Kỹ sư công nghệ thông tin bỏ nghề về quê làm giàu nhờ nuôi chim

ngoctuan

Đại Bàng Bố
Nhân viên
Tham gia
11 Tháng chín 2010
Bài viết
9,241
Điểm tương tác
1,955
Điểm
65
Tuổi
43
Địa chỉ
Ho Chi Minh
ANTĐ - Tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin sau 4 năm du học tại Liên bang Nga nhưng Nguyễn Văn Phúc ở thôn Hiệu Chân (xã Tân Hưng, Sóc Sơn, Hà Nội) lại làm giàu không phải từ công nghệ mà anh quyết định về quê làm nghề... nuôi chim để phát triển kinh tế.
cntt.jpg


Bài học kinh nghiệm giá 100 triệu đồng

Nguyễn Văn Phúc sinh năm 1987 là con út trong một gia đình có 4 chị em. Năm 2004 sau khi học xong THPT, Phúc được gia đình cho sang Nga du học tại một trường đại học danh tiếng. Thời gian này ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam đang rất phát triển, nắm bắt nhu cầu “khát” năng lực của xã hội nên Phúc quyết định chọn nghành công nghệ thông tin để theo học.

Sau 4 năm đèn sách nơi xứ người tốt nghiệp tấm bằng loại khá Phúc quyết định từ chối mọi lời mời để về Việt Nam làm việc. Dù xin được vào làm việc chính thức cho một công ty lớn tại Hà Nội nhưng chưa đầy 1 năm Phúc đã quyết định xin nghỉ việc về nhà mở trang trại nuôi chim bồ câu và chim cu gáy. Quyết định này của Phúc đã khiến bố mẹ rất bàng hoàng, anh em, xóm làng bàn tán xôn xao. Có người còn cho rằng Phúc “dở hơi” ăn học đàng hoàng lại thích làm nông dân. Vậy nhưng anh lại có suy nghĩ khác: “Công việc yêu cầu rất cao nhưng cơ chế làm việc của công ty không đảm bảo khiến mình rất chán nản. Dù rất yêu nghề nhưng mình quyết định sẽ theo nghề và ứng dụng nghề bằng cách khác” - Phúc chia sẻ.

Nuôi chim với hầu hết mọi người dân là để làm cảnh, thú chơi thư giãn của tuổi già nhưng với Phúc đó là hướng phát triển kinh tế. Ban đầu để thử nghiệm mô hình, Phúc đến các địa phương trong huyện săn lùng mua được 30 đôi chim cu gáy và 100 đôi chim bồ câu. Sau một thời gian tự mày mò học hỏi kinh nghiệm và chăm sóc, Phúc đã nhân giống chim bồ câu lên đến 180 đôi.

Cuối năm 2009 dịch cúm gia cầm càn quét khiến hơn 200 đôi chim lớn nhỏ bị chết, gây thiệt hại lên tới 100 triệu đồng. Bao nhiêu vốn liếng đổ hết xuống sống xuống bể làm Phúc rất nản chí, nhưng được bố mẹ động viên Phúc quyết phải tìm ra nguyên nhân và học hỏi thêm kinh nghiệm. “Đợt dịch ấy không bỏ qua bất cứ một ai nhưng cũng vì tôi quá chủ quan. Chăm sóc và nhân giống chim thì dễ nhưng phòng dịch cho chim thì đúng là năm đó tôi không có chút kinh nghiệm gì, đến lúc dịch bệnh tràn đến mới cuống cuồng phun thuốc phòng dịch nên không thể kịp” - Phúc chia sẽ.

Sau kinh nghiệm đầu đời quá đắt giá Phúc quyết bỏ thời gian tìm đến những trang trại nuôi chim quy mô lớn để học hỏi kinh nghiệm. Hết Lạng Sơn, Thái Nguyên cho đến Gia Lai xuống tận Đồng Tháp..., gần 6 tháng học hỏi kinh nghiệm tại các trang trại lớn, Phúc quay về nhà để làm lại từ đầu. “Việc học của tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn, có nhiều nơi người ta nhận vào học ngay những cũng có nhiều chủ trang trại lại e dè không dám truyền đạt kinh nghiệm. Họ sợ mình có ý đồ xấu, có nơi tôi phải làm công nhân gần 1 năm thì họ mới truyền thụ kinh nghiệm cho. Nhiều đêm phải thức trắng đêm, vắt óc suy nghĩ thì mới đúc rút lại được kinh nghiệm cho riêng mình” - Phúc kể.

Trở về với ít kinh nghiệm Phúc tiếp tục mua sách về học thêm, rồi lên mạng tìm tòi học hỏi. Khi đã chắc chắn đủ kiến thức, Phúc vay ngân hàng thêm tiền để mở lại trang trại. “Rút kinh nghiệm lần trước, tôi đã đến các trang trại lớn để mua giống chim bồ câu Mỹ, bồ câu Pháp và chim cu gáy Pháp, Nhật về nuôi để nâng cao sản lượng và chất lượng thương phẩm” - Phúc chia sẻ.

Đến nay Phúc đã gây dựng cho mình một trang trại nuôi chim rộng khoảng 200m2, với 150 đôi chim cu gáy, 1.000 đôi chim bồ câu, 40 đôi chim trĩ. Mỗi đôi chim bồ câu thịt có giá 130.000 đồng, riêng bồ cầu giống Mỹ được bán 500.000 đồng một đôi. Chim cu gáy làm cảnh rẻ nhất cũng bán được giá 7 triệu đồng/1 đôi. Mỗi tháng trang trại chim của Phúc cho lợi nhuận 60-70 triệu đồng. Riêng năm 2013 trang trại chim của Phúc cho lợi nhuận 1,2 tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên có 4 lao động.

Nuôi và luyện thanh cho chim bằng công nghệ

Thế mạnh của Phúc là công nghệ thông tin nên trang trại nuôi chim của Phúc cũng hết sức độc đáo. Trong trang trại nhỏ chỉ 200m2 nhưng được Phúc bày bố rất công phu gồm: Khu vực nuôi chim thương phẩm, khu vực nuôi chim cu gáy, khu vực nhân giống chim, khu vực luyện thanh cho chim…mỗi khu vực được Phúc bố trí một giàn máy âm thanh kết nối máy tính và internet để cho chim “nghe nhạc”. Mọi hoạt động quản lí chuồng trại, lịch phun thuốc phòng dịch, lịch ấp nở, đặc điểm, thế mạnh yếu của từng giống chim trong trại đều được Phúc lập thành một hệ thống bài bản và quản lí trên máy vi tính.

Việc nuôi chim thương phẩm đã cầu kỳ, công phu việc nuôi chim cảnh và dạy chim hót lại càng công phu hơn. Khu vực luyện chim hót được Phúc tách thành khu riêng, được vệ sinh sạch sẽ, bố trí từng lồng tách biệt nhau bằng 1 lớp ni-lon màu đen để các chú chim cu gáy không nhìn thấy nhau, việc tách biệt như vậy kích thích các chú chim thi nhau gáy, để tự tìm cách khắc phục điểm yếu và gáy hay hơn. “Giống chim cu gáy này ganh đua nhau rất ghê. Thấy con này gáy con kia cũng sẽ gáy theo và tìm cách gáy hay hơn để thể hiện mình, vì vậy tôi lên mạng download những bản nhạc chim hót hay về mở lên để kích thích chim hót và tập cho chúng học theo” - Phúc chia sẽ kinh nghiệm.

Theo Phúc việc luyện chim hót mất rất nhiều thời gian. Để luyện thành thục một con chim cu gáy, gáy được “3 lèo, 6 bổ” (gáy được 3 lèo và bổ được 6 lần - PV) phải mất gần 2 năm. Mỗi con cu gáy như vậy được các đại gia tìm mua với giá 20 triệu đồng/1con, lợi nhuận từ nuôi chim cu gáy mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng.

Phúc cho biết, chim cu trống thường gáy hay và giọng thanh hơn chim cu mái vì vậy trong quá trình huấn luyện phải chọn những con cu trống gan dạ, không sợ người thì mới huấn luyện thành công: “thường chim cu trống có ngoại hình to hơn, hoặc nhổ lông cánh để xác định chim trống hay mái, nếu cuống lông cánh có màu đen thì đó là con chim trống, còn màu trắng là chim mái” - Phúc đúc rút.

Để gây dựng nhanh giống chim cu gáy Phúc đã nuôi tách biệt chim cu gáy ra khu vực riêng sau khi chim đẻ trứng xong sẽ lấy trứng cho chim cu giống Nhật ấp: “Mỗi tháng chim cu gáy giống sinh sản 1 lứa nhưng tách biệt như vậy không cho ấp thì mỗi tháng chim sinh được 2 lứa trứng, giống chim cu Nhật rất thật thà nên chúng rất thích ấp trứng và nuôi con. Tuy nhiên chúng gáy không hay nên nhất thiết phải chọn giống chim cu gáy giống ta” - Phúc nói.

Hàng ngày để cho chim thư giãn, và kích thích sự phát triển cho chim Phúc thường bố trí mỗi ngày mở nhạc 3 lần (7h, 11h, 18h) để chim nghe nhạc. “Những bản nhạc du dương tác động rất lớn đến sự phát triển của các giống chim, kích thích sự phát triển và gây hưng phấn cho chim sinh sản nhanh” - Phúc chia sẻ.

Không chỉ biết làm giàu cho mình Phúc còn rất nhiệt tình chỉ bảo cho nhiều người cùng chí hướng. Trang trại của Phúc đã trở thành nơi học hỏi kinh nghiệm của người dân trong và ngoài tỉnh. Những ai đến học hỏi kinh nghiệm đều được Phúc chỉ bảo rất nhiệt tình và được Phúc cung cấp con giống đảm bảo chất lượng. “Nuôi chim cho lợi nhuận rất cao, bỏ vốn ít nhưng vì quy trình nuôi quá công phu, cầu kì nên rất ít người mạnh dạn làm. Hiện hơn 20 hộ dân trong huyện đã đến học hỏi kinh nghiệm và tôi nhận bảo lãnh con giống thì họ mới chịu làm, tôi đang đề xuất lên xã để nhân rộng mô hình và đầu tư vốn để nhiều thanh niên trong xã mở trang trại tự tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế” - Phúc bày tỏ.

Phúc cho biết hiện anh đang tiếp tục đẩy mạnh nhân giống chim để sắp tới đấu thầu thêm 1 ha đất hoang của xã mở rộng trang trại, nâng số chim bồ câu lên 5.000 cặp, 700 cặp chim cu gáy và 200 cặp chim trĩ. Đồng thời tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động. Với những thành công ban đầu có được Phúc đã cho mọi người thấy được cách làm của anh đã đúng đắn và không phụ lòng tin của bố mẹ.La Giang
 
Chỉnh sửa lần cuối:
rất cần những thanh niên thế hệ trẻ xông pha thế này!
 
lão nhà báo lại ngậm gì viết bài rồi, bán ồ ạt đại trà được 7tr/ đôi cu thì nhà nhà nuôi rồi, chém gió để bán giống à, 7tr chắc là vài trăm con may ra đc 1-2 con âm hay
 
Bên trên