Những tuyệt chiêu của nghệ nhân chim cảnh

ngoctuan

Đại Bàng Bố
Nhân viên
Tham gia
11 Tháng chín 2010
Bài viết
9,241
Điểm tương tác
1,955
Điểm
65
Tuổi
43
Địa chỉ
Ho Chi Minh
Trong muôn vàn nghề khó trên nhân gian, nghề chơi và huấn luyện chim cảnh cực kỳ khó, không phải ai cũng làm được. Bởi lẽ, ngoài những kỹ năng nghề, tỉ mỉ, công phu, niềm đam mê còn phải có tình yêu thương không biên giới với loài chim. Và để đạt đến đỉnh cao của nghề, phải có một tâm hồn nghệ sĩ. Chính chất nghệ sĩ say mê, phiêu du đến quên mình ấy của nghệ nhân chim cảnh đã đem đến cho những người yêu chim những tuyệt tác bất hủ từ chim cảnh.

Nghề chơi lắm công phu
Không ai nhớ rõ nghề chơi và huấn luyện chim cảnh có từ bao giờ. Chỉ biết rằng nó đã có từ rất lâu đời. Dù lịch sử nhân loại trải qua nhiều biến đổi thăng trầm song nó vẫn luôn song hành với cuộc sống của con người và càng ngày càng phát triển lên những đỉnh cao mới. Càng ngày, thú chơi càng đạt đến độ tinh xảo hơn cùng với sự xuất hiện của các cao thủ trong nghề nuôi và huấn luyện chim cảnh.

A12-1024x768.jpg

Anh Đỗ Tiến Hải bên những người bạn chim của mình.
Người chơi phân chia chim cảnh thành nhiều dòng khác nhau như: chim chọi, chim hót và chim nói… Chim bắt chước tiếng người có khiếu, yểng, vẹt, quạ… Nhưng với người sành, chơi sâu không thích nuôi chim nói vì cho rằng có tính tạp âm. Chim chọi có họa mi, chích chòe. Chim hót phong phú hơn với rất nhiều loài. Trong đó, bộ tứ được dân sành chơi chim ở Việt Nam ưa chuộng nhất là họa mi, gáy, chào mào, chích chòe. Nếu trong nhà có đủ bốn loài chim này, khi chúng cùng cất tiếng hót ta có một cảm giác đang lạc miên man trong những hợp âm của dàn hợp xướng. Trong đó, chim họa mi được ví như “ ca sĩ rừng xanh” với tiếng hót cao thánh thót. Tiếng chim cu gáy trầm hùng, bình yên. Tiếng chích chòe dân dã. Đó là một cảm giác đê mê xuất thần mà cuộc sống ban tặng mỗi ngày cho người có tình với chim.

Để sở hữu được con chim mình yêu thích, những tay chơi chim không ngại lùng sục khắp nơi. Thậm chí không quản đường xá xa xôi, ghập ghềnh rừng xanh đỏ để kiếm tìm. Khi đã gặp rồi thì sẵn sàng trả giá cao để được sở hữu. Người ta có thể đổi cả ti vi, tranh quý, vật quý hoặc rất nhiều tiền để được sở hữu chim quý. Dân trong nghề vẫn thường nhắc đến anh Long ở Lào Cai với “máu” chơi đỉnh cao. Để sở hữu chú chim họa mi chọi hay, anh đã xuống tiền luôn 40 triệu đồng. Chim không phụ lòng chủ, thi đấu ở đâu thắng đấy, đem lại rất nhiều vinh quang và cả tiền bạc. Nhiều người mơ ước có nó nên đã trả giá cả trăm triệu đồng nhưng chủ nhân không bán. Ở Quảng Ninh có ông Nhung ăn, ngủ, thức cùng chim. Yêu chim với tình yêu gần như tuyệt đối. Đến nỗi, kéo cả bà vợ vào cuộc cùng chăm sóc chim. Rồi để cho chim có môi trường tốt hơn, ông đã bán nhà ở thành phố ra rừng ở. Không phụ công người yêu quý, chăm sóc chim cũng rất có tình. Trong đó, chim cu gáy được dân chơi chim “tín” như tâm linh. Một cụ ông ở tỉnh Bắc Ninh nuôi một con chim cu gáy hơn 40 năm, khi cụ mất, chim buồn rồi chết. Câu chuyện được dân chơi chim chuyền tai nhau đầy màu sắc kỳ bí, huyễn hoặc. Qua đó mới biết thế nào là tình yêu không biên giới. Tình yêu đó đã đem lại những giao cảm đặc biệt giữa người và chim.

A21-1024x768.jpg

Chim họa mi chọi
Những tuyệt chiêu chim cảnh
Tại Hà Nội, nơi hội tụ, tập trung tất cả tinh hoa của mọi miền đất nước. Vì vậy, các tay chơi chim thuộc hàng siêu hạng cũng nhiều vô kể. Tất cả họ đều có chung niềm đam mê chim cảnh. Có những người rất nổi tiếng vì sở hữu chim quý, người thì nổi tiếng vì nuôi chim, huấn luyện chim. Bên cạnh những dân chơi chuyên nghiệp, nổi trội vẫn có những người thuộc hàng “dị nhân” chim cảnh. Họ đích thực là những cao thủ nhưng rất kín tiếng, ít xuất hiện như những ẩn sĩ. Nhưng những kiến thức và tuyệt chiêu của họ về chọn chim, nuôi chim và huấn luyện chim khiến dân trong nghề đều phải nể phục. Anh Đỗ Tiến Hải ở quận Hoàng Mai, Hà Nội là một người như vậy. Chủ tịch một câu lạc bộ chim nhận xét: Anh Hải tinh, kỳ công từ cách chọn, thuần dưỡng chim. Nhiều người chơi chuyên nghiệp không đạt được độ tinh xảo như anh.

Anh Hải có tuổi đời và tuổi nghề chơi chim cảnh tương đương nhau với trên 40 năm dành tình yêu và say mê cho chim. Anh cũng đã từng trả giá rất nhiều về thời gian, công sức, tiền bạc, có khi là cả sự kỳ thị của người thân để có vốn hiểu biết về chim ở hàng nghệ nhân. Vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc nên những âm thanh của cuộc sống thấm đẫm trong anh như một lẽ tự nhiên. Về độ tinh, anh có thể thẩm định, phân tích được từng con chim hay, chim quý, thậm chí cả chim mộc còn ẩn tướng ít người nhận ra. Nghe chim hót, có thể đánh giá ngay nó đang hót giọng gì. Như chim cu gáy có các giọng thổ đồng, thổ pha, giọng dế, kim còi, kim pha, giọng son… Ngôi nhà ngói năm gian gia đình anh ở được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ vẫn nguyên vòm cổng với nếp rêu phong cổ kính. Trong đó chung sống gồm cả tứ đại đồng đường. Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt của Hà Nội, giữ được nếp nhà xưa như gia đình anh là một điều cực hiếm.

A31-1024x768.jpg

Chú chim chào mào này được đổi bằng chiếc ti vi đời mới cách đây 6 năm.
Trong khoảng sân rộng treo rất nhiều lồng chim theo thứ tự cao thấp khác nhau. Anh Đỗ Tiến Hải giải thích, phân biệt giọng hót của chim phải như một người sành âm nhạc thực thụ. Giọng kim treo cao, thổ treo góc… rồi họa mi, chào mào, chích chòe đều có góc riêng của mình. Sự pha âm đó khiến người xem có cảm giác như cách bố trí của một dàn hợp xướng. Tinh tế vô cùng. Anh cho biết, muốn huấn luyện được chim hay trước tiên phải biết chọn từ con chim bổi, chim mộc có tố chất, tướng mạo. Nếu chọn nhầm thì xem như nuôi phí công. Trong các loài chim cảnh thì nuôi, thuần dưỡng họa mi công phu và khó nhất. Với chim họa mi chọi, tướng quý nhất là ngũ trường. Tức là mình, chân, mỏ, đuôi, cổ chim đều dài. Chim này khi vào trận đấu tạo dáng rất đẹp. Tướng quý thứ hai là ngũ đoản. Tướng này ngược với ngũ trường, cái gì cũng ngắn. Ngoài ra còn có dáng củ đậu. Người tinh nhìn từ móng, mỏ, màu lông, dáng dấp … sẽ đánh giá được con chim hay. Móng chim chọi phải là móng mèo ngắn vừa phải, nhọn, sắc, khi khóa đối thủ vào thế không cựa được. Mỏ chim to, nhọn. Cẳng chân chim lóng đều, to, màu trắng hoặc vàng, rắn rỏi. Lông chim mỏng là chim khỏe. Đầu chim có các kiểu đầu xà, đầu hoa cúc, trái táo. Trong đó, chim họa mi đầu xà, mắt xanh bướng nhất. Đặc biệt, dân chơi chim chọi rất thích chim họa mi ở các vùng Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Nghệ An. Vì những vùng này thời tiết khắc nghiệt nên chim cũng có nhiều đặc tính quý. Như chim họa mi ở vùng núi tỉnh Nghệ An lông xấu, sẫm màu nhưng có ánh sáng, chân đen, mỏ búp đa, dáng nhỏ, mặt dữ, đầu xà, mắt sắc, mí dày, mũi thông, râu xoăn bám chặt vào lỗ mũi… trông rất dữ tướng nhưng khi vào trận chiến rất lì đòn và ra nhiều thế đòn hóc hiểm khiến đối phương tơi tả. Chim họa mi chọi thường ít hót. Nó chỉ hót vài tiếng khi chiến thắng đối phương.

Nuôi, huấn luyện chim phải cầu kỳ từ đồ ăn thức uống, chế độ luyện tập, người tiếp xúc. Thức ăn cho chim chọi được người nuôi chế biến riêng theo công thức, tỷ lệ pha chế khác nhau. Thông thường được làm từ bột ngô, gạo lứt, lòng đỏ trứng gà, thịt bò, tôm nõn, có khi cả thịt chó để chim sung sức và chiến đấu hăng hơn. Chim họa mi ưa sạch sẽ nên ngày nào cũng phải tắm. Chế độ luyện tập của chim cũng thật lắm công phu và đặc biệt phải kiên nhẫn. Đây là lúc người yêu chim thể hiện hết tình yêu và quyết tâm của mình. Để huấn luyện một con chim chọi phải có 4 lồng để tập lực, tập chiến và tập trường. Đặc biệt, để huấn luyện được chim trống hay thì luôn phải có chim mái hay đi kèm. Những chim chọi có tố chất anh hùng, đặc biệt chỉ “yêu” và kết đôi với những cô chim mái cũng đặc biệt. Khi đã kết đôi rồi, nó sẽ tỏ rõ sức mạnh để bảo vệ gia đình mình trước sự đe dọa xâm lăng của con trống khác. Đây là đặc tính chung thủy và thống lĩnh của họa mi mà người chơi phải biết.

Đối với chim hót lại phải chọn chim mau miệng, dáng và màu sắc đẹp, không có tật lỗi. Những con lộn cầu, sàng cầu, chạy lăng xăng xem như mất giá. Chim chào mào được cho là quý tướng, vô giá phải hội đủ các yếu tố như: Họng bò, mào lân, mặt gãy, mỏ mỏng ba trấu, lưng quy, đuôi tôm, gáy ngựa… Chim chào mào miền Bắc giọng hót âm tròn, ngắn, khoảng 5 đến 6 âm. Chào mào miền Trung có thể hót được 9 đến 12 âm. Đó là những con chim trung mang ở Đà Nẵng cực kỳ quý hiếm. Nhưng hiện nay, nó gần như đã tuyệt chủng.

Dù huấn luyện được nhiều chim quý nhưng anh Hải không bao giờ bán. Chim với anh như những người bạn tri kỷ để anh trò chuyện tâm tình. Chim do anh huấn luyện đi thi đấu lúc nào cũng đoạt giải nhưng do bạn anh mượn đem đi. Anh như một “ẩn sĩ chim” hóa thân cùng cuộc sống. Với bề dày kiến thức và kinh nghiệm về chim cảnh, anh Hải có thể khiến người yêu chim quên đường về. Đó là tố chất đáng quý quên mình cống hiến cho niềm đam mê của người nghệ sĩ. Thế mới biết, những tuyệt tác cho đời nhiều khi xuất phát từ những điều giản dị như niềm đam mê chim cảnh.

Kim Thanh
 
Bên trên