Chó chăn cừu Đức - P1: Lịch sử

ngoctuan

Đại Bàng Bố
Nhân viên
Tham gia
11 Tháng chín 2010
Bài viết
9,241
Điểm tương tác
1,955
Điểm
65
Tuổi
43
Địa chỉ
Ho Chi Minh
Chó chăn cừu Đức (còn gọi là chó Alsace), (tiếng Đức: Deutscher Schäferhund) là một giống chó kích cỡ trung bình, xuất xứ từ Đức. Tại Việt Nam, giống chó này được gọi là chó Berger (béc giê hay bẹc giê), phiên âm từ tiếng Pháp berger cũng có nghĩa là chó chăn cừu. Chó chăn cừu Đức là một giống chó tương đối mới, phát sinh từ năm 1899. Chó chăn cừu Đức thuộc nhóm chó chăn gia súc, ban đầu được gây giống để chăn cừu. Do có sức lực, thông minh và có khả năng tuân thủ mệnh lệnh trong huấn luyện, chúng thường được dùng trong lực lượng cảnh sát và quân sự. Vì chúng rất trung thành và có bản năng bảo vệ chủ, chó chăn cừu Đức là một trong các nòi chó được đăng ký nhiều nhất.

cho%2Bbecgie%2Bduc%2B1.jpg

I - Lịch sử
1. Nguồn gốc

Tại châu Âu trong những năm 1800, người ta thử tiến hành chuẩn hóa các chủng loại chó. Các nòi chó được lai tạo ra để có các đặc trưng phù hợp cho việc chăn gia súc, bảo vệ chúng khỏi thú dữ tấn công. Tại Đức, việc này được tiến hành tại nhiều địa phương, nơi người ta lựa chọn các chú chó chăn cừu và cho sinh sản chó con mà người ta cho là có các đặc tính tốt, cần thiết cho việc chăn cừu, như là thông minh, nhanh nhẹn, khỏe, và thính mùi. Kết quả là sản sinh ra nhiều con chó có khả năng thực hiện rất tốt nhiệm vụ, nhưng rất khác nhau, cả về hình dáng và khả năng, ở từng địa phương.

ch%25C3%25B3%2Bch%25C4%2583n%2Bc%25E1%25BB%25ABu%2B%25C4%2591%25E1%25BB%25A9c.jpg


Chó chăn cừu Đức, con cái (bên trái) và con đực (bên phải)

Để giải quyết vấn đề đó, Hiệp hội Phylax được thành lập năm 1891 với tiêu chí thiết lập tiêu chuẩn cho các nòi chó được lai tạo tại Đức. Hiệp hội giải tán chỉ sau ba năm hoạt động, vì những cuộc đấu đá trong nội bộ liên quan đến việc liệu tiêu chí nào nên được khuyến khích; với một số thành viên chủ trương phát triển giống chó chỉ để lao động, còn một số thành viên khác thì lại cho rằng cần cả hình thức nữa. Dù không đạt được mục đích của mình, Hiệp hội Phylax cũng đã truyền cảm hứng cho một số người theo đuổi việc chuẩn hóa nòi chó một cách độc lập.

cho%2Bbecgie%2Bduc.jpg


Một người gác đêm Đức với chú chó chăn cừu, 1950

Một trong số các thành viên có lập trường như vậy là Max von Stephanitz, nguyên là đại úy kị binh và cựu sinh viên trường Đại học thú y Berlin.

Năm 1899, Von Stephanitz tham dự một cuộc triển lãm chó, tại đó ông thấy một chú chó tên là Hektor Linksrhein. Hektor là kết quả của việc chọn lọc qua nhiều đời, và hoàn toàn phù hợp với những gì mà Von Stephanitz tin tưởng chó lao động cần có. Ông hoàn toàn thỏa mãn với sức lực của con chó này, và hoàn toàn bị chinh phục bởi sự thông minh và trung thành của nó, nên ngay lập tức ông hỏi mua nó. Ông đổi tên nó thành Horand von Grafrath và Von Stephanitz thành lập Verein für Deutsche Schäferhunde (Hội chó chăn cừu Đức). Horand được chọn để làm con chó nòi chăn cừu Đức đầu tiên, và là con chó đầu tiên được đăng ký bởi hiệp hội.

Horand trở thành trung tâm của chương trình lai tạo, và được phối giống với những con chó có các đặc tính tốt của các hội viên khác. Dù sinh ra nhiều chó con, nhưng chó con nổi bật nhất của nó là Hektor von Schwaben. Hektor được cho phối giống lẫn với những chó con khác của Horand và sinh ra Beowulf, chú chó sau này cho ra đời tổng cộng 84 chó con, phần lớn qua phối giống với những con cháu khác của Hektor. Chó dòng dõi từ Beowulf cũng được cho lai cùng dòng, và từ con cháu của nó sinh ra dòng chó chăn cừu Đức. Người ta tin rằng thành công của hiệp hội phần lớn nhờ vào tài lãnh đạo mạnh mẽ, không nhân nhượng của Von Stephanitz, và ông như vậy là người khai sinh ra dòng chó chăn cừu Đức.
2. Độ ưa chuộng
Khi Câu lạc bộ Kennel Anh nhận đăng ký nòi này năm 1919, có 54 chú chó được đăng ký, và tới năm 1926, đã có tổng cộng 8.000 chú chó. Nòi chó này lần đầu được ghi nhận trên thế giới khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất đi đến hồi kết, các binh lính trở về nhà hết sức khen ngợi giống chó này. Các chú chó diễn viên như Rin Tin Tin và Strongheart càng làm giống này được ưa chuộng. Chú chó chăn cừu Đức đầu tiên được đăng ký tại Hoa Kỳ là Nữ hoàng Thụy Sỹ; tuy nhiên các chó con mà nó sinh ra không được hoàn hảo, kết quả của việc nhân giống tồi, khiến cho giống chó này mất đi sự ưa chuộng trong nửa cuối những năm 1920. Sự ưa chuộng với nòi chó này tăng lên sau khi chú chó Sieger Pfeffer von Bern đoạt giải Grand Victor trong các năm 1937 và 1938 Grand Victor tại các cuộc triển lãm chó của câu lạc bộ American Kennel, rồi lại giảm đi khi Đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc, kết quả của tinh thần bài Đức khi đó. Thời gian trôi đi, độ ưa chuộng của giống chó này tăng lên, cho tới năm 1993, chúng trở thành giống chó được ưa chuộng thứ ba tại Hoa Kỳ. Tới năm 2009, nòi chó này là nòi chó được ưa chuộng thứ nhì tại Mỹ. Thêm vào đó, giống chó này thường là giống chó được ưa chuộng nhất tại các nước khác. Chó chăn cừu Đức có hình thể rất thích hợp cho khả năng vận động. Chúng thường tranh tài trong các cuộc trình diễn và thử sức 'biểu diễn nhanh nhẹn'.
3. Tên gọi
Giống chó này được gọi là Deutscher Schäferhund bởi Von Stephanitz, dịch là "chó chăn cừu Đức". Giống chó này có tên gọi như vậy vì mục đích ban đầu là tạo ra một giống chó để giúp chăn và bảo vệ cừu. Cùng với thời gian, những giống chó chăn súc vật khác ở Đức cũng được gọi bằng tên này, thì người ta gọi chúng là Altdeutsche Schäferhunde hoặc chó chăn cừu cổ. Chó chăn cừu lần đầu tiên được xuất sang Anh năm 1908, và Câu lạc bộ Kennel Anh bắt đầu ghi nhận giống này năm 1919.

Tên gọi này được sử dụng trong đăng ký chính thức, tuy nhiên tới cuối Đại chiến thế giới II, người ta ngại rằng việc dùng tên Đức sẽ làm ảnh hưởng xấu đến giống chó này, do tinh thần bài Đức thời đó. Giống chó này do vậy được Câu lạc bộ Kennel gọi là "chó-sói Alsace ", và được nhiều câu lạc bộ chó quốc tế khác chấp nhận. Cuối cùng thì tên ghép "chó-sói" cũng được ngưng sử dụng. Tên gọi Alsace tồn tại trong năm thập kỷ, cho tới năm 1977, khi những người yêu thích chó cũng thành công trong việc gây sức ép lên câu lạc bộ chó ở Anh để giống này được đăng ký trở lại với tên gọi chó chăn cừu Đức.
4. Thời hiện đại
Chó chăn cừu Đức hiện đại bị chỉ trích là đã đi trệch hướng so với ý tưởng ban đầu của von Stephanitz cho giống này: rằng chó chăn cừu Đức chỉ được sản sinh cho mục đích lao động, rằng nòi này phải được cho nhân giống có kiểm soát chặt chẽ để loại trừ các nhược điểm. Những người chỉ trích cho rằng việc cho nhân giống thiếu cẩn trọng đã tạo điều kiện cho bệnh tật và các khiếm khuyết khác nảy sinh. Tại chương trình nhân giống dưới sự chỉ đạo của von Stephanitz, các khiếm khuyết nhanh chóng bị loại bỏ; còn hiện tại, do không có qui chế chặt chẽ kiểm soát việc nhân giống, những vấn đề về gene như nhạt màu, lệch xương chậu, thiếu tinh hoàn, thiếu thần sắc, thiếu răng, trở nên phổ biến, cũng như việc tai gãy hay gập xuống, thậm chí khi chó đã trưởng thành.

cho%2Bbecgie%2Bduc%2B2.jpg
 
cho%2Bbecgie%2Bduc%2B1.jpg

II - Đặc điểm hình dạng
Chó chăn cừu Đức có kích thước trung bình, vai rộng khoảng từ 55 đến 65 cm, nặng khoảng 22 tới 40 kg. Chiều cao lý tưởng là 63 cm, theo tiêu chuẩn của Câu lạc bộ Kennel. Chúng có đầu tròn, mõm vuông dài, và mũi đen. Chó có hàm khỏe, với răng cắn có dạng kéo. Mắt chúng có kích thước trung bình, màu nâu, nhãn quang linh động, thông minh và tự tin. Tai lớn, dựng thẳng, hướng về phía trước và song song với nhau, nhưng thường rạp về phía sau khi chuyển động. Chúng có cổ dài, thường nghểnh lên khi kích động và hạ xuống khi chạy nhanh. Đuôi rậm, kéo dài tới khủy chân.

cho%2Bbecgie%2Bduc%2B3.jpg


Một con chó chăn cừu Đức màu đen

Chó chăn cừu Đức có thể có nhiều màu, màu phổ biến nhất là màu sẫm/đen và đỏ/đen với nhiều biên thể. Cả hai biến thể này đều có mặt đen, thân phủ đen từ dạng "yên ngựa" đến "mền". Các màu hiếm hơn gồm màu lông chồn đen, đen tuyền, trắng tuyền, màu gan, và các biến thể màu lam. Các màu đên tuyền và màu lông chồn được chấp nhận theo hầu hết các chuẩn, tuy nhiên màu lam và màu gan thường bị coi là các khiếm khuyết nghiêm trọng, và màu trắng thường bị coi là lý do để loại ngay tức khắc do không đạt tiêu chuẩn. Điều này có lý do là màu trắng rất dễ nhận biết, khiến cho chú chó không đủ tiêu chuẩn làm chó canh gác, và khó nhận thấy trong điều kiện băng tuyết hay khi chăn cừu.

German%2BShepherd%2BDog.jpg


Mặt chó chăn cừu Đức có mõm dài, mũi đen và mắt nâu

Chó chăn cừu Đức có hai lớp lông. Lớp ngoài thường rụng suốt năm, rậm phủ sát thân, với lớp trong dày. Lông chó có hai dạng, dài và trung bình. Lông dài là biểu hiện của gene lặn, khiến cho biến thể lông dài ít thấy hơn.
1. Trí thông minh
Chó chăn cừu Đức được sinh sản vì sự thông minh đặc biệt của nó, một đặc tính khiến cho nó nổi danh. Chúng được coi là loài chó thông minh thứ ba, đứng sau Border Collie và Poodle. Trong quyển The Intelligence of Dogs, tác giả Stanley Coren đánh giá nòi này đứng thứ ba về trí thông minh. Ông nhận thấy chúng có khả năng học các nhiệm vụ đơn giản chỉ sau năm lần nhắc lại mệnh lệnh, và tuân thủ lệnh đầu tiên trong 95% trường hợp. Cùng với sức vóc, đặc tính này khiến cho nòi chó được ưa chuộng sử dụng làm chó cảnh sát, chó bảo vệ và chó cứu hộ, vì chúng có khả năng học nhanh chóng các nhiệm vụ khác nhau và hiểu hướng dẫn tốt hơn các loài chó khác.
2. Tính hung hãn
Một số người cho rằng chó chăn cừu Đức có tiếng hay cắn và vì lý do đó bị cấm ở một số nơi. Tuy nhiên, chó chăn cừu Đức là một trong năm giống chó được ưa chuộng nhất tại Mỹ, và các chú chó được huấn luyện chu đáo cũng như được làm quen với người có tiếng là an toàn. Tại Mỹ, có nguồn cho rằng chó chăn cừu Đức hay cắn hơn các giống chó khác, và có lẽ hay tấn công các giống chó nhỏ hơn. Một báo cáo tại Úc năm 1999 đưa ra thống kê cho thấy chó chăn cừu Đức là giống chó hay cắn người vào hàng thứ ba tại một số địa phương tại Úc. Tuy nhiên một nghiên cứu kéo dài 24 năm tại Mỹ cho thấy chó chăn cừu Đức không chiếm đa số trong các vụ tấn công người tại Mỹ.

Theo Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, "Không có cách nào xác định chính xác số lượng chó của mỗi giống, và do đó không thể nào kiểm định chính xác giống chó nào dễ cắn và giết người hơn." Tương tự vậy, theo Hiệp hội bác sỹ thú y Hoa Kỳ, "có vài lý do vì sao khó xác định tỷ lệ cắn người của một giống hay so sánh tỷ lệ giữa các giống. Thứ nhất, giống chó có thể được báo cáo sai, và chó lai thường được báo là chó thuần chủng. Thứ hai, số vụ cắn người diễn ra tại một địa phương thường không được biết đến, nếu như không phải là vụ gây thương tích nghiêm trọng. Thứ ba, số lượng chó của một giống tại một địa phương không được biết rõ, vì ít khi tất cả các chú chó đều được đăng ký, và số liệu đăng ký hiện tại không hoàn tất."

Thêm vào đó, các nghiên cứu dựa trên số vụ cắn người được "báo cáo", khiến cho chương trình tivi National Geographic Channel, The Dog Whisperer, kết luận rằng các giống chó nhỏ thường hay cắn người hơn các giống chó lớn, nhưng thường không được báo cáo. Thêm vào đó, theo chương trình ti-vi Geographic Channel, Dangerous Encounters, lực cắn của chó chăn cừu Đức là 108 kg (so với chó Rottweiler, 136 kg, chó Pit bull, 106.5 kg, chó Labrador Retriever, khoảng 56.6 kg, hoặc con người khoảng 77 kg), nghĩa là cần ghi nhận tác động của vết cắn và thương tích gây ra, và ghi nhận sự khác biệt giữa một vụ chó tấn công người với đặc tính "hung dữ" của chó.

Các công bố cho rằng chó chăn cừu Đức hay tấn công người cũng bị nghi vấn trên cơ sở chó chăn cừu Đức chiếm tỷ lệ cao hơn các giống chó khác, và vì người ta hay sử dụng chó chăn cừu Đức làm chó bảo vệ, nên cần một số liệu thống kê khác cho số vụ chó "cảnh" cắn người, chứ không gộp số liệu chó cảnh sát và chó quân đội vào.
 
III - Tính tình
Chó chăn cừu Đức rất ưa hoạt động, và được mô tả là tự chủ. Giống chó này đặc biệt rất ham học và thích nhiệm vụ. Chó chăn cừu có bản chất trung thành, và gắn bó với người quen của chúng. Tuy nhiên, chúng có thể thái quá trong việc bảo vệ gia đình chủ hay lãnh thổ, đặc biệt nếu chúng không được huấn luyện để quen với người. Đặc tính bàng quan của chúng khiến chúng dễ gần, nhưng không dễ đánh bạn với người lạ. Chó chăn cừu Đức rất thông minh và thuần, và một số người cho rằng cần "nghiêm khắc" với chúng, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy kết quả đạt được trong việc huấn luyện chúng cũng tương tự, nếu không nói là tốt hơn, khi sử dụng biện pháp khen thưởng để huấn luyện chúng.

cho%2Bbecgie%2Bduc%2B4.jpg

Chó chăn cừu Đức rất gắn bó với trẻ con mà chúng quen biết
IV - Sức khỏe
Nhiều bệnh của chó có nguồn gốc từ sự lai cận giống trong thời kỳ đầu tạo giống. Một trong các biểu hiện thường gặp là lệch xương chậu và xương vai, khiến cho chó có thể bị đau khi về già, và bị viêm khớp. Một nghiên cứu của Đại học Zurich trong số chó cảnh sát cho thấy 45% số chó bị thoái hóa cột sống, dù rằng chỉ có một ít chó được nghiên cứu. Hiệp hội chỉnh hình động vật cho biết 19.1% chó chăn cừu Đức bị ảnh hưởng bởi chứng phát triển xương chậu bất bình thường. Cũng vì vấn đề này mà độ ưa chuộng chó chăn cừu Đức trong ngành cảnh sát và quân đội trên thế giới bị giảm đi. Thậm chí trong quân đội Đức, người ta cũng ngày càng sử dụng nhiều chó Malinois hơn. Do tai lớn và vểnh, chó chăn cừu dễ bị nhiễm trùng tai. Chó chăn cừu Đức, cũng như các loại chó lớn khác, dễ bị trương bụng.

Tuổi đời trung bình của chó chăn cừu Đức là từ 7-10 năm, tức là bình thường với chó có kích cỡ như vậy. Bệnh degenerative myelopathy, một loại bệnh thần kinh, khá phổ biến trong giống này, cho thấy có lẽ giống này có thiên hướng bị bệnh đó. Thêm vào đó, chó chăn cừu Đức có tỷ lệ nhiễm bệnh Von Willebrand Disease cao hơn bình thường, là một loại bệnh chảy máu di truyền.
V - Chó nghiệp vụ
Chó chăn cừu Đức rất được ưa chuộng sử dụng làm chó nghiệp vu. Chúng rất có tiếng trong ngành cảnh sát, sử dụng để lần theo dấu tội phạm, tuần tra các khu vực mất an ninh, phát hiện và kiềm chế tội phạm. Thêm vào đó, hàng ngàn chó chăn cừu Đức được sử dụng bởi quân đội. Chúng thường được sử dụng để trinh sát, cảnh báo cho binh lính khi kẻ địch xuất hiện hay có mìn bẫy hoặc các hiểm nguy khác. Chó chăn cừu Đức cũng được huấn luyện để tham gia nhảy dù từ máy bay.

gsd.jpg


Chó chăn cừu Đức là một trong các giống chó hay được sử dụng nhất trong các hoạt động đánh hơi. Các nhiệm vụ này bao gồm tìm kiếm và cứu hộ, tìm kiếm xác chết, ma túy, thuốc nổ, chất gây cháy, và nhiều nhiệm vụ khác. Chúng rất thích hợp cho nhiệm vụ này, vì khả năng đánh hơi nhạy bén và làm việc tập trung bất kể những gì dễ gây sao nhãng xảy ra xung quanh.

Có thời gian chỉ có chó chăn cừu Đức được chọn làm chó dẫn đường cho người mù. Trong những năm gần đây, chó Labrador và Golden Retrievers được dùng nhiều cho nhiệm vụ này, mặc dù người ta vẫn huấn luyện chó chăn cừu Đức. Vốn là một giống chó linh hoạt thông minh, chúng có khả năng xuất sắc trong nhiệm vụ này, nhờ có tinh thần trách nhiệm, thần kinh vững vàng, tinh thần dũng cảm và lòng gắn bó với chủ nhân.

Chó chăn cừu Đức thường được sử dụng để chăn dắt cừu tại các đồng cỏ gần vườn tược và đồng ruộng. Chúng được sử dụng để ngăn cừu vượt ranh giới và phá hoại hoa màu. Tại Đức và những nơi khác, kỹ năng này được kiểm tra trong các bài thi chó được biết đến với tên gọi HGH

(Herdengebrauchshund)
 
Bên trên