Vẹt má vàng

Vẹt má vàng
Vẹt má vàng có tên gọi thông dụng quốc tế là Alexandrine Parakeet, hay còn gọi là Alexandrian Parrot – thuộc chi Psittacula eupatria, với 5 phân chi có hình thức khá tương đồng, được phân bổ các ở khu vực ấm áp cận nhiệt đới thuộc Châu Á.
 Vẹt má vàng ở VN thuộc phân chi Psittacula eupatria siamensis, còn gọi là Laos” Alexandrine Parakeet – là phân chi có kích thước nhỏ trong 5 phân chi, với khu vực phân bổ ở Lào, Cambodia, Vietnam và Đông bắc Thái Lan.
    Cái tên Alexandrine mà loài vẹt này được mang là để vinh danh Alexander Đại Đế – hoàng đế xứ Macedonia (khoảng 300 trước Công nguyên), người được coi là có công đầu trong việc mở mang và xây dựng con đường xuất nhập khẩu chim, thú cảnh quí đến từ Châu Á sang Châu Âu, trong đó có loài vẹt này. 
    Bản thân tên Hy lạp (cũng là tên khoa học) của chúng – eupatria – cũng đã có nghĩa là “cao quí” – bởi thời bấy giờ, chỉ những gia đình thực sự quyền quí, giàu có của đế chế Macedonia mới sở hữu được chúng.
    Xét ở góc độ sinh học, chúng thuộc nhóm vẹt rừng đuôi dài có viền cổ – Ringneck/Long-tail Parakeets, với 2 đặc trưng của loài: chim trống trưởng thành có đường viền sẫm màu phía sau gáy (ring) và các cá thể chim đều có đuôi rất dài, chiếm khoảng 1/2 tổng chiều dài toàn thân.
    Xét ở góc độ vật nuôi – Alexandrine Parakeet được coi là loài vẹt khá thân thiện, dễ thuần, sức đề kháng khá tốt, với tuổi thọ có thể đạt đến 30-40 năm.
    Trưởng thành – Sinh sản:
    Trong điều kiện nuôi nhốt, chim có thể bắt cặp, làm tổ và sinh sản vào mùa xuân. Việc bắt cặp hơi khó khăn do chim có cá tính khá độc lập, mỗi cá thể có yêu cầu lựa chọn bạn đời “theo sở thích riêng” – nên một số trường hợp cả trống mái sống chung đều đầy đủ sức khỏe và ứng xử với nhau rất tốt mà trong nhiều năm vẫn không chịu sinh sản.
    Cách tốt nhất là nuôi chung một số cá thể trống mái trong một chuồng, khi chúng đã lựa chọn được bạn đời ưng í: thì bắt ra nuôi cặp riêng.
    Thời gian ấp ứng 28 ngày, trong tổ thường có 3-6 trứng màu trắng.
    Tổ chim thường là các bọng cây lớn, được chim chui vào và dùng mỏ gặm nới rộng ra cho đến khi vừa ý. Trong điều kiện nuôi nhốt, có thể ứng dụng các dạng hộp gỗ lớn treo trong aviary để làm tổ.
    Tổ chim bằng gỗ phải được thiết kế chắc chắn, do mỏ chim to khỏe, cắn phá rất dữ:
    Chim trưởng thành ở độ tuổi 36 tháng. Ở gần khoảng này mới có thể phân biệt giới tính chim rõ ràng nhờ vào màu sắc vòng lông cổ đặc trưng của con trống mà chim mái không có. Ở độ tuổi thiếu niên: rất khó phân biệt bằng hình thức giới tính của chim.
    Một cá thể non tuổi – 8 tháng.
    Thức ăn:
    Thức ăn chính của Vẹt má vàng là các loại ngũ cốc, chồi cây, hoa quả. Vào mùa sinh sản: chim thường tự cung cấp thêm cho mình khoáng từ các vùng đất ven suối và một ít đạm bằng vài loại sâu bọ nhỏ.
    Trong điều kiện nuôi nhà: bắp ngô sống, hạt đậu phọng, hạt hướng dương, hạt lúa mạch, hạt kê loại lớn, các loại hạt dẻ… ở dạng hạt sống đều có thể sử dụng trộn thành hỗn hợp làm thức ăn chính cho chim. Ngoài ra, có thể đưa vào hỗn hợp này một ít rau củ – quả sấy khô, như cà rốt, khoai lang, đu đủ… để chim ăn cho lạ miệng.
    Các loại hoa quả tươi, ít vị chua, như: táo, lê, ổi, xoài, thanh long, nho, đu đủ, dưa leo, củ đậu, quả đậu tươi (đậu ve, đậu Hà Lan)… đều có thể cho chim ăn theo sở thích, không hạn chế liều lượng.
    Thỉnh thoảng, có thể cho chim “tráng miệng” bằng bánh qui nhạt có chút bơ, một số loại mứt, hoặc sữa chua không quá lạnh.
    Nếu vườn nhà có chồi ổi, chồi mận non: có thể hái cho chim ăn vài chồi, chúng cũng sẽ rất thích.
    Vào tuổi trưởng thành, tổng chiều dài thân chim trống (kể cả đuôi) có thể đạt đến 60cm trong điều kiện dinh dưỡng tốt.

    Dạy dỗ – Nuôi trong nhà:
    Được đánh giá là loài vẹt có khả năng nhại tốt, thực tế chất lượng nhại giọng nói của Vẹt má vàng thua xa chim Nhồng hoặc Grey parrot. 
    Chim bắt chước giọng người không giỏi lắm, đặc biệt khó bắt chước các từ nhiều nguyên âm o, a. Ghi nhận trên thế giới, chỉ một số ít cá thể có thể nhớ và học được đến khoảng 20 từ.
    Ngược lại, chim rất dễ nhại các tiếng còi xe, tiếng huýt sáo, tiếng va chạm lanh canh của các vật dụng bằng kim loại.

    Chim đặc biệt thích giao tiếp nên cần thường xuyến âu yếm và nói chuyện với chúng. Trong chuồng nuôi nên để đồ chơi nhiều màu sắc (thường bằng gỗ và được treo lủng lẳng bằng các dây xích nhỏ) để chim chơi, quan sát cho …. đỡ buồn. 
    Khi ít được quan tâm: chim thường bị tress – trở nên hung hăng, hay cắn chủ, kêu hét rất to, hoặc im lặng và tự nhổ lông cho đến trụi lủi. Giải pháp duy nhất là quan tâm chăm sóc nhiều hơn đến chim, cho ăn đa dạng, không gian lồng nuôi thoải mái, càng gần cây cối tự nhiên càng tốt, mới giải tỏa được tâm lí căng thẳng của chim.

Bài Liên Quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *