm được hơn 30.000 lỗi trong cơ chế hợp đồng thông minh của nó.
PV: Vậy rốt cuộc chúng ta nên làm gì với tiền mã hoá?
Ếch: Chúng ta nên tìm hiểu, học hỏi và thích nghi dần với nó. Nếu kiến thức đủ tốt, chúng ta có thể kiếm tiền từ nó.
PV: Kiếm tiền từ tiền mã hoá à. Thú vị quá, anh có thể nói rõ hơn được không?
Ếch: Tôi thấy có các cách phổ biến sau để kiếm tiền từ tiền mã hoá:
- Thứ nhất, phát triển tiền mã hoá cho một hệ sinh thái người dùng. Đây là cuộc chơi lớn nhưng rất tiềm năng. Những công ty lớn như Facebook, Google, Amazon, Microsoft… đều đã âm thầm chuẩn bị cho việc ứng dụng tiền mã hoá vào hệ sinh thái của họ. Theo tôi việc họ áp dụng chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu ai đó có một hệ sinh thái đủ lớn cũng sẽ có thể phát hành tiền mã hoá cho hệ này. Ví dụ như VinID ở Việt Nam chẳng hạn. Có lẽ tất cả đều chờ động thái của các chính phủ để khởi động việc này. Người phát hành tiền mã hoá cho một hệ sinh thái sẽ có lợi từ việc giữ lại một phần tiền đó cho mình.
- Thứ hai, đào tiền mã hoá. Có nhiều người kiếm tiền bằng cách mua các máy mã hoá về để mã hoá các giao dịch cho một loại crypto nhất định. Khi mã hoá thành công sẽ được trả phí bằng chính loại tiền mã hoá đó, ví dụ như đào bitcoin, đào ETH, DASH…
- Thứ ba, đầu tư làm node cho các loại tiền mã hoá mới. Các loại tiền mới đều cần các đối tác xác thực, gọi là node để xác thực các giao dịch. Để làm nodes thì người đầu tư cần phải mua, sở hữu một lượng tiền nhất định và đăng ký làm nodes. Hàng năm, các nodes sẽ được trả phí, có khi lên tới hơn 50% số tiền họ sở hữu. Nhưng rủi ro nằm ở chỗ là loại tiền đó có thể bị sụt giá so với đô la nên khi bán ra lại thu được lượng tiền đô la thấp hơn nhiều so với số đô la đầu tư ban đầu.
- Thứ tư, giao dịch mua bán tiền mã hoá. Do tiền mã hóa có độ giao động khá lớn nên mua bán tiền này cũng là cách kiếm tiền của nhiều người.
- Thứ năm, làm các dịch vụ lập trình liên quan đến blockchain và tiền mã hoá. Do nhu cầu ứng dụng tiền mã hoá tăng nhanh nên có nhiều đơn đặt hàng cho loại này trong khi nguồn nhân lực lập trình phù hợp lại khan hiếm. Các lập trình viên thạo lĩnh vực này có thể kiếm tiền dễ dàng nếu biết hợp tác với nhau thành các nhóm có thực lực.
- Thứ sáu, đầu tư vào các ICO. Đây là mảng có khả năng sinh lời gấp hàng chục, hàng trăm lần nhưng cũng có mức rủi ro tương tự. Tôi không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên không nói nhiều. Chỉ xin có ý kiến là đầu tư vào ICO cần hiểu rõ, phân tích kỹ và xác định đầu tư 10, mất 9 được một vẫn lãi hãy tham gia.
PV: Gần đây có rất nhiều thông tin tiêu cực về tiền mã hoá như lượng tiền mã hoá hàng trăm triệu bị hack, ICO lừa đảo, đa cấp sử dụng tiền mã hoá để lừa đảo…Anh có ý kiến gì về vấn đề này.
Ếch: Tích cực và tiêu cực, lợi ích và rủi ro, lòng tin và sự ngờ vực là bản chất của tất cả các thị trường. Nó giống như ban đêm và ban ngày vậy. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các tài khoản tiếp tục bị hack, ICO lừa tiếp tục bị vạch trần và những nhà đầu tư tiếp tục bị mất tiền. Nhưng tôi cũng tin vào tính hữu dụng của kế toán tam phân, của blockchain, của tiền mã hoá, của hợp đồng thông minh. Tôi có niềm tin sâu sắc rằng, chính các ICO đang đem lại động lực sáng tạo vô cùng lớn cho thế giới này. Bên cạnh các ICO thất bại do ảo tưởng, do non kém kỹ thuật, do yếu về kinh doanh sẽ có những ICO thành công đem đến những công nghệ mới giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Tôi tin rằng chính sẽ thắng tà và chúng ta sẽ sớm có được một thế giới phổ biến tiền mã hoá và các công nghệ tuyệt vời đi với nó. Với tiền mã hoá, chúng ta cần tiếp tục học hỏi, cảnh giác và vững tin.
PV: Xin cảm ơn anh về buổi nói chuyện thú vị này. Chúc anh thành công với niềm tin của mình.
nguồn st
Latest Threads