Những ngộ nhận về dạy trẻ đọc sớm

Những ngộ nhận về dạy trẻ đọc sớm

Bộ flashcard dạy trẻ đọc sớm của nhà xuất bản Dân Trí (dành cho trẻ 3 tháng – 6 tuổi – theo như bìa hộp), nhằm để thuyết phục các cha mẹ mua, đưa ra một số thông tin như sau ở phía sau để giải thích tại sao phải dạy trẻ đọc sớm:

(1) “… dạy trẻ học đọc khi còn nhỏ sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với sau này”.
(2) “Những đứa trẻ mà được dạy đọc từ khi còn nhỏ sẽ ham tìm hiểu, học hỏi kiến thức hơn và có xu hướng lĩnh hội tốt hơn so với những đứa trẻ học đọc muộn.”
(3) “Biết đọc sớm sẽ giúp trẻ đọc và hiểu nhanh hơn các bạn khác.”

Có một hiểu nhầm không hề ít gặp ở cha mẹ cho rằng các trẻ biết đọc sớm, nói sớm thông minh hơn những đứa trẻ khác. (Suy cho cùng thì cha mẹ, ông bà nào lại không muốn tin con mình thông minh? Nhưng hãy lùi lại một bước mà khách quan nhìn nhận sự thật.) Tuy nhiên, khoa học, nhiều chuyên gia và các nghiên cứu cho thấy không hề có cơ sở khoa học nào cho niềm tin này.

Có những nghiên cứu đã theo dõi những đứa trẻ có vẻ xuất chúng, phát triển sớm khi còn nhỏ, ví dụ như có điểm IQ cao hoặc các bài kiểm tra cho thấy tư duy toán học vượt trội cả gần chục năm so với bạn cùng lứa – phần lớn những đứa trẻ này khi lớn lên lại rơi vào diện bình thường, và không phải thiên tài.

Chúng ta hãy cùng bàn về các hiểu nhầm tai hại mà nhà xuất bản Dân Trí đưa ra để quảng cáo cho bộ sản phẩm của mình:

1. “… dạy trẻ học đọc khi còn nhỏ sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với sau này”.

Cũng giống như việc ngồi bô, tháo bỉm, cai sữa mẹ, hay học nói, tất cả các kĩ năng mà trẻ có được không đơn giản chỉ phụ thuộc vào môi trường và có người “huấn luyện”, mà phụ thuộc vô cùng nhiều vào việc khi nào trẻ đã sẵn sàng. Nếu hệ thần kinh chưa phát triển đủ, mặc dù cho trẻ có được “huấn luyện” bao nhiêu chăng nữa, trẻ cũng không thể rèn được kĩ năng đang được người lớn mong đợi sẽ làm được. Nếu bị gò ép thái quá, trẻ có thể phải dùng đến các liên kết neuron chưa phát triển đủ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển não.

Một ví dụ rất đơn giản: khi trẻ được 6 tháng, dù bạn muốn và cố gắng thúc ép trẻ đi thì trẻ cũng không thể tập đi được vì trẻ chưa sẵn sàng cho kĩ năng đó. Có trẻ biết đi lúc 11 tháng, nhưng cũng có trẻ ngoài 1 tuổi.
Mỗi một trẻ có một mốc thời gian riêng. Không nên dựa vào mốc trung bình mà cho rằng đã đến lúc trẻ phải làm gì. Có những trẻ biết đọc khá sớm lúc 3, 4 tuổi. Có trẻ lại phải chờ đến năm 6, 7 hoặc nhiều hơn mới sẵn sàng để học đọc. Nhanh hơn không có nghĩa là thông minh hơn.

Nếu bạn thử dạy trẻ đọc sớm mà trẻ vui vẻ, sẵn sàng tham gia, đây là dấu hiệu tốt cho thấy đây là thời điểm phù hợp để dạy chữ. Nếu trẻ không hợp tác với bố mẹ, tốt hơn cả là bạn hãy chờ đến thời điểm khác. Khi thời gian thích hợp đã đến, trẻ sẽ học rất nhanh mà không cần ai thúc ép – đây là cách thức tiếp cận đúng và thoải mái cho cả trẻ lẫn cha mẹ.

Các trường hợp cần phải quan tâm là những trường hợp trẻ phát triển kĩ năng nào đó quá chậm so với mốc trung bình. Khi đó, bạn nên đem con đi kiểm tra để có được nhận xét chính xác, đáng tin cậy cũng như được tư vấn xem con bạn cần được hỗ trợ ra sao.

2. “Những đứa trẻ mà được dạy đọc từ khi còn nhỏ sẽ ham tìm hiểu, học hỏi kiến thức hơn và có xu hướng lĩnh hội tốt hơn so với những đứa trẻ học đọc muộn.”

Khi trẻ nhỏ tuổi học đọc với flashcard, trẻ ghi nhớ sự kết hợp của chữ thành từ cũng giống như khi ghi nhớ một bức tranh hoặc một hình ảnh nào đó. Trẻ có thể nhắc lại từ, nhưng việc có hiểu hay không    là một việc hoàn toàn khác không liên quan, và việc khẳng định trẻ học đọc sớm sẽ khiến trẻ thích đọc về lâu về dài hay thông minh hơn cũng hoàn toàn không có cơ sở.

Để hiểu được nội dung đọc, đầu tiên trẻ phải biết nhận diện từ, sau đó hình dung từ đó được phát âm ra sao. Bước tiếp theo, trẻ phải liên hệ được từ nhìn thấy với một vật/việc/tính chất nào đó đã biết trong cuộc sống. Giả sử như con bạn chưa bao giờ nhìn thấy con dê hay bất kì hình ảnh nào của con dê, việc dạy đọc chữ “dê” chỉ là một ví dụ của việc học vẹt vô nghĩa (trẻ cũng khó có động lực học một từ nào hoàn toàn không có ý nghĩa với bản thân).

Một vấn đề của việc dùng flashcard dạy đọc là các từ bị chia cắt, giới thiệu hoàn toàn không có văn cảnh hay tình huống. Nếu được dùng để dạy đọc các từ trẻ quan tâm và đã biết, đây là một cách áp dụng tốt. Nhưng bìa bộ flashcard của NXB Dân Trí cũng quảng cáo là dùng để “dạy trẻ học nói”. Học nói hoàn toàn không liên quan đến học đọc, và trình tự tự nhiên nhất luôn là học nói trước, học đọc sau.

Để đưa ra một ví dụ cho mục này, chúng ta có lẽ đều biết một, hai đứa trẻ được mẹ đọc cho các bài thơ vần, có thể đọc thuộc lòng vanh vách, nhưng khi được hỏi về ý nghĩa thì hoàn toàn không hiểu.

Vậy, đọc để làm gì nếu không hiểu? Và làm sao có thể hiểu khi não chưa sẵn sàng cũng như trải nghiệm chưa đủ để liên hệ với cuộc sống, và tư duy chưa đủ phát triển?

Một ví dụ nữa của những đứa trẻ biết đọc sớm là chứng bệnh dyslexia (reading disorder): một đứa bé tự biết đọc từ khi chưa tròn 3 tuổi. Đến 8 tuổi, nó đã cầm trên tay tờ New York Times, và chăm chú đọc từng chữ. Nó có thể đọc to nội dung đang đọc khiến người xung quanh ngỡ nó thực sự đọc được. Nhưng vấn đề chính: đứa trẻ không hiểu lấy một từ.

3. “Biết đọc sớm sẽ giúp trẻ đọc và hiểu nhanh hơn các bạn khác.”

Phần bàn luận ở trên có lẽ đã đủ để làm rõ hiểu nhầm này. Xin tóm gọn lại: biết đọc không có nghĩa là hiểu, và biết đọc nhanh hơn các bạn đồng lứa ở độ tuổi bé không có nghĩa là thông minh hơn ở thời điểm biết đọc, và đây càng không phải là dấu hiệu cho thấy về lâu về dài đứa trẻ sẽ vượt trội chúng bạn. Rất nhiều đứa trẻ thông minh không biết đọc sớm.

Dòng ngoài lề: suy cho cùng, tại sao chúng ta phải biến việc nuôi dạy con thành một cuộc đua, trong đó đứa bé bị gò ép, điều khiển chỉ để cho ra kết quả cha mẹ mong muốn? Mỗi đứa trẻ lại thông minh theo một cách khác nhau. Trẻ con không cần tham gia vào cuộc chiến bản ngã của người lớn, và người lớn tốt nhất nên tự dừng nó lại.

Vậy yếu tố nào đảm bảo một đứa trẻ sẽ ham học hỏi và thích đọc về lâu về dài?

+ Cha mẹ thường xuyên đọc sách cho trẻ (dù cho trẻ biết chữ hay chưa), trao đổi với trẻ về các nội dung trong sách và cho trẻ thấy đọc sách là một thú vui.
+ Trẻ thường xuyên thấy cha mẹ đọc sách. Trong nhà có rất nhiều sách báo và người lớn thường xuyên bàn luận về các ý tưởng trong sách.
+ Cha mẹ nói chuyện nhiều với trẻ, khuyến khích trẻ suy nghĩ, và dạy trẻ từ mới.
+ Cha mẹ có thể khuyến khích, động viên trẻ, song KHÔNG ĐƯỢC PHÉP gò ép con. Bắt ép khi trẻ không muốn hoặc chưa sẵn sàng chính là lý do chính vì sao trẻ chán ghét học.

Mong các cha mẹ hãy tìm hiểu kĩ và đặc biệt lưu ý tới các sản phẩm được quảng cáo một cách bừa bãi, vô trách nhiệm nhằm thu lợi nhuận.

Nguồn tham khảo: Your child’s growing mind: brain development and learning from birth to adolescence (tác giả: Jane Healy)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *