Co giật ở trẻ em – nguyên nhân bệnh và xử trí

Co giật ở trẻ em – nguyên nhân bệnh và xử trí
Co giật là một hội chứng thường gặp với trẻ em tại Việt Nam. Co giật là trạng thái rối loạn tạm thời về mặt ý thức, hành vi, vận động, cảm giác do sự phóng điện đột ngột quá mức và nhất thời của một nhóm neuron thần kinh.
Có rất nhiều trường hợp được đưa vào điều trị khá muộn dẫn đến di chứng nguy hiểm cho trẻ. Để nắm được những hiểu biết cơ bản về hội chứng này, từ đó tìm ra nguyên nhân và cách xử trí phù hợp, mời quý độc giả tham khảo bài viết sau đây.

1. Hội chứng co giật là gì?

Co giật là một rối loạn thần kinh thường gặp ở trẻ em, co giật không phải là một bệnh mà chỉ là triệu chứng thần kinh nào đó cần được khảo sát kỹ nhằm có kế hoạch điều trị thích hợp. Các rối loạn chức năng thần kinh thường bộc phát, có thể có biểu hiện gồm giảm hay mất tri giác, hoạt động vận động bất thường, rối loạn hành vi, rối loạn cảm giác, rối loạn hệ thần kinh tự chủ.
Co giật ở trẻ em - nguyên nhân bệnh và xử trí
Hội chứng co giật ở trẻ sơ sinh
Co giật thường gặp đối với trẻ em trong độ tuổi 6 tháng đến 5 hay 6 tuổi, tần suất khoảng 3 đến 5%. Tỉ lệ co giật chiếm 0.2 đến 0.4 % tổng số trẻ sơ sinh. Tỉ lệ tử vong do mắc hội chứng này chiếm 10 đến 15 % số trẻ co giật.
Hội chứng co giật là là hiện tượng co giật tái đi tái lại không liên quan đến sốt hay tổn thương não cấp. Do đó, theo thống kê tại các bệnh viện, chỉ có khoảng 3 đến 4% trẻ sốt kèm theo co giật, và khoảng 96 đến 97% trẻ bị sốt sẽ không bị co giật.

2. Nguyên nhân gây co giật ở trẻ em

Tỷ lệ mắc hội chứng co giật cao nhất ở lứa tuổi < 3 tuổi và giảm dần khi trẻ lớn hơn. Có nhiều nguyên nhân gây co giật ở trẻ em, phân thành các nhóm sau:
a. Nguyên nhân nhiễm trùng
  • Áp xe não.
  • Viêm não.
  • Sốt cao co giật.
  • Viêm màng não.
  • Nhiễm ký sinh trùng trong não.
b. Các bệnh tâm – thần kinh
  • Sang chấn lúc sinh.
  • Dị tật bẩm sinh hệ thần kinh.
  • Bệnh thoái hoá não.
  • Thiếu oxy não cục bộ.
c. Rối loạn chuyển hoá
  • Tăng CO2 máu.
  • Hạ calci máu; hạ đường máu; hạ magne máu.
  • Thiếu oxy máu.
  • Bất thường chuyển hoá bẩm sinh.
  • Thiếu pyridoxine.
d. Chấn thương hay bất thường mạch máu
  • Tai biến mạch máu não.
  • Xâm hại trẻ em gây chấn thương não.
  • Chấn thương sọ não.
  • Xuất huyết nội sọ.
e. Ngộ độc
  • Ngộ độc rượu, thuốc chống dị ứng, thuốc gây nghiện.
  • Ngộ độc chì, khí CO.
  • Ngộ độc các thuốc chống trầm cảm.

3. Biểu hiện của trẻ co giật

  • Trẻ mắc hội chứng co giật thường có các biểu hiện chung như lưỡi có một số các biểu hiện bất thường, có thể một số trường hợp lưỡi lè ra ngoài, hoặc lưỡi rung liên tụctrong miệng.
  • Ngoài ra, một số các cơ quan khác cũng bắt gặp biểu hiện bất thường như hai bên mép, mi mắt, rung giật nhãn cầu, những vận động bất thường của nhãn cầu, nhai, rung giật các chi, chân duỗi thẳng, bệnh nhi có thể thường xuyên gục đầu, há miệng hoặc có khi còn chảy dãi.
  • Hội chứng co giật nặng thường khiến bệnh nhân ngừng thở trong một khoảng thời gian ngắn, hoặc tím tái từng cơn, các cơn động kinh tăng trương lực cơ toàn thân, vắng ý thức, các nhịp sóng chậm ở điện não đồ và rối loạn tâm lý.
  • Hội chứng co giật còn biểu hiện qua các dấu hiệu rối loạn thần kinh thực vật kèm theo vắng ý thức tạm thời. Một số trường hợp nếu bệnh quá nặng còn xảy ra vắng ý thức lâu dài, động kinh toàn thân, hoặc sốc khiến mắc bệnh thần kinh hoặc gây ra tử vong.
  • Co giật thường xảy ra từng cơn một, có thể điều trị nhưng khả năng tái phát rất cao, có thể xảy ra hôn mê, giảm trương lực, mất các phản xạ sơ sinh giữa các cơn.

4. Xử trí khi trẻ co giật

Co giật ở trẻ em - nguyên nhân bệnh và xử trí
Để trẻ nằm xuống và nghiêng sang một bên khi trẻ bị co giật
  • Đưa trẻ ra khỏi nơi nguy hiểm, tránh những nguy cơ có thể gây tổn thương cho trẻ.
  • Không cố gắng mở miệng trẻ cũng như cố gắng cho bất cứ thứ gì vào miệng trẻ.
  • Sử dụng thuốc hạ sốt khi trẻ có sốt cao ≥ 38o5 (Acetaminophen 10-15 mg/kg/lần).
  • Để trẻ nằm xuống và nghiêng sang 1 bên ngay khi có thể và duy trì đường thở cho trẻ không bị tắc nghẽn.
  • Đưa trẻ đi cấp cứu bệnh viện để chẩn đoán nguyên nhân và điều trị; phòng ngừa các cơn giật tiếp theo của trẻ để tránh tình trạng co giật kéo dài, liên tiếp sẽ không tốt cho trẻ.
Chú ý:
  • Sốt cao co giật chiếm 5% trẻ ở lứa tuổi 5 tháng – 5 tuổi và tiên lượng thường không ảnh hưởng gì đến phát triển của trẻ.
  • Luôn phải kiểm tra đường máu cũng như hạ calci máu là những nguyên nhân hay gặp tiếp theo để điều trị nguyên nhân.
Co giật không phải là một chẩn đoán hoàn chỉnh nhưng nó là triệu chứng của bệnh lý thần kinh có trước, đòi hỏi phải khảo sát toàn diện và có kế hoạch xử trí. Do đó bạn nên tìm hiểu về nó để giúp trẻ tránh mắc phải cũng như có phương pháp điều trị đúng nếu như trẻ mắc bệnh.
Theo Benh.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *