Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ

Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ

Tại sao ngày càng có nhiều vấn đề ở trẻ vị thành niên Việt Nam như bạo lực diễn ra ở trường học, nạo phá thai, và lạm dụng chất kích thích? (Đó là chưa kể có khả năng rất nhiều căn bệnh tâm lý đang bị phớt lờ.)

Tôi thấy ngạc nhiên khi một số bài báo nói nguyên nhân là “lệch lạc thị hiếu và buông thả hành vi”.
Các em đó mới là những em cần được giúp đỡ, cần được thông cảm nhất. Khi ta không hiểu, ta chỉ phán xét thôi. Những nguyên nhân nêu ví dụ như ở trên thể hiện một cái nhìn đầy thành kiến và vô cùng lệch lạc về trẻ vị thành niên và các vấn đề ở giai đoạn này.

Nguyên nhân là gì?

Trước khi bước vào giai đoạn vị thành niên và trước khi có các dấu hiệu bất ổn, các em đã trải qua một giai đoạn dài hơn 10 năm. Được giáo dục bởi ai? Được sống trong môi trường như thế nào? Những biểu hiện ở giai đoạn đó chỉ là những thứ bùng phát lên sau khi những đau khổ, căng thẳng, cô đơn và trống rỗng đã tích lũy một thời gian rất dài.

Đó không phải do tự bản thân các em hư hỏng. Không có con người nào sinh ra là hư hỏng.
Giai đoạn vị thành niên còn là lúc các em bắt đầu đặt câu hỏi: Tôi là ai? Tôi sống để làm gì? Ý nghĩa ở đâu? và nếu mọi thứ không có ý nghĩa với các em, các em cảm thấy cô đơn, cảm thấy như bị ruồng bỏ – kể cả vẫn được đi học, vẫn được ăn uống đầy đủ – thì sự nổi loạn (vốn bình thường ở tuổi vị thành niên) sẽ đem lại hậu quả khôn lường.

Đây là trách nhiệm của gia đình và trường học. Nếu đến tuổi vị thành niên, sau rất nhiều năm được ăn học va “giáo dục” nhưng ngày càng có nhiều em có biểu hiện như vậy, thì ta hãy tự hỏi các gia đình đã và đang làm gì không đúng?

Đó là sự thiếu vắng của hạnh phúc và các mối quan hệ có ý nghĩa và sâu sắc. Đó là sự kiểm soát, chỉ huy trẻ, bắt ép trẻ học và sống theo mong muốn người lớn. Những đứa trẻ không có không gian để phát triển – cả về thể chất lẫn tinh thần.

Nếu phát triển đúng, thì hạnh phúc nội tại và động lực tự thân của đứa trẻ phải ngày càng lớn. Đó là môt bông hoa – sau khi được chăm sóc đúng – thì bắt đầu nở, nở vào lúc nó sẵn sàng, nở theo cách tự nhiên nhất và đẹp nhất. Đứa trẻ tự khám phá ra bản thân nó, học dần cách tự chăm sóc bản thân, tự chăm sóc các nỗi đau và cảm xúc – với sự yên tâm rằng cha mẹ sẽ luôn ở bên cạnh để hiểu và yêu thương mình vô điều kiện. Đứa trẻ sẽ không ý thức được hết những gì đang diễn ra bên trong nó – nhưng nó cảm nhận được niềm vui được sống trên cõi đời này, và cha mẹ nhìn thấy niềm hân hoan đó trên khuôn mặt nó.

Chúng ta đều có hạt giống tuyệt vời. Con cái là món quà. Cái cây sẽ không mọc tốt hơn khi ta cứ đổ lỗi cho nó là không biết mọc. Hoa sẽ không nở khi ta ép nó nở.

Chúng ta đã quá bận rộn kiểm soát quá trình phát triển của trẻ, tưởng rằng trẻ sẽ không thể phát triển khi không có ai chỉ huy chúng phải đi hướng này, hướng kia,làm việc này, việc kia,… Chúng ta tưởng chúng ta có thể chi phối toàn bộ sự phát triển đó theo ý thích của chúng ta.

Mỗi đứa trẻ có một sứ mệnh riêng ở cuộc đời này. Mỗi cá nhân đều có.

Nếu bản thân bạn vẫn còn đang băn khoăn xem mình đang làm gì ở đây, tại sao mình không thể tìm ra con đường của mình, thì câu trả lời là bạn đã được giáo dục theo cách khiến cho bạn khó tìm ra nó. Xã hội dạy ta như vậy, trường học dạy ta như vậy: chỉ có một câu trả lời đúng, chỉ có một con đường cho hàng triệu con người. Phần lớn chúng ta tin theo, làm theo, với một cảm giác rằng có một cái gì đó sai vô cùng nhưng không thể chỉ ra được điểm sai ở đâu và không biết mình nên làm gì. Chúng ta cứ làm theo mãi nhưng chẳng thấy hạnh phúc. Và chúng ta nghĩ: chắc hẳn là tại mình kém, mình dốt.

Bạn có biết suy nghĩ “Tại mình kém, tại mình dốt” xuất phát từ đâu không? Từ những lời nói và từ cách bạn đã được đối xử trong nhiều năm bởi gia đình, người thân và thầy cô. Bạn đã quá quen với việc bị phán xét – và rồi nó trở thành giọng nói bên trong chính bạn cứ phán xét bạn, buộc tội bạn, và bạn tưởng đó là giọng nói của mình.

Các cha mẹ, các thầy cô và những chuyên gia có trách nhiệm với nền giáo dục, xin hãy đặt câu hỏi quan trọng: Chúng ta phải làm gì để nuôi dưỡng tâm hồn của những đứa trẻ? Và nếu nhận ra những gì chúng ta đang thực hiện không làm được việc đó, thì bất kể việc đó là gì, xin hãy dũng cảm nhận trách nhiệm, dừng lại và đưa ra lựa chọn mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *