Giúp trẻ học: Hãy ngừng đổ lỗi cho trẻ

Giúp trẻ học: Hãy ngừng đổ lỗi cho trẻ


Tôi không lập ra blog này với ý định khoe con tài giỏi. 


Quan điểm của tôi dựa trên kinh nghiệm và từ các tìm hiểu về nghiên cứu khoa học về phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ là: Bất kì đứa trẻ nào cũng có khả năng nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ nếu tiếng Anh được giới thiệu sớm và nhiều theo cách thức phù hợp (đã được bàn cụ thể ở các post trước) với trẻ nhỏ, và đặc biệt, tiếng Anh phải được dạy một cách có ý nghĩa qua các hoạt động hàng ngày của trẻ (chứ không phải dạy qua sách, làm bài tập, học thuộc như ở lớp).

Đôi lời về cách một số cha mẹ đánh giá con

Cách tiếp cận của không ít cha mẹ Việt Nam, đối với phát triển tiếng mẹ đẻ của trẻ, là không đóng vai trò tích cực để dạy trẻ nói, và không tìm hiểu về phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Khi trẻ chậm nói tiếng Việt, nguyên nhân có thể do trẻ nhưng cũng có thể là do môi trường. Do thiếu tìm hiểu, phản ứng khá phổ biến ở nhiều cha mẹ là đổ lỗi cho con là dốt, là chậm. Có người còn khẳng định luôn: Trí thông minh 90% là do gene, làm sao thay đổi được. Tôi xin được mạn phép: Trí thông minh rất nhiều là do tác động môi trường, đặc biệt trong những năm đầu đời. Lúc đó, trẻ em nhỏ bé, yếu ớt, hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn. Vai trò cha mẹ trong những năm này có sức ảnh hưởng vô cùng lớn – chúng ta không được phép lơ là.

Tôi thấy khá nực cười là mọi người thi nhau sốt ruột về phát triển cân nặng, và chăm bẵm cho con ăn đến mức trẻ không được phép từ chối ăn, đến mức trẻ ghét ăn, nhưng phần nhiều lại mặc cho các phát triển khác ra sao thì ra. Chẳng lẽ chỉ có cân nặng là chỉ số duy nhất cho thấy trẻ phát triển tốt? 

Ngay cả cân nặng cũng không phải là một chỉ số đáng tin cậy. Bảng cân nặng của Tổ chức Y tế Thế giới WHO tính cả cân nặng của trẻ theo %. Nếu cân nặng của trẻ nằm trên đường 95%, điều đó có nghĩa là trẻ nặng hơn 95% trẻ bằng tuổi. Nếu rơi vào đường 5%, trẻ nặng hơn 5% số trẻ bằng tuổi. 

Nhưng điểm quan trọng nhất về các con số này theo thông tin khoa học hiện giờ là: các con số chỉ là các con số, 95% không có nghĩa là tốt hơn 70% hay thậm chí 3% hay 1%; 50% chỉ có nghĩa là trung bình, chứ không có nghĩa là bình thường. Xin đừng cho rằng cao hơn và nhiều hơn là luôn tốt hơn. Các chuyên gia ở các nước phát triển cũng nói rằng để xác định tình trạng sức khoẻ, bạn phải nhìn vào đứa trẻ để đánh giá chứ không phải vị trí cân nặng của nó ở trên bảng cân nặng.

Khi trẻ không thích thú với việc ăn uống, lỗi lầm phần lớn chính là của cha mẹ. Nhưng khi đó, các cha mẹ ít khi nhận một nửa phần lỗi về mình, thay vào đó lại đổ tại con: “Có chịu ăn đâu!”, “Lười ăn lắm!”, “Giờ ăn toàn muốn chơi”,… Sau đó vì vẫn lo cho cân nặng của con, chúng ta bị “bẫy” bởi các sản phẩm được quảng cáo là sẽ giúp trẻ tăng cân.

Đối với việc học cũng vậy. 


Nó không học được là tại nó!

Và chính do suy nghĩ như ở trên về cách thức trẻ học nói, học ăn và việc quy trách nhiệm hoàn toàn cho trẻ, một số các cha mẹ cũng cho rằng nếu con mình không học tiếng Anh nhanh được bằng trẻ khác, điều đó có nghĩa là con mình chậm và kém.

KHÔNG PHẢI. 

Điều đó có nghĩa là:
  • Trẻ chưa có đủ lượng input tiếng Anh có ý nghĩa với trẻ – input có nghĩa là ngôn ngữ có ý nghĩa với trẻ, nói ở tốc độ vừa phải và phù hợp với nhận thức và mối quan tâm của trẻ. Trẻ đi học ở lớp có được rất ít sự chú ý 1-1 của thầy cô. Do đó, 1 khóa học chỉ có tác dụng giúp trẻ làm quen, và trẻ có thể nhớ một lượng từ căn bản đã là may mắn lắm rồi. (Vâng, tôi đã từng dạy trẻ con – đây không phải là phỏng đoán.)
  • Nếu có trẻ khác đi học cùng khóa đó mà biết được nhiều hơn, có thể trẻ đó được dạy thêm ở đâu đó ngoài khóa học đó. Và cũng có thể trẻ đó học nhanh hơn và con bạn chậm hơn. Nhanh hay chậm không phải là dấu hiệu thông minh hay kém thông minh.
  • Hoặc có thể trẻ không thích học tiếng Anh (do đó ép cũng không có tác dụng gì) do đã có những trải nghiệm gắn liền với cảm xúc tiêu cực với tiếng Anh, thường do người lớn không biết dạy, và bắt ép trẻ khi trẻ không muốn.
  • Khi bạn đã cố gắng dạy con mà không có kết quả cũng như con không thích, không quan tâ,, điều đó có nghĩa là cách tiếp cận của bạn chưa phù hợp với con.

Dạy con hay không dạy con?

Một điều đáng bàn nữa là: Khi một số cha mẹ được khuyên nên giúp con ở nhà, họ băn khoăn rằng tiếng Anh của họ không đủ tốt, nên tốt nhất là gửi đi đâu đó. Có cả các phản ứng trên Facebook mà tôi đọc được về việc tôi dạy tiếng Anh cho con từ những người không quen “comment” với nhau là: “Giời, tiếng Anh tôi giỏi thì tôi đã dạy rồi nhé!”

Tôi nghĩ chúng ta đều có xu hướng chọn CÓ hoặc KHÔNG, cách này hoặc cách kia, thay vì chọn 10%, 20%, 50%, và kết hợp các cách khác nhau.

Bạn có thể gửi con đi học, và kết hợp giúp con thêm ở nhà tùy theo khả năng của bạn. Trẻ chỉ đi học ở lớp, do không có nhu cầu dùng tiếng Anh hàng ngày, mất rất nhiều thời gian cho đến khi có thể dùng để giao tiếp được. Chưa kể hứng thú học tiếng Anh có thể bị ảnh hưởng bởi thầy cô giáo – có người trẻ thích, có người trẻ không thích. Bạn hoàn toàn có thể giúp trẻ cảm thấy hứng thú bằng cách đọc sách tiếng Anh cùng trẻ, cho trẻ nghe nhạc, dạy trẻ thêm từ mới, tham gia vào các cuộc hội thoại đơn giản.. Đọc sách (do người bản ngữ viết cho các bé bản ngữ) chính là cách hiệu quả mà vui vẻ, không vất vả cho cả cha mẹ và trẻ – bạn có thể vừa vui đùa vừa đọc sách cùng con. (Bạn có thể lên Facebook tìm trang Sách Đồ Chơi, và hỏi tư vấn về mua sách ở chính trang này. Tôi là khách hàng thỉnh thoảng ghé qua mấy năm nay rồi.)

Tất nhiên việc này cũng đòi hỏi chính bạn phải HỌC CÙNG trẻ, và tôi có thể hiểu việc này sẽ ngốn thời gian nhiều như thế nào, và khiến nhiều cha mẹ nản lòng trước cả khi bắt đầu. Cách tiếp cận cụ thể không khác với khi dạy tiếng Việt, và đã được tôi bàn chi tiết trong các post trước.

Sự tham gia của bạn chính là yếu tố chính giúp trẻ thành công. Xin đừng mặc cho việc thành công học ở trẻ phụ thuộc vào may rủi. Càng giúp trẻ học sớm, việc dạy trẻ càng trở nên dễ dàng hơn. Chờ đến khi trẻ đã đi học, trẻ đã học được một thông điệp từ trường học rằng “học là vất vả, học là mệt, học là vì người khác, không phải cho mình”, do đó mà mất hết hứng thú cũng như không còn tò mò. (Tôi đã có đủ kinh nghiệm dạy trẻ em lẫn người lớn ở đủ mọi độ tuổi để có thể tự tin khẳng định được điều này.)


Vai trò của cảm xúc đối với trí thông minh

Nhiều người cho rằng cảm xúc chẳng có vai trò gì đối với việc học. Đó là lý do có những bà mẹ quát con: “Mày học đi, mày lười thế. Tao buồn vì mày lắm. Dốt đặc. Học mãi không nhớ. Bị làm sao thế?” Còn đứa trẻ chỉ biết thút thít khóc.

Theo John Medina, tác giả cuốn sách nổi tiếng Brain Rules for Baby, và nhiều chuyên gia khác, sự thông minh chỉ có thể phát triển khi trẻ cảm thấy an toàn. Nếu trẻ cảm thấy bị đe doạ và căng thẳng, trí thông minh khó mà phát triển được. (Hãy nghĩ về chính bản thân bạn: Bạn có thể tiếp thu được điều gì khi có một người lăm lăm một cây roi quất bạn khi bạn không nhắc lại được điều gì vừa mới được dạy không? Khi người đó cho rằng mình có quyền xúc phạm bạn, khả năng học của bạn có khá hơn không?)

Do vậy, điều bạn có thể làm cho con bạn mà chẳng tốn chút tiền nào chính là giúp con có cảm xúc tích cực với tiếng Anh. Đừng nghĩ rằng học là phải ngồi im, nghe giảng, học thuộc. Học chính là cuộc chơi lớn nhất cuộc đời. 

Vậy nên hãy tích cực kết hợp vừa chơi vừa học để giúp trẻ. Mỗi ngày chỉ cần 20 đến 30 phút, bạn có thể tạo nên một môi trường tuyệt vời cho con. Điều quan trọng không phải là thời lượng, mà là chất lượng của thời gian bạn dành cho con.


Nhưng …

Tôi biết có rất nhiều “nhưng” khi tôi khuyên một số cha mẹ giúp trẻ học:
  • Tôi phát âm không đúng.
  • Tôi không có thời gian.
  • Tôi không biết dạy.
  • Tôi không biết mua sách ở đâu.
  • Tôi đi làm rất mệt.
  • vân vân.
Trong khi đó, tôi dám chắc nhiều cha mẹ đều có ít nhất 1 tiếng trên Facebook mỗi ngày.
Nếu bạn thực sự muốn làm, bạn sẽ làm được 🙂

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *