lao động để thành công và trở thành người được quý trọng

ngoctuan

Đại Bàng Bố
Nhân viên
Tham gia
11 Tháng chín 2010
Bài viết
9,238
Điểm tương tác
1,818
Điểm
65
Tuổi
43
Địa chỉ
Ho Chi Minh
Tên nó là Beo.
Hàng ngày nó vẫn ngồi đó,cạnh cây cột điện,trước con hẻm 549,ngó xéo qua bên kia đường là chợ Bàn Cờ luôn rần rần mỗi buổi sáng,dáng nó gầy gò,nhỏ thó,ngồi lọt thỏm giữa phố đông người, đầu luôn cúi gằm xuống,mấy ngón tay gầy đan theo từng mũi kim sợi chỉ trên những chiếc giày cũ,ít khi nào nó ngước mặt lên nở nụ cười chào buổi sớm để cầu may mắn cho một ngày mới. Tôi đi qua hàng sửa giày dép của nó,không để ý lắm đến thằng nhóc sửa giày như những thằng nhóc khác sớm mưu sinh trên đường phố,đứa đánh giày,đứa bán vé số,đứa đẩy xe bán dừa,bán chuối hay ôm thúng đậu phộng luộc nhan nhản trên mọi nẻo đường góc phố mà tôi thường gặp,cho đến một ngày tôi tình cờ nhìn thấy tấm bảng ghi dòng chử "Nhận sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số xích lô ba gác và người khiếm thị".
11912892_420325608163436_1270791453_n.jpg

Tôi bổng chú ý đến thằng nhỏ gầy gò sửa giày nép bên cây cột điện đó,à,thì ra em cũng là một người Sài Gòn tử tế như bao nhiêu người Sài Gòn tử tế khác đang hiện hữu trong thành phố này,sự tử tế của em không lớn lao nhưng cách tử tế của em rất đáng trân trọng,dù nghèo hèn,vất vả mưu sinh vẫn luôn nghĩ đến những người kém may mắn hơn mình.
Lựa một đôi giày cũ,sút đế tôi đem ra nhờ em dán đế lại,và thật bất ngờ khi em ngước mặt lên nhìn tôi cười chào,một nụ cười đẹp trên một gương mặt sáng bừng,cả đôi mắt cũng sáng trong và thật hồn nhiên.
11920441_420325541496776_1724001699_n.jpg

"Em tên gì nhóc?"
"Dạ con tên Beo!"
Nó đáp với chút bẽn lẽn.
"Sao Beo không đi học mà đi làm sớm vậy nhóc?"
Tôi hỏi với chút ái ngại,nhưng thằng nhỏ lại cười,trả lời rất vô tư.
"Nhà nghèo phải đi làm phụ ba mẹ con chú ơi,nhà con ở dưới quê khổ quá phải dạt lên này sống,cơm không đủ ăn tiền đâu mà đi học chú!"
Thằng Beo nói về cuộc sống khó khăn của gia đình nó rất hồn nhiên,như nhà nghèo thì phải khổ,khổ thì không có tiền để đi học,khổ thì phải đi làm kiếm tiền phụ ba mẹ nên cái nghèo và cái khổ là điều hiển nhiên,không oán trách,không buồn bã,không than vãn,lời nói của em làm tôi chợt đăm chiêu.
Beo nghèo khó nhưng biết cách sống,cả câu em viết nghuệch ngoạc trên cánh của tủ đựng giày "sống là phải biết lao động mới thành công trong cuộc sống,sống thật thà mới thành người được quý trọng"như một câu tâm niệm mỗi ngày em phải nhớ khi mở cánh cửa tủ lấy giày cho khách,em đang lao động không chỉ cho em mà cho cả gia đình đang khốn khó của em,và còn nghĩ đến cả những người khốn khó khác,đứng trước thằng nhóc sửa giày bên vệ đường tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé trước nhân cách đáng quý của em.
11944762_420325621496768_1186163937_n.jpg

Người Sài Gòn luôn tử tế và bao dung,có cả thằng Beo nghèo khó nhưng luôn tử tế này,họ luôn cho đi những gì họ có với những hoàn cảnh khốn khó hơn mình và mặc nhiên xem đó là điều cần thiết của cuộc sống,sự bao dung không cần tô vẽ bằng hình thức mà chỉ cần tấm lòng giữa người và người thôi.
Cậu bé này rất đáng để tôi suy gẫm,em có một nhân cách đẹp trong một thân thể gầy gò,trong bộ quần áo lấm lem và đôi tay đen nhẻm,tâm hồn em rất sáng trong như ánh mắt,như nụ cười em.
Và bạn tôi có đi đâu ngang đường Nguyễn Đình Chiễu,gần chợ Bàn Cờ,nhìn qua bên kia đường,dưới cây cột điện có hàng sửa giày dép,có một thằng nhóc đang lui cui sửa lại những đôi giày cũ,là nó đó.
Tên nó là Beo.
11949607_420325488163448_188781231_n.jpg

Hãy mang những đôi giày cũ rách của bạn đến đây để nhờ em nó sửa nhé,đó là cách giúp em nó "lao động để thành công"và trở thành người"được quý trọng"!
Chúc em luôn an lành và vui sống nha nhóc!

(30.8.2015)
ĐAN NAM
 
Nghèo nhưng vẫn có tình thương người.nhân cách sống như vậy khiến không ít người phải nhìn lại mình
 
đọc xong em cảm thấy mình thật bé nhỏ trước một nhân cách, một tâm hồn trong sáng và cao quy của em ấy. Beo! sao em lại thánh thiện đến thế. em nghèo nhưng tư cách và nhân phẩm của em còn giàu hơn cả những người mặc trên mình bộ đồ bóng loáng, chạy trên những chiếc xe đắt tiền cho tiền vào những cuộc ăn chơi trác tán chỉ biết đến mình không quan tâm đến những người xung quanh. anh chúc Beo và gia đình luôn mạnh khỏe, cuộc sống ấm no hơn.
 
Những thú vị về Beo, cậu bé sửa giày dép miễn phí cho người nghèo Sài Gòn

Những ngày qua, câu chuyện về cậu bé đánh giày với chiếc bảng “Sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số, xích lô, ba gác, người khiếm thị” làm rung động cộng đồng mạng với hơn 3 nghìn lượt chia sẻ. Đến tìm Beo, nhân vật chính trong câu chuyện, chúng tôi biết được nhiều hơn điều thú vị về em.


“Em còn muốn học thêm mài giày và những kĩ thuật khác” - Ảnh: Trần Khang
Chưa có ước mơ, chỉ lo làm đàng hoàng và sống thành thật
Ngồi trong một con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Beo – tên thật là Nguyễn Bá Cường, năm nay 18 tuổi, hàng ngày cặm cụi đánh giày, sửa giày, dán đế, làm tất cả các công việc để phụ tiền chợ búa cho mẹ. Đều tay lau lau, quệt quệt keo dán, Beo kể:

“Nhà em ở Sài Gòn, ba em là nhạc công, thường đi hát cho những đám tiệc, còn mẹ ở nhà lo cho ngoại thôi, ngoại bệnh mấy năm rồi. Em có đứa em trai, nó vẫn còn được đi học. Còn em bỏ học lâu rồi, học hết lớp 6 nhà không đủ điều kiện nữa nên em nghỉ. Em học tệ lắm, có lớp 6 mà em học lại 3 năm, làm khổ mẹ quá nên em nhường cho thằng em học. Em đi học nghề phụ mẹ lo cho gia đình”.
Chỉ ngồi với em chưa đầy một tiếng, người này gọi “Beo ơi đẩy xe hộ chị”, người kia nhờ “Beo ơi cúng rằm giùm chị”, thân thiết như chòm xóm láng giềng. Em chạy đi phụ mọi người rồi lại quay về với góc “tiệm” của mình ái ngại với chúng tôi: “Mọi người ở đây ai cũng quen gọi em là Beo, gọi đó giờ rồi, tên Cường nó xa lạ lắm”.

Hai cái đùi trở thành "bàn làm việc" của em nên chiếc quần em mặc rách tơi, dính đầy keo và bụi - Ảnh: Trần Khang
Vẫn thoăn thoắt phủ keo, đều tay khâu từng mũi kim, Beo vừa kể vừa khoe: “Nghề đóng giày này là thầy em dạy cho, thầy em tên Tuấn, ở cùng xóm với em. Có thời gian em qua phụ thầy chơi chơi cho biết vậy thôi rồi thầy hỏi em có muốn học nghề không, thầy dạy cho làm. Em cũng thích rồi học luôn tới giờ, mới đó đã được hơn hai năm rồi. Công việc của em cũng đa dạng lắm, vừa dán giày, vừa đánh và vừa may lại giày luôn. Một ngày em làm được khoảng 7, 8 đôi. Phải làm nhanh vậy mới có giày cho khách”.
Chỉ tay vào cái bảng được đóng cẩn thận phía trước bàn, Beo nói: “Bảng này là thầy em làm, dặn em giúp đỡ những người mưu sinh trên đường phố vì nhiều khi họ không đủ tiền để mua lại một đôi giày đã rách, sửa đôi giày thôi cũng phải suy nghĩ, không đủ tự tin để bước vào sửa giày”.

"Tấm biển miễn phí đã trở thành bảng hiệu của em, là thương hiệu của thầy em" - Ảnh: Trần Khang
Em nhớ lại: “Có một anh hốt rác hay tới đây đóng giày, rồi ảnh kể cho em nghe vu vơ chuyện của ảnh, đường phố, rác và mọi người. Mình ngồi riết ở đây, đóng giày, làm giày cho người ta rồi giờ đi ngang ai cũng quen mặt, lâu lâu hỏi thăm vài ba câu. Em thấy vui lắm, gần gũi”.
Kéo cánh tủ đã cũ ra, em chỉ cho chúng tôi xem những dòng chữ nguệch ngoạc: “Còn những dòng chữ này cũng là thầy em viết luôn, thầy dặn em phải làm y như vậy. Rồi em làm theo thôi chứ em viết xấu lắm. Trước khi học đánh giày, em có phụ dì bán đồ điện tử rồi cũng bị người ta lừa, rồi mất đồ nhưng em nghĩ do em sơ ý. Em cũng có thấy buồn bực nhưng mình cứ thành thật sống với người khác, ai sao kệ họ. Em cũng chưa có ước mơ gì cả, giờ lo làm để nuôi ba mẹ với thằng em”.


“Vừa làm, em vừa ghi nhớ lời thầy dạy cách đối nhân xử thế ở đời, cứ mở tủ giày là nhớ” - Ảnh: Trần Khang
Beo ngồi làm ở góc đường này đã gần nửa năm là chừng ấy thời gian tấm biển miễn phí cho những người khó khăn được đóng lên. Chỗ em làm không có một bảng hiệu, không có một cái tên nhưng hầu hết những người dân xung quanh đều biết. Có giày sứt đế, gãy gót, hư hỏng gì người ta cũng mang đến cho em. Tấm biển miễn phí dường như đã trở thành thương hiệu độc quyền trong chuỗi đóng giày của thầy em tạo ra, khiến không ít người trân trọng.
Cũng chính vì điều này mà anh Đan Nam, người ở cách đó mấy căn nhà, đã chia sẻ câu chuyện của em trên trang cá nhân. Anh viết: "Tên nó là Beo. Tôi bỗng chú ý đến thằng nhỏ gầy gò sửa giày nép bên cây cột điện đó, à, thì ra em cũng là một người Sài Gòn tử tế như bao nhiêu người Sài Gòn tử tế khác đang hiện hữu trong thành phố này, sự tử tế của em không lớn lao nhưng cách tử tế của em rất đáng trân trọng, dù nghèo, vất vả mưu sinh vẫn luôn nghĩ đến những người kém may mắn hơn mình”.

Anh Đan Nam, người chia sẻ câu chuyện của Beo trên trang cá nhân của mình đang sửa lại tấm biển giúp em - Ảnh: Trần Khang
Người thầy và tấm biển đóng giày miễn phí hơn 22 năm
Theo chỉ dẫn của Beo, chúng tôi gặp anh Tuấn, thầy Beo, năm nay 40 tuổi. Anh chỉ vào căn nhà chưa đầy 30 mét vuông mé đối diện nói: “Đó, nhà của thằng Beo ở đó, gia đình khó khăn nên nó bỏ học cũng lâu rồi. Thấy nó lông bông rồi anh kêu nó qua phụ, xong rồi dạy nghề cho nó, giờ nó đủ vững để ra làm riêng rồi”.
Cũng liền tay đóng giày, chà giày rồi dán giày, anh Tuấn kể: “Cái biển miễn phí đó tui dựng lên lâu rồi, cũng 22 năm nay, ngay từ ngày khai trương cái chỗ này. Dựng lên vậy để người nào khó khăn mà có nhu cầu thì họ không ngại nhờ mình, mạnh mẽ bước vô. Còn mấy dòng chữ trong tủ là tự tui viết luôn, đứa nào là học trò của tui, tui cũng viết cho như vậy rồi tự đi mà làm. Những câu tui viết như thay mặt tui không có ở đó, tụi nó làm theo những lời mà tui viết đó, như lời tâm huyết tui dặn: sư phụ không có ở đó rồi tụi bây ráng làm, ráng sống cho tử tế”.

anh Tuấn, thầy của Beo, người tâm niệm “sống giúp đỡ được ai thì giúp” - Ảnh: Trần Khang
Thấy chúng tôi nhìn vào hình xăm, anh Tuấn cười: “Thấy tui xăm vậy đừng tưởng tui là lưu manh nha, đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. Quê tui cũng ở Sài Gòn, Sài Gòn kiếm sống dễ lắm, miễn chịu khó làm ăn và biết cách sống. Tui làm đóng giày cũng đủ tiền lấy vợ, nuôi con đầy đủ, có khi chật vật thì gói ghém lại một chút. Thằng Beo thì tháng tui chi cho nó 3 triệu phụ gia đình, vậy là nó có cái nghề, có cái chỗ trú mưa trú nắng”.
Chỉ vào tấm biển miễn phí trước bàn mình, anh Tuấn hồ hởi: “Mô hình này anh làm lâu rồi, bảy đứa đều làm y vậy. Thằng Beo là đứa nhỏ nhất, mấy đứa kia có vợ, có con luôn rồi. Tui dạy nghề rồi dạy luôn cách đối nhân xử thế cho tụi nó. Như thằng Beo, không ai dạy cho nó cái nghề, dạy cho nó thêm sống sao thì không chừng sau này làm gánh nặng cho xã hội. Nhưng tui nghĩ, ai có điều kiện cũng sẽ giúp đỡ thằng Beo y như tui. Được cái thằng Beo chịu khó lắm, dạy gì làm đó, có cố gắng làm”.


Hai thầy trò với thương hiệu đánh giày miễn phí cho những người khó khăn - Ảnh: Trần Khang
Hai thầy trò cứ vậy, hàng ngày ngoài làm giày cho khách để kiếm thu nhập còn nhận sửa, đóng, chà giày cho mọi đối tượng mưu sinh trên đường phố. Đôi tay không ngưng nghỉ, mặt lúc nào cũng đăm chiêu tập trung dán cẩn thận từng đế giày, hai đầu gối cũng được trưng dụng thành "bàn làm việc" của cả thầy và trò. Một vị khách có ý trêu chọc nét chữ anh Tuấn viết lên tấm gỗ quá xấu, anh cười xòa nói: “Cái chữ nguệch ngoạc thiệt nhưng tâm thầy trò tui không có nguệch ngoạc”.
Ngày chúng tôi tìm gặp Beo cũng bất ngờ gặp được anh Đan Nam, người chia sẻ câu chuyện của Beo trên mạng xã hội. Anh vừa nhanh tay dán lại tấm biển miễn phí cho Beo, vừa cười nói: “Hôm nọ tui đi ngang thấy nó treo cái biển này tui thấy chất sống nó hay quá nên đem câu chuyện kể cho mọi người biết trên đời còn nhiều tấm lòng đẹp như vậy lắm”.


Đôi bàn tay chai sạn của người thợ làm giày, vừa kiếm thu nhập, vừa giúp đỡ người nghèo suốt 22 năm - Ảnh: Trần Khang
 
xem xong bài này sẽ có rất nhiều người phải hổ thẹn khi biết được mình tệ như thế nào trước thầy trò bé Beo.
 
**** Nhìn lên cũng chẳng bằng ai - Nhìn xuống vẫn có người chưa bằng mình .... ( có sửa lời đôi chút ) ... Một nghĩa cử đẹp - một đạo đức sống làm mỗi chúng ta cần suy ngẫm thêm - than !
 
Bên trên