trẻ con, giáo dục và tôi

trẻ con, giáo dục và tôi

hiểu biết thì không thể nhồi nhét hay kiểm soát. đủ trải nghiệm và đủ “chín” thì trẻ tự có hiểu biết của chính mình. để có đầu ra là hiểu biết thì phải có đầu vào, đó là sự tự do khám phá và tự do định hướng (tự do nằm trong khuôn khổ, khuôn khổ rộng nhất là an toàn về thể chất và tinh thần cho tất cả).

khi đủ “chín”, kinh nghiệm sống và sự chiêm nghiệm sẽ chuyển hoá thành hiểu biết.

ngược lại, kiến thức có thể bị nhồi – đầu vào là kiến thức và đầu ra vẫn là kiến thức, không có bất kỳ sự chuyển hoá nào cả, và thường sự chiêm nghiệm là không có. một người không thể chiêm nghiệm về kiến thức mà anh ta chưa hề có bất kỳ một kinh nghiệm sống nào để vun đắp.

hiểu biết có nền tảng là kinh nghiệm sống, không phải là bề dày được đào tạo kiến thức. khi có nền tảng là hiểu biết, một con người có thể dùng kiến thức làm công cụ nâng cao hiểu biết của anh ta.
khi không có hiểu biết, mọi kiến thức là vô nghĩa. do đó có rất nhiều người đọc gì cũng tin, vì bản thân họ thiếu bộ lọc thông tin mang tên hiểu biết.

trẻ em cần nền tảng là kinh nghiệm sống trước tiên. mọi kiến thức có thể chờ. thoải mái đi!

* * *

khi bạn chuẩn bị một nội dung học mà đứa trẻ, sau một hồi, lại tự động “bẻ lái” chuyển hướng học sang một khía cạnh khác – liên quan đến nội dung chuẩn bị của bạn, song nằm ngoài vùng mục tiêu của bạn – thì bạn hãy vui mừng đi. các lý do như sau:

1- đứa trẻ biết nó hứng thú học gì.
2- đứa trẻ chủ động thay đổi hướng học. nó đang học cách trở nên có trách nhiệm với việc học của nó.
3- nó tin tưởng bạn nên mới thể hiện bản thân nó như vậy.

nếu bạn khó chịu trước phản ứng của con thì bạn chưa hiểu được quá trình học tự nhiên diễn ra như thế nào.

bạn dẫn dắt con nhưng con cũng dẫn dắt bạn là như vậy. nếu mong đợi của bạn dành cho con quá nhỏ và cứng nhắc, bạn sẽ sớm nhận thấy sự căng thẳng giữa con và bạn. khi có căng thẳng, câu hỏi nên đc đặt ra là: “tôi nên điều chỉnh cái gì ở tôi để giúp con dc tốt nhất?”, chứ không phải là “con tôi bị làm sao?” hay “tôi phải thay đổi con như thế nào?”

* * *

giáo dục không phải là thứ ai đó trao cho trẻ em.
giáo dục là hành trình một cá nhân tự khám phá bản thân, dùng bản thân để định hướng quá trình khám phá thế giới, để rồi tìm thấy bản thân ở chính giữa hai thứ: điểm giao nhau của bản thể và thế giới. cả hai chính là một.
không có thế giới, ta không thể hiểu ta là ai.

* * *

giờ tôi thích yên lặng một mình, hoặc chơi với con là chủ yếu. điều tuyệt vời ở trẻ nhỏ là chúng rất trong sáng, chơi hết mình trong hiện tại, và luôn hạnh phúc chỉ vì được chơi và được là chúng.

chúng không bất mãn với người khác, chúng không bắt bẻ và bắt người khác sống theo ý chúng, chúng không làm gì để chứng tỏ. lý trí của chúng còn đang yên giấc.

tôi tin rằng nếu chúng ta để chúng sống tự nhiên như thế và không can thiệp, chúng sẽ chỉ cho ta thấy một cách khác để sống. tôi tin rằng chúng sẽ tiếp tục hạnh phúc và biết cách hạnh phúc với chình mình nếu chúng ta không dạy chúng sử dụng lý trí sai cách.

chúng cần được hướng dẫn để lắng nghe cảm xúc, lắng nghe trái tim, lắng nghe cơ thể, và biết kiểm soát lý trí. chúng cần một đời sống tinh thần phong phú. chúng không cần người lớn dùng bản ngã để kiểm soát chúng hay mở cửa cho bản ngã chúng lộng hành.

không nhồi kiến thức gà vịt và các mong đợi xã hội và tiêu chuẩn. xin lỗi chứ. mk các tiêu chuẩn!

 * * *

cuộc đời thì phải có ước mơ.

ước mơ thì phải cho ra ước mơ, vượt trên cơm áo gạo tiền, đam mê vật chất, danh vọng.
nếu bạn sống và luôn cảm thấy bị thôi thúc bởi cái gì đó vô hình để đem lại cái đẹp và sự thật cho thế giới này, chẳng vì lợi lộc gì, thì bạn đã đi đúng đường rồi đấy.

nhiều người đã không còn cảm thấy cái thôi thúc ấy nữa. và nếu bạn là trường hợp đó, thì hãy để con bạn được tự do nghe theo tiếng gọi cao cả từ sâu thẳm trong tâm hồn để đi con đường mà nó phải đi, để nó có được cái tự do mà bạn không có.

đó mới là thành công trong nuôi dạy con cái.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *