Chim Sơn ca

Chim Sơn ca

Sơn ca có nhiều tên gọi khác nhau, tuỳ theo địa phương. Ở nước ta, tên Chiền chiện được gọi nhiều nhất; Còn Huế gọi là Cà lơi; Quảng Nam, Quảng Ngãi gọi là Chà chiện. Sơn ca là một trong làng chim hót hay. Tiếng hót của nó đã đi vào bài thơ “Thăm lúa”.

“… Bay vút tận trời xanh
Chiền chiện cao tiếng hót
Tiếng chim nghe thánh thót
Vang vang khắp cánh đồng.”

Không gì đẹp bằng khi lúa mùa trĩu hạt, dưới ánh nắng mai, trời xanh trong mà nghe Chiền chiện hót. Tiếng chim nghe cao vút, vang xa, trong veo. Cứ từng hồi, từng hồi chim vút lên cao, dễ chừng hơn mười mét rồi nó từ từ rung cánh hạ xuống. Đó là mùa gọi bạn tình. “Chàng” Sơn ca trống khoe mã. Đôi khi “chàng” tìm một mô đất cao hay cọc cây trống trải. “Chàng” hót đến say mê một bản tình ca cho đến khi có bóng “nàng” thấp thoáng đâu đó. Chừng như chúng đã thấy nhau. Thế là tiếng hót “chàng” càng tha thiết. “Chàng” lại bay lên thật cao, bổ nhào xuống đến khi cách mặt đất vài mét bỗng dừng lại, rung cánh hạ xuống trước mặt bạn tình. “Nàng” ưỡn ngực, sè sè cánh, lượn một vòng. Đúng là “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Chúng đã thành bạn tình và rủ nhau đi xây tổ ấm.

Quê ngoại tôi ở vùng núi Bà – sát chân núi là ruộng lúa, rẫy bắp, đậu đầy bông cỏ. Ngày còn bé, thấy chim là đuổi theo nhưng không bao giờ bắt được. Cậu tôi cũng mê chim lắm. Trong nhà lúc nào cũng có nhiều lồng. Đủ loại: Sáo, Chích choè, Bạc má và Sơn ca. Cậu bảo rằng, Chiền chiện rất nhát, khôn lanh nên khó bẫy bắt. Cách tốt nhất là bắt chim con. Tìm tổ nó không phải dễ. Phải hiểu tập tính của nó mới tìm ra. Sơn ca rất cảnh giác với người. Mỗi lần tha mồi về cho con nó luôn đậu cách xa tổ năm bảy mét, mặt ngó về phía tổ xem có động tĩnh gì không. Nếu có người, chúng lánh xa khi an toàn nó mới chạy lại tổ. Muốn bắt chim con, người ta phải núp chỗ khuất theo dõi. Tổ Sơn ca ở dưới đất bên bờ khe, bờ ruộng, cách mặt đất chừng vài mươi phân tây, có cây che phía trước. Bắt chim non vừa đủ lông là dễ nuôi nhất.

Theo sách “Đời sống các loài chim” của giáo sư điểu học Võ Quý thì Sơn ca có tên khoa học là Alauda arvensis thuộc họ ALAUDIDAE. Có chừng 70 loài khác nhau từ Âu sang Á. Sơn ca nhỏ như chim sẻ, chỉ đi chứ không nhảy. Sắc lông thay đổi theo vùng. Vùng cát, lông chim màu vàng rơm hay nâu nhạt; vùng đất đen, lông sậm hơn, từ màu hạt dẻ ngả đen. Chim Sơn ca ở nước ta là loài Alauda gugula. Đặc điểm là móng chân sau khá dài. Thức ăn chính là sâu bọ côn trùng: Cào cào, Châu chấu, Kiến non, Lúa, Bông cỏ. Mùa xuân, chim ghép đôi sinh sản. Mỗi lần đẻ 3 đến 5 trứng, có sọc nâu. Ổ trứng bằng cỏ, rơm, đơn sơ nhưng kín đáo. Ấp độ 15 ngày là nở. Chim trống và chim mái đều mớm mồi cho con. Ngày nay nhờ thực phẩm tổng hợp nên dễ nuôi. Thỉnh thoảng cho chim ăn bổ túc mồi tươi: Cào cào; trứng Kiến.

Người ta thích nuôi Sơn ca vì tiếng hót rất hay. Lồng Sơn ca khác hơn lồng thường vì Sơn ca có tập tính bay vút lên cao, để tránh va chạm vào đỉnh lồng, nên lồng phải cao đến bảy tám mươi phân. Trong lồng, ngoài hũ đựng thức ăn, nước uống còn cần thêm một bệ (cầu) để chim đứng hót. Bệ cao chừng 15 hay 20cm bên trên có ngù hình tròn đường kính cỡ 5 – 6 phân. Tuỳ theo sở thích và hoàn cảnh mà nghệ nhân làm lồng bằng nhiều chất liệu khác nhau.

Sơn ca không đẹp nên giá trị chim được chọn lựa theo cách hót và tiếng hót. Chỉ có chim trống hót thôi nên khi bẫy chim, người ta chỉ chọn chim trống, chim mái thả về với thiên nhiên. Chim trống có mào là những sợi lông cao ở đầu. Người ta đặt ra các tiêu chuẩn cho chim hót kể cả chiền chiền như sau: Chim phải hội đủ tam thanh và tứ tuyệt.

Tam thanh: Chim hót đủ 3 giọng:
– Giọng thanh phải cao, trong, không chét (rè), không chói tai.
– Giọng bình phải đều, êm dịu, uyển chuyển, không đục.
– Giọng trầm phải ấm áp, không rè, không nghẹn.

Tứ tuyệt:
– Âm tuyệt (như âm thanh)
– Điệu tuyệt là tiết tấu khi thì rộn ràng, nhịp nhàng tươi sáng.
– Thế tuyệt là phong cách, lúc hót phải đậu nơi đỉnh cao, vươn cổ, rung cánh, mào dựng.
– Thì tuyệt – Hót lâu, không dứt quãng, không sợ khi có đối thủ.

Ngày nay thú chơi chim đã lên đến đỉnh cao nên việc chọn chim đòi hỏi nhiều công phu: Chim phải khoẻ, linh động, mướt mát và phong cách hót “gói trong” mấy chữ tam thanh, tứ tuyệt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *