Làm vườn Amateur Nguồn: Golden canary (aquabirds.com.vn) Mở đầu: Tôi không phải là một người làm vườn chuyên nghiệp. Lí do: Tôi không được đào tạo trong ngành liên quan đến việc làm vườn Nhà tôi ở hiện tại là nhà phố dạng ống, không có đất sân vườn. Tầng trệt có chút sân: thì toàn bộ diện tích được lát gach Tàu phục vụ công tác để xe. Thế nhưng, tôi vẫn thích làm vườn. Lí do: Từ nhỏ tôi đã thích trồng cây, nuôi chim, nuôi cá... Chăm, trồng cây là một cách giúp tôi giải tỏa căng thẳng bằng hoạt động chân tay khi công việc phần lớn ngồi văn phòng và buộc phải suy nghĩ nhiều Nhà phố xây đơn giản, giữa cộng đồng dân cư toàn nhà là nhà: nên cần có chút cây xanh để không gian thêm tươi mát, thêm đẹp, thư giãn mắt nhìn. Đồng thời dùng cây xanh để cải tạo phần nào chất lượng không khí của môi trường sống. Thế nên: tôi quyết định mình phải làm vườn. Và: tôi trở thành người làm vườn amateur. Yêu cầu để trở thành người làm vườn amateur: Là chẳng cần yêu cầu gì cả! Miễn là bạn muốn làm vườn! Khó khăn thường gặp với người làm vườn amateur: Thiếu kiến thức cơ bản về làm vườn, thiết kế vườn Không có nhiều thời gian và điều kiện tìm hiểu về nghề làm vườn. Thiếu dụng cụ, công cụ hỗ trợ chuyên dụng Phần lớn làm theo cảm tính cá nhân: và trả giá rồi tự rút kinh nghiệm. Cho nên phải trả giá nhiều: mất thời gian, tốn chi phí Thuận lợi với người làm vườn amateur: Đa phần được người nhà ủng hộ vì là thú vui ‘có ích cho đời’, hehe Bản thân được tận hưởng những giây phút sung sướng đặc biệt khi ngắm nhìn thanh quả lao động Trải nghiệm thất bại không chỉ giúp cho mình có thêm kiến thức sống, mà qua đó đôi khi còn cho mình những bài học giá trị cộng thêm cho chính công việc mà mình tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến việc làm vườn Vì không được học bài bản nên có thể có nhiều ý tưởng sáng tạo: không bị rập khuôn Bắt tay vào ‘’làm vườn không chuyên nghiệp’ Khi bắt tay vào làm vườn: dù là một người làm vườn không hề có tí nào chuyên nghiệp, lời khuyên của tôi là chúng ta vẫn cần tuân thủ các bước sau: Xác định đối tượng ‘vườn’ để ‘làm” Xác định, Xây dựng ý tưởng Thiết kế Triển khai thực tế Hoàn thanh mục tiêu: bắt đầu vào giai đoạn chăm sóc duy trì vườn Việc tuân thủ một qui trình đơn giản và dễ nhớ như trên sẽ giúp chúng ta hạn chế được những khoản đầu tư (cả thời gian, công sức, tiền bạc) không đáng có do phát sinh mà ta không lường trước. Từ đó cơ hội để có một mảnh vườn xinh đẹp như ý sẽ cao hơn việc cứ đâm đầu vào làm, mua cây, mua chậu… mà chưa có í tưởng triển khai: để rồi chỉ ít lâu sau cái mình kì vọng lại trở thành một mảnh sân, một góc nhỏ bỏ hoang vì cây chết, vì sâu bọ hoặc vì ta quá nản nên không chăm trồng được nữa. Với người làm vườn amateur, nên nhớ rằng: đừng bao giờ đặt ra những mục tiêu ngoài tầm với – những mục tiêu phải dân chuyên nghiệp mới làm được. Vườn amateur là để ta thư giãn: vậy nó phải nhanh chóng đạt được mục tiêu thư giãn cho ta, chứ không phải là đối thủ thách thức làm ta căng thẳng thêm! Khi xác định được như vậy: bạn sẽ thấy rằng: dù mỗi ngày chỉ có 30 phút, 1 tiếng làm vườn trước hoặc sau giờ làm sẽ thực sự là niềm vui. Và cái vườn sẽ là thiên đường nhỏ của riêng bạn và người thân: nơi mà bạn luôn muốn gắn bó và quay về. <------ Bổ sung bài viết -------> 1. Xác định đối tượng “Vườn” để ‘làm’ Như trên đã nói: không phải ai cũng có một mảnh sân, một mảnh vườn. Việc này càng xa vời với những bạn sống trong nhà ống, nhà phố. Thế nhưng: liệu có phải vì thế mà ta phải từ bỏ thú vui làm vườn, từ bỏ ước mơ được có cho riêng mình và gia đình một khoảng xanh ? Đối tượng vườn có thể là gì ? A.“Sân vườn”: Đúng nghĩa đen: một cái sân đất có thể trồng cây và trở thành một cái vườn. Có thể là vườn trước sân nhà, vườn sau sân nhà, vườn nhỏ bên hiên nhà…: nghĩa là tất cả những chỗ nào trệt có đất và tiếp xúc trực tiếp với mưa gió ánh sáng… B. Vườn sân thượng”: mô hình vườn sân thượng được coi như một giải pháp hữu hiệu về thiết kế mảng xanh trong kiến trúc ở những tòa nhà cao tầng trong thành phố: nơi mà mỗi mét vuông diện tích đều rất quí giá và được tận dụng triệt để phục vụ sinh hoạt nên không còn sân vườn. Vườn sân thượng thỏa mãn được 2 yếu tố quan trọng: tạo mảng xanh đẹp và góp phần chống nóng cho các tầng bên dưới. Với tính chất này: vườn sân thượng của các tòa nhà cao tầng hoàn toàn có thể áp dụng một cách linh động và sáng tạo lên sân thượng của các căn nhà phố Việt Nam. ---------- Bài viết thêm vào lúc 01:17 PM ---------- Bài viết trước được viết vào lúc 01:12 PM ---------- C.Vườn ban công: tương tự như vườn sân thượng: ban công nhỏ của mỗi tòa nhà, mỗi căn nhà là một không gian mở hoàn toàn có thể được tận dụng tạo mảng xanh xinh xắn đầy tiện ích: làm đẹp, cản gió, cản mưa nắng và chống nóng cho căn phòng có cái ban công đó. Một công mà rất nhiều tiện lợi. D. Vườn trong chậu: Những cái chậu trồng cây vốn dĩ thường chỉ được trồng 1 loại cây: trên thực tế hoàn toàn có thể nghĩ khác đi: và thiết kế thành một vườn nhỏ sinh động với số chủng loại cây nhiều hơn một!: và như vậy: bạn vẫn đang sở hữu một mảnh vườn nhỏ, dù bạn chỉ có một cái chậu trồng cây: F. Vườn Mini: Những cái chậu rất nhỏ - những vật chứa tưởng chừng như phải vứt đi vẫn có thể được sáng tạo tận dụng để ‘làm vườn’ và tạo nên những tác phẩm sống động, xinh xắn, hội đủ tất cả những yêu cầu và điều kiện chăm trồng như vườn to, ví dụ thế này: --> Như vậy: đối tượng “vườn’ cho một người làm vườn amateur là không có hạn chế. Và dù nhà chật, dù không có biệt thự sân vườn, dù không có trang trại: chúng ta vẫn có thể đàng hoàng ‘làm vườn’! <------ Bổ sung bài viết -------> 2. Xác định, xây dựng Ý tưởng thiết kế: Đã nói đến ý tưởng: là nói đến sự sáng tạo. Nghĩa là không có giới hạn. Lợi thế của một amateur: là vì không học bài bản nên có thể thoải mái suy nghĩ, không bị gò ép bởi thói quen thiết kế vườn nào cả. Nhưng nhược điểm: là nhiều khi loay hoay: nghĩ nhiều ý hay: nhưng khi triển khai gặp vướng, như: cây không phù hợp khí hậu, đất trồng không phù hợp, phối không ăn ý về hình dáng màu sắc… hoặc không biết chon cây nào, chậu gì để hợp với ý tưởng thể hiện của mình… Vì vậy, biết một chút về các phong cách thiết kế vườn thường gặp: sẽ là cần thiết để có sự định hướng cho mình. Những loại vườn thường gặp trong thiết kế vườn: Vườn, ớ góc độ nào đó: thể hiện cá tính, mong muốn, suy nghĩ về cuộc sống của chủ nhân vườn – điều này không thể chối cãi. Nhìn vào một cái vườn do một ai đó thiết kế: bạn có thể phần nào đoán biết được tính cách của họ, mong muốn của họ trong cuộc sống, những điều họ đang khát khao trong lòng… Vì là chủ nhân là người làm vườn amateur: nên cái vườn amateur của họ không thể đảm bảo hết tất cả những tiêu chí thiết kế vườn cho từng phong cách thiết kế cụ thể, nhưng đâu đó nó vẫn thể hiện được những nét chính của mỗi loại hình vườn. Tôi tạm liệt kê ra 7 kiểu vườn mà người làm vườn amateur thường làm: Vườn quê - Cottage garden Vườn hiện đại - Contemporary garden Vườn thẳng lối - Formal garden Vườn đơn giản - Un-formal garden Vườn sỏi đá - Gravel Garden Vườn nước - Water garden Vườn nhiệt đới - Tropical garden A. Vườn quê: Vườn quê là một kết hợp đầy đặn của nhiều loại cây: cây lâu năm, cây ăn trái kết hợp với cây một mùa, cây hoa gieo hạt theo mùa, cây bụi rậm, cây leo, cây bò… thậm chí là phối hợp với cả các loại cây rau củ… Vườn quê thường um tùm, có vẻ như là không có bất cứ sự sắp xếp nào cả, có vẻ không có qui tắc trồng cây nào. Đặc thù của mô hình vườn này là có rất nhiều cụm hoa trồng từ hạt có màu sặc sỡ mọc chen lấn vào nhau – thường được trồng vào đầu mùa xuân và ra hoa vào cuối mùa xuân sang mùa hè. Do vậy mà nó sẽ rất thích hợp với các vùng khí hậu mát mẻ ở nước ta như Đà lạt và một số tỉnh phía Bắc. Khi ứng dụng mô hình này vào trang trí vườn tại những vùng khí hậu không thật sự thuận lợi với nhiều loài hoa gieo hạt theo mùa như Sài gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Nha Trang, Hà Nội…: vẫn có thể thay thế hoa bằng những cụm cây lá màu, cây mọc bò như Mười giờ, Thanh tú; cây bụi có hoa nhỏ như Trang, Dâm bụt… , cây leo dễ ra hoa như sử quân tử, bông giấy, cây lớn lâu năm có trái như ổi, mận, xoài.., và có hoa như lộc vừng, bông sứ… Vườn sân thượng nhà tôi hướng theo phong cách này: B. Vườn hiện đại: Vườn hiện đại có kết cấu và đường nét mạnh mẽ. Phần diện tích dành cho thảm cỏ chiếm tỉ lệ quan trọng. Trong vườn có những vật dụng nội thất phục vụ cho sinh hoạt tập thể nhỏ như: bữa tiệc nhỏ, góc ngồi uống cà phê đọc báo…, đồng thời có thể có những vật trang trí với đường nét hiện đại. Vườn hiện đại có xu hướng nhỏ gọn, phù hợp với những ngôi nhà có phong cách đơn giản, hoặc tối giản có diện tích đất hạn chế. Mô hình vườn này cũng thường được dùng cho vườn sân thượng với có những lối đi rải sỏi, lót đá hoặc lót ván gỗ thẳng thớm, gãy gọn. Tre, trúc và một số cây tán gọn, thân thẳng chiếm ít diện tích là lựa chọn thường xuyên cho mô hình vườn này: Ai có dịp vào Khách sạn Rex uống cafe: sẽ thấy điển hình phong cách vườn hiện đại được ứng dụng làm không gian nhà hàng cafe rất tốt. C. Vườn thẳng lối: Vườn thẳng lối là mẫu vườn cổ điển với những lối đi dạo chơi, tản bộ hóng mát rộng rãi, phần lớn sử dụng màu xanh của lá, ít hoa. Cây cối được cắt tỉa theo các dạng khối hình học, không có các lùm bụi mọc xuề xòa. Mô hình này thường ứng dụng ở các công viên, hoặc các kiến trúc lâu đài cổ Châu Âu. D. Vườn đơn giản: Mô hình vườn đơn giản rất thích hợp cho các nhà biệt thự có chút sân vườn hoặc nhà ngoại ô rộng rãi. Đây là một phong cách vườn thoải mái với một bãi cỏ nhỏ xanh và vài lùm bụi hoa mọc thấp. Mục đích là tạo một không gian chạy nhảy, vui đùa của các thành viên trong gia đình. Cây cối phần lớn là những cây thân thiện với trẻ em, các lùm cây bò có hoa nhỏ mọc ven bãi cỏ. Mô hình vườn này khá dễ trong công tác chăm trồng. E. Vườn trải sỏi: Vườn sỏi, vườn đá là một giải pháp chống nóng khá tốt mà nguyên vật liệu chính thấy ở vườn là sỏi đá. Lợi thế của mô hình vườn này là có thể kết hợp trồng các loại cây chịu hạn tốt ở những khu vực thời tiết nắng nóng. Vườn sỏi trồng cây ít rụng lá – cũng là một điểm hay để thuận tiện, dễ dàng hơn trong việc bảo dưỡng và chăm sóc, làm vệ sinh vườn. Đặc thù của vườn sỏi là không phải tất cả diện tích đều được sử dụng để trồng cây. Một phần lớn diện tích bề mặt được trải sỏi làm lối đi và làm nền cho vườn. Cây bụi nhỏ thường được lựa chọn cho loại vườn này. Mô hình vườn này phù hợp với những phần không gian nhỏ, như một khoảnh sân nhỏ, một khoảnh hàng lang, chiếu nghỉ nhỏ nhiều nắng của không gian sinh hoạt. Ở VN: mô hình này cũng là mô hình thường được ứng dụng cho sân thượng nhà phố, với các chủng loại cây họ dứa, họ phát tài, sứ kiểng, xương rồng… có khả năng chịu nắng và chịu hạn cao. F. Vườn nước: Vườn nước được thể hiện như một tiểu đầm lầy hay một hồ nước nhỏ. Cây cối sống trong và xung quanh nó thường là các loại cây đầm lầy, cây thủy sinh. Loại hình vườn nước rất thích hợp để tạo ra mội không gian mát có nhiều hơi ẩm cho môi trường sống, ở những nơi mà ánh sáng không quá gay gắt. Một vài con cá nhỏ thả trong vườn này quẫy đuôi dưới nước sẽ càng làm cảm giác người đứng trong vườn thêm thư thái. Đây thực sự là một điểm nhấn đặc biệt để làm sinh động thêm cho những khu vườn tự nhiên có thiết kế hòa hợp với thiên nhiên. G. Vườn nhiệt đới: Vườn nhiệt đới sử dụng các loài cây nhiệt đới thường gặp được bố trí dạng khép kín, rậm rạp, lối đi len lỏi quanh co khó đoán trước được tiếp theo sau sẽ là gì. Mội cái vườn nhiệt đới thành công thường mang lại cảm giác cuốn hút, li kì, ẩn chứa bí mật ở đâu đó trong vườn cần được khám phá. Mô hình vườn này có thể áp dụng khá tốt cho nhà ở VN, vì phần lớn những loại cây thường dùng cho mô hình này là loài cây rất dễ tìm ở VN: cây họ chuối (chuối pháo, thiên điểu), cây leo các loại (trầu bà, trầu ông), hoa thì có các loại hoa lan, hồng môn, độc đáo thì có các loại nắp ấm, lùm bụi cỡ trung thì có thể dùng các loại sanh, si, thủy trúc; bò leo bám thì có các loại dương xỉ… Trong vườn nhiệt đới thường có thác nước nhỏ chảy len lỏi theo vách tường đâu đó: tạo tiếng nước đặc thù kiểu rừng mưa và cung cấp thêm hơi ẩm cho nhiều loài cây nhiệt đới. Mô hình vườn này ít hoa, đặc biệt rất ít hoa một mùa, có nhiều lá xanh và thường tạo cảm giác hơi ẩm ướt Tượng Phật, cối xay nước, lồng đèn, con nghê.. bằng đá, hay những phiến đá lớn ẩm ướt bất chợt hiện ra đâu đó trong lùm bụi: thường là những điểm nhấn thu hút vẻ huyền bí cho loại hình vườn này. Như phần 1 về xác định đối tượng vườn” đã nói: người làm vườn amateur đừng bó hẹp suy nghĩ về khái niệm ‘vườn’ chỉ có một nghĩa là những mảnh sân vườn thực sự đang sẵn có nhiều đất. Làm như vậy sẽ rất hạn chế sự sáng tạo. ‘Vườn’ với chúng ta có thể chỉ là 1 cái chậu, một cái ang: Nhưng qui hoạch một cách có tổ chức, chăm sóc đúng mực, thiết kế tỉ mỉ, chuẩn bị chu đáo: nó vẫn có thể đáp ứng được hầu hết các tiêu chuẩn phong cách vườn kể trên. <------ Bổ sung bài viết -------> 3. Triển khai thực tế: Khi đã hình thành và vẽ nên được những ý tưởng cơ bản của cái vườn tương lai mà mình muốn có: người làm vườn không chuyên sẽ phải bắt tay vào làm thực tế: biến suy nghĩ, thiết kế trong đầu của mình thành một khu vườn hiện thực. Vậy: người làm vườn amateur sẽ bắt đầu thế nào ? A. Dụng cụ làm vườn: Dù không phải là người chuyên nghiệp, bạn vẫn cần có những công cụ hỗ trợ khi làm vườn. Vậy, chúng có thể là những cái gì ? Đây là bộ dụng cụ làm vườn mà tôi thường xuyên sử dụng: Bộ cắt tỉa: những cái kéo chuyên dụng dùng để cắt tỉa cành nhánh. Tôi có loại to đầu cong: để cắt cành nhánh to. Và loại đầu nhỏ mũi nhon: để tỉa ngọn, bấm cành nhỏ. Bộ đào xới: gồm mấy cái bay thợ hồ kích thước khác nhau. Dùng để đào xới, trộn đất, trộn chất trồng, bới cây lên khỏi đất, xúc đất đổ vào chậu. Bộ hỗ trợ: gồm cưa, búa, kìm, tuốc nơ vít (tất nhiên sẽ có theo chúng là đinh, vít, thước đo..), đôi khi có thêm cái máy khoan tay: những cái này thỉnh thoảng dùng: để cắt kẽm làm dây treo chậu, cưa cắt gỗ làm giàn cho dây leo, khoan bắt vít để treo, móc một số dụng cụ, đồ vật trang trí vườn… Có thể mua những thứ này ở đâu: ở tất cả các cửa hàng nhỏ bán dụng cụ xây dựng, sửa chữa vặt vãnh nhà cửa. Cũng có thể ra các cửa hàng bán cây hoa kiểng: thì dụng cụ còn đẹp hơn và chuyên dụng hơn. B. Bản vẽ: Khi đã có í tưởng rằng chỗ nào ta sẽ trồng cây, cây to cây nhỏ thế nào, chỗ nào ta sẽ trải cỏ, chỗ nào ta sẽ đặt ghế, chỗ nào ta trồng cây-hoa màu gì, chỗ nào thưa, chỗ nào bụi rậm…: thì nên đo kích thước bề mặt chỗ định làm vườn thực tế và vẽ nó ra gần đúng tỉ lệ trên giấy. Việc này giúp ta mường tượng trước gần sát với thực tế cái vườn tương lai, giúp ta chỉnh sửa lại ngay những gì chưa ưng í trước khi mang ví tiền đi ra hàng cây kiểng! Đây là bản vẽ sơ khởi của tôi cho một tổng thể vườn chim, có 2 yếu tố chính: chuồng chim ngoài trời và cây trồng xung quanh nó: Đi vào chi tiết của bản thiết kế này: tôi sẽ bắt đầu chọn cây (Kích thước, màu sắc, dáng lá, có hoa hay không, cây mọc đơn hay cây bụi...) để cho hợp với dự kiến. C. Chọn cây: Việc chọn cây phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Một khó khăn với người amateur là nhìn cây nào ở hàng cây cũng thấy thích, thấy muốn mua về cả. Nhưng khi mua về trồng thì mới thấy nó không hợp với chỗ mình định trồng (cao quá, lá to quá phối không hợp, hoặc cớm nắng quá nên phát triển không tốt…). Cần tuân thủ vài nguyên tắc cơ bản: Nên chọn loại cây dễ sống: qua bạn bè, qua cửa hàng cây có thể tìm hiểu sơ về các nhu cầu sống và điều kiện chăm trồng của cây: để biết xem liệu nó có hợp với khả năng có hạn về thời gian và kiến thức chăm trồng của người amateur hay không rồi mới quyết định mua. Khi mua nên xác định cây này mình sẽ đặt ở đâu theo í tưởng thiết kế: và ở vị trí dự kiến sẽ trồng nó: màu sắc – tỉ lệ như thế là hợp hay chưa? Ánh sáng, nắng gió chỗ đó với nó có phù hợp không…: khi câu trả lời là OK thì mua cây. Khi câu trả lời còn chưa rõ ràng: nên tham khảo kĩ lại người quen đã từng trồng cây đó hoặc tìm hiểu kĩ với người bán hàng. Xác định sẵn kích thước phát triển của cây khi trưởng thành để lựa chọn vị trí trồng phù hợp: một số loai cây khi mua về còn nhỏ, nhưng chỉ vài tháng hoặc vài năm sau trở nên rất to lớn --> phải biết trước để lựa chọn sẵn cho nó vị trí tương thích, đảm bảo khi phát triển nó sẽ làm đẹp tổng quan, chứ không phải phá vỡ cảnh trí tổng quan. Thị trường cây kiểng VN khá đa dạng: có rất nhiều cây cho lá, hoa đẹp phù hợp với người làm vườn amateur. Lưu í rằng: không phải lúc nào cây quí, cây đắt tiền cũng sẽ cho bạn một cái vườn cây đẹp! Yếu tố quan trọng làm nên một vườn cây đẹp không phải là giá tiền của mỗi cái cây trong vườn: mà là tổng thể hài hòa về màu sắc, mảng khối và sự sung mãn của tất cả các cây trong vườn phải hòa hợp được với nhau. Bạn có một cây quí, đắt tiền: đó là một hạnh phúc. Bạn có một cái vườn cây đẹp: còn hạnh phúc hơn. Bạn tận hưởng thành quả trồng cây làm vườn đẹp của mình: đó là hạnh phúc trọn vẹn ! Người làm vườn amateur thường ít quan tâm đến chất lượng đất trồng: vì nghĩ rằng đất nào cũng là đất, miễn có đất là ổn. Song thực tế: cây phát triển tốt hay không: là nhờ nguồn dinh dưỡng mà ta cho nó – và phần lớn hấp thụ từ dưới lòng đất. Mỗi loại cây có những yêu cầu khác nhau về đất trồng. Song, những yếu tố sau đây là yêu cầu cần thiết với đa số các loại cây: đất tơi xốp, thoát nước tốt. Vừa đủ ẩm chứ không đọng nước. chất dinh dưỡng vừa đủ, thường được cung cấp qua nguồn phân bón. Phân bón vi sinh là an toàn hơn phân bón hóa học. NPK là 3 yếu tố phân bón thường sử dụng: N – đạm, P – lân , K – kali E. Bắt tay vào trồng cây: Khi đã có bản vẽ, có dụng cụ, có đất đầy đủ sẵn trong vườn, trong bồn, trong chậu và công tác chọn mua cây đã xong: người làm vườn amateur bắt tay vào trồng cây. Có vài lời khuyên sau: Trước khi trồng hãy để cây vào các vị trí dự kiến trồng và ngắm tổng thể. Chỉnh lại cho thật vừa mắt rồi mới tiến hành đào các hố trồng cây. Đừng trồng lan man. Hãy tập trung trồng hết cây ở 1 khu vực nhất định theo ý tưởng thiết kế. Khi hoàn thành xong khu vực này thì ta chuyển sang thực hiện trồng cây ở khu vực khác. Những cây mọc bò, những thân cây nhỏ khi lấy ra khỏi bầu đất: cần được ưu tiên trồng ngay vì chúng dễ bị mất nước và khô héo nhanh. Những cây to có khả năng chờ đợi tốt hơn. Nén đất vừa chặt để cây đứng vững. Đừng dùng các vật dụng đè nén quá mạnh xuống gốc cây: có thể làm tổn thương bộ rễ cây. Nên trồng cây vào buổi sáng sớm hoặc về chiều khi tắt nắng. Lúc nắng quá gắt không nên trồng cây. Cây trồng xong tưới nước vừa thấm ẩm đất là được. Những thân cây mềm khi mới trồng ban đầu nên có vài cái cọc nhỏ đỡ cho nó. Chim sẽ rất thích ăn, phá nhiều loại mầm, lá cây nên có phương án xua đuổi chim sẻ. Nếu không: buổi sáng mới trồng cây xong, sáng hôm sau đã thấy tan hoang vì chim sẻ bay đến phá và vặt trụi chồi lá. Vườn của tôi ở thơi điểm 7 tháng sau khi bắt đầu trồng: Cũng góc nhìn đó, thời điểm hiện nay - 3 năm sau: Cái ghế công viên vẫn vậy, nhưng nó đã trở nên nhỏ bé với tổng thể khu vườn: Một cái góc như thế này không phải là đẹp nhất với con mắt làm vườn chuyên nghiệp, nhưng nếu tất cả là công sức của bạn: bạn sẽ có những cảm giác cực kì đặc biệt khi ngồi dưới một tán Tuyết sơn phi hồng đầy hoa thế này để nói chuyện gẫu với người thân trong gia đình về mọi chuyện loạn xạ của cuộc sống!: __________________
Ðề: Làm vườn Amateur Bài viết hữu ích, xin cảm ơn. Nói chung để có cái vườn đẹp thì cần đam mêm + thời gian + xèng.