Cách để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ

Cách để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ

 

Nói đến nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, mỗi người sẽ có những liên tưởng và hình dung khác nhau. Tôi chỉ viết dưới góc nhìn của tôi, một phụ nữ mới sang tuổi thứ 30 và mới làm mẹ được 5 năm.

Chúng ta có thể không nhất thiết đồng ý với nhau về cụ thể cái gì sẽ nuôi dưỡng được tâm hồn trẻ. Nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ khó mà không đồng ý với nhau rằng cái gì nuôi dưỡng được tâm hồn trẻ là cái chạm được tới trái tim của trẻ, là những thứ đẹp để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng đứa trẻ.

Cái gì chạm tới được trái tim của đứa trẻ chỉ có thể là tình thương yêu đích thực, là sự kết nối với người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ, là hạnh phúc, là tự do được thể hiện và khám phá bản thân và thế giới theo cách riêng của đứa trẻ.

Có khó lắm không để làm được điều ấy trong những năm đầu đời của trẻ?

Sau đây là một số cách mà tôi đã và đang tập với các con trong những năm qua tới giờ:

1 – VUI ĐÙA

Thể hiện tình yêu thương với con rất quan trọng. Nhưng lắm khi cha mẹ bận bịu, căng thẳng, ưu tiên đứa em mà quên đứa lớn, mải bực bội vì trẻ không sống theo ý mình, mà rồi quên mất thể hiện tình thương cho con. Lắm khi cha mẹ chỉ nghĩ: “Đương nhiên là mình yêu nó, thì mình mới làm việc này, việc kia,… vì nó đấy.” Đó là những suy nghĩ của chúng ta. Nhưng đứa trẻ sẽ cảm nhận ra sao khi chúng ta không thể hiện qua hành động mà chỉ là những lời như “mẹ yêu con nên mới làm thế đấy nhé. Sau này con sẽ hiểu”?

Cảm nhận của trẻ rất quan trọng. Lắm khi cha mẹ vội khen trẻ và thể hiện “tình yêu” khi trẻ làm được gì đó hợp với ý cha mẹ. Nếu đúng là như vậy, thì đó chưa phải là tình thương đích thực. 

Chúng ta không cần phải chờ tới khi nào thấy trẻ làm được gì thì mới ghi nhận. Hãy ghi nhận sự có mặt của đứa trẻ và sự biết ơn của bạn vì con đã đến với bạn ở trên đời này. Nói chuyện nhẹ nhàng với con, vui đùa với con, cùng nhau hát một bài, cầm tay nhau nhảy, ôm con và thơm con chẳng vì lý do gì, chơi ú òa, trốn tìm, giả giọng quái vật, làm mặt xấu, từng động tác với con đều nhẹ nhàng,… đều là các cách đơn giản để ta thể hiện tình yêu thương cho con.

Đó cũng chính là sự kết nối, là hạnh phúc giản đơn mà vô cùng quý giá.

2 – ĐỜI SỐNG SINH HOẠT

Tất nhiên, đời sống không chỉ là vui cười, chơi đùa, và nhảy múa. Đời sống với con nhỏ còn có những trách nhiệm phải hoàn thành, những nhu cầu sinh hoạt phải thực hiện, những bài học quan trọng về giới hạn của hành vi sẽ khiến trẻ khóc khi bị cha mẹ ngăn cản.

Nếu cha mẹ chỉ coi những việc đó là nghĩa vụ, thì cha mẹ sẽ sớm nản với con nhỏ. Ăn uống và vệ sinh không chỉ là nghĩa vụ. Nó cũng là thời gian rất quan trọng để thể hiện sự quan tâm của bạn với con. Rất hiếm các cha mẹ đã tìm ra được niềm vui với con trong ăn uống, vệ sinh và các nhu cầu khác của trẻ. Những nhu cầu ấy của trẻ là thử thách cho cha mẹ để xem cha mẹ thực sự thương con tới chừng nào. 

Cha mẹ có quan tâm tới cảm xúc và mong muốn của trẻ trong những lúc ấy không? Hay cha mẹ dùng mọi biện pháp để làm cho nhanh những việc ấy, và khó chịu với trẻ? Cha mẹ có cho phép con tự ăn và tự lựa chọn thức ăn, hay biến giờ ăn thành giờ kiểm soát con cái? Cha mẹ có thấy được cái vui khi con cái được vầy nước và chơi với vịt đồ chơi trong phòng tắm không? Cha mẹ có tham gia được với tư cách là một người bạn không? Hay cha mẹ giục con tắm nhanh lên, để cha mẹ còn làm việc khác?
Có cha mẹ nói với tôi rằng họ không có thời gian cho con. Nếu bạn dành toàn bộ sự chú ý và yêu thương vào các hoạt động sinh hoạt bình thường của một hộ gia đình, thì bạn sẽ tìm thấy thời gian cho con bạn. 

Đó cũng chính là sự kết nối, là hạnh phúc giản đơn mà vô cùng quý giá.

3 – KHI TRẺ MẮC LỖI

Ở cấp đô cao hơn nữa của bài thử thách cho tình thương là các tình huống khi trẻ mắc lỗi. Khi trẻ mắc lỗi hay làm gì không theo ý người lớn, cha mẹ làm gì? Khi trẻ đòi hỏi những thứ không được phép, cha mẹ làm gì?

Khi trẻ mắc lỗi, nếu cha mẹ mắng mỏ, phạt trẻ cho úp mặt vào tường, ngồi vào chiếc “ghế hư đốn”, cho vào nhà vệ sinh hay phòng riêng rồi bỏ mặc trẻ ở đó, thì thông điệp đứa trẻ nhận được là gì? Là tình yêu của cha mẹ có điều kiện. Là tình yêu của cha mẹ ngừng ở đó khi trẻ không như mong đợi của cha mẹ. Đó là sự ngắt kết nối, là sự cách ly vừa là thể chất vừa là tinh thần cực kỳ kinh khủng. Hãy đặt bạn vào vị trí của trẻ. Bạn có muốn khi bạn làm gì sai thì bị cách ly và mắng mỏ cho tới khi bạn xin lỗi hay không?

Tôi e là không.

Khi trẻ không theo ý bạn, đó mới là lúc bạn chứng tỏ được cho trẻ rằng bạn vẫn còn yêu trẻ, tuy không đồng tình với hành vi của trẻ. Bạn giúp con ngừng hành vi không có lợi lại (như ném đồ đạc, đánh trẻ khác,…) nhưng giúp bằng tình thương chứ không giúp bằng bạo lực thể chất, ngôn từ hay tinh thần. Bạn có thể phải giữ tay trẻ lại, dẫn trẻ ra một chỗ, và nói: “Con không được làm vậy. Mẹ biết con buồn và giận. Mẹ ở bên cạnh con tới khi con hết khóc nhé!” 

Khi đứa trẻ khóc, đứa trẻ giận, đứa trẻ đánh nhau,… cha mẹ có đủ bản lĩnh để tiếp tục yêu thương con mà ôm con vào lòng hay không? Hay cha mẹ bước đi và bỏ mặc con khóc? Tình yêu cho con không thay đổi, hay cha mẹ thấy tình yêu vơi bớt?

Chúng ta không muốn gửi thông điệp “đừng mắc lỗi nữa, đừng khóc nữa. Làm thế không xứng với mẹ đâu nhé.” Mắc lỗi và các cảm xúc không mấy dễ chịu là một phần cực kỳ quan trọng trong quá trình học hỏi và trưởng thành của đứa trẻ. Thông điệp mà chúng ta muốn gửi cho con là “Có những điều bố mẹ phải ngăn con vì sự an toàn và phát triển của con. Bố mẹ sẽ ở bên con để giúp con hiểu đúng/sai. Bố mẹ luôn yêu con”.

Đó cũng chính là sự kết nối, là hạnh phúc giản đơn mà vô cùng quý giá.

4 – CÙNG NÓI CHUYỆN VÀ QUAN SÁT THẾ GIỚI

Hãy cùng trẻ làm điều gì đó đơn giản như đi bộ cùng nhau. Hãy chỉ cho trẻ mọi thứ xung quanh. Mà trẻ nhỏ tinh lắm. Chúng thường phát hiện ra những thứ mà người lớn chẳng bao giờ để ý tới, và cũng thích thú với những thứ mà người lớn chúng ta cho là thật tầm thường: Một con ốc sên, một cái lá, một mầm cây bé xíu, một con chó ở tít bên đường,… 

Đừng vội đi nhanh hay đi để tới đâu. Hãy đi một vòng và thử làm trẻ con mà xem. Đôi khi con bạn sẽ có những câu hỏi, hoặc đơn giản như: “Mẹ ơi, nhìn kìa!” Chúng ta nên hỏi con “Con nhìn gì đấy? À mình cùng lại gần xem nào!” hơn là “Có gì đâu mà xem! Đi thôi!”

Khi chúng đặt câu hỏi, hãy lắng nghe câu hỏi. Nếu bé nói: “Mẹ ơi, sao trời vẫn sáng thế nhỉ?” thì chúng ta có thể nói “Ừ, trời vẫn sáng. Con nghĩ là tại sao?”, hơn là không nói gì, trả lời qua loa, hoặc nói “Mặt trời kia kìa. Thế mà cũng hỏi!”

Nhiều cha mẹ bối rối không biết nói chuyện với con. Vì hiểu biết, nhận thức và thế giới quan của người lớn và trẻ không giống nhau. Cách đơn giản nhất để bạn tập là hãy ghi nhận những gì con nói, và đặt câu hỏi lại như ví dụ nêu ở trên. 

Bạn cũng có thể trả lời con – đó cũng là một cách tốt, nhưng hãy cẩn thận với câu trả lời của bạn. Bạn cũng có thể lôi kéo hướng chú ý của con, nhưng nếu con bạn không để ý thì đừng giận nhé. Trẻ con mà! Tốt nhất là luôn để bé dẫn dắt.

Nói chuyện để lắng nghe và để hiểu khác với nói chuyện cho qua và để thể hiện mình. Với trẻ chưa nói mấy, người lớn phải vô cùng nhạy cảm và quan sát tốt để biết bé đang chú ý tới cái gì và bé muốn gì. Diễn đạt được lại cái bé quan tâm và cái bé thích đã giúp bé cảm thấy hạnh phúc khi được cha mẹ hiểu.

Muốn có một cuộc hội thoại đích thực thì phải biết nghe, nghe ở đây là hiểu lời người kia nói từ góc độ của người kia, chứ không phải là nhìn những nội dung đó từ cách nhìn của mình rồi đánh giá họ.
Lắng nghe và hiểu cũng chính là sự kết nối, là hạnh phúc giản đơn mà vô cùng quý giá.

5 – THỂ HIỆN BẢN THÂN

Bạn hãy cho con bạn thể hiện bản thân con trong chừng mực an toàn. Nếu không có hành vi gây mất an toàn, gây tổn thương cho ai, vị phạm nguyên tắc quan trọng trong nhà, thì hãy để cho trẻ có lựa chọn và thoải mái sống đúng với cái tự nhiên nhất ở trẻ. Tránh can thiệp nhiều, tránh chỉ huy trẻ phải làm gì, phải chơi ra sao,…

Hãy ghi nhận bức tranh của con bạn đúng là một tuyệt phẩm của một con người bé nhỏ, chứ không phải tìm xem có chỗ nào để sửa. Hãy nói: “A, con vẽ mẹ đúng không? Mẹ có tóc này, có chân này, đi giày này” , thay vì “Tai của mẹ đâu? Sao người lại không có tai?” Nếu con bạn chưa cầm được bút đúng, hãy để con cầm tiếp và vẽ theo ý muốn của con, thay vì nói: “Mẹ đã bảo là cầm bút như mẹ. Nhìn lại mà làm cho đúng này.”

Hãy cho con chơi trò này được 5 phút rồi lại quay sang trò khác trong 5 phút tiếp theo khi con chủ động như thế, thay vì: “Con bị làm sao vậy? Ngồi yên tập trung đi. Kiểu này học hành gì về sau?”
Tôi đã gặp rất nhiều phụ huynh như vậy: vì mong muốn con giống với hình dung của mình mà cho rằng con không bình thường, rằng con phát triển không tốt, và cần uốn nắn. 

Chính vì bị cha mẹ can thiệp vào cách chơi tự nhiên, nên đứa trẻ trở nên khó chịu và bức bối chính vì bị cha mẹ kiểm soát. Một cái vốn là tự nhiên mà bị kiểm soát và áp đặt thì đương nhiên sẽ trở thành cái không tự nhiên. 

Hãy dành năng lượng cho mục số 3, chứ không phải mục này. 

Hơn thế, bạn cũng nên thể hiện bản thân với con một cách chân thật, chứ đừng cố gắng phải giữ hình ảnh ông bố hay bà mẹ nghiêm nghị, biết tuốt, không bao giờ sai lầm, hiểu mọi lẽ trên đời. Khi chúng ta cố gắng giả vờ làm cái chúng ta không là, thì sớm hay muộn trẻ cũng phát hiện ra. 

Khi tôi không biết, tôi nói với con rằng tôi không biết, nhưng tôi và con sẽ cùng tìm hiểu. Khi tôi mắc lỗi, tôi nhận lỗi với con và xin lỗi con. Đó là cách tốt nhất để dạy con. Trẻ có nhu cầu kết nối với cha mẹ, trẻ cũng muốn hiểu cha mẹ chứ đừng nghĩ rằng chỉ có bạn muốn hiểu trẻ! Bạn biết điều gì xảy ra khi tôi thể hiện những lúc yếu đuối của mình với con không? Con tôi an ủi tôi và vỗ về tôi. Con tôi hiểu ai cũng có lúc này, lúc khác, và những lỗi lầm không làm giảm giá trị của chúng ta, cũng như không làm giảm tình yêu thương của ta dành cho nhau.

Đó cũng chính là sự kết nối, là hạnh phúc giản đơn mà vô cùng quý giá.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *