Phải làm gì với con?

Phải làm gì với con?

Tôi đã viết vài lần về nội dung này. Lâu lâu lại cảm thấy phải viết lại. Theo một cách khác.
Hàng ngày có rất nhiều cha mẹ đưa ra những băn khoăn chủ yếu về những hành vi của con nhỏ. Những hành vi phổ biến khiến cha mẹ khó chịu bao gồm: khóc nhè, ăn vạ, nghe bố mẹ nói và ậm ừ (cho thấy đã hiểu) nhưng không làm theo, không chịu chải răng, không chịu ăn, đánh nhau, không chịu ngồi tập trung đọc sách, ghen tị với em, không dọn đồ chơi, đòi hỏi quá đáng,…

Và câu hỏi đặt ra: Tôi phải làm gì để sửa những thói đó ở con? Tôi không dạy nó thì mai mốt nó sẽ biến thành cái gì? Rõ ràng là nó hư, cần phải được dạy bảo.

Bạn cứ thử Google đi, và bạn sẽ tìm được rất nhiều các thông tin mâu thuẫn chỉ cho bạn cách xử lý vấn đề ở trẻ con. Đây là cái mà tôi gọi là “mặt kỹ thuật” trong nuôi dạy con.

Một người hát hay không phải là người nắm được tất cả các kỹ thuật. Một người giỏi chép tranh không thành họa sỹ. Tương tự, một cha mẹ biết dạy con không phải là cha mẹ biết tất cả các cách thức xử lý vấn đề, học ở đâu đó rồi đem về áp dụng với con.

Bạn có thể giỏi kỹ thuật và phải giỏi để sửa được cái quạt. Cái quạt không có cảm xúc. Còn con bạn thì có. Con bạn là một con người, không phải là cái máy để bị sửa, không phải là rô-bốt để nhận lệnh rồi theo răm rắp.

Nếu cha mẹ không hiểu được nguyên nhân của các hành vi, thì dù cho giỏi kỹ thuật, cha mẹ sẽ thất bại hoàn toàn nếu chỉ muốn con theo ý mình và tìm cách thay đổi con.
Nguyên nhân của hành vi ở trẻ nhỏ không phải là sự kém thông minh, không phải là hư đốn, không phải là thích thách thức người lớn và cố ý làm trái ý người lớn để khiến cho người lớn bực dọc. Nhưng phần lớn người lớn có cảm giác như vậy. Họ nghĩ rằng đứa con của họ khó bảo, mà không hiểu ra một điều đơn giản: TẤT CẢ CÁC BIỂU HIỆN ĐÓ ĐỀU LÀ BIỂU HIỆN TỰ NHIÊN THUỘC VỀ GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN.

Nếu bạn không hiểu được nguyên nhân của hành vi của trẻ (liên quan đến phát triển thể chất, cảm xúc, nhận thức và tương tác xã hội), thì bạn sẽ không bao giờ “sửa” được con bạn, và bạn sẽ càng ngày càng bực bội cũng như bế tắc.

Tôi xin giải thích ngắn gọn ở đây nguyên nhân của các hành vi “sai” phổ biến ở trẻ:

– Khóc nhè, ăn vạ = chưa có khả năng kiềm chế cảm xúc, thiếu ngôn ngữ để diễn đạt mong muốn và cảm xúc.

– Nghe bố mẹ giải thích nhưng không thể làm theo = khả năng nhận thức chưa đủ để học qua cách nghe bài giảng. 

– Lên 2 bắt đầu thách thức cha mẹ, không nghe lời, không hợp tác như trước = phát hiện ra rằng mình là một cá thể với mong muốn, suy nghĩ và cảm xúc độc lập với cha mẹ. 

– Kén ăn = Trẻ phát hiện ra có những thức ăn mình thích, và có thức ăn mình không thích; trẻ thích tự quyết xem mình ăn gì, không thích khi cha mẹ can thiệp.

– Không chịu chải răng hoặc đánh răng không cẩn thận = kỹ năng khó với trẻ: chưa đủ khả năng vận động tinh, chưa hiểu ý nghĩa của đánh răng, chưa có mức độ tập trung và kiên nhẫn.

