NHỮNG LỜI NÓI KỲ DIỆU

NHỮNG LỜI NÓI KỲ DIỆU

Nhiều khi cha mẹ băn khoăn phải làm gì để xử lý các vấn đề mà họ thấy xảy ra giữa họ và con nhỏ (cũng như con lớn). Cha mẹ có thể nghĩ và suy diễn quá nhiều, để đi tìm một giải pháp phức tạp nào đó như họ hình dung. Nhưng đôi khi thực tế lại ngược lại.

Giải pháp bắt đầu với những bước nhỏ nhất, đơn giản nhất, và cũng có thể rất khó khăn, bởi nó đòi hỏi cha mẹ phải thay đổi những thói quen hàng ngày. Thay đổi thực sự chỉ có thể đến từ việc thay đổi hoặc tạo mới một thói quen hàng ngày, chứ không đến khi cha mẹ gắng tác động tới trẻ theo một cách nào đó nhưng chỉ diễn ra được vài ngày, hoặc cách ngày, cách tuần nhớ ra thì mới thực hiện.

Trong bài này, Koi đưa ra những lời nói tưởng đơn giản nhưng có sức mạnh tác động rất lớn. Cha mẹ hãy thử áp dụng một cách có ý thức và chân thành, rồi quan sát những thay đổi tâm lý ở trẻ, và rồi là những tác động tâm lý tới cha mẹ và cách tình huống tiếp diễn sau đó.

1) CON SẴN SÀNG CHƯA?

Cha mẹ thường gặp khó khăn khi yêu cầu trẻ chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác. Cha mẹ có thể vô tình ra lệnh cho trẻ bởi họ mất kiên nhẫn mà không cho trẻ thời gian để chuẩn bị. Hãy tập thông báo trước với trẻ: “Con còn 10 phút nhé. Chuẩn bị rồi sau đó mình (tên hoạt động). Khi nào con sẵn sàng bảo bố/mẹ nhé!” Chẳng hạn như vậy, và sau đó hãy hỏi trẻ vài lần “Sẵn sàng chưa con?”

2) CON CÓ CẦN ĐƯỢC GIÚP KHÔNG?

Ở độ tuổi 2-3, trẻ bắt đầu thích tập tự làm nhiều thứ. Để thể hiện sự tôn trọng nhu cầu này của trẻ, cũng như để tăng khả năng hợp tác, cha mẹ có thể hỏi câu hỏi rất đơn giản này. Việc trẻ muốn tự làm mọi thứ không có nghĩa là chúng sẽ tức khắc làm hoàn hảo. Cha mẹ có thể ở gần quan sát nếu muốn biết khả năng của trẻ ra sao, và tách dần ra khi đã yên tâm rằng trẻ đã biết thực hiện kỹ năng nào đó. Bên cạnh đó, lại có những kỹ năng trẻ vẫn còn loay hoay, chưa tự tin. Hãy để trẻ làm phần chúng có thể, và bạn giúp phần còn lại.

3) CẢM ƠN CON.

Cha mẹ thường bỏ qua câu nói này bởi vì cho rằng lẽ đương nhiên là trẻ có trách nhiệm hợp tác, nghe lời, làm theo ý cha mẹ. Nói lời cảm ơn với trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy được ghi nhận, tôn trọng, và tiếp tục gia tăng khả năng hợp tác của trẻ vào các lần tiếp theo. Điểm lợi nữa là trẻ sẽ quan sát, học theo cha mẹ và sẽ biết nói lời cảm ơn rất sớm khi được những người khác giúp đỡ. Như vậy tốt hơn là tìm cách khiến trẻ nói lời cảm ơn nhưng bản thân người lớn lại không thực hiện.

4) CON GIÚP BỐ MẸ NHÉ?

Tương tự, nên hỏi trẻ xem chúng có muốn giúp đỡ cha mẹ không. Việc này tăng cơ hội thành công hơn rất nhiều so với một lời yêu cầu “Con làm cái này giúp mẹ đi!” Đồng thời, khi hỏi trẻ câu này, cha mẹ cũng cần từ bỏ mong muốn rằng chỉ có một câu trả lời đúng “Vâng ạ!” Đôi khi trẻ sẽ từ chối bởi chúng đang bận việc của chúng (chơi là công việc quan trọng của trẻ!). Và đôi khi trẻ sẽ đồng ý. Nhớ cảm ơn trẻ khi chúng tham gia giúp cha mẹ, dù ít hay nhiều.

5) BỐ MẸ LÀM CÁI NÀY ĐƯỢC KHÔNG?

Cha mẹ cần “tham khảo” ý kiến của trẻ khi động đến đồ của chúng hoặc thứ gì có liên quan tới hoạt động đang diễn ra của chúng. Ví dụ: Khi cha mẹ cần dọn nhà, mà trẻ lại đang chơi dở và mới xếp được một ngôi nhà Lego, hãy nhớ hỏi trẻ: “Cái này có thể dọn được không con, để mẹ còn quét và lau nhà? Con để gọn lại được không, hay mẹ giúp con để gọn lại được không?” Cần tôn trọng thành quả chơi của trẻ – chứ đừng cho rằng cái đó vô bổ, lúc nào làm lại chẳng được.

Khi cả nhà đang nghe nhạc (và trẻ cũng đang rất thích thú lắng nghe) và cha mẹ muốn chuyển bài chẳng hạn, cũng cần hỏi chúng: “Mẹ chuyển bài được không?”

6) BỐ MẸ XIN LỖI CON.

Lời xin lỗi rất quan trọng. Nó cho trẻ thấy rằng cha mẹ sẵn sàng nhìn nhận lại bản thân và sửa đổi để làm cho đúng vai trò của họ với trẻ. Việc mắc lỗi vẫn xảy ra, lúc này hoặc lúc khác, dù là trẻ hay người lớn. Việc người lớn biết xin lỗi cũng sẽ khiến trẻ học cách xin lỗi người lớn một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, và tiếp nhận phản hồi của người lớn tốt hơn khi chúng làm gì đó chưa tốt. Ép buộc trẻ xin lỗi, đặc biệt khi người lớn không biết xin lỗi chúng, là cách tiếp cận thiếu hiệu quả, gây căng thẳng, sợ hãi và giảm kết nối.

*

Chúc các cha mẹ áp dụng hiệu quả với con!