Vượt trầm cảm cùng con: “Biện pháp mạnh”

Vượt trầm cảm cùng con: “Biện pháp mạnh”
Không ít người trong chúng ta đã nhận thức được rằng trầm cảm là căn bệnh đáng sợ, nhưng hiểu biết sâu sắc về căn bệnh này vẫn còn hạn chế. Việc nhận biết bản thân hay ai đó đang bị trầm cảm quả thật không dễ dàng. Và kể cả sau khi nhận biết rồi, chúng ta cũng gặp nhiều lúng túng, trở ngại khi muốn giúp chính mình hay một ai đó vượt qua mớ cảm xúc tuyệt vọng của căn bệnh này. Nỗi cô độc, yếu ớt, bất lực của loại cảm xúc ấy cứ thế tiếp tục gây ra vô vàn hệ lụy cho bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là giới trẻ. Và trong rất nhiều phương pháp tiếp cận, tôi muốn sử dụng phương pháp viết dưới dạng nhật ký để có thể chia sẻ một cách sát sườn nhất về sự đồng hành của người thân trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này. Thông qua đó, tôi muốn đề cập đến một liều thuốc quan trọng khác, không phải tham vấn tâm lý, không phải điều trị bằng thuốc… đó là lòng yêu thương và sự kiên nhẫn của người thân.

KHÔNG THỂ ĐƯỢC! KHÔNG THỂ ĐƯỢC!

Một tháng nay, càng về cuối học kỳ con tôi càng căng thẳng. Để giúp kiềm chế cảm xúc, kiểm soát hành vi, để không tự làm mình đau, không phá đồ đạc… con tôi đã nhờ bố mẹ buộc chặt tay, chân của con trước khi con lên giường đi ngủ.
Những lần đầu, khi con quyết liệt làm thế, tự đòi bố mẹ dùng “biện pháp mạnh” này với mình, tôi đã rất sốc. Tôi lén khóc vì thương con, bản thân cũng không thể ngủ được, chỉ biết ngồi căn giờ khoảng sau 2 tiếng, đoán con đã ngủ say, tôi lén sang phòng, cởi trói cho con.
Con thường tự tìm những chiếc quần ngủ mềm để nhờ mẹ buộc, nên tôi cũng đỡ lo lắng phần nào vì sợ làm con đau.
Tuy vậy, mỗi tối như thế cũng mất cả nửa tiếng đồng hồ loay hoay để con không bị buộc quá chặt mà cũng không quá lỏng và quan trọng nhất là con sẽ không tự cởi ra được.
Thế nhưng rồi, một ngày, con mua về mấy sợi dây xích, tất nhiên là loại dây sợi nhỏ, nhưng cũng vẫn là những sợi xích làm bằng kim loại. Tôi ớn lạnh khi nhìn thấy những sợi dây ấy. Con mua thêm mấy cái khóa va-li và cương quyết nhờ bố mẹ dùng chúng để buộc mình lại trước khi đi ngủ.
Khoảng một tháng trôi đi chậm chạp trong căng thẳng như thế. Nhìn con miệt mài học mỗi ngày, rồi tối đến lại tự giam mình lại. Dù sao thì con vẫn tập thể dục hàng ngày, tối ngủ đủ 8 tiếng, ăn uống đầy đủ. Con cũng chịu khó nhờ mẹ nấu mấy món bổ dưỡng nên tôi cũng phần nào đỡ lo lắng.
Càng về cuối tháng, các kỳ thi càng gần, bài kiểm tra nhiều lên, con bắt đầu mơ ngủ, la hét trong giấc ngủ. Có hôm, trước khi đi ngủ, con ngồi thừ ra, rồi tự đấm vào bụng mình vì “Con thật vô tích sự!”, rằng “Con chẳng làm được gì cả!” và “Con chết mất, con không thể sống đau đớn như thế này nữa!”… Có hôm con dùng sợi dây xích nhỏ ấy tự quật vào lưng mình, miệng rên rỉ: “Không thể được, không thể được!”… Kiên trì ở bên con, nhưng ruột gan tôi nôn nao như có ai cào xé.
Sinh nhật con, bố mẹ cũng không thể nói lời chúc, vì trước đó con đã dặn: “Bố mẹ đừng làm gì khiến con xao nhãng nhé!”. Chúng tôi chỉ có thể để bưu thiếp chúc mừng do em gái tự chọn lựa gửi cho anh trai từ nước Anh xa xôi, nhờ người mang về cho kịp sinh nhật anh, cùng hoa và quà trên bàn cạnh chỗ con ngồi học. Bưu thiếp và gói quà ấy đã nằm nguyên như vậy trong suốt thời gian con thi học kỳ.
Đã có lúc tôi khuyên con đi khám, lấy thuốc uống (vì con đã dừng thuốc hoàn toàn đến ba năm nay), nhưng con kiên quyết từ chối. Con cứ cố gắng tự mình thu xếp thời gian, tự cố gắng tập gym theo bài tự chọn, cố giúp mình thư giãn. Tôi còn mỗi một việc là quan sát xem con sắp hết ngưỡng chịu đựng hay chưa để quyết định khi nào cần can thiệp.
Đôi ba lần, tôi tìm cách kéo dài những cuộc nói chuyện với con, vì con rất tranh thủ thời gian để học bài, nên tôi phải tận dụng mọi cơ hội có thể, mọi bữa ăn cùng nhau để chuyện trò, nhưng cũng phải cố gắng quan sát để không làm con thêm căng thẳng. Trong số những lần ít ỏi tận dụng được ấy, tôi cũng kịp nói với con rằng con có thể hỏi mọi người nhiều hơn, vì là đang học, thậm chí sau này đi làm rồi cũng vậy, hãy để người khác chỉ vẽ và giúp con có thêm thông tin, có thêm kiến thức mới. Tôi cũng đã làm được một việc nho nhỏ, là khiến con yên tâm rằng, nếu con có đặt câu hỏi, đặt nhiều câu hỏi, thì thầy giáo sẽ thấy vui mừng nhiều hơn là khó chịu, vì khó chịu nhất là khi mình giảng cho ai điều gì, họ không hỏi lại gì cả, chẳng có phản ứng gì hết, dường như họ chẳng quan tâm…
Mẹ con tôi căng thẳng, từ từ chịu đựng cùng nhau cho đến tối hôm qua, khi con đã vượt qua gần hết khó khăn, bận rộn, khi con chỉ còn một môn thi cuối cùng mà thôi. Thấy con ăn tối xong, ngồi ôn bài cùng với bố, tôi về phòng, tắt đèn đi ngủ sớm, cảm giác thư giãn vì mọi việc đã gần như ổn. Thế nhưng, mặc dù con không có dấu hiệu gì là quá căng, thậm chí còn sang phòng ôm mẹ, chào mẹ trước khi đi ngủ, nhưng tới 2 giờ sáng thì cơn khủng hoảng dữ dội nhất đã ập đến. Cứ như là một trò chơi khăm vậy, khủng hoảng đến khi mà con cần ngủ nhất, khi mà chỉ sáng mai thôi, con dậy, đi thi và sau đó, con có thể tập trung lập trình, tập trung làm những việc con thích… Cơn khủng hoảng cùng những tiếng kêu hét dịu dần vào 3 giờ sáng, chúng tôi để con lại một mình như con yêu cầu, trở về phòng và thức luôn tới sáng. Sáng sớm, tôi dậy đi bơi như thường lệ. Chuẩn bị ăn sáng cho con trước khi đi làm, tôi hy vọng con sẽ dậy được để đi thi. Vậy mà con đã làm tốt hơn thế! Con dậy sớm, ăn sáng, ôn bài rồi vào trường để thi. Và ngay lúc này đây, con trai đang ngồi say sưa lập trình. Hồi chiều, sau khi thi xong, con đã có 3 tiếng đồng hồ chơi bóng bàn với bạn, về đến nhà mệt nhoài, tắm rửa rồi nghỉ ngơi.
Tối nay, lần đầu tiên sau một tháng trời, nhà tôi có bữa ăn vui nhộn, nhiều tiếng cười, trêu chọc nhau và bàn bạc kế hoạch cho những ngày tới. Con trai mở quà sinh nhật, đọc bưu thiếp và tươi tỉnh, sảng khoái.
Khó khăn lại tạm qua, con tôi vui vẻ, cứ như chưa hề có những ngày tự làm đau mình, tự buộc mình lại để không làm tổn thương mình nhiều hơn. Và tôi tin rằng, đâu đó, trời phật có nghe thấu lời cầu khẩn của người mẹ.
 

Ghi chú: Trầm cảm nhiều lúc đi cùng tự hại, tự làm đau bản thân. Khi đó, người thân cũng phải chịu đựng nỗi đau, thậm chí là còn lớn hơn chính các bạn ấy. Thế nhưng, nếu kiên trì và làm đúng cách, cuối cùng, những cơn trầm cảm và những hành vi tự hại cũng sẽ lui bước thôi. Kiên trì và quyết tâm, chúng ta sẽ chiến thắng chúng hết lần này, lần khác!