Các tác giả: Alfon76 (Ivan), Aquafan2001 (Rich) và E_americanus (Solomon) - nguồn http://aquaticpredators.com Giới thiệu Cá khổng tượng châu Phi (African arowana) hay nói một cách chính xác hơn là cá lưỡi xương châu Phi (bởi vì arowana là tên gọi để chỉ các giống cá rồng), là một trong những loài cá sơ khai nhất và thực sự khác lạ trong thế giới cá cảnh. Chúng không có màu sắc nổi bật như một số anh em họ của mình như cá ngân long (Osteoglossum bicirrhosum) hay cá rồng châu Á (Scleropages formosus) nhưng cũng có tính cách riêng và số lượng đang tăng dần trong giới những người nuôi “cá lạ” vài năm gần đây. Chúng thậm chí còn trông lạ mắt nhất trong số những con “cá lạ” và có thể đạt đến kích thước rất lớn (1 m trong hồ nuôi, 1.2 m ngoài tự nhiên) nhưng lại khá hiền lành. Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu về đặc điểm tự nhiên và cách nuôi dưỡng loài cá châu Phi cổ sơ này. Đặc điểm tự nhiên Phân loại Heterotis niloticus là cá nước ngọt sơ khai thuộc nhóm cá lưỡi xương, một nhánh thuộc lớp cá xương. Chúng thuộc họ khổng tượng Arapaimidae, họ chỉ bao gồm hai loài là khổng tượng châu Phi và khổng tượng Nam Mỹ (Arapaima gigas). Hai loài này cùng với loài cá bướm châu Phi (Pantodon buchholzi) là những loài duy nhất có khả năng thở trong số những loài thuộc bộ cá lưỡi xương*. Đặc điểm Khổng tượng châu Phi có thân dài và tương đối dầy, vây lưng và vây hậu môn nhỏ và nằm xa về phần sau của thân. Vây ngực nằm ở vị trí thấp còn vây bụng lùi về gần phía giữa thân. Gốc đuôi nhỏ và đuôi tròn. Đầu tương đối ngắn và có nhiều hốc cảm giác lớn. Môi dày, miệng khép hờ. Toàn thân có màu nâu đồng và xám, phần bụng hơi nhạt màu, cá bán trưởng thành có mày xám với những chấm màu đồng phía trên đầu. Vảy lớn với đường bên nổi rõ. Kích thước tối đa 1m (hồ nuôi) hay 1.2 m (ngoài tự nhiên), trọng lượng tối đa 10.2 kg. Phân bố Địa bàn phân bố tự nhiên của khổng tượng châu Phi là hệ thống sông ngòi ở châu Phi như sông Nile, sông Congo và hồ Turkana. Khổng tượng châu Phi là loài cá phổ biến ở đó nhưng chúng cũng được nuôi làm cảnh và lấy thịt ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới. Cá con thường sống trong các vùng đầm lầy, chúng trốn trong các bụi cây thủy sinh, cá trưởng thành sống trong các vùng nước rộng ở sông và hồ. Đặc điểm sinh học Cơ quan hô hấp Cá khổng tượng châu Phi có thể thở bằng bong bóng hơi đặc biệt. Bong bóng ở loài này tương tự với loài Arapaima gigas, loài chị em họ với nó ở Nam Mỹ. Cá khổng tượng nói chung có cơ quan hô hấp đặc biệt lớn mà thận chiếm đến 2/3 kích thước của nó. Ngoài tự nhiên, người ta chứng kiến hàng đàn cá khổng tượng nổi lên mặt nước để thở cùng một lúc. Nhờ có bộ phận hô hấp phát triển mà khổng tượng có khả năng sống sót trong những môi trường thiếu dưỡng khí như đầm lầy và vùng nước lũ. Lọc thức ăn Khổng tượng châu Phi là đại diện duy nhất trong bộ cá lưỡi xương có khả năng lọc thức ăn. Chúng có cấu trúc rãnh xoắn đặc biệt nằm ở phía trên nắp mang mà những vụn thức ăn (đi vào từ miệng) sẽ bị chất nhầy bẫy lại ở đó. Hỗn hợp này sau đó được chuyển xuống cổ họng để cá nuốt vào bụng. Đặc điểm đặc biệt này cho phép cá khổng tượng có thể ăn được những loại thức ăn rất nhỏ chủ yếu là các loài động vật thân mềm. Cá khổng tượng cũng ăn các sinh vật phù du, cá trưởng thành đôi khi còn ăn cả hạt cây nhỏ và xác thối. Bởi vì có khả năng lọc thức ăn hay có xu hướng ăn sinh vật phù du nên chúng ăn theo kiểu thường xuyên và ít một thay vì tiêu thụ một số lượng lớn mỗi lần ăn. Chúng xục tìm thức ăn dưới đáy, mà thường là cát và bùn ngoài môi trường tự nhiên, cũng như ở vùng nước giữa (đôi khi cả trên mặt nước). Sinh sản Cá khổng tượng châu Phi thường sinh sản vào mùa mưa trong các đầm lầy hay hồ gần sông. Chúng thường làm tổ hình tròn trong đám cây cỏ thủy sinh. Trứng sở sau từ 5-7 ngày, sau khi tiêu thụ hết túi noãn hoàng, cá con kiếm ăn theo đàn, sau từ 25-30 ngày chúng đi kiếm ăn một cách phụ thuộc. Chúng vẫn được bảo vệ bởi cá bố, mang của chúng phát triển rất sớm. Nuôi dưỡng Đặc điểm chung Cá khổng tượng là loài cá sơ khai độc đáo mà chúng cần phải được chăm sóc đặc biệt so với những loài cá cảnh nhiệt đới khác. Nên nhớ cá khổng tượng là loài lọc thức ăn chủ yếu là những sinh vật phù du. Chúng thường ăn những sinh vật nhỏ và cần được ăn một cách thường xuyên so với những loài có cá lớn khác (cá săn mồi cỡ lớn thường ăn mồi to và không ăn liên tục). Cá khổng tượng “bẫy” thức ăn bằng cách hút chúng từ đáy hay hút trực tiếp từ vùng nước giữa. Kế đó đến công đoạn “xử lý” thức ăn bằng những cử động thật nhanh của miệng và cổ họng trước khi nuốt. Thức ăn không được “xử lý” (thường do quá lớn) được đẩy ra ngoài qua nắp mang hay bị phun ra. Bởi vì hành vi ăn mồi đặc biệt này, chúng ta cần hết sức để ý đến chế độ ăn uống của chúng ở mọi giai đoạn phát triển. Thông thường, những loại thức ăn nhỏ và vừa được ưa thích nhất, chúng gồm sinh vật phù du, trùn tươi, trùn đông lạnh, artemia và tép tươi. Cá cần được nuôi trong hồ rộng vì chúng hay nô đùa và bơi lội liên tục. Chiều dài hồ tối thiểu cũng phải bằng với chiều dài của cá. Cá cũng thường nổi lên mặt nước để thở, do đó cần để nắp hồ cách mặt nước khoảng 5 cm. Nắp hồ cần phải đủ nặng, nếu không thì phải chèn thêm vì loài này hay nhảy. Chăm sóc cá non (7 – 17 cm) Kích thước hồ Kích thước hồ nuôi cá khổng tượng ở độ tuổi này không thể nhỏ hơn 350 lít cho một cá thể. Loài cá này cần nhiều không gian để bơi lội, chúng ưa nước sạch nên bộ lọc nước cũng phải rất tốt. Khi chúng lớn lên thì kích thước hồ cũng phải thay đổi cho phù hợp. Hồ lý tưởng để nuôi cá con phải càng lớn càng tốt để chúng có thể sinh hoạt thoải mái. Người ta thường nuôi những con cá non đến độ bán trưởng thành trong những hồ có dung tích 650 lít. Chúng cung cấp đủ không gian để cá bơi lội và kiếm ăn. Hồ có thể hoặc không cần trải cát. Tốt hơn là không trải cát vì cá có thể lấy thức ăn trực tiếp từ nước mà không cần xục mõm xuống đáy. Mặc dù hành động xục mõm là tự nhiên nhưng để học cách lọc thức ăn thực sự là một thách thức đối với chúng; vì vậy chúng ta nên tạo điều kiện để chúng có thể kiếm ăn một cách dễ dàng nhất. Nuôi dưỡng Có nhiều loại thức ăn cho cá khổng tượng ở độ tuổi này. Trùn chỉ có thể giúp chúng phát triển nhanh chóng qua giai đoạn bán trưởng thành. Nên cho cá ăn 2 lần mỗi ngày. Nếu không có trùn chỉ, có thể cho cá ăn trùng đỏ đông lạnh, bo bo và artemia. Nếu cá còn quá nhỏ, chúng ta có thể cắt nhỏ trùn chỉ để chúng dễ tiêu hóa. Nên nhớ rằng cơ quan tiêu hóa của chúng còn quá nhỏ và trùn chỉ có thể hơi lớn đối với chúng. Mối lần cho ăn khoảng từ một nửa đến một chén nhỏ trùn. Lượng thức ăn này có thể đem ước lượng và áp dụng cho các loại thức ăn khác. Nếu đói, cá có thể tìm ăn lượng thức ăn còn dư từ lần cho ăn trước. Về việc vệ sinh hồ, hồ nuôi cá ở độ tuổi này cần được thay nước thường xuyên. Kết hợp bộ lọc nước tốt với việc thay từ 25% đến 50% lượng nước mỗi tuần sẽ giúp cá tăng trưởng tốt. Hành vi Cá khổng tượng ở độ tuổi này có thể nuôi chung với các loài cá khác có cùng kích thước nhưng tốt nhất nên nuôi riêng để tránh xung đột và tranh giành thức ăn. Có thể nuôi chung nhiều con non với nhau nhưng hồ phải thật lớn. Xung đột cũng có thể xảy ra nhưng còn tùy vào mỗi con cá và kích thước hồ nuôi. Nếu bạn muốn nuôi chung nhiều cá thì phải chuẩn bị hồ đủ lớn, thường là 2 con/70 lít, 3con/175 lít. Nhiều con có thể nuôi chung trong hồ 650 lít và ít khi xảy ra xung đột. Chăm sóc cá bán trưởng thành (20 -60 cm) Kích thước hồ Cá khổng tượng bán trưởng thành thích hợp với hồ có kích thước lớn hay hồ có thể mở rộng một khi cá lớn lên. Cá ở độ tuổi này cần nhiều không gian để bơi lội vì chúng rất hoạt động. Đồng thời, chúng cần được cung cấp ít nhất một chỗ để ẩn náu, một cái hang bằng đá hay rễ cây có thể giúp cá khỏi bị căng thẳng và hoảng sợ. Cá bán trưởng thành rất khác biệt về kích thước, dao động từ 20-60 cm. Với kích thước này, chúng có thể được nuôi trong hồ dung tích tối thiểu 175 lít nếu nuôi chung với cá khác (nếu nuôi riêng thì chỉ cần 70 lít). Khi cá lớn gần 60 cm, chúng cần nuôi trong hồ có kích thước 2 m x 0.7 m (2 m x 1 m thì càng tốt). Nuôi dưỡng Cá bán trưởng thành thậm chí còn nhạy cảm và khó nuôi hơn cá non. Nên tập cho chúng ăn nhiều loại thức ăn khác nhau vào giai đoạn này. Ngoài những thức ăn quen thuộc cho cá non, chúng ta có thể cho chúng ăn thêm tép đông lạnh và các loại thức ăn tổng hợp như Tetra và Hikari. Khi bắt đầu ăn thức ăn mới, chúng thường đớp vào miệng, nhai một lúc rồi phun ra thành vụn. Điều này sẽ tiếp diễn hoài nhưng rồi thì chúng cũng quen với thức ăn mới mà bạn cung cấp. Một thói quen rất tốt của cá khổng tượng đó là nó thường ăn hết thức ăn thừa từ lần cho ăn trước đó. Khi cá lớn lên, có thể giảm số lần cho ăn từ 2 lần xuống còn 1 lần mỗi ngày, tuy nhiên cho ăn 2 lần với lượng thức ăn vừa phải vẫn tốt hơn là cho ăn một lần thật nhiều thức ăn. Nên nhớ rằng đây là loài cá ăn sinh vật phù du, chúng không ăn nhiều thức ăn một lúc rồi sau đó có thể nhịn thật lâu, chúng cần ăn “liên tục” mỗi lần một ít. Về số lượng thức ăn, cho cá ăn từ 1-2 ly trùn chỉ tuỳ theo kích thước cá. Lượng thức ăn này cũng có thể dùng để tham khảo cho những loại thức ăn khác. Bạn nên kiểm tra lại thông số này để điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp cho cá của mình. Hành vi Cá khổng tượng là loài hiền lành nhưng rất linh hoạt. Hoạt động bơi lội của chúng có thể gây phiền nhiễu cho những loài thích yên tĩnh cùng hồ. Chúng thường quay ngoắt khi đang bơi hay quẫy chúi dọc theo thành hồ để tìm chỗ ẩn náu một khi bị hoảng hốt. Những loài nuôi chung phải có khả năng thích nghi với đặc điểm này của cá khổng tượng. Bởi vì chúng không phải là loài săn mồi cho nên có thể nuôi chung với cá nhỏ nhưng những con quá nhỏ như cá bảy mày có thể bị cá khổng tượng lớn ăn thịt, nên nhớ kỹ điều này trước khi thả chung cá có kích thước nhỏ với khổng tượng. Những loài nào có thể nuôi chung với cá khổng tượng? Những loài cá lớn và không quá hung dữ như cá nhái sấu, cá khủng long, cá mũi voi, cá chạch, cá thái hổ và cá nheo có thể nuôi chung với chúng. Cá khổng tượng châu Phi thường bỏ chạy khi gặp cá quá hung dữ hay cá lớn hơn, chúng cũng thường thất thế trong việc cạnh tranh thức ăn khi nuôi chung với những loài cá khác, bạn nên nhớ kỹ điều này khi chọn cá nuôi chung với khổng tượng. Cá khổng tượng ưa môi trường nước sạch, do đó nên thay nước từ 1-2 lần/tuần, mỗi lần thay từ 25-50%. Lượng nước thay tuỳ thuộc vào lượng thức ăn và số lượng cá được nuôi. Chăm sóc cá trưởng thành (60 đến trên 75 cm) Kích thước hồ Kích thước hồ càng lớn càng tốt. Cá có kích thước 60 cm nên nuôi trong các hồ cực lớn từ 850-1400 lít (rộng trên 1 m). Cá lớn hơn nữa phải nuôi trong hồ có dung tích từ 1400-2800 lít (rộng trên 1 m). Thu hẹp kích thước hồ là điều tuyệt đối không nên làm, hồ càng lớn thì càng tốt. Nuôi dưỡng Cá khổng tượng trưởng thành có thể ăn hầu hết mọi loại thức ăn từ trùn chỉ, bo bo, tôm, tép đông lạnh, thức ăn viên và cả các loại cá nhỏ nữa. Thức ăn được chúng tiêu thụ ngay khi vừa thả vào hay sau đó một thời gian khi chúng sục sạo trên nền đáy. Cơ thể chúng tiêu thụ nhiều năng lượng nên chúng phải ăn liên tục. Cá trưởng thành có thể bị gầy đi một cách nhanh chóng thậm chí nếu không cho chúng ăn đủ 2 bữa/ngày. Chất lượng nước cũng rất quan trọng. Nồng độ ammonia và nitrite cần được giữ ở mức thấp nhất có thể và nên thay 40% nước mỗi tuần. Có thể cân nhắc thay nhiều hơn tuỳ thuộc vào số lượng thức ăn, bộ lọc và số lượng cá nuôi trong hồ. Cần lắp một bộ lọc sinh học hiệu quả vì cá tạo ra nhiều chất thải và hoạt động bơi liên tục của chúng làm khuấy đục nước. Hành vi Cá trưởng thành cũng rất hiền lành nhưng có hơi gây gổ một chút với những con cùng loài hay với cá rồng. Hồ trong các hình minh hoạ ở bài này nuôi 3 con khổng tượng châu Phi với một con hắc long và một con khổng tượng Nam Mỹ. Không hề có xung đột nghiêm trọng nào xảy ra và đôi khi có thì cũng giới hạn ở mức độ rượt đuổi nhau là cùng. Hầu hết các loài cá đều có thể nuôi chung với khổng tượng châu Phi ngoại trừ cá săn mồi dữ tợn. Cá khổng tượng trưởng thành thường được nuôi chung với cá thái hổ, cá nheo, cá khổng tượng Nam Mỹ và cá chuột. Cá khổng tượng châu Phi không quan tâm gì đến chúng và chúng cũng thể hiện như vậy đối với cá khổng tượng. Kết luận Những thông tin trong bài này sẽ được cập nhật thêm một khi chúng tôi phát hiện được điều gì mới, cả trên phương diện khoa học lẫn nuôi dưỡng. Chúng tôi hy vọng các bạn có thể sử dụng chúng vào việc lựa chọn và nuôi dưỡng cá khổng tượng châu Phi, hay tối thiểu cũng biết được chút thông tin về loài cá lạ này! Ghi chú (@VNRD) *Theo www.fishbase.org, bộ cá lưỡi xương (Osteoglossiformes) gồm các họ sau: - Họ cá khổng tượng (Arapaimidae): các loài Arapaima gigas (khổng tượng Nam Mỹ) và Heterotis niloticus (khổng tượng châu Phi). - Họ cá rồng (Osteoglossidae): + châu Mỹ gồm có hai loài là Osteoglossum bicirrhosum (ngân long) và Osteoglossum ferreirai (hắc long). + châu Úc có hai loài Scleropages jardinii (kim long Úc) và Scleropages leichardti. + châu Á có 4 loài. Loài được mọi người biết đến nhiều nhất đó là Scleropages formosus (thanh long và kim long quá bối). Ba loài mới được xác định vào năm 2003 ở Indonesia, đó là loài Scleropages aureus (kim long hồng vĩ) ở phía bắc đảo Sumatra, loài Scleropages macrocephalus (thanh long Indonesia) ở phía tây Kalimantan, Borneo và loài Scleropages legendrei (hồng long, huyết long) ở vùng hồ Sentarum và sông Kapuas, Borneo. Và một số họ cá khác mà hình dạng của chúng khác xa với cá khổng tượng và cá rồng: - Họ cá thát lát Notopteridae - Họ cá mũi voi Mormyridae - Họ cá bướm nước ngọt Pantodontidae - Họ Hiodontidae - Họ Gymnarchidae (hình dạng tương tự cá mũi voi) Cá khổng tượng Nam Mỹ.