Xử lý vẹt cắn bằng sự thân thiện

Xử lý vẹt cắn bằng sự thân thiện

Ngoài việc Vẹt thường sử dụng mỏ để ăn, uống, còn cho nhiều hoạt động khác: leo trèo, thăm dò, làm tổ và đặc biệt là tự vệ. Hiện tượng vẹt cắn chủ yếu là do nó tự vệ. Người nuôi vẹt bị vẹt cắn là chuyện thường ngày ở huyện.
Trong quá trình chăm sóc, bạn quan sát con vẹt của bạn rất kỹ lưỡng, bạn sẽ thấy rằng mỗi khi nó sắp cắn, nó sẽ cảnh báo bạn bằng những hành vi như xù lông, há mỏ, hay la hét để đe dọa đối thủ.
Chẳng hạn, khi bạn bắt ép (cưỡng bức) vẹt vào lồng, nhưng con vẹt không muốn, nó thể hiện hành vi rằng nó thích được ở ngoài hơn là bị nhốt một mình trong cái lồng, như là nó há mỏ ra đe dọa, hay phản ứng tiêu cực như đi thụt lùi vào lồng…Hoặc nhiều khi trẻ con hay có người hay trêu đùa làm nó tức giận, nó cũng há mỏ hoặc phát ra âm thanh chói tai để đe dọa…
Nếu chúng ta không biết, chúng ta xử lý thô bạo với nó, hành vi mạnh mẽ với nó thì nó sẽ phản ứng quyết liệt hơn, bằng cách dùng mỏ cắn mạnh và nghiến rất mạnh. Vết cắn để lại đốm đỏ trên da, hay tím bầm hoặc có thể lủng da và chảy máu tùy theo mức độ giận dữ của nó. Hậu quả cho chủ nuôi là tạo ra khoảng cách càng xa với nó, làm cho nó kém thân thiện với chủ hơn và như vậy khó có thể dậy nó nói được. 
Vẹt có: “ưu điểm là nhớ rất lâu, thành tích thù rất dai”. Đặc điểm này rất khác với chim hót. Bởi vì với chim hót, bạn chỉ cần chăm tốt về dinh dưỡng, về môi trường: tắm nắng, tắm nước, thoáng đãng là đến tuổi, chúng sẽ hót. Một khi bị ức chế, sau một thời gian chăm sóc và phục hồi chim lại hót bình thường. Còn với loài vẹt, chúng không thân thiện với ta thì khó mà huấn luyện chúng, để chúng bắt chước và tập nói. Vẹt nói được là mục tiêu chính của nuôi vẹt; thời gian tập nói của vẹt nghiêm ngặt hơn, qua thời gian tập nói, vẹt không nói được là bỏ qua luôn. Thứ hai là vẹt rất nhạy cảm trong xử sự của con người với chúng. Có nghĩa là chúng rất dễ bị ức chế (stress). Nếu chúng bị ức chế rồi thì rất khó phục hồi. Hậu quả là chúng rất dễ không thân thiện với ta. Thấy người đến gần là cắn, la hét hoặc lầm lì như một nhà hiền triết… 
Việc dạy vẹt nói chỉ tập trung vào thời điểm khi vẹt còn non (khoảng 6-12 tháng tuổi) là dễ nhất. Nếu qua thời điểm này thì cũng rất khó mà dạy vẹt nói được. Vì vậy, trong thời điểm huấn luyện nói cho vẹt cần tránh là không để vẹt giận và gây ra stress. Một khi đã bị stress, vẹt lại càng có hành vi hay cắn hơn, và đã cắn là rất đau. Đối với vẹt thuần dưỡng (nuôi đẻ nhân tạo, như cockatiel chẳng hạn) thì điều này ít nghiêm ngặt hơn vẹt tự nhiên. Nó cũng cắn nhưng không cắn mạnh mẽ như các con vẹt khác: vẹt ngực hồng, đầu xám, má vàng…
Chúng ta sẽ xử sự thế nào với hành vi hay cắn của vẹt, có nghĩa là giảm đi hành động cắn của nó với chủ nuôi nhất là trẻ em hay trêu trọc nó. Câu trả lời chung nhất là bằng cách tạo ra sự thân thiện với nó ngay từ khi còn non, như câu ngạn ngữ: khi “còn thơ” hay “bơ vơ mới về….” Xin đưa ra vài chiêu để cùng chia sẻ.
1. Chiêu thứ nhất là tìm hiểu thức ăn và đồ chơi chúng ưa thích. Bạn phải thay đổi hành vi của mình để nó thân thiện với mình thông qua món thức ăn hay đồ chơi nó ưa thích như là những phần thưởng dành cho nó. 
Ví dụ; khi nó đang chơi ở ngoài lồng, ta muốn nó đi vào lồng (nếu nuôi lồng) làm sao để nó thấy vào lồng là luôn luôn được nhận những phần thưởng, với thức ăn ngon, có đồ chơi đẹp, nó sẽ vui vẻ mà không biểu hiện phản ứng của một sự cưỡng bức. Do vậy, việc thiết kế lồng cũng như chỗ “sân chơi” của nó nên có những đồ chơi hay trang trí màu sắc rực rỡ tạo ra sự hấp dẫn cho nó.
Trong quá trình chăm sóc cố gắng tìm hiểu đặc tính riêng của mỗi con vẹt mình nuôi và sở thích của nó, cũng có thể tạo cho nó một sở thích để dụ dỗ nó. Bên cạnh những món thức ăn truyền thống, như hạt kê, bắp, lúa, đậu phộng, hạt hướng dương…, có thể huấn luyện cho nó thích một vài món thức ăn nó thích đặc biệt.
Con Má vàng của mình rất thích ăn bánh mì, còn con Cockatiel lại rất thích ăn hạt láng. Vì vậy, mỗi khi nó rời xa khỏi lồng chơi, muốn dụ nó vào lồng, hoặc dụ nó đến gần thì thường lấy mẩu bánh mì hay vài hạt láng để dụ chúng nó. Dần dần với chiêu dụ này, vẹt sẽ thân thiện với chúng ta và ít cắn hơn. Nếu có cắn cũng nhè nhẹ như là hành vi làm quen.
3. Chiêu thứ hai tạo ra sự âu yếm. Vẹt cũng rất thích chiều chuộng với tình cảm thự c sự dành cho nó. Luôn luôn tỏ ra thân thiện với nó bằng cách làm thế nào để tiếp cận và vuốt ve nó. Vẹt rất thích vuốt ve ở vùng cổ. Làm sao mỗi ngày vài lần để nó chấp nhận được vuốt ve trong 5-10 phút/lần. Việc này bạn phải kiên trì, làm lặp lại từ từ. Vẹt chấp nhận cho xoa đầu có nghĩa là bạn sẽ bắt đầu có thiện cảm với nó. Nó sẽ không cảm thấy sợ (áp lực) bạn nữa và như vậy, nó sẽ giảm hành vi tự vệ thông qua việc cắn bạn. Như thế là thành công. Nhưng không có nghĩa là xoa đầu được nó là nó thôi cắn. Thỉnh thoảng vẹt vẫn cắn bất tử khi chúng không thích. Hành vi này cũng giống như “sếp nhà” của mình, nhiều khi cũng giận dữ bất thường, như thời tiết: muốn nắng thì nắng, muốn mưa thì mưa. Người nuôi vẹt để luyện nói nhiều khi phải rèn luyện chữ nhẫn mỗi khi “sếp” không vừa lòng. Khi này nhẫn nại là cách tốt nhất để có sự thiện cảm của các Chú vẹt xử lý “kém lịch sự” với chủ nuôi. 
Tôi cũng đã xoa đầu cho con Má vàng cũng như con Cockatiel được rồi, nhưng nhiều khi vẫn phải chịu nó cắn bất tử rất đau, có khi chảy cả máu. Nuôi vẹt phải chấp nhận bị cắn là chuyện thường tình. 
4. Chiêu thứ ba là tìm ra được “điểm yếu” để “điểm huyệt” mỗi khi cần. Điều này thực sự là mình huấn luyện chúng hoặc tạo ra ‘uy quyền” với nó. Giống như trẻ em, vẹt có “cảm nhận được” về những gì là được phép và không được phép. Bên cạnh hành vi “thưởng”, chúng ta phải có có cả hành vi “phạt” nó, hay dọa nó để nó phải vào chuồng hay lay làm theo một hành động nào đó, như không được hét, không được cắn…Nhưng câu mệnh lệnh rõ ràng nhưng nghiêm khắc, ví dụ: Vào chuồng đi! Cũng như không ngoan sẽ bị đòn thông qua ánh mắt nhìn đầy uy quyền với nó. Khi nó không muốn vào, có thể chỉ tay như ra lệnh phải vào chuồng, hay cầm que ra lệnh cho nó phải vào chuồng.
Trong quá trình chăm sóc con Má vàng, mình đã phát hiện nó rất sợ cây phất trần làm bằng lông gà. Khi điều khiển nó, nếu nó không nghe, nhưng nếu đưa chổi lông gà ra là nó tìm đường leo vào lồng ngay. Hoặc đưa phần cán của cây phất trần vào gần hai chân nó, là nó nhẹ nhàng bước hai chân lên cán phất trần để mình đưa nó vào chuồng. Điều này ví như Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân rất sợ vòng Kim Cô…
Trên đây là 3 Chiêu vừa tìm hiểu vừa là kinh nghiệm thực tế xin chia sẻ cùng các bạn nuôi vẹt và yêu thích vẹt cũng những ai muốn tìm tòi một con Chim thông minh, bướng bỉnh và lắm lời nhưng vẫn có thủy chung đôn hậu khi đã được cảm hóa đúng mức./.

Bài Liên Quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *