Luyện thi cho chim vành khuyên

ngoctuan

Đại Bàng Bố
Nhân viên
Tham gia
11 Tháng chín 2010
Bài viết
9,241
Điểm tương tác
1,955
Điểm
65
Tuổi
43
Địa chỉ
Ho Chi Minh
Vào cuối tuần, gần 100 chú chim vành khuyên lại được các ông chủ đưa tới quán cà phê Cây đa (Cung thiếu nhi Hà Nội) để “luyện giọng”. 80% chủ chim là những thanh niên
Đến hẹn lại lên, cứ sáng thứ bảy, chủ nhật, một góc sân của Cung thiếu nhi lại râm ran tiếng chim hót líu lo. Hầu hết các vị khách tới đây đều là thành viên của Hội chim vành khuyên Hà Nội.

NSƯT Hồng Kỳ (Nhà hát Tuổi trẻ) - Chủ tịch Hội, cho biết: “80% thành viên là thanh niên, nhưng có những bạn đã tham gia được hơn chục năm, từ khi còn học cấp 3. Thú đam mê này có thể ví như “nghiện”. Chuyện đang đêm tỉnh dậy, nhớ tiếng líu (tiếng hót-PV) không chịu được là bình thường”.

9 giờ sáng, quán đã chật kín người. Khách nào cũng khệ nệ mang theo chiếc lồng chim có chú khuyên cưng của mình. Ai cũng cố gắng kiếm một chỗ đẹp để treo lồng, giúp cho chú vành khuyên được ở vị trí trung tâm nhất, để líu khỏe nhất và được chú ý nhất. 99% những con chim được mang tới đây hàng tuần là để “luyện giọng”, cọ xát, chuẩn bị tham gia các cuộc thi.

Còn các ông chủ tới đây để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, và để bình luận từ kiểu dáng tới tiếng líu của chim. “Có những con ở nhà không hót đâu nhưng tới đây lại líu liên tục. Những chỗ như thế này là môi trường tốt để các chú chim tha hồ luyện "chưởng", đua nhau hót”, ông Hồng Kỳ vừa nói vừa chỉ tay lên chiếc giàn đã kín đặc những lồng chim.

Lúc nào nhìn vào quán, chúng tôi cũng thấy các vị khách đang ngửa cổ lên để ngắm chim. “Mỏi cổ thật nhưng cũng bõ công”, anh Nguyễn Việt Thắng (nhân viên Công ty sông Đà Thăng Long) chơi chim hơn 10 năm, vui vẻ nói. “Nuôi chim vành khuyên là khó nhất đấy. Loại này nhạy cảm với thời tiết, rất khó chiều. Mới chơi dễ bắt nhầm con cái, mà chỉ con đực mới hót được thôi", anh Thắng chia sẻ.

Anh Thắng cho biết, khi tới đây, được anh em chia sẻ kinh nghiệm nên cũng không khó khăn mấy khi phân biệt. Thông thường nhìn chim đực mạnh mẽ hơn con cái, ngực nở, đầu to, vai rộng. Chim được chọn thì tiếng kêu phải thanh và to, dõng dạc. Tuy nhiên, khi chọn được chim đực rồi, phải tìm được con nào nó “mau mồm mau miệng”, chịu đấu. "Chứ nếu không, mang ra đây nó lại không hót thì coi như bỏ đi”, anh Thắng nhận xét.

Giá để mua một con chim vành khuyên dao động từ 10.000 đồng tới hàng chục triệu đồng. “Quan trọng là quá trình nuôi, chăm sóc và luyện giọng cho nó, chứ để mua một con chim có thể chơi được không phải đắt. Rất nhiều chú (chim vành khuyên) sau khi nuôi dưỡng, mang đi chơi (luyện giọng - PV) và đoạt giải, giờ bán được ít nhất phải 20 triệu”, anh Lê Hoàng Long - có thâm niên 10 năm chơi chim, từ khi mới 17 tuổi - cho biết.

Nhớ lại đợt thi gần đây nhất, ông Hồng Kỳ kể: “Đường phố Hà Nội sáng chủ nhật thì vắng người nhưng mới 7 giờ sáng hôm ấy tiếng chim hót đã râm ran khắp cả phố phường rồi. Sau cuộc thi, có những con chim được trả giá cao kỷ lục. Như con “Giật cánh” của anh Hùng (Nguyễn Siêu) được người ta trả tới 50 triệu mà anh ý nhất quyết không bán”.

Tên của các con chim cũng được các ông chủ đặt rất ngộ nghĩnh, dựa theo đặc điểm của từng con. Con nào khi hót mà líu dài, nhanh liên tục thì đặt là “Máy chém”. Có những con chim đặc biệt, khi hót không nhảy lên hai bên như bình thường thì gọi là “Bệt cầu”. Còn những chú chim khi hót mà đuôi cánh cứ giật giật như con bướm thì lại được gọi là "Giật cánh"...

Vừa cho tay vào lồng âu yếm chú khuyên cưng đã theo anh được 2 năm, Hoàng Long cho biết: “Chơi với chim giải tỏa stress rất nhiều. Hôm nào đến hẹn mà không tới đây, không nghe thấy tiếng chúng nó líu thì khó chịu, buồn bực trong người, không chịu được. Còn đã ra đây mà chú chim của mình lại bị ốm hoặc làm sao đó, không hót được thì chán lắm, lùi lũi đi về luôn. Hôm nó thi hót, mình cũng thấy hồi hộp chẳng khác gì đang trực tiếp dự thi”.

Thanh Thanh Lan
 
Bên trên