XIN TRẢ LỜI
Thưa các bạn!
Câu hỏi này đã có rất nhiều bạn đặt vấn đề từ hàng chục năm về trước trên Diễn Đàn Sinh Vật cảnh và Diễn Đàn Chim Cảnh Việt Nam.
Thực ra để có một con chim chiến tốt không phải chỉ phụ thuộc vào việc cho ăn gì, mà nó có rất nhiều yếu tố. Sau đây chúng ta sẽ lần lượt xét đến một số yếu tố chính nhé.
1- Tố chất con chim. Yếu tố này quyết định 55% đến 60% khả năng thi đấu của con chim.
*- Chim phải to, khỏe. Những người chơi gà chiến và chim chiến đều tâm đắc một câu: “ Nhất khỏe, nhì tài”. Vì thế người chơi chim chiến thường chọn những con to bộ (bộ đại). Tất nhiên hy hữu cũng có những con chim nhỏ bộ nhưng rất gan dạ và có khả năng tác chiến rất tuyệt vời.
*- Chim phải có sức bền, có khả năng chịu đòn, gan lì, dù bị đánh đau cũng không bỏ chạy. Vì thế chim cần có chất lông cứng, thẳng, chắc chắn, chân phải già có vảy sừng, mỏ phải mập và được rèn tập chú đáo mới chịu đựng được.
*- Chim phải có khả năng tác chiến nhanh nhẹn và kỹ thuật ra đòn hiểm. Những con chủy đòn cần có mỏ mập, ngắn vừa phải ( mỏ búp đa ), cổ vại. Những con đánh cước đòn (đòn chân) cần có guốc chân dày, vảy chân già, móng không được dài quá, độ cong vừa phải và cứng để thực hiện những miếng khóa không cho đối phương gỡ thoát.
2- Luyện tập kỹ năng tác chiến
*- Chim phải biết di chuyển hợp lý ở cửa công, lên xuống, tránh đòn nhanh nhẹn nhưng không bỏ chạy. Khi tấn công phải dứt khoát, quyết liệt theo sở trường của mình. Điều này chỉ có thể có khi con chim được rèn luyện chu đáo như tập lực, thử mỏ hợp lý theo một chế độ duy trì khắt khe. Không thử mỏ bừa bãi và quá nhiều khiến con chim nhạt đòn.
*- Chim phải được tắm nắng, tắm nước đầy đủ như đã nêu ở bài số 4 trong 7 bài cơ bản.
3- Kỹ thuật quản điều. Đây là một khâu vô cùng quan trọng đối với người nuôi họa mi chiến. Người chủ chim phải quản lý và nắm vững từng giai đoạn thay đổi sức khỏe của con chim theo thời gian mùa. Một con chim chỉ có một thời điểm có thể lực tốt nhất trong một năm, gọi là chim căng đạt lửa. Vì thế người quản chim (chủ chim) phải nắm được thời điểm đó để cho chim thi đấu khi sức khỏe của nó tốt nhất. Ngôn ngữ chuyên môn gọi là “bắt điểm lửa”
Một con chim có lửa sẽ như thế nào?
- Tiếng hót thét lên nhưng rất vang và trong, không lẫn những tạp âm khàn và rè (chim hót có lửa)
- Đủ lông: Lông thân chim phải dày và bọc kín mình, lông cánh ốp sát thân gọn gàng, lông đuôi đủ 12 cái dài đẫy. Điều này rất quan trong khi chim thực hiện đòn chân.
- Mắt chim không còn tròn mà méo như thiết diện dọc của quả trứng gà. Anh em thường nói là mắt méo hạt dưa. Con ngươi mắt dù để trong râm cũng nhỏ tít lại. Khi đối mặt với chim, ta nhìn thật tinh sẽ phát hiện được sa nhãn nổi lên quanh con ngươi.
Có đủ những yếu tố trên là đã đúng điểm lửa, có thể đem chim đi chiến được.
Người quản điều làm đúng các điều đó, gọi là “bắt đúng điểm lửa”
4- Chế độ dinh dưỡng
Theo quan điểm của mình, việc cung cấp chất dinh dưỡng cho chim không gì tốt hơn là đưa nó gần về với chế độ dinh dưỡng tự nhiên của nó. Tuy nhiên việc đó không hề dễ nên ta cần có một chế độ cung cấp chất dinh dưỡng một cách khoa học, đủ thành phần hữu cơ và vô cơ cho con chim.
- Về cung cấp chất hữu cơ đã trình bày ở bài số 2 trong bảy bài cơ bản (Thức ăn cho chim họa mi)
- Về cung cấp chất vô cơ đã trình bày ở bài số 3 và 3 bis trong bảy bài cơ bản (Khoáng chất)
Một số bạn nóng vội, muốn chạy theo thành tích nên sử dụng một số loại thức ăn đặc biệt như:
*- Cám kích của Trung Quốc: Người Trung Quốc đã dùng khoáng cho chim từ rất lâu nhưng trong khoáng chất của Trung Quốc thường có thêm thành phần Sinadephin làm tăng sự ham muốn nam tính, dẫn đến con chim căng lửa khi chưa đủ những yếu tố cần thiết của thể chất. Sau đó con chim xuống lửa rất nhanh và rất lâu hổi phục.
*- Một số bạn dùng tinh hoàn của gà, chó cho chim ăn, mong con chim của mình sẽ “máu!” Các bạn trong Nam thường có đặc chiêu là cho ăn con liêu điêu để chim có lửa. Miền bắc có bạn thức cả đêm rình bắt thạch sùng cho chim ăn… Nói chung các thức ăn có nguồn gốc động vật nếu cho ăn đúng liều lượng thì không có hại gì nhưng cho ăn nhiều quá rất dễ bị ỉa chảy hoặc béo sệ sinh ra chậm chạp là hơi phiền đấy.
*- Dùng vị thuốc:
Một số bạn có hỏi tôi là: Có nên cho kỷ tử vào vào thành phần của cám chim không?
Kỷ tử còn gọi là khởi tử, địa cốt tử thuộc họ cà và có tên khoa học là Lycium sinenase là một vị thuốc đông y, được coi là bổ toàn thân, dùng trong các bệnh đái đường, ho lao, viêm phổi, mệt nhọc, suy yếu tinh khí và còn được coi là vị thuốc giữ cho người trẻ lâu dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc ngâm rượu.
Trong thành phần của khởi tử có khoảng 0,09% (chín phần vạn) chất hetain C5H11O2N. Theo nghiên cứu của Từ Quốc Quân và Triệu Thủ Huấn ( Trung Quốc ) và một số nhà nghiên cứu khác thì trong khởi tử có 2,2% chất béo, 4,6% Protein và có một chút atropin.
Từ những dữ liệu trên ta có thể thấy cho khởi tử vào thành phần cám chim không có hại gì nhưng việc khởi tử tác động trên cơ thể chim sẽ rất khác với tác động trên cơ thể người và nó sẽ đem lại kết quả thế nào thì chưa ai nghiên cứu. Bản thân mình chưa bao giờ dùng vị thuốc này cho chim nên không thể đưa ra kết luận gì được.
Mình nhắc lại: Quan điểm của mình là luôn muốn đưa đời sống con chim nuôi về gần với đời sống thiên nhiên hoang dã của nó nên thức ăn làm cho chim của mình cũng rất bình thường thôi (đủ chất hữu cơ và vô cơ cần thiết).
Chúc các bạn đạt được những điều mong muốn trong thú chơi chim này!
Các bạn hãy góp thêm ý kiến nhé
Nguồn : https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1536780566538442&set=a.1403328649883635.1073741829.100006195391520&type=1
Relate Threads
Latest Threads