– Đánh nhau = thiếu khả năng kiềm chế cảm xúc và hành vi, chưa có khả năng đồng cảm và hiểu hậu quả của hành vi, đánh để giải tỏa năng lượng, đánh để thử phản ứng của đối tượng.

– Không thể ngồi tập trung đọc sách lâu = phát triển thể chất và nhận thức chưa cho phép, chưa tập trung được, nhu cầu vận động cao.

– Ghen tị với em = cảm xúc lành mạnh, muốn được quan tâm và chú ý nhưng chưa được người lớn quan tâm đủ và đúng cách, cần nhiều thời gian để làm quen với em.

– Tranh giành đồ chơi = ý thức về sở hữu phát triển, chưa ý thức về giới hạn hành vi của bản thân, chưa có khả năng đồng cảm.

– Không dọn đồ chơi = chưa phát triển đủ nhận thức về ý thức trách nhiệm, chưa đủ khả năng tập trung (vì vậy dọn được 1, 2 món là quên mất mình đang làm gì), không có mong muốn nhà phải gọn gàng như người lớn.

– Đòi hỏi quá đáng = chưa biết giới hạn hành vi của mình ở đâu, cần người lớn nói không khi cần thiết để thiết lập ranh giới rõ ràng. 

– Chơi một thứ được 2 phút lại quay sang làm thứ khác = chưa tập trung làm một thứ được lâu do khả năng nhận thức và tập trung hạn chế, nhu cầu vận động cao. Đây là cách chơi lành mạnh của trẻ, chứ không phải là trẻ có vấn đề. 

– Nói dối = trẻ 4-5 có khả năng kiềm chế hành vi thấp, nói dối vì sợ làm mếch lòng bố mẹ, bắt đầu phân biệt đúng và sai; hành vi tương tự ở trẻ nhỏ 2-3 là do trẻ thực sự không nhớ câu trả lời, chưa phân biệt rõ những gì là tưởng tượng trong đầu trẻ và những gì thực sự xảy ra. Cha mẹ sẽ vô tình khuyến khích nói dối nếu quá nghiêm khắc với bé, dễ trừng phạt, nổi nóng.

Tất cả các biểu hiện ở trên và các biểu hiện tương tự đều là biểu hiện lành mạnh của một đứa trẻ đang phát triển tốt, đang hiểu rõ hơn về sự tự lập của bản thân, đang khám phá thế giới và các mối quan hệ để tìm ra giới hạn của bản thân và để hiểu thế giới vận hành như thế nào. 

Đứa trẻ cần cha mẹ chấp nhận nó, yêu thương nó, kiên trì ở bên cạnh nó và chỉ dẫn cho nó, dạy bằng hành động chứ không phải bằng lời nói, hiểu rõ con người nó, và hiểu đích xác tại sao nó lại đang làm điều nó đang làm, chứ không phải dùng lăng kính của người lớn để hiểu hành vi của trẻ. Khi người lớn học cách cho trẻ lựa chọn trong giới hạn an toàn, đứa trẻ sẽ học hỏi rất nhanh và không cảm thấy bị đe dọa. Người lớn mắc lỗi vì không biết thiết lập giới hạn, hoặc là thả phanh cho trẻ làm mọi thứ (rồi nổi điên khi chúng phá vỡ giới hạn – đứa trẻ bối rối, không hiểu mình đã làm gì sai), hoặc cấm tiệt tất cả mọi thứ (sẽ khiến đứa trẻ nổi điên và ngày càng thách thức cha mẹ).

Phải làm gì khi con có hành vi không vừa ý bạn ư? Hãy tự hỏi bạn xem việc đó có thực sự đáng để bạn bực bội với con hay không. Nếu không, hãy để cho con bạn tự do trong giới hạn an toàn. Hãy cho con bạn nói “không”. Hoặc hãy cho nó hai lựa chọn: “Con muốn mặc áo đỏ hay áo xanh? Con muốn ra khỏi nhà tắm bây giờ hay 5 phút nữa? Con muốn đọc cuốn này hay cuốn kia?” 

Hãy chấp nhận khi nó từ chối. Và hãy bỏ qua nếu điều đó chẳng có gì quan trọng. Ngay cả bữa ăn trẻ cũng chẳng cần phải ăn hết lượng mà bạn chuẩn bị. Nó cần được quyết định cái nó ăn và lượng nó ăn. Quan trọng hơn hết thảy là sự vui vẻ khi ăn. Cha mẹ đừng đem sự bực bội hay cuộc chiến quyền lực vào bữa ăn. Đừng bắt ép con ăn nhân danh tình yêu và lo lắng cho sức khỏe của con. Nó sẽ ốm sớm hơn vì sự căng thẳng, chứ không phải vì ăn không đủ.

Hãy giữ năng lượng của bạn cho những “cuộc chiến” thực sự khi đứa trẻ cần bạn phải ngăn hành vi của nó lại vì hành vi đó sẽ để lại hậu quả đáng tiếc hoặc vi phạm đạo đức. Ví dụ: đứa trẻ đang đánh bạn cần được bạn giữ tay nó lại, mang nó ra một chỗ khác, và giúp nó giải tỏa cảm xúc. Bạn không cần phải đem sự bực tức hay những lời mắng nhiếc để giảng giải cho đứa trẻ. Nó sẽ vẫn đánh trẻ khác sau lần đó, không phải vì nó khó bảo hay chậm hiểu, mà vì nhận thức ở tuổi đó cần rất nhiều thời gian để tiếp tục phát triển. Đến khi nhận thức đủ phát triển, đứa trẻ sẽ ngưng đánh bạn. Hãy giữ năng lượng của bạn cho những lúc thực sự cần thiết mà bạn sẽ là người toàn quyền quyết định, và đứa trẻ cần phải hiểu điều đó.

Các cha mẹ bế tắc vì một lý do rất đơn giản: họ đang tìm cách sửa các vấn đề không tồn tại. Trong khi cố gắng sửa vấn đề không tồn tại, thì họ đem theo căng thẳng, trách móc, mắng nhiếc, và thậm chí là đòn roi vào trong mối quan hệ với đứa trẻ. Lúc ấy, đứa trẻ hiểu ra là nó không được yêu thương, mà người lớn chỉ thích nó giống như những gì họ mong đợi. Nó bắt đầu khó chịu, xa cách và chống đối. 

Có một thứ duy nhất không có khóa học nào hay một thầy nào có thể dùng để làm tiền: học cách chấp nhận và yêu thương đứa con của bạn như chính nó là. Đa số cha mẹ thường quá tự tin cho rằng cha mẹ đương nhiên là biết yêu con. Đó chỉ là ngộ nhận. (Càng ngộ nhận, càng tự tin, thì càng không chịu học, nên càng dốt.) Đây là một quá trình học hỏi lâu dài của cha mẹ đòi hỏi cha mẹ phải vô cùng cố gắng để vượt ra ngoài lối nhận thức tập thể phổ biến cho rằng trẻ em chỉ là những cái hộp rỗng để đổ đầy kiến thức và mong muốn của người lớn vào. 

Cha mẹ phải hiểu rằng đứa con của họ đã đẹp sẵn rồi, nó chẳng có gì để sửa. Cái cần sửa chính là cha mẹ và những niềm tin của cha mẹ sau bao nhiêu năm được nuôi dạy và lớn lên trong một xã hội với những niềm tin méo mó. Cái cần học dành cho cha mẹ, chứ không phải cho đứa trẻ.

Bài học đầu tiên và bài học suốt đời cho đứa trẻ là bài học về tình yêu thương, không phải về giận dữ, không phải về bạo lực ngôn từ hay thể chất, không phải về tranh giành quyền lực hay xung đột lợi ích.

Khi bạn biết yêu thương con đích thực, bạn sẽ nhìn thấy tất cả các giải pháp cho mọi khó khăn. Mà đơn giản hơn, khi ấy bạn sẽ chẳng thấy khó khăn gì cả. Còn nếu chưa, thì bạn sẽ thấy con cái bạn có rất nhiều vấn đề. Những vấn đề đó phản ánh chính bạn, chứ không phải đứa con của bạn. Đừng chạy theo sửa triệu chứng nữa, mà hãy sửa căn bệnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *