Ồ ạt tận diệt chim rừng

Ồ ạt tận diệt chim rừng
Chim săn về được các thương lái thu mua rồi tỏa đi các hướng để tiêu thụ. Chim rừng trên địa bàn đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt.
Ồ ạt vào rừng săn chim
Anh Sơn là một huyện miền núi với đặc điểm nhiều đồi núi và các loại cây bụi. Đây là điều kiện lý tưởng cho nhiều loài chim, đặc biệt là chim quý hiếm về đây cư trú, sinh sản và phát triển. Với đặc điểm thuận lợi đó, những tay săn chim xem đây là cơ hội “hái ra tiền”, giúp họ có một khoản thu nhập gấp bội so với nhiều nghề khác.
Chim rừng tưởng như khó bắt, thế nhưng với nhiều cách đánh bắt mang tính tận diệt do con người sáng tạo ra như hiện nay, nhiều loài chim rừng đã trở thành mục tiêu của những cuộc săn bắt. Chưa bao giờ tình trạng săn bắt và tiêu thụ chim cảnh lại diễn ra sôi động như thời điểm này. Chỉ cần đặt chân vào bất cứ khu rừng nào trên địa bàn huyện vào buổi sáng sớm hay chiều tà cũng có thể bắt gặp nhiều tay săn chim mang dụng cụ len lỏi khắp các cánh rừng.
Một thợ săn với nhiều loại bẫy vào rừng săn chim
Tuấn, một tay săn chim có kinh nghiệm cho biết: “Nhiều người đánh chim lắm anh ơi! Trước đây chim nhiều lắm, còn bây giờ, do giá chim cao, nhiều người bẫy nên chim cũng hiếm, muốn bắt được chim quý thì phải vào rừng sâu hơn”. Nghe Tuấn nói vậy, tôi thắc mắc: “Chim rừng khó bắt vậy, bẫy bằng cách nào?”. Tuấn không ngần ngại liệt kê ra các loại bẫy chim mang tính phổ biến, nào là ban ngày thì dùng bẫy bằng lồng sập, bẫy dây thòng lọng, bẫy keo dính, ban đêm thì dùng lưới giăng sẵn rồi lùa cả đàn cho mắc lưới…
Tuy nhiên, theo Tuấn, loại bẫy hiệu quả nhất được các thợ săn thường dùng là bẫy lồng sập, bởi bẫy bằng lồng sập thường bẫy được nhiều loại chim, hơn nữa chim bẫy được không bị xây xát thân thể nên bán được giá cao hơn.
Chim rừng trên địa bàn huyện Anh Sơn rất đa dạng, từ những loài chim rẻ tiền như chào mào… cho đến những loài chim quý hiếm như vẹt, yểng, cu gáy, họa my, khướu, vành khuyên… Chúng có mặt ở hầu hết mọi cánh rừng. Tùy vào tay nghề mà thợ săn chim có thể bẫy được nhiều hay ít loài chim.
Được biết, hiện tại giá chim được các thương lái mua từ các tay săn chim rất đa dạng, giá trung bình: cu gáy 400 nghìn đồng, chào mào mồng má đỏ 120 nghìn đồng, gà tre 600 nghìn đồng, vẹt 800 nghìn đồng, sáo 150 nghìn đồng, họa my 250 nghìn đồng… Với giá cả như vậy, đây là một sức hấp dẫn đối với nhiều người gắn bó với nghề săn chim.
Trong rừng vắng tiếng chim, ngoài phố chim hót khắc khoải
Chim rừng lẽ ra phải được tự do bay nhảy theo bản năng tự nhiên, thế nhưng, vì nguồn lợi kinh tế lớn từ việc săn chim mang lại, cùng thú chơi của nhiều người mà loài chim mất đi sự tự do và đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt. Điều đáng buồn là, trong rừng ngày càng vắng hẳn tiếng chim, trong khi đó ngoài phố, những loài chim kia đang phải sống kiếp “chim lồng”, chúng có hót nhưng chỉ là những tiếng hót khắc khoải.
Theo ông Võ Lợi, xóm 13, xã Long Sơn, một người ở gần rừng cho biết: “Buồn thay khi ở ngay cạnh rừng mà không còn được nghe tiếng chim hót, trong khi đó ngoài phố đâu đâu cũng thấy tiếng chim. Cứ tình trạng săn bắt chim ồ ạt như hiện nay thì, chẳng bao lâu nữa sẽ chẳng còn tiếng chim rừng. Trước đây, khi đến mùa chim làm tổ, trong vườn nhà tôi năm nào cũng có đến hơn chục loài chim về làm tổ ngay trong vườn. Chúng líu lo hót suốt ngày. Còn bây giờ, lâu lâu mới thấy tiếng chim hót”.
Chim rừng được bày bán công khai trên phố
Quả thật, tại nhiều bìa rừng trong suốt quãng đường tôi cùng Tuấn trở về, mặc dù cũng có cây rừng nhưng hầu như chúng tôi không nghe tiếng chim hót, có chăng chỉ là tiếng của những chú chim sâu thưa thớt. Trong khi đó, tại nhiều chợ, các tuyến đường trên địa bàn huyện Anh Sơn, chim rừng lại được bán công khai như hàng hóa.
Chim rừng không chỉ được bán tại các cửa hàng mà còn được bán công khai trên những chiếc xe di động, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Anh Sơn. Dạo quanh một vòng tại thị trấn, chúng tôi thấy có đến gần chục cửa hàng bán chim. Cửa hàng nào cũng rất nhiều chim với đầy đủ chủng loại, được nhốt trong nhiều lồng màu sắc sặc sỡ. Đến cửa hàng nào chúng tôi cũng được chủ cửa hàng “quảng cáo” nhiệt tình, với đủ giọng điệu thuyết phục người mua.
Tuy nhiên, có một điều lạ là, những chú chim được nhốt trong những “nhà tù” kia không được như lời người bán giới thiệu. Chỉ cần có người nhòm ngó, xăm xoi là những chú chim tội nghiệp kia bay, đạp loạn xạ, có con rụng hết cả lông nhưng vẫn không thoát khỏi những “nhà tù”, hoặc có con mắt lim dim ủ rũ, có con cũng hót nhưng là tiếng hót yếu ớt, khắc khoải, đứng ngẩn ngơ như nhớ rừng, nhớ núi…
Cơn sốt săn và buôn, bán chim rừng đang nở rộ trên địa bàn huyện Anh Sơn trong những năm gần đây. Vì món lời “khủng” từ nghề săn bắt chim rừng nên rất nhiều người đổ xô vào rừng bẫy chim mang về bán cho các thương lái. Chim rừng đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *