Những sự thật không được nói ra về trường học

Những sự thật không được nói ra về trường học


Không cha mẹ nào là không mong muốn con được đi học ở một trường tốt, chất lượng cao, có đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp. Điểm cộng nữa hấp dẫn hầu hết các phụ huynh là trường lớp có nhiều trang thiết bị hiện đại, và có giáo viên nước ngoài để tạo “môi trường quốc tế”.


Tuy nhiên, mô hình giáo dục truyền thống có rất nhiều điểm bất ổn. Trong post này, từ góc nhìn và kinh nghiệm của một cá nhân đã từng làm giáo viên dạy học cho trẻ con (và cả các độ tuổi khác) ở các môi trường khác nhau – từ lớp học 1 thầy-nhiều trò, dạy cá nhân 1-1, và dạy tại nhà cho chính con mình – tôi sẽ trình bày một số điểm ít phụ huynh nghĩ đến trong quá trình cho con đi học.

Mô hình truyền thống – định nghĩa và đặc điểm

Khi tôi nói đến mô hình giáo dục truyền thống, tôi đang nói đến các lớp học có một thầy với số lượng trò nhất định (dù là 1 hay 50 trò) trong lớp học có thể tại một trung tâm, tại một trường công, một trường quốc tế, hay thậm chí kiểu học gia sư thông thường. Thời khóa biểu và thời lượng học là cố định, nội dung học cố định và luôn được chuẩn bị trước. Các bài kiểm tra diễn ra theo tần suất cố định, được thiết kế theo kiểu mẫu cố định, và chủ yếu kiểm tra độ thuộc bài. Bên cạnh đó, trong lớp thầy giáo là người toàn quyền quyết định, và cũng là người chủ yếu nói. Học sinh có trách nhiệm lắng nghe, ghi chép, và làm bài tập – bất kể có khả năng trình độ thầy kém, nội dung dạy không chính xác hoặc thiếu khách quan, lượng bài tập quá nhiều, không cần thiết hoặc giao sai cách, v.v…

Theo mô hình dạy-học này, giáo viên quyết định nội dung học và cách thức học. Tuy nhiên, (ngoại trừ hình thức dạy tự do) giáo viên không có quyền tự do 100% để đưa ra các quyết định này do chịu sự chi phối và kiểm soát của cơ sở giáo dục nơi giáo viên này làm việc. Cơ sở giáo dục quyết định giáo trình nào được sử dụng chính, lớp có bao nhiêu học sinh, cách thức học chính, cách thức kiểm tra, và thậm chí là  cách thức đánh giá học sinh. Giáo viên tại mỗi cơ sở có độ tự do lựa chọn phương thức giảng dạy khác nhau – phụ thuộc chính vào sự chỉ đạo của mỗi cơ sở. Chưa kể các trường học còn chịu sự kiểm soát và chỉ đạo từ các cấp cao hơn như Bộ Giáo Dục (và Bộ Giáo dục chịu sự kiểm soát của thể chế chính trị.) 

Các trung tâm (như trung tâm tiếng Anh), tuy không chịu sự chi phối về nội dung và giáo trình, có đem lại hiệu quả cho trẻ em hay không, ngoài yếu tố may-rủi tùy vào trình độ giáo viên từng lớp, không tránh khỏi việc phụ thuộc nhiều vào các quyết định của giám đốc và các “sếp” trên quyền giáo viên. 

Từ mô tả trên, tôi sẽ đi vào các điểm chính bên dưới.

Sự thật 1: Trường học là một bộ máy chính trị thu nhỏ.

Có sếp giỏi, có sếp bình thường, và có sếp dốt – các mức độ này có ở tất cả các ngành nghề. Ngay cả ở trường hợp sếp giỏi, sếp có thể giỏi ở khâu tổ chức và chỉ đạo marketing, nhưng có thể lại không cập nhật về giáo dục, và phân biệt đối xử trong khâu tuyển dụng. Sếp có thể mạnh tay đẩy mạnh marketing khiến trung tâm “nổi như cồn”, nhưng không thực sự am hiểu giáo dục. Sếp có thể không am hiểu giáo dục, nhưng sẵn lòng cho phép các giáo viên có nhiều tự do trong giảng dạy – hoặc cũng có thể vừa không am hiểu, lại vừa cứng nhắc, nhất định các thứ phải được làm theo ý mình. Sếp có thể khuyến khích đội ngũ dùng đủ mọi chiêu trò để thu hút người đến học, nhưng cách thức dạy có khoa học và hiệu quả hay không thì kệ. Ngoài ra, sếp cũng luôn phải đưa ra các quyết định phù hợp với yêu cầu của các cấp cao hơn (bên ngoài cơ sở).

Giáo viên trực tiếp chịu hoặc hưởng những ảnh hưởng nói trên. Và khi giáo viên làm việc dưới quyền của những cá nhân ít hiểu biết, trẻ con là tầng chịu lực thấp nhất, kết quả lên con bạn ra sao khi ở dưới đáy của bộ máy này thì bạn có thể tự hình dung tiếp.

Sự thật 2: Không đơn giản để đánh giá chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục.

Vấn đề chọn lựa trường học, kể cả khi bạn không phải lo về tài chính, không hề là chuyện đơn giản. Vì bạn là người đứng ngoài, không dễ dàng hiểu được cơ chế vận hành bên trong của các cơ sở, lại càng khó có quyền chọn lựa con được học ai.

Lựa chọn các trường quốc tế – nếu bạn có khả năng chi trả – thành thực mà nói, chỉ có thể tăng khả năng con bạn được tôn trọng hơn, cơ sở vật chất tốt hơn (cũng giống như bệnh viên công và bệnh viện tư!), nội dung học và môi trường “quốc tế” hơn, và có giáo viên … sinh ra đã mang màu da trắng. Các vấn đề khác rất khó để đánh giá nếu bạn không phải là người trực tiếp đi học để trải nghiệm chất lượng. 

Một số nơi cho phép bạn đến quan sát cách giáo viên dạy học trong lớp. Nhưng hãy cẩn thận: cơ sở luôn chuẩn bị tốt nhất có thể để chào đón phụ huynh và để tăng độ tin cậy với họ. Khi không có mặt phụ huynh, đây là một câu chuyện khác. Tôi không có ý nói các cơ sở có ý lừa lọc (trong trường hợp đúng là họ không có ý lừa lọc) – đây đơn thuần là một hiện tượng tâm lý tự nhiên. Thậm chí bọn trẻ cũng sẽ hành xử khác so với khi bố mẹ chúng không có mặt ở đó.

 Thêm vào đó, sự quan sát của 1 hay 3 buổi học không thể mang tính đại diện. Nếu bạn quan sát hàng ngày trong vòng ít nhất 3 tháng liên tiếp thì kết quả sẽ chính xác hơn! (Tôi không hề có ý đùa.) Nhưng trường nào sẽ cho bạn vào nhiều như vậy? Và bạn cũng chẳng có thời gian để ngồi đó hàng ngày. Nếu bạn giống không ít phụ huynh, bạn sẽ sớm rút điện thoại ra sau 10 phút và quên ngay mục đích của sự xuất hiện của bạn tại lớp học đó.

Và nếu được quan sát 3 tháng và không thể chấp nhận nổi môi trường đó, bạn sẽ làm gì? Chuyển trường cho con trong khi đã đóng tiền cả năm, và dành 3 tháng tiếp theo đánh giá ngôi trường mới (nếu nơi đó cho phép)… 

Sự thật 3: Kể cả khi có giáo viên tốt, mô hình truyền thống đem lại hiệu quả rất thấp.

Tôi không hề có ý nói rằng mô hình này được dựng lên bởi những người xấu xa. Trái lại, tôi tin rằng rất nhiều người trong bộ máy giáo dục tin tưởng họ đang làm điều tốt đẹp nhất cho trẻ em (bên cạnh các thành phần đang đấu đá nhau, tranh giành quyền lực, bất đồng quan điểm trong bộ máy). Tuy nhiên, thực tế ra sao thì lại là một câu chuyện khác. Bên cạnh đó, tôi cũng dám chắc rằng rất nhiều người đi làm trong bộ máy giáo dục nhiều năm nhưng chưa hiểu ra được cơ cấu vận hành khổng lồ của nó (và những hậu quả cũng khổng lồ không kém nó có thể để lại).

Phương thức giáo dục truyền thống hoạt động dựa trên một tập hợp các niềm tin. Tôi xin dùng từ “niềm tin”, vì mô hình này đơn giản lặp đi lặp lại rất lâu nay không có thay đổi, mặc cho khoa học đã tiến triển thêm rất rất nhiều, mở ra các thông tin đáng kinh ngạc về cách trẻ nhỏ học và phát triển. 

Các niềm tin này bao gồm:
  • Người lớn có quyền hơn trẻ em.
  • Không thể cho trẻ em lựa chọn, vì chúng không biết gì hết.
  • Cách học hiệu quả nhất là người lớn nói, trẻ em nghe.
  • Trẻ em không thể nào thích học, nên phải ép chúng học – mặc cho chúng thích hay không.
  • Trẻ em có nghĩa vụ phải lắng nghe người lớn.
  • Điều quan trọng nhất để học và để giúp trẻ em trở nên có giáo dục là nắm được càng nhiều kiến thức càng tốt – chủ yếu qua học thuộc lòng.
Tôi xin nhấn mạnh lần nữa rằng đây là các niềm tin.  Mô hình giáo dục truyền thống hoạt động dựa trên các niềm tin này – và hầu như không ai dừng lại đặt câu hỏi với nền tảng này của nền giáo dục.

Nếu nền tảng sai, tất cái gì được đưa ra dựa trên nó cũng sẽ sai hết. Và dựa trên những hiểu biết của khoa học hiện giờ về cách thức trẻ em học (xin phép cho tôi không giải thích ở đây – tôi đã viết rải rác ở các post trước), tôi xin giải thích:
  • Trẻ em sinh ra đã có bản năng khám phá và học hỏi rất mạnh. Bản năng này chỉ cần được khuyến khích đúng cách mới có thể duy trì. Mô hình truyền thống tước đi của trẻ em bản năng này.
  • Trẻ nhỏ có nhu cầu vận động rất cao – đây là đặc điểm sinh lý, và các đặc điểm sinh lý thay đổi theo từng độ tuổi. Bắt trẻ em ngồi im và lắng nghe đơn giản là hoàn toàn sai.
  • Trẻ em không có nghĩa vụ lắng nghe người lớn. Chúng sẽ nghe nếu người lớn biết cách trình bày vấn đề và thu hút chúng. Nếu chúng không nghe, điều đó có nghĩa là cách thức dạy và người dạy đã thất bại. Bắt ép trẻ con nghe không cải thiện được vấn đề, và còn cho thấy rõ hơn sự bất lực và lười biếng của hệ thống.
  • Đã có rất nhiều tranh cãi nảy sinh cả ở nước ta lẫn ở những nước phát triển: Nếu đạo đức xã hội suy thoái, lỗi tại ai? Tại sao trường học không kết hợp dạy cả những giá trị sống? Trẻ em bị bắt phải ở trường trong một khoảng thời gian quá dài trong ngày. Nếu trường học không dạy nổi những giá trị sống thì đó là một thất bại lớn. Dạy giá trị sống thông qua những câu chuyện và bài học do người lớn đúc kết hòng mong trẻ em theo được là một kiểu chây ì nữa. (Và sau đó thì các lớp kĩ năng sống bắt đầu mọc lên để khiến tiền của các phụ huynh tuồn ra ngoài thêm một chút, và thời gian và sức lực của trẻ bị “ngốn” thêm một chút nữa.)
  • Dạy kiến thức và bắt học sinh học thuộc là một điều vô ích – vì trẻ con hoàn toàn có thể nhớ, áp dụng máy móc công thức mà không hiểu. Hơn nữa, tại Việt Nam, các thầy cô giáo trong trường có xu hướng trình bày các nội dung trừu tượng quá sớm, quá rườm rà (và chưa kể thường khá vô vị) theo cách thức không thích hợp. Bị bắt ép trong một môi trường học không phù hợp với bản thân, trẻ em chỉ có thể đối phó. Sự đối phó này có thể thể hiện gián tiếp qua việc trẻ em mệt mỏi, học không vào, chỉ ham chơi.
  • Mỗi trẻ em là một cá thể duy nhất với thiên hướng riêng và tốc độ học riêng, đòi hỏi một cách tiếp cận duy nhất. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi cách tiếp cận đại trà như ở trường học hiện nay “san bằng” tất cả các khác biệt cho dù là tốt hay xấu, gia tăng tính thụ động trong học tập, chủ yếu rèn tính phục tùng, và giảm khả năng suy nghĩ, suy luận cũng như sáng tạo.
  • Thời lượng học quá nhiều, không hề cần thiết đối với trẻ em. Một bài học thực chất có thể chỉ mất 10 phút để trẻ em hiểu ý chính bắt buộc phải kéo dài tới 1 giờ hoặc hơn. Đây đơn giản là khuôn khổ không thể bị phá vỡ. Và nhiều giáo viên thực sự tin 1 giờ đồng hồ đó có ý nghĩa! Thật là vĩ đại.
  • Điểm kiểm tra là một công cụ thô sơ, không thể đánh giá được trẻ em. Chính xác hơn, nó nên được dùng để đánh giá thầy cô giáo và hệ thống. Nếu điểm của con bạn quá thấp, tôi dám chắc đó là thất bại của giáo viên.
  • Nhiều thầy cô giáo thực sự tin bài tập càng nhiều thì càng giúp trẻ em học hiệu quả hơn. Hãy nhìn vào thực tế: chúng đang quay cuồng với đống bài chồng chất do các thầy cô ai cũng nghĩ (môn của) mình quan trọng nhất. Kết quả là căng thẳng, ham chơi và thích những kiểu tiêu khiển không có lợi cho não (do được chơi quá ít – không có gì khó hiểu), không phát triển được sở thích, chán chường.

Sự thật 4: Khi trẻ thất bại, lỗi không phải của trẻ.

Từ các phân tích ở trên, tôi nghĩ không có gì khó hiểu để bạn hiểu được điều tôi muốn nói tới trong phần này. 

Khi trẻ thất bại (hoặc chính xác hơn là không được như mong đợi của phụ huynh), phản ứng đầu tiên của phụ huynh thường là cho rằng con mình kém. Sau đó, có thể phụ huynh sẽ đổ lỗi cho giáo viên. Hoặc cả hai.

Được đào tạo trong mô hình giáo dục như vậy, trẻ em – trong khi còn non nớt như vậy – vô tình trở thành tấm chịu lực: không những chịu áp lực trực tiếp từ giáo viên mà còn chịu các lực gián tiếp phía trên giáo viên, mà còn chịu cả áp lực từ cha mẹ mong muốn con mình giỏi giang. Vâng, có những đứa trẻ là những tấm chịu lực chất lượng cao – số còn lại không may mắn như vậy. Và kể cả khi chúng có thể chịu lực tốt, hậu quả để lại lên các phát triển tâm lý, cảm xúc, và trí thông minh là không hề nhỏ. Trẻ không thể phân tích được các nguyên nhân khiến chúng cảm thấy căng thẳng – chúng chỉ có thể cảm thấy căng thẳng. Nhưng thật đáng buồn: hầu như không ai nghe chúng cả.

Khi trẻ không học được, đó là lỗi của giáo viên, và lớn hơn nữa là lỗi của hệ thống. Ngay cả khi giáo viên xuất sắc (tức người am hiểu tâm lý trẻ, tôn trọng trẻ và biết cách hướng dẫn, khuyến khích trẻ), mô hình giáo dục hiện tại không cho phép trẻ tự do phát triển bên ngoài phạm vi của nó. Vì vậy, cải cách hệ thống mà lại chỉ tập trung vào nội dung học mà không phải cách thức là một sự lố bịch không có từ nào diễn tả được hết.

Cách trẻ học có thể được ví như một cái cây leo: Nếu bạn dựng giàn ở nơi thích hợp, cây sẽ leo và phát triển tốt. Nhưng nếu bạn dựng giàn nơi chả có chút ánh sáng nào thì có ép cái cây cũng chẳng làm nó mọc theo hướng đó được.

Lời kết

Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định một điểm lợi to lớn của hệ thống giáo dục đại trà: các phụ huynh có thể yên tâm đi làm. Nên thực chất, các trường học là nơi trông trẻ đúng nghĩa chứ thường không phải là nơi dạy trẻ. Nhưng trẻ em, dù cho ở trong môi trường nào, vẫn luôn “ngấm” được nhiều bài học chủ yếu qua hành vi của người lớn chứ không phải những gì người lớn rao giảng – đây thường là các bài học được “thiết kế” một cách vô tình.

Mô hình này cần phải được thay đổi nếu quả thực ở ngoài kia có nhiều người lo lắng cho thế hệ tương lai đến vậy. Nền tảng cần phải được xây dựng lại, và người lớn cần phải học lại mới có thể dạy được trẻ con. 

Muốn được vậy, trước khi dạy theo cách thức mới (bất kể cách thức đó là gì), giáo viên cần phải nắm được các đặc điểm sinh lý, tâm lý và khả năng ngôn ngữ, suy luận của từng độ tuổi, cũng như hiểu được cách thức dạy như thế nào là phù hợp. Kiến thức thực chất là phần phụ – thay vào đó, trong thời buổi công nghệ và khoa học phát triển như hiện nay, giáo viên trước hết phải có khả năng cao tự học và cập nhật các kiến thức và thông tin giáo dục, chứ không phải người “nắm” thông tin và đóng vai trò truyền đạt. Giáo viên chỉ nên đơn giản là chất xúc tác. 

Đến đây, bạn có 2 lựa chọn: suy nghĩ tiếp để kiếm chứng những gì tôi nói, hoặc kết luận tôi bị mắc chứng tưởng tượng thái quá!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *