Cu gáy - loài chim của vùng quê yên tĩnh

ngoctuan

Đại Bàng Bố
Nhân viên
Tham gia
11 Tháng chín 2010
Bài viết
9,238
Điểm tương tác
1,818
Điểm
65
Tuổi
43
Địa chỉ
Ho Chi Minh
chimcugay.jpg

Chim Cu Gáy, còn gọi là chim Cu là loại chim thường gặp nhất ở vùng thôn quê yên tĩnh.

Chim Cu Gáy, còn gọi là chim Cu là loại chim thường gặp nhất ở vùng thôn quê yên tĩnh.

Từ Bắc chí Nam, ở đâu có đồng ruộng là ở đó có Cu gáy sinh sống. Chúng cần dựa vào người mà sống, vì thức ăn của Cu Gáy chủ yếu là lúa, đậu, mè, là những nông sản do nông dân làm ra.

Cu Gáy có hai loại :

- Cu Cườm, còn gọi là Cu Đất, có cườm ở cổ.
- Cu Ngói, thân hình nhỏ hơn Cu Cườm, toàn thân lông màu hung đỏ, cổ không cườm mà thay vào đó là một vạch đen quanh cổ.

Đúng ra phải kể thêm một loại Cu nữa là Cu Xanh, còn gọi là Cu rừng, vì chúng chỉ sống ở rừng. Cu Xanh thì toàn thân lông màu xanh lá cây, thân hình cũng lớn bằng Cu Gáy.

Thường thì những người thích nuôi Cu Gáy là những người già, những lão nông. Họ treo một vài lồng chim nhỏ ở trước hiên nhà để thỉnh thoảng nghe được vài câu “Cúc cu cu…” và lấy làm đắc ý.

Người chưa hề nuôi chim Cu, chưa hiểu rõ đặc tính của chim Cu ra sao, thì thường hay thắc mắc không hiểu loại chim này có gì đáng hấp dẫn đến độ có người mê nuôi chúng đến như thế.
Người ta thường kể cho nhau nghe những chuyện khó tin nhưng lại là chuyện có thật : nhưng có những người thương con Cu gáy đến độ nhà cháy không lo “chạy” đồ đạc đắt giá trong nhà mà chỉ vội vàng xách chiếc lồng Cu vì sợ chết con chim quí hóa. Có người chạy giặc mặc cho vợ con tay xách nách mang đồ đạc, còn mình thì chỉ khư khư giữ chiếc lồng chim Cu.

Như vậy thì loại chim tưởng là tầm thường này chắc hẳn cũng có những ưu điểm bất thường mà người đời chưa hiểu rõ nên cho là tầm thường chăng?

Hình dáng : Chim Cu Gáy hình dáng như một chú bồ câu sẻ, cổ có cườm bao hết vòng giáp cổ thì gọi là cườm liên hoàn. Cườm liên hoàn thì vô cùng quí hiếm, vài trăm con mới có được một con. Lông chim có màu xám hồng ở phần đầu, ức và bụng. Phần gián cánh lông màu đen, và trên cánh có những vệt đen nhỏ tạo thành những đốm vảy qui trên cánh.

Nhưng với một chim Cu thuộc vào loại tốt nhất mà người sành điệu lựa nuôi thì phải có những điểm đặc biệt sau:

- Nhất Huỳnh kiên: Tức là chim có cườm màu vàng. Cườm này phải xuống tận vai nhưng không đóng ở trên lưng. Dĩ nhiên loại chim này hiếm khi được gặp.

- Nhì Liên giáp: Tức là hình dáng của chim giống như một cái bắp chuối, hai đầu nhỏ, giữa phình ra, trông rắn chắc, gọn chặt.

- Tam Quá khóe: Có cái chỉ màu đen chạy dưới khóe mắt, dài quá khóe mắt một chút mới tốt.

- Tứ Chân khô: Có nghĩa là chân chim phải vuông cạnh và khô. Vảy đóng hai hàng trơn, đóng chặt, nổi mốc lên.

- Ngũ Liên hoàn: Cườm phải đóng giáp vòng hết cổ mới thật tốt. Thường thì chim chỉ có cườm đóng ở phần trên cổ mà thôi, phần ức không có cườm.

- Lục Cườm rựng: Tức là có cườm lót. Chim mà có cườm rựng là chim có gù hậu, tức là gáy dai dẳng.

Tất cả những con chim Cu nào có một trong những đặc điểm trên đây đều thuộc loại chim quí hiếm, dùng làm Cu mồi rất tốt.

Ngoài ra, cũng phải lưu ý tới những chi tiết quan trọng sau đây:

- Chim Cu mà đuôi vót, tức là ở bắp đuôi thì lót, chót đuôi thì nhỏ lại mới là con chim tốt và khôn.

- Chim có gián cánh, tức là có lông trắng ở trên một cánh hay ở cả hai cánh. Đó là chim tốt nên chọn nuôi.

-Chim có móng trắng gọi là Bạch Đề : chỉ cần có một móng trắng hay nhiều móng trắng là chim quí hiếm.

-Chim có màu đỏ là chim sát thủ : tức là chim rất dữ, chọn làm mồi thì chỉ toàn gặp may.
Ngoài ra, ta còn phải chọn chim có đầu nhỏ, có mỏ cong, có hình bầu, có cổ lãi (cổ cao), có chân thấp, có đuôi thon, có cánh phủ mình hay cánh chéo, lông phủ đầu gối…

Xem thế đủ thấy chọn một con chim Cu Gáy thật hay cũng khó khăn như chọn một gà nòi đá độ. Chọn gà nòi người ta cũng chọn đầu, cổ, lưng, lườn, ghim, chân, vảy, móng, đến cánh gà, đuôi lao… À thì ra đây là giống để đá. Con chim Cu gọi là hay là con chim dùng để làm cu mồi. Giống Cu mồi thì hung hăng ham đá, vì vậy mấy con khác mới thi nhau sa vào bẫy rập của người gác Cu.

Chim cu gáy - Biểu tượng mùa gặt thanh bình của nông thôn Việt!
Quê tôi ở miền Trung du Phú Thọ. Mỗi khi nắng trải vàng trên cánh đồng lúa mênh mông là lúc râm ran tiếng gù của chim cu gáy. Người sành chơi quê tôi thường nuôi chim trong lồng hẹp, cái cảnh bức bối tù hãm ấy mới dồn nén làm bật lên tiếng gù làm say đắm lòng người. Qua chú tôi, một lão nông tri điền cả một đời chỉ nuôi chim cu gáy, tôi hiểu thêm thú chơi cầu kì này.
Tiếng gáy của chim cu có nhiều giọng, nhiều cung bậc, nhưng người chơi thường chia làm hai loại: giọng kim (cao) và giạng thổ (trầm). Trong giọng thổ lại chia ra giọng thổ đồng và giọng thổ gầm. Được con chim có giọng thổ đồng đã quý, nhưng được giọng thổ gầm thì quý bội phần. Đó là giọng trầm trầm của thổ đồng xen lẫn tiếng rù...rù.... Giọng một con cu gáy hay phải đạt được những yêu cầu cơ bản như: chu ( nghe như tiếng sáo diều, tiếng gió thổi qua ống tre); mỏ ( nhẹ nhàng, xa xăm); vấp ( tiếng gáy nhưng lại như bị ngắt); thừa ( thêm một tiếng lạ bất kì); ***** ( gáy ***** các hồi trên); đảo ( gáy từ hồi một đến hồi năm rồi lại từ hồi năm đến hồi một), đảo đi đảo lại nhiều lần). Tiết tấu là đỉnh cao của một giọng gáy, lúc dồn dập, lúc khoan thai lúc nhẹ nhàng như lời tự tình, khi lại hùng dũng. Chú tôi rất quý một con cu gáy "cườm vưng" có giọng thổ gầm " hò tứ". Tiếng gù đang say sưa trầm ấm bỗng như ngưng lại rồi chợt bật lên tiếng "thừa" như một tiếng cười ngạo nghễ. Chú tôi thích thú bảo: - Cháu cứ nghe kĩ rồi nghiệm xem, có khác nào tiếng cười bi ai của chàng Từ Hải, hùm chót sa cơ nhưng chí khí ngất trời. Tôi tuy đã đi công tác xa, mỗi lần nghe tiếng gù của chim cu gáy lại da diết nhớ đồng quê một nắng hai sương; nhớ cồn cào manh áo gụ bạc sờn đọng trắng mồ hôi của bà, của mẹ; nhớ tuổi thơ cùng bạn bè đi học, trưa nắng ngồi nghỉ chân dưới gốc đa cổ thụ, nơi có đền thờ Mẹ Âu Cơ, nghe tiếng chim cu gáy mênh mang và thả hồn trong những ước mơ về ngày mai.
4437734711_d2ee6c3baf_o.jpg

Nhớ chim cu gáy đồng xa

Ngày còn bé, mỗi lần về quê ghé thăm ông cậu, cảnh tượng quen thuộc đầu tiên đập vào mắt tôi là hai cái lồng chim cu treo lủng lẳng ở mái hiên nhà. Lồng bằng tre vót nhỏ rứt, bo tròn vành như quả bí, bọc vải bên ngoài kín đáo. Cứ một con gù gù, con lồng bên cạnh lại cất tiếng gáy như để hòa điệu, âm thanh trầm buồn. Buổi trưa vắng lặng, chợt nghe tiếng cu gáy êm êm dìu dặt ai mà không cảm nhận lòng mình xao xuyến, gợi nhớ mơ hồ đâu đâu, càng thêm yêu thương sự phóng khoáng, yên bình của đồng nội hương quê...

Người nuôi chim rành rẽ kinh nghiệm cho biết con nào có bộ lông xám thường gáy giọng thổ trầm, con lông nâu thì gáy giọng kim cao. Theo tập tính, chim cu trống cất giọng gáy hay hoặc quyến rũ bạn tình hoặc khoe mẻ, thách thức với con trống khác. Hơn hai mươi năm trước, vùng Bình Ân, Gia Thuận... và miệt Tân Thành, Pháo Đài (Gò Công) chim cu nhiều lắm. Vào vườn mãng cầu mát rượi mắc võnh nằm lim dim mắt nghe chúng gù gù rồi gáy ngọt nhịp mà phát "phê". Nhiều đến nỗi dân nhậu coi chim cu là món mồi khoái khẩu, tìm cách săn bắt về rô ti, nướng muối ớt... Đồng lúa chín vàng, chim cu hợp đàn cút cù cu khắp lượt và tách đàn vào mùa thu. Chúng ưa đậu trên cành cao ít lá để phơi nắng, rỉa lông, tối tìm cành rậm lá để ngủ. Một số người cao tuổi có thú vui "gác cu" lâu năm thành thói quen khó bỏ. Con chim cu mồi phải có bộ lông nhuyễn mướt với vòng cườm đều, tiếng gáy nghe thật "êm tai". Nhốt cu mồi vào "lúp" có hai ngăn làm bằng tre sơn màu xanh lá cây, bọc vải che kín, chỉ chừa khoảng trống cửa bẫy. Dùng sào dài treo "lúp" trên cành tre cao rồi chịu khó ngồi nấp trong lùm rậm để theo dõi, tránh gây tiếng động, dù là nhỏ nhất. Người gác cu có sự kiên nhẫn chịu đựng thời gian dài nên trong ca dao dân gian xếp hạng chuyện này đứng hàng thứ ba trong bốn cái... "khổ". Chim cu mồi cứ rỉ rả cất tiếng gáy khiêu khích, lôi cuống con chim "bổi" bên ngoài gáy đáp lại như một cuộc tranh tài. Một lúc sau, cu bổi hăng máu xông vào "lúp" tấn công và thế là mắc bẫy. Coi vậy chú không dễ dàng chút nào, người gác cu hải trầm tính mới tận hưởng được niềm vui hồi hộp, căng thẳng và sau đó là nỗi hân hoan khó tả. Nhờ có lần ông cậu tôi xách sào, xách "lúp" đi từ sáng đến tối suốt mấy ngày về tay không. mặt mày quẹo đeo vì rình rập cực khổ mà ggặp phải con bổi quá khôn lanh, cảnh gíac không chịu vào lúp. Tới chừng bẫy được con bổi ấy, cậu tôi hả hê vui mừng, tất nhiên người trong nhà ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Thấy vậy mới biết thú gác cu nó mê hoặc, hấp dẫn con người ta biết dường nào!

Bây giờ đồng lúa thâm canh tăng vụ, nhu cầu đời sống con người phát triển và lấn chiếm dần môi trường không gian thiên nhiên khiến cho giống chim cu nhạy cảm, ưa tự do phóng khoáng tản mát đâu đâu khó mà tìm gặp. Về quê, nhìn đồng lúa chín vàng, vườn cây trái sum suê bóng mát, bất giác thèm nghe tiếng chim cúc cù cu quá chừng. Lại nhớ một đọan trong bài thơ "Vòng cườm trên cổ chim cu" của nhà thơ Chế Lan Viên:

"Chỗ cành xanh là cỗ chim gù

Hồn đất nước theo tiếng chim dân dã

Như chửa nghe bao giờ. Mà như đã

Nghe rồi. Tự đâu trời xa xửa xa xưa...

Nguồn Sưu tầm trên Internet
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Relate Threads
Latest Threads
Ðề: Cu gáy - loài chim của vùng quê yên tĩnh

Quả thật ngày xưa chơi cu gáy thường thì các ông cụ hoặc những người lớn tuổi ở thôn quê!Nhưng giờ đây em thấy phong trào chơi chim Cu thanh niên cũng đã và đang chơi rất nhiều :D
 
Bên trên