Cuội
Thành Viên
Có một dạo tôi thậm ghét những con chim lồng và những kẻ chơi chim. Lúc đó tôi còn trẻ, nhiều hoài bão luôn nghĩ đến một khung trời mơ ước bởi vậy những gì ngăn cản tự do là tôi ghét.
Minh họa của họa sĩ Đỗ Đức
Một con chó xích, một chú chim lồng, một đàn cá kiểng, một người gia trưởng, một thiếu nữ cấm cung…tóm lại nhìn những cảnh ấy bao giờ tôi cũng động lòng trắc ẩn và hiển nhiên thương hại là cảm xúc chủ đạo. Lớn lên, va chạm nhiều, nhận những bài học đắng đót tôi mới biết khung trời kia mãi chỉ là mơ ước. Con người hay bất cứ loài vật nào cũng phải chấp nhận những khuôn ước của giống nòi. Tôi đã từng nuôi một con lợn rừng giữa phố dạo chuẩn bị lấy vợ năm 1987. Nuôi nó ngay trong nhà, thả rông như nuôi chó. Con lợn thích nghi nhanh, ngủ ngay gầm giường, tự ra phố kiếm ăn và đến bữa nghe lệnh gõ bằng vung xoong thì vun vút chạy về và nó cũng chỉ được thụ hưởng ngang bằng suất ăn của tôi. Kết quả là dù thích nghi tốt nhưng giống lợn đương nhiên cần phải có một cái chuồng, nó không thể lớn bằng thứ tự do tôi ban phát. Con lợn nuôi gần năm chỉ sắt lại chứ không lớn nổi và nó chết cay đắng trong một căn bệnh dễ đoán: suy dinh dưỡng.
Trở lại với chim lồng, khi đã vỡ mộng tôi dần thấy những con chim nhốt không đáng ghét như tôi tưởng. Và những người nuôi chim cũng chẳng đến nỗi nào. Chí ít là họ đang được sống với đam mê của mình.
Người đầu tiên đưa tôi vào thú chơi này là đạo diễn Quốc Trọng tức chàng diễn viên thủ vai Xuân tóc đỏ lừng danh năm nào. Như nhiều đạo diễn khác, Trọng có những nét chơi dị biệt của nghề nghiệp. Đạo diễn không như cánh nhà văn sống đơn giản, ở họ cái gì cũng cầu kỳ và khác người. Xe máy phải phân khối lớn. Ô tô hoặc mới cóng hoặc xe cũ độ lại. Vòng tay, khuyên tai, quần nhiều túi, bao da kệnh bụng…tóm lại là khác biệt với những giới làm nghệ thuật khác. Riêng với Trọng, ông này thiết kế một khu vườn bề thế chơi chim cảnh và cây cảnh. Trong nhà thì chum vại đựng rượu…cảnh. Vườn nhà Trọng có mấy cây mít rất to, chim chóc bay về ríu rít. Trọng chơi các loại chim, lồng treo san sát ngoài sân trong nhà. Hôm ấy uống rượu, tôi chợt lặng người đi khi con chim cu gáy cất tiếng gù. Cúc cù cu cu cu. 5 âm tiết có nghĩa là bổ ngũ. Khoái quá tôi ra tận lồng chim săm soi. Con chim thật đẹp. Cổ cườm, mắt nâu óng ánh. Giống chim cu hình thức miễn chê. Thấy tôi thích, Trọng lúc đã say líu lô bảo con chim quý đấy, ông thích tôi tặng. Tôi lúc ấy chưa say lắm nên máu tham nổi lên ngay dù tôi biết tỏng cái tạng mình nuôi thân chả xong có mà chim với chả chóc. Ngay lập tức tôi rời tiệc rượu ở nhà Trọng. Chần chừ ăn cám ngay. Trọng quý chim hào phóng đột xuất chỉ là vì say thôi, tỉnh thì còn mướt nhé, có mà khươm mươi năm cũng đừng hòng móc nổi một cái lông. Đêm đó tôi về nhà trong tình trạng chưa hẳn miên man nhưng đã ở ngưỡng kiệm lời tức là khó có thể nói được rành rẽ. Ôm khư khư chiếc lồng quây kín bằng vải đỏ, tôi gọi cửa. Vợ tôi suýt té ngửa vì cái lồng chim đỏ. Cu gáy bổ ngũ, tôi giải thích. Câu thoại chẳng đầu chẳng cuối nhưng vợ tôi cũng hiểu nguồn cơn. Không nói không rằng, vợ tôi xách lồng chim ấn vào dưới bàn làm việc của tôi. Hiểu. Rất hiểu. Có nghĩa là cô ấy không chấp nhận con chim. Chẳng sao. Tôi loay hoay thu xếp. Được vài ba ngày, con chim cứ nghỉm dần. Đầu tiên còn cúc cù cu cu cu. Sau rời rạc nhát được nhát không. Rồi nó bỏ ăn phá lồng. Phá rất kinh như con người ta tự sát, cứ lao đầu vào lồng như điên như dại. Sọ tượt cả lông lẫn da trơ ra hộp xương rơm rớm máu. Tôi bí quá đèo nó ra cánh đồng thả. Nhưng con chim cứ quắp chân vào nan lồng không chịu. Mở hẳn cửa lồng, dấp vào ruộng lúa nó vẫn kiên cường bám trụ. Lạ thật. Không thèm cả tự do thì chỉ còn nước chết. Bất lực, tôi mang đến nhà trả Trọng con chim. Trọng tiếc hùi hụi con chim quý. Nó chết ngay sau khi tôi mang trả. Khỏi tả cảm xúc chán chường của tôi. Ngay hôm trả chim tôi đã ngồi viết cái truyện ngắn Tiếng hót lồng. Tất nhiên là phải hư cấu đoạn cuối. Tức là con chim không hót ở nhà tôi, không chịu bay về cánh đồng xứ sở nhưng lại hót ở nhà Trọng nơi có đồng loại của nó. Văn học luôn có tính ám chỉ là thế. Con chim chỉ hót được ở nơi nó quen cuộc sống tù túng bầy đàn. Thế có đắng ngắt không hở giời.
Sau cái truyện ngắn tự nhiên tôi dở chứng thấy cay mũi vì con chim của Trọng. Sao tôi lại không có thể nuôi được chim cơ chứ. Tôi mua liền mấy con khướu, chích chòe, chào mào…và chịu khó nghiền ngẫm học hỏi cách nuôi. Việc tiến triển tốt nếu không có một sự cố hy hữu. Số chim này bị cú hát đêm mưa của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong một lần say viếng thăm nhà, xông vào tận buồng ngủ của vợ tôi hát tặng mấy bài khiến tôi mải canh chừng anh quên không cất làm cả đàn chết ngỏm. Nhưng tôi không nản. Đi chơi đâu có chim hay là tôi để ý. Thân quen thì gạ gẫm xin, lạ thì mua. Một dạo tôi vác về được hai con sáo rất hay. Một con ở quê nhà văn Trung Trung Đỉnh, Hải Phòng. Con này mỏ xám chân chì, sáo đồng, nói được rất sõi. Nhiều văn nhân về quê anh Đỉnh chơi đã mục kích con sáo này (Bọ Lập dạo chưa ngã xe từng về đây uống say trêu chọc để nó đỏ mắt cáu, lao mổ qua khe lồng hàng tiếng đồng hồ. Sau mệt quá nó cầu hòa bảo Bọ nguyên văn: Thôi đừng đánh nhau nữa. Chết cười. Chim với chả chóc.). Nó bắt chước tiếng người rất tài. Nói vanh vách đủ mọi thứ nó thu nạp được. Anh Nam, anh ruột của nhà văn Trung Trung Đỉnh tiếc đứt ruột nhưng thấy tôi thích nó quá nên đành phải cho. Một con nữa tôi lấy ở nhà ông nhà văn xứ Tuyên Đinh Công Diệp. Con sáo núi chân vàng mỏ vàng đặc biệt quý hiếm. Con này chỉ nói được mấy từ: Lạy cụ ạ, cụ có khách, khách vào, khách vào nhưng tiếng rất to và vang. Tôi rất cưng hai con sáo. Nhưng nói thật đến chim chóc ở với tôi cũng thành tật. Con sáo Hải Phòng mổ chột mắt con sáo Tuyên Quang là do tôi sơ suất để lồng sát nhau. Con Sáo Hải Phòng thì chả biết ngứa chân thế nào cứ dùng mỏ rỉa đến nỗi cụt mất mấy ngón thành ra chim thọt thỉnh thoảng trượt thanh đậu, mất đà lại lộn một vòng rất nghệ. Một con thọt, một con chột nhưng mồm miệng không giảm, nhí nhố suốt ngày cũng vui. Đợt cúm gia cầm có lệnh giết chim chóc. Tôi xót xa cho hai ông tướng, hôm đoàn kiểm tra liên ngành của phường vào đã cẩn thận đưa vào nhà tắm tắt đèn phủ chăn để trốn. Mọi việc êm xuôi cả, tôi nói dối là đã thả. Trà lá xong, đoàn kiểm tra ra về đến cửa chợt họ khững lại hết lượt. Ông sáo Tuyên ông ổng lạy cụ với lại khách vào. Còn đại ca Hải Phòng cũng chả kém cạnh hô lảnh lót bắt lấy nó, bắt lấy nó. Thế là xong. Vừa ngượng vì nói dối, vừa tốn mấy quyển sách biếu rút cục vẫn phải thả chim. Có được kết cục ấy là do đoàn kiểm tra nể tình tôi hạ từ mức tử xuống án phóng thích nên hai cu cậu mới thoát. Thả rồi nhưng đâu như chim lồng không thích bay đi hoặc bay đi không nổi thì phải, chúng nó cứ quẩn quanh mãi nơi đầu nhà, góc mái. Con trai nhà hàng xóm tóm sống mang trả nhưng tôi cay vì cú phản thùng mất mặt nên cho nó luôn. Hai con này giờ vẫn sống trên gác thượng nhà hàng xóm nói véo von suốt bất chấp thân thể tàn tật. Trộm vía, sau sự kiện đại dịch cúm gia cầm ấy tôi ngán luôn loại chim nói tiếng người, có khác gì mấy ông tây bà đầm lơ lớ nói tiếng Việt. Chán nẫu.
Sự nghiệp chim chóc của tôi chấm dứt từ đấy. Là ý chí thế nhưng rồi như duyên nợ, năm rồi làm nhà mới tôi lại nổi hứng rước về mấy con chào mào và một con cu gáy. Chào mào không nói làm gì vì nó chỉ biết hót chay nhưng con cu gáy thì đủ trò. Từ chào khách cù cu, cổ gật gù như lạy đến gọi chủ thảm thiết cúc cù cu rồi những lúc cao hứng nó cúc cù cu cu theo điệu gù bản năng giống nòi. Con này chỉ bổ tứ hót được 4 từ. Tôi thò tay vào lồng trêu chọc, nó giương cánh đánh phanh phách đau điếng, họng gừ gừ rất tình. Tiếng là chim nhưng khôn lõi. Tôi đi đâu xa cu cậu nhớ bạn thậm chí bỏ hót đến mấy ngày.
Hôm rồi có anh bạn họa sĩ đến chơi tỏ ra bất bình khi thấy tôi chơi chim. Anh này bảo sao ông không để nó tự do? Tôi chẳng giải thích làm gì cho mệt. Đến tôi đây cũng được tự do đâu trong cái hom gia đình. Ngày nào chả phải hát điệp khúc phấn đấu người chồng nhân dân, người cha ưu tú. Chưa kể còn so sánh rộng ra những lĩnh vực khác nữa. Thôi chẳng bàn đến mấy từ nhạy cảm rách việc này làm gì cho phiền.
Nhưng bạn có tin không? Loài chim cu dù rất tình cảm nhưng không bao giờ nó nguôi ngoai khát vọng cánh đồng. Nghĩa là sểnh ra là nó bay, một đi không bao giờ trở lại (là mấy ông nuôi chim chuyên nghiệp khẳng định thế). Con cu gáy của tôi bây giờ đã chứng minh cho nhận định ấy. Đã vài lần nó chớp cơ hội bay vút tìm đường thoát. Khốn khổ cho nó tưởng cửa mở nên lao đầu vào kính ngất lịm. Nhờ thế tôi càng quý nó hơn. Chợt nghĩ đến con chim cu gáy bổ ngũ dạo nào của đạo diễn Quốc Trọng. Chính tay tôi thả ở cánh đồng nhưng nó đâu có chịu ra. Ô hay sao lại mâu thuẫn thế?
Mâu thuẫn là khát vọng của chim lồng chăng? Thề có cái lồng chim tôi không hề chích chòe tẹo nào. Chưa bao giờ tôi trả lời được câu hỏi ấy./.
Tác giả: Phạm Ngọc Tiến
Minh họa của họa sĩ Đỗ Đức
Một con chó xích, một chú chim lồng, một đàn cá kiểng, một người gia trưởng, một thiếu nữ cấm cung…tóm lại nhìn những cảnh ấy bao giờ tôi cũng động lòng trắc ẩn và hiển nhiên thương hại là cảm xúc chủ đạo. Lớn lên, va chạm nhiều, nhận những bài học đắng đót tôi mới biết khung trời kia mãi chỉ là mơ ước. Con người hay bất cứ loài vật nào cũng phải chấp nhận những khuôn ước của giống nòi. Tôi đã từng nuôi một con lợn rừng giữa phố dạo chuẩn bị lấy vợ năm 1987. Nuôi nó ngay trong nhà, thả rông như nuôi chó. Con lợn thích nghi nhanh, ngủ ngay gầm giường, tự ra phố kiếm ăn và đến bữa nghe lệnh gõ bằng vung xoong thì vun vút chạy về và nó cũng chỉ được thụ hưởng ngang bằng suất ăn của tôi. Kết quả là dù thích nghi tốt nhưng giống lợn đương nhiên cần phải có một cái chuồng, nó không thể lớn bằng thứ tự do tôi ban phát. Con lợn nuôi gần năm chỉ sắt lại chứ không lớn nổi và nó chết cay đắng trong một căn bệnh dễ đoán: suy dinh dưỡng.
Trở lại với chim lồng, khi đã vỡ mộng tôi dần thấy những con chim nhốt không đáng ghét như tôi tưởng. Và những người nuôi chim cũng chẳng đến nỗi nào. Chí ít là họ đang được sống với đam mê của mình.
Người đầu tiên đưa tôi vào thú chơi này là đạo diễn Quốc Trọng tức chàng diễn viên thủ vai Xuân tóc đỏ lừng danh năm nào. Như nhiều đạo diễn khác, Trọng có những nét chơi dị biệt của nghề nghiệp. Đạo diễn không như cánh nhà văn sống đơn giản, ở họ cái gì cũng cầu kỳ và khác người. Xe máy phải phân khối lớn. Ô tô hoặc mới cóng hoặc xe cũ độ lại. Vòng tay, khuyên tai, quần nhiều túi, bao da kệnh bụng…tóm lại là khác biệt với những giới làm nghệ thuật khác. Riêng với Trọng, ông này thiết kế một khu vườn bề thế chơi chim cảnh và cây cảnh. Trong nhà thì chum vại đựng rượu…cảnh. Vườn nhà Trọng có mấy cây mít rất to, chim chóc bay về ríu rít. Trọng chơi các loại chim, lồng treo san sát ngoài sân trong nhà. Hôm ấy uống rượu, tôi chợt lặng người đi khi con chim cu gáy cất tiếng gù. Cúc cù cu cu cu. 5 âm tiết có nghĩa là bổ ngũ. Khoái quá tôi ra tận lồng chim săm soi. Con chim thật đẹp. Cổ cườm, mắt nâu óng ánh. Giống chim cu hình thức miễn chê. Thấy tôi thích, Trọng lúc đã say líu lô bảo con chim quý đấy, ông thích tôi tặng. Tôi lúc ấy chưa say lắm nên máu tham nổi lên ngay dù tôi biết tỏng cái tạng mình nuôi thân chả xong có mà chim với chả chóc. Ngay lập tức tôi rời tiệc rượu ở nhà Trọng. Chần chừ ăn cám ngay. Trọng quý chim hào phóng đột xuất chỉ là vì say thôi, tỉnh thì còn mướt nhé, có mà khươm mươi năm cũng đừng hòng móc nổi một cái lông. Đêm đó tôi về nhà trong tình trạng chưa hẳn miên man nhưng đã ở ngưỡng kiệm lời tức là khó có thể nói được rành rẽ. Ôm khư khư chiếc lồng quây kín bằng vải đỏ, tôi gọi cửa. Vợ tôi suýt té ngửa vì cái lồng chim đỏ. Cu gáy bổ ngũ, tôi giải thích. Câu thoại chẳng đầu chẳng cuối nhưng vợ tôi cũng hiểu nguồn cơn. Không nói không rằng, vợ tôi xách lồng chim ấn vào dưới bàn làm việc của tôi. Hiểu. Rất hiểu. Có nghĩa là cô ấy không chấp nhận con chim. Chẳng sao. Tôi loay hoay thu xếp. Được vài ba ngày, con chim cứ nghỉm dần. Đầu tiên còn cúc cù cu cu cu. Sau rời rạc nhát được nhát không. Rồi nó bỏ ăn phá lồng. Phá rất kinh như con người ta tự sát, cứ lao đầu vào lồng như điên như dại. Sọ tượt cả lông lẫn da trơ ra hộp xương rơm rớm máu. Tôi bí quá đèo nó ra cánh đồng thả. Nhưng con chim cứ quắp chân vào nan lồng không chịu. Mở hẳn cửa lồng, dấp vào ruộng lúa nó vẫn kiên cường bám trụ. Lạ thật. Không thèm cả tự do thì chỉ còn nước chết. Bất lực, tôi mang đến nhà trả Trọng con chim. Trọng tiếc hùi hụi con chim quý. Nó chết ngay sau khi tôi mang trả. Khỏi tả cảm xúc chán chường của tôi. Ngay hôm trả chim tôi đã ngồi viết cái truyện ngắn Tiếng hót lồng. Tất nhiên là phải hư cấu đoạn cuối. Tức là con chim không hót ở nhà tôi, không chịu bay về cánh đồng xứ sở nhưng lại hót ở nhà Trọng nơi có đồng loại của nó. Văn học luôn có tính ám chỉ là thế. Con chim chỉ hót được ở nơi nó quen cuộc sống tù túng bầy đàn. Thế có đắng ngắt không hở giời.
Sau cái truyện ngắn tự nhiên tôi dở chứng thấy cay mũi vì con chim của Trọng. Sao tôi lại không có thể nuôi được chim cơ chứ. Tôi mua liền mấy con khướu, chích chòe, chào mào…và chịu khó nghiền ngẫm học hỏi cách nuôi. Việc tiến triển tốt nếu không có một sự cố hy hữu. Số chim này bị cú hát đêm mưa của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong một lần say viếng thăm nhà, xông vào tận buồng ngủ của vợ tôi hát tặng mấy bài khiến tôi mải canh chừng anh quên không cất làm cả đàn chết ngỏm. Nhưng tôi không nản. Đi chơi đâu có chim hay là tôi để ý. Thân quen thì gạ gẫm xin, lạ thì mua. Một dạo tôi vác về được hai con sáo rất hay. Một con ở quê nhà văn Trung Trung Đỉnh, Hải Phòng. Con này mỏ xám chân chì, sáo đồng, nói được rất sõi. Nhiều văn nhân về quê anh Đỉnh chơi đã mục kích con sáo này (Bọ Lập dạo chưa ngã xe từng về đây uống say trêu chọc để nó đỏ mắt cáu, lao mổ qua khe lồng hàng tiếng đồng hồ. Sau mệt quá nó cầu hòa bảo Bọ nguyên văn: Thôi đừng đánh nhau nữa. Chết cười. Chim với chả chóc.). Nó bắt chước tiếng người rất tài. Nói vanh vách đủ mọi thứ nó thu nạp được. Anh Nam, anh ruột của nhà văn Trung Trung Đỉnh tiếc đứt ruột nhưng thấy tôi thích nó quá nên đành phải cho. Một con nữa tôi lấy ở nhà ông nhà văn xứ Tuyên Đinh Công Diệp. Con sáo núi chân vàng mỏ vàng đặc biệt quý hiếm. Con này chỉ nói được mấy từ: Lạy cụ ạ, cụ có khách, khách vào, khách vào nhưng tiếng rất to và vang. Tôi rất cưng hai con sáo. Nhưng nói thật đến chim chóc ở với tôi cũng thành tật. Con sáo Hải Phòng mổ chột mắt con sáo Tuyên Quang là do tôi sơ suất để lồng sát nhau. Con Sáo Hải Phòng thì chả biết ngứa chân thế nào cứ dùng mỏ rỉa đến nỗi cụt mất mấy ngón thành ra chim thọt thỉnh thoảng trượt thanh đậu, mất đà lại lộn một vòng rất nghệ. Một con thọt, một con chột nhưng mồm miệng không giảm, nhí nhố suốt ngày cũng vui. Đợt cúm gia cầm có lệnh giết chim chóc. Tôi xót xa cho hai ông tướng, hôm đoàn kiểm tra liên ngành của phường vào đã cẩn thận đưa vào nhà tắm tắt đèn phủ chăn để trốn. Mọi việc êm xuôi cả, tôi nói dối là đã thả. Trà lá xong, đoàn kiểm tra ra về đến cửa chợt họ khững lại hết lượt. Ông sáo Tuyên ông ổng lạy cụ với lại khách vào. Còn đại ca Hải Phòng cũng chả kém cạnh hô lảnh lót bắt lấy nó, bắt lấy nó. Thế là xong. Vừa ngượng vì nói dối, vừa tốn mấy quyển sách biếu rút cục vẫn phải thả chim. Có được kết cục ấy là do đoàn kiểm tra nể tình tôi hạ từ mức tử xuống án phóng thích nên hai cu cậu mới thoát. Thả rồi nhưng đâu như chim lồng không thích bay đi hoặc bay đi không nổi thì phải, chúng nó cứ quẩn quanh mãi nơi đầu nhà, góc mái. Con trai nhà hàng xóm tóm sống mang trả nhưng tôi cay vì cú phản thùng mất mặt nên cho nó luôn. Hai con này giờ vẫn sống trên gác thượng nhà hàng xóm nói véo von suốt bất chấp thân thể tàn tật. Trộm vía, sau sự kiện đại dịch cúm gia cầm ấy tôi ngán luôn loại chim nói tiếng người, có khác gì mấy ông tây bà đầm lơ lớ nói tiếng Việt. Chán nẫu.
Sự nghiệp chim chóc của tôi chấm dứt từ đấy. Là ý chí thế nhưng rồi như duyên nợ, năm rồi làm nhà mới tôi lại nổi hứng rước về mấy con chào mào và một con cu gáy. Chào mào không nói làm gì vì nó chỉ biết hót chay nhưng con cu gáy thì đủ trò. Từ chào khách cù cu, cổ gật gù như lạy đến gọi chủ thảm thiết cúc cù cu rồi những lúc cao hứng nó cúc cù cu cu theo điệu gù bản năng giống nòi. Con này chỉ bổ tứ hót được 4 từ. Tôi thò tay vào lồng trêu chọc, nó giương cánh đánh phanh phách đau điếng, họng gừ gừ rất tình. Tiếng là chim nhưng khôn lõi. Tôi đi đâu xa cu cậu nhớ bạn thậm chí bỏ hót đến mấy ngày.
Hôm rồi có anh bạn họa sĩ đến chơi tỏ ra bất bình khi thấy tôi chơi chim. Anh này bảo sao ông không để nó tự do? Tôi chẳng giải thích làm gì cho mệt. Đến tôi đây cũng được tự do đâu trong cái hom gia đình. Ngày nào chả phải hát điệp khúc phấn đấu người chồng nhân dân, người cha ưu tú. Chưa kể còn so sánh rộng ra những lĩnh vực khác nữa. Thôi chẳng bàn đến mấy từ nhạy cảm rách việc này làm gì cho phiền.
Nhưng bạn có tin không? Loài chim cu dù rất tình cảm nhưng không bao giờ nó nguôi ngoai khát vọng cánh đồng. Nghĩa là sểnh ra là nó bay, một đi không bao giờ trở lại (là mấy ông nuôi chim chuyên nghiệp khẳng định thế). Con cu gáy của tôi bây giờ đã chứng minh cho nhận định ấy. Đã vài lần nó chớp cơ hội bay vút tìm đường thoát. Khốn khổ cho nó tưởng cửa mở nên lao đầu vào kính ngất lịm. Nhờ thế tôi càng quý nó hơn. Chợt nghĩ đến con chim cu gáy bổ ngũ dạo nào của đạo diễn Quốc Trọng. Chính tay tôi thả ở cánh đồng nhưng nó đâu có chịu ra. Ô hay sao lại mâu thuẫn thế?
Mâu thuẫn là khát vọng của chim lồng chăng? Thề có cái lồng chim tôi không hề chích chòe tẹo nào. Chưa bao giờ tôi trả lời được câu hỏi ấy./.
Tác giả: Phạm Ngọc Tiến
Relate Threads
Interested Threads
Latest Threads