Cách Chăm Sóc Chim Chào Mào Hay

Cách Chăm Sóc Chim Chào Mào Hay
Chim chào mào là một loài chim dễ nuôi , nhưng để chim hót hay dáng đẹp thì phải có kinh nghiệm nuôi chim thì mới làm cho con chim của mình thật nổi bật .
Chăm sóc Chào mào là cả quá trình kết hợp nhiều vấn đề: thức ăn, nước uống, thuốc thang, phòng và trị bệnh thường gặp, vệ sinh, bảo vệ, tập dượt … Theo tôi thì đối với chăm sóc Chào mào (hay đối với bất kì loài nào khác) thì các khâu trên đều quan trọng như nhau, không thể coi trọng hay xem nhẹ khâu nào cả. 
– Chế độ dinh dưỡng
– Chế độ vệ sinh
– Chế độ tập dượt
– Các vấn đề khác
Phần này mỗi người, mỗi vùng có cách chăm riêng nhưng cơ bản là đều có hiệu quả. AE đọc nếu thấy không đúng, hoặc có cách chăm khác thì trao đổi lại để cùng học hỏi kinh nghiệm của nhau – mục đích viết bài của tôi chỉ có vậy, mong AE nhiệt tình tham gia.
Chế độ dinh dưỡng:
Thức ăn cho Chào mào:
Thức ăn chính: quan điểm của tôi là không quá cầu kỳ đối với các thành phần của cám. Chào mào có nhiều nguồn thức ăn bổ sung, nhiều nguồn cung cấp bổ sung vi chất dinh dưỡng nên đối với cám ăn hàng ngày của nó, theo tôi chỉ cần đủ chất dinh dưỡng cơ bản là ok. Cám chim thì có nhiều hãng sản xuất, đóng gói bán nhiều trên thị trường, có thể mua về trộn thêm thuốc (nói kỹ phần sau) và một số thành phần bổ sung như trứng, tép khô lạt, tôm … Tôi nói vậy không có nghĩa chê bai cám tự làm. Nếu có điều kiện, chọn được một công thức hợp với chim thì tự làm cám cho chim theo các thành phần đó là tốt nhất.
Đối với cám tự làm hay với cám bán sẵn, sau khi mở gói thì không nên để quá 1 tháng. Nhiều khi nhìn cám vẫn tươi nguyên, mùi vẫn thơm ngậy nhưng đã có một số chất khi tiếp xúc với không khí nó bị biến đổi gây rối loạn tiêu hoá. Một điều quan trọng nữa, đã được nói đi nói lại nhiều rồi, nhưng tôi vẫn xin nhắc lại: khi đã xác định được công thức cám thích hợp rồi thì phải theo đuổi công thức này lâu bền, tuyệt đối không được đột ngột thay đổi các thành phần cơ bản của cám. Lý do là: cơ thể của chim đang thích nghi, đang phát triển bình thường với các thành phần cơ bản nào đó rồi, việc trao đổi, hấp thụ chất đang được diễn ra bình thường, nhưng đột ngột bị ngắt đi, thay vào một chất khác – điều này làm chim bị shock, cơ thể của nó vừa bị thiếu hụt các chất quen thuộc (bị cắt đi) vừa phải đối phó với mấy thứ lạ lẫm (mới bị tống vào). Nhẹ thì chim bị rối loạn tiêu hoá, suy nhược một thời gian, khi nào thích nghi với cám mới thì phát triển bình thường. Nặng thì đi tiêu chảy dài ngày, xù lông, thay lông bất thường, suy dinh dưỡng, suy kiệt, quy tiên … Muốn đổi cám thì bắt buộc phải làm từ từ, bạn trộn hai loại cám vào với nhau rồi hàng ngày rút dần tỷ lệ cám cũ đi, tăng dần tỷ lệ cám mới lên.
Về công thức làm cám thì ở diễn đàn cũng đã nói rất nhiều, với lại tôi cũng không muốn giới thiệu một công thức cố định. Tôi chỉ xin đưa ra (đề nghị) một số thành phần chính cho cám Chào mào:
– Các loại cám cho gia cầm bán đóng gói sẵn (Cám Ba vì, cám Con cò …),
– Trứng vịt, trứng gà: nếu trộn 10 quả thì lấy 10 lòng đỏ + 3 lòng trắng. Nếu không có điều kiện phơi, sấy thì nên luộc chín rồi cà nhỏ ra để trộn sau đó phơi, sấy thật khô. Cám trộn trứng thì mỗi mẻ làm cho ăn trong vòng 15-20 ngày thôi,
– Trứng vịt lộn, trứng cút lộn,
– Thịt rắn mối, thịt bò, tôm tươi,
– Tép lạt khô: theo tôi cái này chủ yếu cung cấp thêm can-xi,
– Bột ngũ cốc hoa quả (bột dinh dưỡng dành cho trẻ em),
– Cơm nấu từ gạo nếp lức: thứ này nóng, nếu chọn thì nên cho ít thôi.
Trên đây là một số thành phần chủ yếu tôi tham khảo được của mấy AE tự làm cám cho chim. Các bạn muốn tự làm thì có thể chọn thành phần theo tỷ lệ riêng của mình rồi tiến hành. Có điều – tôi xin được nhắc lại, đối với Chào mào thì không cần phải cầu kỳ lắm đâu. Làm càng cầu kỳ càng khó theo đuôi lâu dài.
Thức ăn bổ sung: Thức ăn bổ sung đối với Chào mào là trái cây, côn trùng.
– Trái cây: Chào mào đặt biệt thích chuối (zám nó có họ hạng với … khỉ ??!). Có điều kiện thì cho ăn chuối tây (chuối cúng) là tốt nhất, không làm cho chim bị tiêu chảy. Ngoài ra nó cũng thích ăn nho, cà chua, hồng, cam quýt ngọt, dưa hấu … – nói chung là các loại trái cây chín có vị ngọt. Về liều lượng thì trong một tuần có ít nhất 3 ngày chim được ăn trái cây.
Chào mào cũng thích ăn khoai lang, khoai tây, khoai mỳ, cà rốt luộc – thứ này cho nó ăn nhiều cũng tốt (bạn phải luộc lên, nếu không thì nó không thể nào nhá nổi).
– Côn trùng: Cào cào non là lựa chọn số 1, nhưng có con thích ăn cào cào, có con không thích, không ăn, bạn phải tập cho nó ăn bằng cách cho nhịn đói rồi để mấy con cào cào vào cóng (bẻ cẳng cào cào đi, chỉ cho nhúc nhích được thôi). Có điều kiện cho ăn đều đặn hàng ngày thì quá tốt, nếu không thì vài ba ngày cho ăn một lần, mỗi lần chừng 5-7 con là vừa. 
Sâu quy: cho ăn ít thôi, ăn cho vui, cho đỡ nhạt mồm thôi – như thể mình cắn hột dưa vậy. Không nên cho Chào mào ăn nhiều sâu. Mỗi tuần mỗi con chào mào ăn chừng 1,5-2 muỗng cà phê sâu là vừa. Không nên cho Chào mào ăn dế – dế hăng không hợp với Chào mào. Bạn cũng không nên tập cho Chào mào ăn thịt bò, thịt heo tươi sống, tôm tươi – không tốt cho hệ tiêu hoá của nó.
Có điều này các bạn cần lưu ý: khi dọn lồng chim thì hay có mấy con sâu bị ku chim làm vãi xuống đáy lồng. Các bạn tuyệt đối không được tiết kiệm = cách cho nó ăn lại mấy con đó, mà phải làm mấy lỗ nhỏ ở đáy lồng để sâu vãi lọt hẳn đi. Sâu vãi nó sống nhờ phân chào mào, cho ăn lại như vậy khác jì bạn cho Chào mào ăn phân của chính nó – ruột gan nào chịu nổi ?!
Nước uống: Nước uống cần sạch sẽ là đủ rồi, không cần phải đun sôi để nguội chi cho cầu kỳ, nên lấy nước từ bể hay lu chứa để không còn hơi thuốc clorua trong nước máy. Cóng nước không để quá 03 ngày, không để rong bám, đặt biệt, nếu ông chim ị vào là phải đem ra thay ngay. Gớm! có nhiều ông nuôi chim nhiều quá không chịu dọn dẹp để cho cái cóng nước như cháo loãng mới chịu thay … Cóng nước thì bạn nên để cóng sành để tiện theo dõi – chim có thể nhịn đói được chứ tuyệt đối không thể nhịn khát.
“Đồ nghề” để bắt đầu chơi Chào mào, tối thiểu bạn phải sắm:
– Lồng chim: Lồng vuông hay tròn jì tuỳ sở thích người chơi, lồng Chào mào thì loại tầm 52-56 nan là vừa, khoảng cách nan thì đủ chỗ để ông ku thò đầu ra ngoài là được. Nếu sử dụng lồng tròn thì nóc lồng nên dùng nan đôi hoặc nan 3. Vì lúc bay hoảng hoặc lúc xáp lồng cho cắn nhau, Chào mào nó thường hay vươn lên phần nóc và bị kẹt đầu vào phần uốn giữa nóc lồng và thân lồng. Hic, nó bị treo cổ như thế thì khốn khổ lắm, giãy hoài mới lọt ra được, lông lá tung toé xác xơ ra, bị đơ cả cổ, đau 2 bên hàm – chim đang sung mà bị vậy thì còn nói jì được nữa – bị xong nó sẽ hoảng, nhát trở lại mất cả tháng. Nếu nan nóc thư mà chim có thể thò đầu ra ngoài được thì bạn phải đan che tạm lại, bạn có thể cẳ dây da (da làm bố lồng) và đan như hình sau:
Lồng tháo đáy thì tiện cho việc dọn vệ sinh lồng, nhưng tháo hay không tháo thì vẫn nên dùng lồng đáy kín để tránh gió lùa thốc từ dưới lên – nguy hại cho ông ku chim. Khi lồng để không không sử dụng thì bạn nên kéo cửa ra, để nhỡ có ông ku chuột nào muốn vào thám hiểm thì có đường ra vào, nếu không ông í sẽ cắn nan chui vào, xong lại cắn nan chui ra – phiền toái cho ông í và cho cả mình nữa.
– Áo lồng: Theo tôi cái áo lồng rất quan trọng – nó có nhiều tác dụng: tủ ấm cho chim, tránh gió lùa. Đối với chim bổi mới bắt về thì nó còn là chỗ núp kín đáo giúp chim bớt căng thẳng, Đối với chim thuần thì áo lồng che mặt không cho giang hồ thấy nhau – có tác dụng kích sung chim, khi vận chuyển đi xa thì phải tủ áo lồng, áo lồng góp phần hạn chế mèo, chuột tấn công chim vào buổi tối nữa. Mỗi một lồng chim cần có một áo lồng và cần phải được sử dụng hợp lý. Treo chim ra ngoài cho chơi thì cuộn hết áo lên, khi cất đi thì trùm lại để hở ½ lồng ra, tối thì tủ kín lại. Đối với chim bổi mới bắt về thì nhất thiết phải tủ áo lồng lại nhưng không được tủ kín mít, ban đầu thì hé sơ chỗ phần cửa lồng ra, rồi mở ra từ từ đến khi nào mở hết được ½ lồng là tạm ổn. Làm như vậy nó sẽ mau dạn hơn, lý do là: chim mới bị tống vào lồng thường nó hoảng sẽ nhảy lung tung, thấy jì cũng sợ, cũng nhảy, càng nhảy thì đầu đuôi càng toét ra, càng đau, càng đau thì càng nhát, càng nhát thì càng nhảy … cứ luẩn quẩn mãi vậy thành thử con chim nó lâu dạn. Không có áo thì nó cứ thấy chỗ nào thoáng là xăm đầu xông ra, có cái áo, nó có chỗ núp kín đáo, hễ động là nó bu vào đâu đó trong áo và yên tâm nghe ngóng. Đối với chim bổi mà tủ kín mít hết lại thì cũng không ổn, nó nghe động đì đùng bên ngoài nhưng mà không thấy, không hiểu chuyện jì đang xảy ra ngoài í thì nghĩ cũng khiếp, phải hé ra cho nó đừng có bị tò mò, nghi ngờ rồi nghĩ ngợi linh tinh. Phải tạo điều kiện cho nó lén nhìn ra, thấy sợ thì có chỗ trốn, cứ vậy từ từ nó quen và nhanh chóng dạn dĩ. ở trong áo nó cứ thấy dáng người đi qua đi lại hoài thì cũng quen dần và dạn với người.
– Bộ cóng: Cần phải có tối thiểu là 3 cóng: 1 đựng cám, 1 đựng nước, một đựng sâu. Cóng nước thì nên dùng cóng sành, cóng thuỷ tinh loại trong để dễ theo dõi, đảm bảo nước sạch và luôn luôn có nước. Nước hay cám jì thì cũng không nên để lâu quá 3 ngày. Khi châm cám cho chim các bạn lưu ý là không nên cứ thế đổ cám thêm vào cóng mà nên chịu khó lấy cóng cám ra, lấy hết phần cám cũ ra để kiểm tra xem có bị mốc hay không, đổ cám mới vào rồi đổ cám cũ lên trên. Làm như vậy để đảm bảo là ông ku chim không bị xơi cám mốc. Cám để trong cóng tầm 5 ngày là bị mốc, mà thường thì mình chu đáo, đâu có để hết sạch mới châm, nếu không để ý mà cứ thế đổ vào là ông chim lúc nào cũng phải xơi cám mốc mà mình không biết.
– Bố lồng: dùng để lót vào đáy lồng chim tiện cho việc vệ sinh. Trên bố lồng, các bạn nên lót thêm 3-4 lớp giấy báo để hút nước của phân chim. Hai ngày là phải thay báo một lần, nếu càng để lâu thì càng được nghe người nhà càm ràm và càng có nhiều cơ hội nhiễm bệnh về hô hấp (cả bạn và chim). Hơn nữa, phân chim nó nhiều khí cacbonic, lại tủ áo thường xuyên nên phải hạn chế việc để nhiều phân trong lồng. Có nhiều người chơi chim mà nhìn vào đáy lồng cứ như mấy hòn non bộ (hic, viết ra mấy dòng này mà tôi thấy … xấu hổ quá … !!!).
– Cầu đậu: Cầu đậu cho chim Chào mào cần phải nhám và nhỏ thôi, cầu tròn đường kính tầm 1-1.2cm là ok. Nếu dùng cầu lượn cho đẹp thì cũng tốt, nhưng nhất thiết phải có một chỗ cao, bằng phẳng để chim đậu trên đó, chim đậu cầu lượn mà không có chỗ thăng bằng thì hay bị yếu một bên chân, hoặc nó có thói quen đậu cóng. Lắp thêm cầu phụ nếu lồng tương đối cao và rộng rãi. Các bạn lưu ý khi lắp cầu phụ thì gài cái thế để chim khi lên đậu cầu phụ thì đừng có ép sát lồng quá, lông đuôi sẽ bị mài vào nan lồng hỏng hết.
– Lồng tắm: Đồ chuyên dụng dùng để tắm cho chim, sang qua lồng tắm để vệ sinh lồng nuôi. Lồng tắm thì bán sẵn rất nhiều. Các bạn lưu ý 90% chim bị sẩy là sẩy từ lồng tắm ra. Lồng tắm thường có nhiều cửa, cửa nào không sử dụng thì nên cột cố định lại cho chắc ăn. Trong lồng tắm không nên để cầu đậu. Nhiều bạn nghĩ để cầu đậu vào đó để cho nó khi nào tắm xong thì lên đó đứng rỉa lông – không có đâu, gặp con lười tắm nó cứ đứng ì trên cầu khó chịu lắm, lấy cầu ra thì chim nhanh chịu tắm hơn.
– Lồng bẫy: Cũng nên sắm sẵn một cái, trước là để phòng hờ nhỡ chim bị sẩy thì còn có cái để mà hy vọng, sau là khi rảnh rỗi thì cũng đi dợt rừng với chị với em …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *