Lan chỉ là hoa thôi, vậy mà liên quan cả đến Khổng Tử, Vương Hy Chi, Tống Cẩm Thi, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông... Chỉ là lan thôi mà văn, thơ, nhạc, họa, mà kinh qua mấy ngàn năm trời. Địa lan được trồng trong bồn, đất ôm giữ gốc và rễ lan, cung cấp chất dinh dưỡng cho lan sinh trưởng (không như phong lan, sinh trưởng do hút tố chất chủ yếu trong hơi ẩm không khí). Các bậc tiền nhân đã vô cùng công phu chọn lựa từ muôn vàn loài cây cỏ, mới tạo cho đời được những giống hoa quý. Địa lan cũng được tạo dựng thành một giá trị cho đời sống con người theo quy luật đó. Có điều, thật đặc biệt, lan trở thành một giá trị văn hóa trong nền văn minh phương Đông từ rất sớm. Trong Kinh thi, tác phẩm văn học cổ bậc nhất Trung Quốc đã nhắc đến địa lan. Những bộ tranh kinh điển của nhiều nước phương Đông, vẽ những hình tượng tiêu biểu liên quan đến quy luật của đời sống, cũng có vẽ hoa lan. Khổng Tử, nhà triết học vĩ đại của Trung Quốc cổ đại, trong các hành sự của mình cũng có việc liên quan đến hoa lan. Đó là việc ông sáng tạo nên khúc Y lan thảo, tương truyền là để ông hát cùng các học trò. Sau này, các học trò của Khổng Tử có thuật lại câu chuyện Khổng Tử gặp hoa lan. Đấy là lần trên đường đi, qua một vùng núi u tịch, bỗng thấy một mùi hương như ẩn như hiện, như chưa từng có trong cuộc đời, lại như có thể gặp ngay đâu đây. Và, ông đã thốt lên: “Vương giả chi hương!” Lần theo mùi hương vương giả đó, Khổng Tử và các học trò đã gặp hoa lan. Tương truyền, ông còn cho học trò mắc võng nghỉ đêm lại với hoa lan... Sau Khổng Tử hai thế kỷ, đến thời Chiến Quốc, nhà thơ vĩ đại Khuất Nguyên (340 – 287 trước Công nguyên) sáng tạo nên Sở từ, một thể thơ vĩ đại của Trung Quốc cổ. Trong Sở từ cũng có những câu thật hay về lan. Đến nay, chúng tôi còn thấy những bức thư họa cổ kính, viết chữ “lan” kèm một dòng, hoặc “Hữu tú hề vương giả chi hương”, hoặc “Vương giả chi hương u cốc thú”. Câu “Hữu tú hề...” chính là lối Sở từ. Thư họa là một giá trị nghệ thuật kinh điển của phương Đông, đặc biệt là của những nước chịu ảnh hưởng văn hóa Hán. Nói đến thư họa, không thể không nhắc đến Lan đình tự, một kiệt tác của nhà thư pháp thiên tài Vương Hy Chi (321 – 379), mà người ta hay gọi là Thiếp lan đình. Đường thư của Trung Quốc có ghi chuyện vua Đường Văn Tông thế kỷ thứ IX, vì quá yêu mê kiệt tác này mà đã chỉ dụ phải chôn nó theo ông khi ông qua đời(!) Lan Đình là ngôi đình cổ ở Thiệu Hưng, Triết Giang, Trung Quốc do các danh sỹ thời Tấn gồm Vương Hy Chi cùng 40 người bạn tạo dựng để làm nơi vui chơi. Đình ở Trung Quốc chỉ có mái và 4 hoặc 6 hoặc 8 cột, không có tường. Các danh sỹ này đã bày nhiều bồn lan quý chung quanh đình và đặt tên là Lan Đình. Vào năm 353, họ đã tụ họp tại Lan Đình cùng vui chơi và hoàn chỉnh tập thơ Lan Đình thi tập. Bức thư pháp Lan Đình tự chính là bài tựa cho tập thư đó do Vương Hy Chi viết bằng bút râu chuột trên giấy kén tằm, gồm 28 dòng 342 chữ... Như thế càng thấy hoa lan có một vị trí thật sang trọng trong nền văn hóa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Từ xưa, ở nước ta, hoa lan đã được yêu chuộng, được coi là loài hoa thanh cao nhất. Hoa lan in dấu ấn trong thơ, văn, nhạc, họa nhiều đời. Cuối thế kỷ XIII, Vua Trần Anh Tông đã có Bách lan viên. Tương truyền, ông cho nuôi hàng trăm giống lan quý trong vườn thượng uyển. Thi hào Nguyễn Trãi đã có thơ về hoa lan với một cảm xúc to lớn, sâu xa: “Lan còn chín khúc, cúc ba đường...”. Trường hợp đặc biệt trong lịch sử nước ta là Vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497) không chỉ trong thơ văn của vị vua hiền tài bậc nhất trong lịch sử này có viết nhiều về lan, mà trong cuộc sống, ông rất chú trọng đến việc chăm sóc nuôi dưỡng hoa lan. Thời ông trị vì có một quan chức là Tầm lan quan. Điều đó chứng tỏ ông coi trọng việc tìm kiếm phát hiện thêm cho đời sống những loài lan quý. Tương truyền, vườn thượng uyển có một khu riêng với hơn 500 bồn lan đẹp. Các cung nữ chăm sóc lan, tưới cho lan bằng thứ nước có phảng phất mùi son phấn và hương thơm làn da tố nữ, là thứ lan rất ưa... Cuối thế kỷ XVIII, danh sỹ Phạm Đình Hổ cũng có bàn về hoa lan trong bài văn Lan xã khế phả, ông thốt lên: “Hoa lan là loài quốc hương. Náu trong hang tối người ta vẫn biết. Đáng yêu tựa giai nhân. Đẹp nhưng giấu kín vẻ diễm lệ của mình!...”. Qua từng thời kỳ phát triển xã hội, ngoài các phát kiến lớn lao về các mặt nhân sinh, khoa học, còn có những phát kiến mới về hoa lan. Có thể nói, qua hơn hai ngàn năm, chỉ tính riêng ở Trung Quốc, nhiều thế hệ tiền nhân đã để lại cho đời sau hàng ngàn loại hoa lan. Ông Tống La Kỳ và ông Hoàng Xuân Cốc, đời Tống là những người có công lớn trong việc gây dựng nên những giống lan tuyệt mỹ. Và nhờ cả hàng vạn người hữu danh và vô danh, mà đời sau mới có được những giống lan ưu kỳ tinh mỹ. Tiêu biểu như bốn giống lan được mệnh danh là tứ đại thiên vương: Vạn tự, Tống mai, Tập viên và Long tự. Trong đó, lan Tống mai màu xanh lam óng ả, cánh hoa mượt như nhung, có hương thơm quyến rũ. Lan Tống mai quý phái này do ông Tống Cẩm Thi, đời Thanh phát hiện từ chốn hoang dã đem về nuôi dưỡng. Những giống lan lừng danh nữa phải kể đến Hà hoa biện và Trịnh đông hà, được coi là loại phú quý cực phẩm... Nước ta do công lao của lớp lớp cổ nhân, hoa lan được gây dựng thành hàng trăm giống đẹp. Không thể kể đủ tên các giống địa lan bởi nó quá nhiều. Bốn mùa đều có lan nở, nhưng hoa lan mùa xuân là đẹp hơn hẳn. Các giống xuân lan, quy lại có ba màu chủ yếu: thanh lan hoa màu xanh, hoàng lan hoa màu vàng, mặc lan hoa màu tím đen (mặc là mực nho, mặc lan hoa màu mực nho). Cả ba loại lan này đều có những giống tuyệt mỹ đã được nuôi trồng nhiều đời trên các tỉnh miền Bắc nước ta. Tên hoa lan có sức gợi cảm thật lạ lùng: mai đại diệp, mặc uyển diệp, mặc kim biên...; hoàng hạo, hoàng bội, hoàng điểm, hoàng vũ...; thanh trường, đại thanh, thanh ngọc...; rồi cẩm tố, ngân biên, đại cống, đào tai... Hoa lan đã trở thành những biểu tượng trong tâm thức người Việt: mặc lan là văn chương, tư tưởng; thanh lan là quý phái sang trọng; còn hoàng lan thì, hoàng điểm là biểu tượng của nhân đức, và hoàng hạo là nguyên khí, là sự khởi nguồn. Vậy nên, ngày Tết với phong thái nào thì chơi giống lan ấy, với mong muốn nào thì tìm giống lan ấy đưa về cùng đón xuân... Trải nhiều mùa xuân, ngoài những ấn tượng rực rỡ của đào, mai, hồng, cúc, cẩm trướng, trà mi... chúng tôi thấy những mỹ cảm do hoa lan tạo nên thật sâu sắc, lắng đọng. Có một buổi xuân mới, cùng nhà sử học Tạ Ngọc Liễn và nhà toán học Nguyễn Xuân Tấn, chúng tôi ghé thăm lão nghệ nhân trồng hoa Quyết Bội ở Nghi Tàm. Phòng khách của ông chỉ bày một giò lan cẩm tố cao chừng mét hai với gần hai chục bông hoa, trong một độc bình cổ. Sắc hoa tinh tế như tơ trời vàng nuột, hương thơm thanh cao vô cùng. Giò hoa lan cao ngang mặt người, khiến ta có cảm nhận hoa lan không còn là cây cỏ nữa, nó thật gần gặn với tâm hồn con người. Chúng tôi vẫn nhớ những lần Tết đến thăm nhà nhà báo Nguyệt Tú ở Ngọc Hà. Tổ phụ của bà Nguyệt Tú vốn ở phường Khán Xuân. Đầu thế kỷ XX, chính quyền bảo hộ xây dựng Phủ Toàn quyền, nay là Phủ Chủ tịch, nên các cụ chuyển về ở Ngọc Hà. Cuộc di chuyển vật dụng nhà cửa thật đáng nhớ đối với các thế hệ trong gia đình, có hơn trăm bồn lan quý đem từ Khán Xuân về Ngọc Hà. Ngôi cổng rêu phong của gia hệ này có ghi năm xây dựng 1904 và khắc 4 chữ đại tự Xuân viên cung thánh (vườn xuân dâng trời đất). Trải ngót trăm năm, qua hai cuộc chiến tranh, bước qua ngôi cổng cổ kính này, trong không khí xuân ta thấy những bồn lan với sắc màu và hương thơm cao khiết lạ lùng... Cứ mỗi lần ghé thăm một vườn lan, thêm một lần chúng tôi thấy được cái đẹp của văn hóa lan trong đời sống. Văn hóa lan đã được bao thế hệ xưa trước tạo dựng và các thế hệ sau xa chắc sẽ còn bồi đắp thêm nữa. Những con người mới lại tiếp tục nuôi, chơi địa lan, lại có cảm xúc thật sâu xa về văn hóa lan, và có lúc lại bâng khuâng nghĩ: Lan chỉ là hoa thôi, vậy mà liên quan cả đến Khổng Tử, Vương Hy Chi, Tống Cẩm Thi, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông... Chỉ là lan thôi mà văn, thơ, nhạc, họa, mà kinh qua mấy ngàn năm trời. Anh Chi