Chơi lan cũng lắm công phu

Thảo luận trong 'Vườn Hoa Trong Nhà' bắt đầu bởi ngoctuan, 26/5/12.

  1. ngoctuan

    ngoctuan Đại Bàng Bố Ban quản trị

    Tham gia ngày:
    11/9/10
    Bài viết:
    9,242
    Được thích:
    1,956
    Điểm thành tích:
    65
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    Thẩm Định Giá
    Nơi ở:
    Ho Chi Minh
    Phong lan là gì? Có nơi người ta gọi hoa phong lan là hoa hoàng hậu. Cũng có người nói vui, đó là một loài lan nhưng sao mà phong phú thế, sưu tầm mãi mà không hết. Nhìn phong lan nở, ai cũng liên tưởng đến núi rừng, bên bờ suối, tiếng chim hót,… và hình như đang ở nơi hoang vu, thật êm đềm, không nhộn nhịp, ồn ào của phồn hoa đô hội. Lòng ta thật thanh thản. Gặp Trần Minh Tuấn, chủ vườn lan Kim Tuấn, phường 6, thị xã Bến Tre đã bật mí được nhiều bí mật về cây lan. Trồng lan phải học. Trồng lan cũng có “nỗi khổ riêng”. Cho lan lớn đã khó, nhưng cho lan ra bông lại càng khó hơn. Tất nhiên, người trồng lan là phải tạo các điều kiện như ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ nóng – lạnh, không khí di chuyển hợp lý cho các “nàng”. Lan lại cần được tưới nước, bón phân đúng theo nhu cầu mùa nghỉ ngơi và mùa phát triển. Người mê lan luôn mang theo một thứ “bệnh” – lo cho lan còn hơn lo cho vợ và con. Nói tóm lại, chẳng thà nhà thiếu gạo, vợ con bị đói, nhưng người mê lan vẫn tha hồ nghĩ ra các sáng kiến để cho lan mau lớn và ra nhiều hoa đẹp. Ai mà lỡ làm gãy cành hoa lan của họ, tuy không nói ra nhưng trong lòng thì buồn lắm.
    [​IMG]
    Trần Minh Tuấn chủ vườn lan Kim Tuấn Phường 6, thị xã Bến Tre đang thuyết minh về sản phẩm lan của mình

    Hoa lan mà có người đẹp ưng ý và ý “bên kia” đã ưng, mua để tặng cho “người ấy” thì có đắt tiền mấy cũng chi – phải không các bạn? Nhất là từ khi tặng xong, “người ấy” vẫn lưu giữ đến héo tàn mà không vứt đi, thì người tặng không chỉ còn nhớ trong đời, mà có biết đâu, nỗi nhớ “đóa hoa lan” kia còn sang kiếp khác thì sao? Lan tốt thì vui, hí hửng, còn khi chết thì không khỏi thốt lên lời ai oán:
    Phong lan chết quách mất rồi
    Không kèn, không trống bỏ đời mà đi.
    Chơi lan cũng lắm công phu, vì có nhiều công đoạn. Trước hết là chỗ trồng. Trồng lan có hai mục đích. Trồng để kinh doanh thì phải chuẩn bị khung giàn cho chắc chắn, kể cả hàng rào cũng vậy. Còn nếu trồng để giải trí, thưởng ngoạn, thường là trên lan can, mái hiên nhà, sân thượng thì phải kết hợp với các cây khác, như cau, mai, nguyệt quế,… để giảm bớt độ nóng của ánh sáng mặt trời. Tuy khác về mục đích trồng, nhưng cả hai đều phải tưới nước sạch, có rảnh thoát nước tốt.

    Giống là phải chọn vì mục đích trồng lan. Nếu là kinh doanh thì nên chọn những loài ra hoa khoẻ, đẹp và bền cây, cho thu hoạch liên tục. Còn trồng để chơi, giải trí thì có Vũ Nữ, Hồ Điệp,… vì đây là những loài dễ chăm sóc và ra hoa. Giống được nhân bằng hai cách nuôi cấy mô và tách mầm. Nuôi cấy mô phải ở môi trường 22 – 27 độ C, ánh sáng thích hợp, khử trùng mô và bổ sung các chất điều hòa sinh trưởng. Còn việc tách mầm từ các chậu lớn, mỗi phần nên có từ 2 – 3 nhánh, dùng dao bén khử trùng bằng cồn, sau khi cắt bôi vôi vào chỗ cắt cho mau lành sẹo.

    Trồng lan có thể là than gỗ, xơ dừa, vỏ dừa,… Nếu dùng than phải ngâm, rửa sạch, phơi khô. Xơ dừa thì xé cho tơi ngâm khoảng 1 tuần cho bớt tanin và mặn, rồi cũng phơi khô. Mụn dừa cần rửa sạch rồi phơi khô. Còn vỏ dừa thì chặt khúc chừng vài ba phân, rồi xử lý bằng nước vôi 5%. Chậu bằng nhựa hay đất nung tùy thích và theo túi tiền, kích cỡ tùy loại và độ lớn của lan.

    Việc chuyển chậu tưởng đâu là đơn giản. Không chỉ thấy lan lớn là chuyển chậu. Nếu dùng lan cấy mô, khi mô lan đạt khoảng 4 cm là phải chuyển ra ngoài. Mô rửa sạch và để trong bóng râm. Sau đó lấy xơ dừa bó quanh lan cây mô, dùng dây thun quấn lại rồi để lên giàn. Sau khi được 6 – 7 tháng thì chuyển sang chậu nhỏ. Từ chậu nhỏ, 6 tháng sau thì sang qua chậu lớn. Sau một tuần chuyển chậu mới bón phân. Nếu trồng lan để chơi thì lâu ngày thấy rễ ra dài, ít bông nên lấy ra cắt bớt rễ, sang qua chậu mới bón phân, lan sẽ sinh trưởng tốt và ra hoa trở lại.


    Sản phẩm đoạt giải nhất. (Ảnh C.M)
    Chăm sóc lan là việc làm rất khó, vì lan phát triển phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như ánh sáng, phân bón, nước, phòng trừ sâu bệnh. Ánh sáng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển và ra hoa của lan, thiếu hoặc thừa nắng cũng đều ảnh hưởng đến lan. Ít nắng thì lan ốm yếu, dễ bị sâu bệnh, ít nảy chồi, còn dư nắng thì bị cháy, khô dần rồi chết. Lan đặt ở hướng đông sẽ tốt hơn hướng tây bởi nắng chiều. Tốt nhất là hướng bắc – nam vì ánh sáng phân bổ đều nhất.

    Lan không thể không có phân. Nhưng nhiều quá cũng không được, mà thiếu cũng không xong. Lan cần các chất đạm, lân, kali, lưu huỳnh, magiê, canxi, kẽm, đồng, sắt, mangan, molypden, clo. Tất cả phải vừa đủ, không được thiếu hoặc thừa. Thích hợp nhất cho các thời kỳ là phân Đầu Trâu 501, 701 và 901. Vì đây là loại phân có đầy đủ và cân đối đa, trung, vi lượng và các chất điều hòa sinh trưởng. Nồng độ và liều lượng sử dụng là tùy thuộc vào tuổi của lan.

    Lan mới trồng đến 6 tháng hoặc mới ra chồi non sau cắt hoa, phun phân bón lá Đầu Trâu 501 (30-15-10) nồng độ 500 ppm (0,5gam/lít). Giai đoạn trước 3 tháng phun định kỳ 3 ngày/lần, từ 3 – 6 tháng định kỳ 7 ngày/lần.

    Lan mới trồng từ 6 – 12 tháng hay lan cũ có chồi mới đang phát triển mạnh, phun phân Đầu Trâu 501 (30-15-10), nồng độ 2000 ppm (2gam/lít), định kỳ 7 ngày/lần.

    Lan mới trồng từ 12 – 18 tháng hay lan cũ có chồi đã thành thục chuẩn bị ra hoa, phun phân Đầu Trâu 701 (10-30-20) nồng độ 3000 ppm (3gam/lít), định kỳ 7 ngày/lần. Giai đoạn này giảm nước tưới và bỏ bớt mật độ giàn che để có nhiều ánh sáng kích thích ra hoa.

    Khi vòi hoa xuất hiện, phun phân Đầu Trâu 901 (15-20-25), nồng độ 2000 ppm (2gam/lít) nhằm kích thích hoa nở to, đẹp, giữ hoa lâu tàn.

    Lan rất cần nước cho quá trình phát triển. Thiều nước thì lan “buồn”, còn dư nước thì lan “rũ”. “Buồn” là vì khô, lan héo, teo lại, rụng lá nhưng không chết. Còn “rũ” vì cây dư nước, bị thối đọt, rễ có rong rêu, nắm bệnh phát triển mạnh. Tưới vào lúc trời mát, tránh lúc buổi trưa. Sau cơn mưa cần tưới lại.

    Phòng trừ sâu bệnh là không thể thiếu cho lan. Lan là cây có thân dễ bị sâu bệnh xâm nhập. Phổ biến là sâu ăn lá, nên dùng thuốc chứa Fenitrothion, Trichlorfon như Ofatox 400 EC, hoạt chất Cartap như Patox 95 SP hay Captafon, captan hoặc Actara 25 WG. Lan bị rệp sáp, rệp trắng, rệp mềm nên dùng Supracid 40 EC, Suprathion 40 EC, Bitox 40 EC hay Ofatox 400 EC. Lan bị nấm, vi khuẩn hay vi rút gây nên tình trạng cháy lá từng đám, vết cháy lan tròn dần, bệnh thối rễ dùng Zinep, Starner 20 WD hay Benomyl.

    Đã mang cái “nghiệp” vào thân, thì việc trồng lan là bất kỳ nơi đâu. Tuy là loại sang, là “hoàng hậu” nhưng lan không kênh kệu, sống ở đâu cũng được, miễn là đừng làm cho lan “giận”. Nhà to trồng cũng được, nhà nhỏ cũng sống. Không phải giàu mới chơi lan, nghèo thì không được chơi. Sướng hay khổ là tùy theo mình. Đã chịu chơi thì phải chơi đến cùng. Người ta kinh doanh thì vừa chơi vừa có tiền, còn mình trồng là để giải trí thì cùng lắm là “mua vui cũng được một vài trống canh”. Không tin thì cứ thử mà xem!



    Người viết: Xuân Thi
     


Nếu chưa có nick trên chimcanhviet.vn thì dùng nick facebook bình luận nhé